Cát Tường biên soạn Cửu âm bạch cốt trảo là một trong nhiều môn võ công được ghi lại trong bộ sách Cửu âm chân kinh, bộ võ công tối thượng t...

Cửu âm bạch cốt trảo

Cát Tường biên soạn

Cửu âm bạch cốt trảo là một trong nhiều môn võ công được ghi lại trong bộ sách Cửu âm chân kinh, bộ võ công tối thượng trong bộ tiểu thuyết võ hiệp Xạ điêu tam bộ khúc (Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên đồ long ký) của nhà văn Kim Dung. Nổi danh nhất với môn võ công này là Mai Siêu Phong, biệt hiệu Thiết Thi, y thị là trong 6 đệ tử đầu tiên của Đông Tà đảo chủ Đào Hoa Hoàng Dược Sư.


Cửu âm bạch cốt trảo thực chất trong Cửu âm chân kinh mà Chu Bá Thông truyền thụ cùng cửu âm chân kinh trong hang đá cho Quách Tĩnh có tên là Cửu âm Thần trảo. Khi luyện Cửu âm thần trảo thì chỉ dùng tay đánh vào vách đá để luyên tập, nhưng do Mai Siêu Phong cùng sư huynh Trần Huyền Phong ăn cắp được nửa quyển hạ Cửu âm chân kinh, sau đó tập luyện theo mà không hiểu yếu chỉ đạo gia trong khẩu quyết võ công nên khi luyện dùng tay đánh vào sọ người sống, khi luyện tập thường chất rất nhiều sọ người xung quanh nơi mình tập, từ đó tên gọi Cửu âm bạch cốt trảo được dùng cho Cửu âm thần trảo cùng sự nổi danh của Hắc phong song sát.

Chu Bá Thông có giải thích: Mai Siêu Phong không biết cách thức luyện công cho đúng, thấy quyển hạ viết: Năm ngón phát kình, không gì cứng không phá được, chụp vào đầu óc như xuyên vào đậu hũ, lại không biết câu: Chụp vào đầu óc trong kinh có ý là tấn công vào chỗ yếu hại của địch nhân, tưởng rằng phải chụp vào đầu người thật nên lúc luyện công cũng theo đó mà làm. Yếu chỉ của bộ Cửu âm chân kinh này vốn là đường lối học theo tự nhiên của Ðạo gia, xua quỷ trừ tà để trường sinh dưỡng mệnh, há lại dạy người ta luyện thành võ công hung ác tàn nhẫn như thế sao?

Ngoài Mai Siêu Phong ra,trong tiểu thuyết của Kim Dung chỉ có Dương Khang (đã bái Mai Siêu Phong là sư phụ), Chu Chỉ Nhược phái Nga Mi và truyền nhân phái cổ mộ (cô gái áo vàng trong Ỷ thiên đồ long ký) là có sử dụng võ công này.

Ngoài Cửu âm Thần trảo trong Xạ Điêu Tam bộ khúc còn xuất hiện một số chiêu thức, bí pháp sau trong Cửu âm chân kinh như: Dịch cân đoạn cốt thiên, Nghịch chuyển kinh mạch, Giải huyệt bí pháp, Quy tức đại pháp, Di hồn đại pháp, Tồi tâm chưởng, Xà hình ly phiên thuật, Thủ huy ngũ huyền, Bách xà tiên pháp,..

0 nhận xét: