(Vietkiemhiep) - Thành Cát Tư Hãn hay còn gọi là Thiết Mộc Chân được nhắc đến trong tác phẩm kiếm hiệp Anh hùng xạ điêu của nhà văn Kim Dun...

Bí mật lăng mộ Thành Cát Tư Hãn



(Vietkiemhiep) - Thành Cát Tư Hãn hay còn gọi là Thiết Mộc Chân được nhắc đến trong tác phẩm kiếm hiệp Anh hùng xạ điêu của nhà văn Kim Dung. Đây là người đã thành lập ra đế quốc Mông Cổ cực kỳ hùng mạnh, vó ngựa chinh phục khắp nơi.


Sau cái chết của vị hoàng đế nổi tiếng nhất trong lịch sử Mông Cổ, các hoạt động tìm kiếm lăng mộ ông vẫn tiếp tục diễn ra cho đến ngày nay. Thế nhưng, tới nay địa điểm chính xác của lăng mộ Thành Cát Tư Hãn vẫn được bao phủ sau một lớp màn huyền ảo chưa thể xuyên thủng. Thi hài của vị hoàng đế này chìm sâu vào rất điều bí mật trong gần 800 năm qua.

Gần 800 năm vẫn còn bí ẩn

Người ta không biết chính xác năm sinh của Thiết Mộc Chân - Thành Cát Tư Hãn, chỉ biết ông mất ngày 18 tháng 8 năm 1227. Tên tuổi Thành Cát Tư Hãn luôn mang lại những cái nhìn trái chiều trong lịch sử thế giới. Đó là hình ảnh kiêu hùng của những chiến binh Mông Cổ tung vó ngựa khắp thảo nguyên rộng lớn, nhưng đó cũng là nỗi khiếp sợ kinh hoàng khi đoàn chiến binh này xua quân đi khắp thế giới với mưu đồ bá chủ. Người xưa thường nói: “Dưới vó ngựa Mông Cổ, cỏ không mọc được”.

Khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, việc chôn cất thi hài và địa điểm lăng mộ của con người vang danh thế giới này vẫn là điều bí mật với nhiều huyền thoại. Theo Nguyên triều bí sử của người Mông Cổ thì Thành Cát Tư Hãn chết bởi một nguyên nhân hết sức đơn giản: bị trúng tên và vết thương nhiễm trùng. Trong thời gian diễn ra lễ tang và hướng tới địa điểm an nghỉ cuối cùng của Thành Cát Tư Hãn, binh lính đã sát hại tất cả những người tình cờ chứng kiến sự kiện này. Tiếp sau đó, các nô lệ đào mộ cũng bị giết sạch, binh lính trông coi và những đao phủ sát hại họ cũng không tránh khỏi số phận tương tự.

Theo một số truyền thuyết, ngôi mộ sau đó được che giấu dưới khu vực nuôi ngựa, trồng cây và thậm chí còn nằm dưới dòng chảy của một con sông - tất cả chỉ nhằm một mục đích duy nhất là đảm bảo cho sự an nghỉ vĩnh viễn của Thành Cát Tư Hãn. Ngoài ra, sau cái chết của vị thống soái vĩ đại trên, xã hội thời bấy giờ còn nảy sinh một truyền thuyết dựa trên nền văn học dân gian Trung Á cảnh báo về cái chết của bất kỳ kẻ nào dám xâm phạm tới chốn an nghỉ của ngài. Tuy nhiên, tất cả những truyền thuyết ấy vẫn không thể ngăn nổi các tay thợ săn khao khát tìm kiếm châu báu. Và theo một truyền thuyết, mộ Thành Cát Tư Hãn thật ra đã bị khai quật chỉ 30 năm sau cái chết của ông.

Bí mật sẽ hé mở từ Khentii?

Vài chuyên gia cho rằng, nên tìm kiếm mộ Thành Cát Tư Hãn tại Tuva - quê hương người sáng lập ra đế chế Mông Cổ hùng mạnh. Đa phần các nhà sử học đều đánh giá, tổ tiên của Thành Cát Tư Hãn hoặc là xuất thân từ vùng Sayano - Altaia (thuộc về Tuva ngày nay), hoặc tại vùng tây bắc Mông Cổ (khu vực hồ Khuvsgul - nơi sinh sống của người Tuva bản địa). Tất nhiên không phải ai cũng đồng ý với giả thuyết này. Nguyên nhân đơn giản là một “kẻ chiếm đóng vĩ đại” như ông ta khó có thể được chôn tại vùng đất từng thấm đẫm máu cư dân bản địa qua hàng loạt các cuộc thanh trừng do ông ta ra lệnh.


Thảo nguyên Mông cổ ( ảnh minh họa)

Hợp logic hơn cả vẫn là khả năng tìm kiếm nơi an nghỉ của Thành Cát Tư Hãn tại khu vực sinh sống của các bộ lạc trung thành với ông. Dựa vào nhận định trên, một đội thăm dò quốc tế bao gồm các nhà khoa học Mỹ và Mông Cổ đã tập trung sự chú ý vào vùng núi Khentii phía đông bắc Mông Cổ gần biên giới Nga. Tại đây, vào đầu những năm 1960, một đoàn thám hiểm hỗn hợp gồm các nhà khoa học Đức và Mông Cổ đã phát hiện nhiều xương sọ, đinh, gạch lát và phần nền sót lại của một ngôi đền. Người ta còn tìm thấy hàng trăm ngôi mộ đá, trong mộ có các bộ giáp sắt, đầu mũi tên nhưng lại không phát hiện dấu vết của việc mai táng.

Ở khu vực mệnh danh là Almsgiver's Wall, các nhà khoa học còn khai quật được ngôi mộ của một người lính gác khoảng thế kỷ thứ X. Nhưng rất tiếc cuộc khảo sát cũng bị loại bỏ sau hàng loạt các trường hợp bất hạnh đã xảy ra, khiến một tờ báo đã phải nhận định đó chính là lời nguyền từ lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn. Tuy vậy, theo đánh giá từ những chuyên gia hàng đầu trong các dự án tìm kiếm mộ, dãy núi Khentii vẫn là lãnh địa đầy bí ẩn trong suốt 800 năm qua. Cách đây không lâu, người ta phát hiện ra những phần móng các công trình xây dựng quy mô lớn trong khoảng thời gian thế kỷ XIII-XVI. Cụ thể, các nhà khảo cổ học đã tìm ra một số lượng lớn các cổ vật khá đa dạng như các đầu mũi tên, các sản phẩm gốm…

Hiện khu vực có diện tích khoảng hơn 10.000 km2 này là nơi tuần tiễu của hàng loạt các máy bay không người lái tập trung nghiên cứu mặt đất nhờ sự giúp đỡ của các radar hiện đại. Chưa kể tới một đội ngũ hàng ngàn người tình nguyện tập trung nghiên cứu tỷ mỷ các bức ảnh chụp từ các vệ tinh. Tất cả chỉ nhằm một mục đích duy nhất - xác định cấu trúc bất thường hay cấu trúc địa lý phi tự nhiên nhiều khả năng là lăng mộ Thành Cát Tư Hãn.

 

Đế chế Mông Cổ đạt tới cực thịnh vào thời Đại hãn Hốt Tất Liệt, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn. Đó là đế chế được xác nhận lớn nhất trong lịch sử loài người, trải dài từ Đông Nam Á tới châu Âu trên diện tích tới 35 triệu km vuông (13,8 triệu dặm vuông) và chiếm tới gần 50% dân số thế giới, bao gồm các dân tộc đông dân và văn minh nhất thời kỳ bấy giờ như Trung Quốc và phần lớn các quốc gia của thế giới Hồi giáo. Người Mông Cổ cuối cùng đã xâm chiếm Ba Lan và Hungary dưới triều đại của Hãn vương Bạt Đô nhưng hoàn toàn thất bại trong các cuộc xâm lược Syria, Nhật Bản và Việt Nam.

CÁT TƯỜNG

0 nhận xét: