Cha mẹ
Cha và mẹ Kiều Phong là người Khiết Đan. Cha tên Tiêu Viễn Sơn, khi xưa cùng vợ và con nhỏ vào Trung Nguyên để thăm mẹ vợ, nhưng lại bị các cao thủ đứng đầu Trung Nguyên vây đánh ở Nhạn Môn Quan. Sau mới biết do âm mưu khôi phục nước Yên của Mộ Dung Bác mà Tiêu Viễn Sơn đã bị vu oan là vào Trung Nguyên để ăn cắp bí kiếp võ công Thiếu Lâm Tự.
Võ công của Tiêu Viễn Sơn thuộc hàng thượng thừa, các cao thủ Trung Nguyên bị đánh chết gần hết. Ngay cả đại ca lãnh đạo của nhóm cao thủ cũng bị đánh trọng thương. Trong lúc giao chiến, người vợ không biết võ công đã bị đánh chết. Quá bi thương, Tiêu Viễn Sơn ôm vợ con nhảy xuống vực tại Nhạn Môn Quan tự vẫn.
Khi đang nhảy xuống, thấy đứa con thơ nay đã tròn một tuổi hóa ra vẫn sống, chưa bị các cao thủ giết hại, Tiêu Viễn Sơn đã quăng con lên trở lại. Đứa con này được trưởng bối đại ca lãnh đạo tha cho không giết, đem giao cho 1 cặp vợ chồng tiều phu họ Kiều. Do đó nên Tiêu Phong có tên là Kiều Phong.
Bang chủ Cái Bang, mọi người kính nể
Thuở nhỏ có lần đang chơi đùa trong núi, Kiều Phong bị một con sói tấn công. Sư phụ Huyền Khổ của chùa Thiếu Lâm đi ngang cứu giúp, nhận Kiều Phong làm đệ tử và truyền dạy võ công. Sau này Kiều Phong được gia nhập Cái Bang và được bang chủ Uông Kiếm Thông truyền dạy Hàng Long Thập Bát Chưởng, một trong hai tuyệt học trấn bang, có thể nói là độc bá võ lâm. Tất cả nhũng sự việc đó Kiều Phong tưởng là do duyên số nhưng sau này ông biết được do những cố nhân năm xưa ở Nhạn Môn quan, phần vì muốn chuộc lỗi với cha mẹ ông, phần vì muốn rèn giũa ông nên người nên đã sắp đặt và thử thách ông như vậy.
Nhờ tài năng võ công siêu việt và bản sắc anh hùng hiệp nghĩa, đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách được giao, Kiều Phong được kế thừa chức vị Bang Chủ sau khi Uông Kiếm Thông qua đời. Kiều Phong được cả giang hồ kính nể về tài nghệ võ công lẫn nghĩa khí. Câu nói “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung” đã thành nổi tiếng không ai không biết trong chốn gian hồ (tên tuổi Kiều Phong được xếp trước cả dòng họ Mộ Dung, một võ học danh gia ở Giang Nam).
Trong 1 lần tình cờ gặp Đoàn Dự tại quán rượu, do hữu duyên cả 2 kết thành anh em kết nghĩa. Lúc này Kiều Phong vẫn chưa biết nguồn gốc mình là người Khiết Đan.
Trong yến tiệc chiêu đãi nhậm chức Bang Chủ, Mã phu nhân (vợ của Mã phó bang chủ Cái Bang) là một người đàn bà dâm tà, phải lòng Kiều Phong. Nhưng Kiều Phong lại không ngó ngàng làm Mã phu nhân sinh hận. Người đàn bà này dùng nhan sắc dụ dỗ một số người có chức trong bang và xúi chồng nói ra nguồn gốc Kiều Phong cho thiên hạ biết. Từ đây Kiều Phong mới biết tên của mình chính là Tiêu Phong. Ông bị phế truất ngôi vị bang chủ. Tuy nhiên ông không oán hận một lời.
Người Khiết Đan và người Trung Nguyên đã có thâm thù từ lâu vì Khiết Đan luôn rình rập đánh chiếm Tống Triều. Người Trung Nguyên thường gọi người Khiết Đan là chó Liêu: "cẩu tặc Khiết Đan". Nhưng do được nuôi nấng từ nhỏ ở Trung Nguyên, Kiều Phong một lòng bảo vệ Đại Tống.
Hàm oan mang thân, không oán người vô tội
Sau đó, một người giấu mặt cải trang Kiều Phong: giết cha mẹ nuôi, sư phụ cùng những người năm xưa tham gia vào trận đánh ở Nhạn Môn Quan, rồi đổ hết lên đầu Kiều Phong. Kiều Phong mang tội bất trung, bất hiếu, bất nhân bất nghĩa. Tất cả anh hùng Trung Nguyên đều thù hận và muốn giết chết Kiều Phong.
Kiều Phong biết chuyện, đoán rằng đại ca lãnh đạo năm xưa ra tay bịt miệng, liền lên đường đi tìm đại ca lãnh đạo. Trên đường đi gặp khá nhiều cao thủ, nhưng không ai đánh lại và Kiều Phong luôn tha mạng cho họ.
Vì cứu người, một thân chống quần hùng
Trong khi điều tra, Kiều Phong gặp A Châu trong Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự. A Châu bị phương trượng chùa Thiếu Lâm đánh bị thương. Vì lòng hiệp nghĩa, Kiều Phong muốn cứu sống A Châu.
Đại hội anh hùng diễn ra ở Tụ Hiền Trang, tất cả các nhân sĩ võ lâm và các môn phái tập trung lại để bàn ra kế hoạch bắt Kiều Phong. Biết rằng Tiết Thần Y – người duy nhất có khả năng cứu A Châu – cũng đang tại đại hội này, Kiều Phong liều mình dẫn A Châu vào đại hội anh hùng để A Châu được cứu, dù biết nguy hiểm.
Tiết Thần Y nhận lời chữa trị cho A Châu, nhưng mối thù giữa quần hùng và Kiều Phong thì không thể bỏ qua. Trận chiến không thể không xảy ra. Trước khi đánh, Kiều Phong lấy rượu ra uống xem như tuyệt giao với các bằng hữu trước đây. Trận chiến diễn ra, một mình Kiều Phong chống quần hùng, Giáng Long Thập Bát Chưởng uy trấn thiên hạ. Mới đầu Kiều Phong còn giữ lòng nhân nghĩa, không ra tay tuyệt tình, nhưng về sau, dưới áp lực to lớn, Kiều Phong mất tự chủ, giết hết phân nửa người tham gia đại hội. Kiều Phong vì xót thương, hối hận, không muốn giết thêm người vô tội, lại kiệt lực thiếu sức, định tự vẫn để tạ tội. Trong lúc đó có một người mặc áo đen nhảy ra cứu Kiều Phong.
Giữa hiếu và tình
Sau khi cứu, người áo đen kia bỏ đi, sau này mới biết đó là Tiêu Viễn Sơn - cha ruột của Kiều Phong. Về phần A Châu sau khi được cứu, nàng trốn thoát ra ngoài, ngày đêm đứng đợi ròng rã ở Nhạn Môn Quan chờ Kiều Phong đến vì nàng đoán chàng sẽ đến để điều tra lại nguồn gốc và để xem năm xưa cha của Kiều Phong viết gì trên vách đá trước khi tự vẫn. Kiều Phong đến và gặp A Châu. A Châu cảm mến tính hiệp nghĩa khí phách của Kiều Phong. Kiều Phong mến nàng vì luôn có nàng bên cạnh an ủi và chia sẻ hoạn nạn không hề rời chàng. Hai người thương nhau. Chữ viết kia đã bị người khác xóa hết.
Sau này, do hiểu lầm nên Kiều Phong nghi ngờ Đoàn Chính Thuần – cha của A Châu – là đại ca lãnh đạo. Kiều Phong hẹn Đoàn Chính Thuần ra quyết đấu. A Châu vì thương cha nên cải trang thành Đoàn Chính Thuần, Kiều Phong vô tình giết chết A Châu. Từ đó Kiều Phong cảm thấy hối hận khi biết Đoàn Chính Thuần không phải là vị thủ lĩnh đại ca năm xưa và lại càng không phải là người đã giết chết cha mẹ nuôi và ân sư của mình, chàng đã giết oan A Châu. Kiều Phong nguyện sau khi trả thù cha mẹ xong sẽ tự vẫn để được nằm lại bên nàng.
Ân oán đến hồi kết
Sau này Kiều Phong lưu lạc sang Khiết Đan, được vua Khiết Đan (Gia Luật Hồng Cơ Liêu Đạo Tông) kết nghĩa anh em. Nhờ giúp vua phá được loạn Sở Vương nên Kiều Phong được Liêu đế phong chức Sở Vương tức Nam Viện Đại Vương (chuyên Nam chinh đánh Tống). Sau đó Kiều Phong trở về Trung Nguyên tìm A Tử là em gái A Châu, trong công cuộc tìm kiếm này ông tình cờ tìm đến Thiếu Lâm Tự trong lần lúc Cái Bang do ngụy bang chủ Trang Tụ Hiền (Du Thản Chi) khiêu chiến chùa Thiếu Lâm trước sự có mặt của rất nhiều nhân sĩ võ lâm. Tại đây ông kết nghĩa huynh đệ với Hư Trúc.
Cũng trong lần này, chân tướng của sự việc ở Nhạn Môn Quan được hé lộ hoàn toàn. Vị trưởng bối đại ca năm xưa vốn là trụ trì của Thiếu Lâm Tự. Tại đây xuất hiện Mộ Dung Bác (một cao thủ võ lâm đời trước) và Tiêu Viễn Sơn giả trang làm hòa thượng nhằm lén vào Tàng Kinh Các nghiên cứu võ công. Cả hai người đều có mục đích riêng: Mộ Dung Bác chính là kẻ đưa tin giả gây ra vụ Nhạn Môn Quan năm xưa, hắn giả chết để trốn tránh tội lỗi và đánh cắp bí lục võ công của Thiếu Lâm Tự tiếp tục thực hiện âm mưu phản quốc, làm loạn võ lâm của mình. Còn Tiêu Viễn Sơn nghiên cứu võ học để trả thù những kẻ thủ ác năm xưa, chính ông là kẻ giết người bí ẩn khiến cho Tiêu Phong phải chịu bao tai tiếng.
Cuối cùng Ân oán được giải bởi một bị cao tăng vô danh chuyên làm tạp dịch trong Tàng Kinh Các. Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác đều xuất gia đầu phật.
Một thân đánh đổi muôn dân
Kiều Phong trở lại Khiết Đan mới biết nhà vua định xâm lược Nam triều Đại Tống. Kiều Phong được vua phong chức Bình Nam đại nguyên soái cầm đầu quân lính tấn công Nam triều. Kiều Phong ra sức can ngăn vì không muốn thấy cảnh thường dân vô tội bị tàn sát, chàng bị nhà vua bắt nhốt. Nghĩa đệ Hư Trúc Tử (mới đổi tên sau này, Hư Trúc là pháp danh của Phật gia, đổi thành Hư Trúc Tử - pháp danh của Đạo gia) và Đoàn Dự cùng nhân sĩ võ lâm đi giải cứu. Anh em Cái Bang muốn Kiều Phong nhận lại ngôi vị bang chủ và lãnh đạo. Nhưng Kiều Phong không chấp nhận, anh đã có dự trù cho việc này.
Sau đó tất cả chạy đến Nhạn Môn Quan. Quân Khất Đan do nhà vua lãnh đạo lúc này cũng đã tràn đến Nhạn Môn Quan chuẩn bị đánh vào Đại Tống. Do viên tướng canh cửa Nhạn Môn Quan của nhà Tống sợ hãi trách nhiệm, hèn nhát, nên không chịu mở cửa quan cho quần hùng Trung Nguyên rút chạy. Quân của Đoàn Dự (giờ đã là vua nước Đại Lý), phối hợp cùng quân của Hư Trúc (chủ nhân Linh Thứu Cung, cũng là chủ nhân 72 động 36 đảo, và cũng là phò mã của Tây Hạ), cùng tất cả các anh hùng Trung Nguyên như Cái Bang, Thiếu Lâm… một lòng chống quân xâm lược đứng chờ sẵn tại Nhạn Môn Quan.
Hư Trúc và Đoàn Dự xông vào trận bắt được vua Khất Đan. Vì tránh để sinh linh đồ tháng, thường dân vô tội bị chết oan, Kiều Phong yêu cầu sẽ thả Gia Luật Hồng Cơ, nếu ông hứa không được đánh Tống nữa. Sau đó vua Khất Đan rút quân và hứa nếu ông còn sống thì quân Khiết Đan sẽ không bao giờ đánh Tống.
Lúc này, Kiều Phong là một người Khất Đan lại đi phản lại vua Khất Đan, với phía Tống triều chàng lại là một Liêu cẩu, ngay cả chỗ dựa cuối cùng là A Châu cũng đã rời xa chàng từ lâu. Trời đất bao la nhưng không có chỗ nương chân cho Kiều Phong, không còn cách nào khác, chàng đành phải lấy cái chết để tạ tội với tổ tông và để chứng minh rằng mình hoàn toàn trong sạch, bẻ đôi mũi tên, Kiều Phong tự đâm vào lồng ngực mình tự sát. A Tử - em của A Châu - móc cặp mắt trả lại cho Du Thản Chi - kẻ si tình bậc nhất trong Thiên Long Bát Bộ, rồi ôm Tiêu Phong nhảy xuống bờ vực Nhạn Môn Quan, bi kịch ba mươi năm trước lặp lại.
Cái chết của Tiêu Phong thể hiện lòng mong ước thái bình, đập tan bạo tàn, chiến tranh của người dân. Đó là cái chết của một anh hùng, vì sơn hà xã tắc, vì hiệp nghĩa mà hi sinh. Kiều Phong là hình tượng anh hùng đẹp nhất và cũng là hình tượng bi kịch nhất trong tất cả các truyện của Kim Dung. Kiều Phong đã trở thành một nhân vật kinh điển nhất trong giới võ thuật truyện kể.
--------------------------
Ghi chú: Trong lần sửa đổi tác phẩm gần đây nhất vào năm 2008 của nhà văn Kim Dung, Kiều Phong đã ép Hư Trúc học hai môn tuyệt kỹ của Cái Bang là: Hàng long thập bát chưởng và Đả cẩu bổng pháp với mục đích khi nào Cái Bang tìm ra được người thích hợp làm bang chủ thì Hư Trúc sẽ mang võ công đó truyền lại cho tân bang chủ. Nhiều năm sau khi Kiều Phong mất, có một tên ăn mày nổi lên trong Cái Bang được các anh em ủng hộ làm bang chủ nên các trưởng lão đã quyết định phái hắn tới gặp Hư Trúc. Hư Trúc sau khi kiểm tra thấy rằng hắn rất xứng đáng làm bang chủ Cái Bang nên đã truyền lại hai võ công này cho gã ăn mày đó. Thân thế gã ăn mày này không được nhà văn Kim Dung nhắc tới nhưng rất có thể gã là sư phụ của Hồng Thất Công "Bắc Cái" trong Anh hùng xạ điêu là Tiễn Hạc Tinh - Bang chủ cái bang đời thứ 17
--------------------------
Bài liên quan:
- Tóm tắt Thiên long bát bộ
- A Châu
- Tiêu Phong - Người anh hùng trong mê cung định mệnh
- Tiêu Phong- một đời kiêu hùng, một chân tình oan nghiệt
- Tiêu Phong: Bi kịch người anh hùng
- Kiều Phong: thân bại danh liệt vì không chịu ngắm nhìn người đẹp (!?)
- Tiêu Phong - A Châu: mối tình bất tử
- Đoản khúc cho Kiều Phong
- Những giọt nước mắt của A Châu
- "Thiên long bát bộ" và mối tình A Châu
0 nhận xét: