VŨ ĐỨC SAO BIỂN (Vietkiemhiep) - Trong Trung văn, chữ Xuân (春, mùa xuân) được viết với 9 nét. Ở một nghĩa rất tượng trưng, chữ Xuân được ví...

Kim Dung và chữ Xuân

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Trong Trung văn, chữ Xuân (春, mùa xuân) được viết với 9 nét. Ở một nghĩa rất tượng trưng, chữ Xuân được ví với bộ phận sinh dục nữ qua phép tượng hình các nét viết của chữ này. Nếu người phụ nữ nằm, thì đó là chữ xuân; nếu người phụ nữ ngồi thì có một kẽ hở, tạo ra một chữ 10 nét, gọi là Thung (舂). Nhà nho có câu ví von:


Ngọa tắc Xuân mà toạ tắc Thung
(Nằm thì Xuân mà ngồi thì Thung)

Kim Dung viết tiểu thuyết võ hiệp bằng Trung văn. Chữ Xuân trong tác phẩm của ông khá phong phú, biến ảo lạ lùng.Chữ Xuân nằm trong ngoại hiệu của đạo gia. Xạ điêu anh hùng truyện có 7 đạo gia gọi là Toàn Chân thất tử, trong đó có Trường Xuân tử Khưu Xử Cơ. Tính cách nhân vật này nóng nảy, nhưng là một hán tử yêu nước. Là đạo gia, nhân vật này cũng tu học theo phong cách đạo gia, nghĩa là cũng học cách bế khí để hưởng nhàn, hành lạc dài dài. Chẳng vậy mà ngoại hiệu của lão là Trường Xuân tử? Trường Xuân tử có nghĩa là ông… ham vui hoài hoài. Còn ổng vui được tới đâu thì thây kệ ổng.Chữ Xuân còn nằm trong ngoại hiệu của thầy thuốc. Trong Hiệp khách hành có một nhân vật gọi là Trước thủ thành xuân Bối Hải Thạch. Bối Hải Thạch võ công cao cường nhưng suốt đời ốm yếu, ho hen hoài. Lão tự tìm thuốc men chữa bệnh cho mình, chữa riết nên trình độ y lý cũng cao cường như một thầy thuốc (đại phu). Vì vậy, lão lên làm trưởng lão bang Trường Lạc tại Giang Nam, được mọi người tôn xưng là Bối đại phu.

 Bạn có để ý hai chữ Trường Lạc không? Hai chữ này có nghĩa là vui hoài, vui miết.Người thầy thuốc luôn được Kim Dung ca ngợi là Diệu thủ hồi xuân. Tất nhiên, làm thuốc là trị bách bệnh; trong đó có bệnh… lạc mất mùa xuân. Hồi xuân là mục tiêu giúp con người tìm lại chất trẻ trung, tìm lại cảm hứng tình dục. Trong phương thuốc hồi xuân luôn luôn có các vị Nhân sâm, Hà thủ ô, Sinh địa, Linh Chi, Tuyết liên tử… Uống các món này, con người khỏe mạnh, trẻ trung trở lại. Còn sau đó thì… hổng biết.Chữ Xuân còn để chỉ chỗ ăn chơi sa đọa. Người Trung Hoa có câu “Hạ giới hữu Tô Hàng nhị châu”. Hàng Châu và Tô Châu là hai chỗ ăn chơi đàng điếm nhất của miền Giang Nam. Xem như vậy thì người trung Quốc coi trọng sự ăn chơi.

Lộc Đỉnh ký, thông qua cái miệng của Vi Tiểu Bảo, không ngớt ca ngợi thành Dương Châu nhà hắn. Hắn xuất thân từ Lệ Xuân viện, nơi mẹ hắn làm Kỹ nữ và sinh ra hắn. Hắn tự hào về Lệ Xuân viện, về bà mẹ làm kỹ nữ. Hắn đã từng có mong ước kiếm được thật nhiều tiền để về Dương Châu mua đứt lại Lệ Xuân viện; lập thêm ba toà Lệ Hạ viện, Lệ Thu viện và Lệ Đông viện cho đủ 4 mùa, đặng quần hùng và trọc phú bốn phương đến đó ăn chơi cho phỉ chí.Vi Tiểu Bảo cũng là tay khoái món văn hóa đồi truỵ.

Rõ ràng là hắn có mấy bức thêu gọi là Xuân cung đồ (bức hoạ về bộ phận sinh dục nữ). Hắn đã đem mấy bức thêu này “thuốc” Đa Long khi tên này được vua Khang Hy giao nhiệm vụ chém Mao Thập Bát, khiến Đa Long mê mẩn, mất cảnh giác. Vi Tiểu Bảo đã cứu mạng được Mao Thập Bát nhờ truyền bá văn hóa đồi truỵ!Chữ Xuân đồng nghĩa với khái niệm bổ thận, cường dương. Những món thuốc giúp đàn ông bổ thận, cường dương để chứng mình là nam nhi chính hiệu trong phòng the được gọi là xuân dược. Mô phỏng xuân dược đó, Lệ Xuân viện thành Dương Châu có bán loại xuân tửu. Thế nhưng, Vi Tiểu Bảo thì chỉ muốn những kẻ uống loại rượu này vào phải ngủ li bì, ngủ mê mệt để hắn ra tay khống chế. Cho nên, hắn đã đổ thêm thuốc mê vào rượu; khiến xuân tửu hoá thành mê xuân tửu. Tang Kết lạt ma, Cát Nhĩ Đan vương tử, Trịnh Khắc Sản… cho đến các quý phu nhân, quý tiểu thư Tô Thuyên, A Kha, Phương Di… uống loại rượu này, lòng xuân thì phơi phới nhưng trí tuệ lại hồ đồ.

Vi Tiểu Bảo tha hồ tác oai, tác quái. Không hiểu hắn có uống xuân tửu không nhưng hôm ấy hắn giao cấu với 7 người phụ nữ. Tất nhiên, tác giả có nói dóc nhưng nói dóc như vậy nghe cũng thú vị.Việc nam nữ giao cấu với nhau được Kim Dung gọi là xuân sự hay hảo sự. Đó là quan điểm của một dân tộc quý chuộng sức lao động bởi xã hội Trung Quốc ngày xưa là xã hội nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Phải sinh con đẻ cái để có người lao động, để nối dõi tông đường. Cho nên người ta coi đêm tân hôn là một đêm thiêng liêng của đôi đôi lòng thanh xuân phơi phới. Hiệp khách hành có mô tả đoạn Thạch Phá Thiên và Đinh Đang mới định động phòng thì bọn hảo hán bang Trường Lạc đổ ra đi tìm Thạch Phá Thiên, đứng ngoài sân kêu la ơi ới. Đinh Bất Tứ phải ngồi trên nóc nhà gác cho cháu mình hoàn thành xuân sự. Lão tuôn ra một hơi vừa có vẻ văn hóa, vừa có vẻ tục tĩu, nào là “đêm xuân một khắc ngàn vàng”, nào là “thời xuân qua rất mau”…

Nhưng Thạch Phá Thiên đã bỏ cô dâu, chạy mất.Những nhân vật nữ trung tâm của Kim Dung được gọi là băng thanh ngọc khiết, là hoàng hoa khuê nữ hoặc xuân nữ. Họ là những cô gái trong trắng, lãng mạn mười phần nhưng không liều mạng chút nào. Họ đi đến đâu thì không khí đương xuân có ở đó, rực rỡ, náo nhiệt. Có đôi khi họ buồn, họ khóc. Kim Dung mô tả những giọt nước mắt đọng trên gò má xuân thì lóng lánh chẳng khác gì giọt sương trên đóa mai côi (hoa hồng). Mùa xuân, bóng liễu xanh tươi. Kim Dung mô tả đôi mày các cô đẹp như cặp lá liễu. Và khi cô nào… nổi nóng, đôi mày liễu khẽ nhướng lên hay khẽ cau lại, thể hiện một tâm trạng bất bình thì khách mày râu hãy coi chừng. Một chiêu Xuân phong dương liễu phóng ra, mùa xuân mất biến, chỉ còn cơn lôi đình sục sôi như nắng hạ.

0 nhận xét: