VŨ ĐỨC SAO BIỂN (Vietkiemhiep) - "Thiên ngoại hữu thiên" (ngoài trời này có bầu trời khác) đơn giản chỉ là một tư tưởng của Lão T...

Kim Dung và "Thiên ngoại hữu thiên"


VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - "Thiên ngoại hữu thiên" (ngoài trời này có bầu trời khác) đơn giản chỉ là một tư tưởng của Lão Tử trong Đạo Đức kinh. Câu nói này thể hiện vũ trụ quan của Lão Tử, một vũ trụ quan cách chúng ta trên 2.500 năm, khi mà những tiến bộ khoa học chưa ra đời và Lão Tử, như những nhà hiền triết phương Đông khác, đã cố gắng cắt nghĩa vũ trụ thông qua những nhận thức thuần nghiêm. Khi phát biểu "thiên ngoại hữu thiên", Lão Tử cho rằng ngoài thế giới hiện thực mà chúng ta đang sống còn có một (hoặc nhiều) thế giới khác mà ông chưa biết đến. Nói cách khác, vũ trụ bao la còn chưa đựng nhiều cuộc sống khác mà loài người đang cố gắng khám phá, tìm hiểu, cắt nghĩa...
Trong "thiên ngoại hữu thiên" thì chữ "thiên" sau của Lão Tử vừa mang tính cách hiện thực vừa mang tính cách siêu thực. Ở chừng mực nào đó, tư tưởng này thể hiện một cái nhìn của siêu hình học cổ điền Trung Quốc. Thế nhưng những nhà văn Trung Quốc, trên cơ sở phát biểu của Lảo Tử, đã muốn biến tư tưởng này thành một hiện thực văn chương sinh động. Ví dụ Ngô Thừa Ân với tác phẩm Tây du ký đã xây dựng một bầu trời khác; bầu trời của Phật, thần, ma quỷ; bầu trời của Tây phương cực lạc. Hai ngàn năm trăm năm sau, một nhà văn khác của Trung Quốc đã chứng minh mệnh đề "thiên ngoại hữu thiên". Đó là Kim Dung với những tác phẩm võ hiệp tiểu thuyết của ông.

Võ hiệp tiểu thuyết hư cấu ra một bầu trời, một xã hội, một cuộc sống hoàn toàn khác hẳn với hiện thực. Đó là bầu trời, xã hội, cuộc sống của bọn hào sĩ giang hồ chuyên sống trên lưỡi đao mũi kiếm, đường quyền ngọn cước. Trên nền tảng của các sinh hoạt tôn giáo, môn phái, bang hội có thật ở Trung Quốc ngày xưa, Kim Dung xây dựng thành một thế giới võ hiệp; thoạt đọc qua cứ tưởng là có thực nhưng đọc kỹ mới thấy đó là sản phẩm thuần tuý của sự tưởng tượng, của khả năng hư cấu văn học.

Về mặt thủ pháp, Kim Dung áp dụng thủ pháp sáng tác khá thú vị; ông gắn liền những tác phẩm của mình với hoàn cảnh, giai đọan lịch sử có thật của Trung Quốc. Thần điêu hiệp lữ, Xạ điêu anh hùng truyện, Ỷ thiên Đồ long ký gắn liền với lịch sử xâm lược của quân Kim đối với nhà Bắc Tống, sự hình thành của triều Nguyên trên đất Trung Quốc, những cuộc khởi nghĩa chống quân Nguyên để khai sinh triều Minh. Thiên Long bát bộ gắn liền với lịch sử Nam Tống khi nước Khất Đan chiếm được Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) và 18 châu Yên Vân ở bờ Bắc sông Hoàng Hà; gắn liền với sự tương tranh, tương giao, tương đấu, tương hỗ của 6 thế lực quân chủ Nam Tống, Khất Đan, Kim, Đại Lý, Thổ Lỗ Phồn, Tây Hạ. Lộc Đỉnh ký gắn liền với lịch sử triều Khang Hy nhà Thanh, khi Khang Hy mới lên làm vua đất Trung Quốc, khi những lực lượng phản Thanh phục Minh chưa bị dẹp tan, các lực lượng chư hầu (Tây Tạng, Mông Cổ) chưa bình định. Tuyết Sơn phi hồ, Phi hồ ngoại truyện gắn liền với lịch sử triều Càn Long, trong đó có những đoạn phục hiện, hồi ức về cuộc khởi nghĩa của Sấm vương Lý Tự Thành.

Những hoàn cảnh lịch sử, giai đoạn lịch sử có thật như vậy lại được gắn liền với những thế lực thật sự có thật của các bang hội, môn phái, tôn giáo. Về bang hội có Cái bang, Hải Sa bang, Thần Điểu bang, Cự Kình bang, Thiên Địa hội, Hồng Hoa hội...... Về môn phái, tôn giáo chính thống (huyền môn) có Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga My, Bái hoả giáo (Minh giáo), Côn Lôn, Tuyết Sơn, Thái Sơn, Hằng Sơn, Hành Sơn... Về môn phái, tôn giáo nhiều màu sắc tà đạo có Bạch Liên giáo, Tây Ba giáo, Ngũ Độc giáo, Bạch Mi giáo..... những thế lực có thật của các bang hội môn phái, tôn giáo này được trí tưởng tượng của tác giả nâng lên thành những thế lực chính trị, lực lượng quân sự, căn cứ một vùng hoặc có ảnh hưởng bao trùm ở nhiều khu vực rộng lớn.
Trên nền tảng cái có thực, Kim Dung phóng bút đưa vào những hoàn cảnh hư cấu, con người hư cấu cảu mình. Khả năng hư cấu của ông rộng lớn tuyệt vời, cuốn hút người đọc đi vào tác phẩm thuần tuý tưởng tượng mà cứ ngỡ đang đi vào đời sống thật.

Về hình nhi hạ kinh tế, những nhân vật trong võ hiệp tiểu thuyết của Kim Dung ít ai có nghề ngỗng rõ rệt. Trong mấy ngàn nhân vật của các bộ tiểu thuyết của ông, hoạ hoằn lắm như trong Tiếu ngạo giang hồ Kim Dung mới cho người ta thấy được Lưu Chính Phong, Vương Nguyên Bá là hai nhà giàu nức tiếng, Hà Tam Thất bán hoành thánh, Du Tấn bán tin tức, Lâm Chấn Nam có hãng bảo tiêu. Cơ bản bọn hào sĩ giang hồ trong tác phẩm của ông là đám vô công rỗi nghề nhưng vàng bạc lúc nào cũng rủng rỉnh, chẳng những ăn xài thoải mái mà còn sẵn sàng tặng người khác làm lộ phí. Ít khi họ ăn cơm nhà; ta chỉ thấy họ vào tửu lâu uống những bát rượu ngon, ăn những miếng nhắm tốt rồi đem vàng bạc ra trả. Họ đi đến đâu có lời chào mời, thiết đãi. Điều này thật lý tưởng khác xa với hiện thực xã hội Trung Quốc quân chủ trong đó đám bình dân nghèo xơ xác, gặp năm thiên tai, mất mùa, chiến chinh, có người chết đói, có người phải ăn cả thịt người.

Về hình nhi thượng võ công, những nhân vật trong các bộ võ hiệp Kim Dung là những con người tuyệt vời, đạt đến mức lý tưởng nhất. Kim Dung gọi các nhân vật trung tâm của mình là con thần long, con phượng hoàng trong loài người. Chỉ với trọng lượng cơ thể trên dưới một trăm cân (khoảng 60kg), Trương Thuý Sơn đã có thể dùng Thái Cực quyền đỡ hai tảng đá nặng ba, bốn ngàn cân (Ỷ thiên Đồ long ký). Những loại võ công họ đắc thủ mạnh và tinh vi đến độ trí óc của con người không thể tưởng tượng nổi: Kiều Phong trong Thiên Long bát bộ có nội lực sung mãn như dời non lấp biển, Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ có đường Độc Cô cửu kiếm thắng tất cả các loại võ công trên đời, Quách Tĩnh trong Xạ điêu anh hùng truyện có Hàng long thập bát chưởng mạnh đến tan bia vỡ đá. Loại nhân vật trung tâm trong tác phẩm của ông chỉ cần xuất một chiêu quyền, cước, chưởng, chỉ, cầm, nã, đao, kiếm, côn, bổng là địch thủ phải chào thua, thậm chí phải táng mạng.

Ấy vậy mà họ sống đẹp hết sức. Trai trung hậu, chất phác; gái thông minh, tiết liệt. Họ sẵn sàng xả thân, hy sinh tính mạng vì người khác. Họ yêu thương đằm thắm, chân thành, thủy chung. Trong mấy ngàn nhân vật, ta chỉ có thể tìm thấy một nhân vật vì tham vọng mà phản bội trong Thiên Long bát bộ (Mộ Dung Phục). Họ hành hiệp cứu đời, tế khốn phò nguy, sống trên và ngoài vòng ảnh hưởng của cái gọi là vương pháp. Họ sống có thứ luật giang hồ riêng, chẳng hề liên quan gì đến các thứ hình luật của các chế độ quân chủ. Cơ sở giải quyết, hành xử mọi vấn đề của họ đặt rtên đao kiếm, quyền cước và tất nhiên, có sự can thiệp tích cực của lý trí và tình cảm của con người.

Trong Nam hoa kinh, Trang Tử đã từng mơ ước một con chim hồng "bay cao chín ngàn dặm, nương mây cỡi gió mà đi". Tư tưởng của Lão Tử Trang Tử hình thành học thuyết Lão Trang nến tản tư duy của đạo gia. Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung xây dựng nên những môn phái tu theo đạo gia, lấy tư tưởng Lão Trang làm nền tảng cho võ thuật. Đọc Kim Dung, ta thường gặp các đạo sĩ phái Võ Đang, Thanh Thành, Tiêu Dao, Bồng Lai. Nơi họ tu học là các đạo quan (quán); võ công mà họ đắc thủ là võ công âm nhu, nhẹ nhàng thanh thoát như hoa bay, gió thoảng nhưng kình lực mạnh đến ta bia vỡ đá, dời non dốc biển.

Nhân vật tiêu biểu cho Đạo gia mà Kim Dung ca ngợi hết lời là một nhân vật có thực: Trương Tam Phong (Trưong Quân Bảo), đạo gia khai sáng phái Võ Đang, người sáng tác ra bộ môn Thái Cực quyền pháp chậm rãi, nhẹ nhàng mà ngày nay còn truyền lại trong y thuật dưỡng sinh. Kim Dung mô tả Thái Cực quyền pháp: dang đôi tay nhẹ nhàng ôm lại như ôm cả vũ trụ vào lòng. Và chỉ với một thế Lãm tước vĩ (ôm đuôi chim), đạo gia đã có thể xoay địch thủ của mình như xoay con vụ, dù địch mạnh đến đâu, nặng đến đâu. Lãng mạn hơn, ông còn cho phép bốn lạng có thể chống lại được ngàn cân (tứ lạng bát thiên cân) và có thể mượn (lợi dụng) chính sức của địch thủ để đánh lại địch thủ (tá lực đả lực)

Nếu lịch sử - hiểu như một khoa học - có một các cắt nghĩa nhằm đạt đến tích khách quan, tính hiện thực thì Kim Dung, trên nền tảng lịch sử đó, thêu dệt thành những đoạn huyền sử, thoại lạ lùng. Đây cũng chính là thủ pháp sáng tác chung của nhiều nhà văn học Minh-Thanh nhưng bậc hậu bối Kim Dung lại phát huy thủ pháp đến mức lâm li tận chí, vượt xa các bậc tiền bối. Ông đã thêu dệt cho ta nmột huyền thoại Sấm vương Lý Tự Thành trong Tuyết Sơn phi hồ, Phi hồ ngoại truyện và Lộc Đỉnh ký. Ông đã thêu dệt một huyền thoại Nhạn Môn Quan bi tráng, đầy rẫy tình yêu, nỗi đau, chiến tranh và hoà bình trong Thiên Long bát bộ. Ông đã dựng nên một nhà vua Khang Hy sáng suốt, dũng cảm, cơ trí, đại hiếu, có tầm cỡ của một bậc minh quân bậc nhất nhì Trung Quốc. Và các kho báu lớn, nỗi ước mơ ngàn đời của dân tộc Trug Quốc quân chủ nghèo nàn và lạc hậu xuất hiện trong tác phẩm của ông khá nhiều. Có điều lạ là kho báu ở Quan Ngoại (Tuyết Sơn phi hồ), kho báu ở chùa Thiên Ninh phủ Giang Lăng (Tố tâm kiếm) đều tẩm thuốc độc. Bọn giang hồ hào sĩ, bọn quan lại tham tàn đã tìm được các kho báu đó. Tay họ đã chạm, túi họ đã đựng đầy những vàng bạc, kim cương mã não nhưng họ đã trúng độc, chết ngay tại chỗ trước khi trở thành những siêu tỷ phú. Nó là nguồn hạnh phúc thuần tuý mang tính ẩn dụ đối với người Trung Quốc chăng?

Tiểu thuyết, võ hiệp Kim Dung thường nhắc đến con rồng. Ta có thể dễ dàng bắt gặp Hàng long thập bát chưởng với Hiện long tại điền, Tiềm long thăng thiên, Giao long xuất hải, Thần long bái vĩ, Phi long tại thiên, Kháng long hữu hối...... đây là tên các thế võ phỏng theo tên gọi các quẻ trong Kinh Dịch. Ngay móng vuốt của rồng cũng hình thành môn võ công: Long trảo công, Long tượng chưởng, Cầm long công.... mà rồng là con vật chỉ có trong linh thoại, dứng đầu tứ linh: long, lân, quy, phụng. Đưa con rồng vào trong tiểu thuyết võ hiệp, Kim Dung đã đưa người đọc trở về với thế giới linh thoại, một thế giới vượt xa thế giới hiện thực, ở ngoài thế giới hiện thực.

Ai cũng tự yêu mình, quý tính mạng của mình. Khuynh hướng ái ngã gần như là một kinh nghiệm phổ quát và tuyệt đối của loài người từ Đông sang Tây. Trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, những nhân vật trung tâm lại xả thân hành hiệp cứu đời, cứu người; sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình cho người khác được sống. Lệnh Hồ Xung chiến đấu đến sức cùng lực kiết với Điền Bá Quang để giải cứu cô nữ ni xinh đẹp và trong trắng Nghi Lâm; Trương Vô Kỵ hiến thân để cứu quần hùng Minh giáo; Địch Vân liều mình cứu Thủy Sinh; Kiều Phong dấn thân vào đầm rồng hang cọp để chạy chữa cho A Châu; Hồ Phỉ nghe nơi đâu có cường hào ác bá bức hại dân đen là tìm đến để lập lại công đạo.... Đó là những tấm gương lớn xuất phát từ khái niệm hành hiệp độ thế. Những nhân vật của Kim Dung trở thành những người hùng lý tưởng.

Từ người hùng lý tưởng trong cuộc sống, họ trở thành người tình lý tưởng trong tình yêu. Họ thương yêu say đắm, thủy chung trong khuôn khổ cho phép của lễ giáo Trung Quốc.

Tình yêu đối với họ gần như tự nhiên, hoàn toàn không hàm ý lợi dụng, cơ hội, cưỡng cầu. Gần như tình yêu trong võ hiệp Kim Dung là kết quả của những cơ duyên hợp lý. Cơ duyên không hề mang tính chát tiền định như cơ duyên trong tư tưởng phật giáo, nó chính là kết quả của những mối quan hệ xã hội trong sáng và võ hiệp. Tình yêu trong truyện võ hiệp hình thành một thế giới riêng của anh hùng và giai nhân.

Cái thế giới giang hồ tên đường đao mũi kiếm, cái thế giới của thoại sử, cái thế giới của võ cộng siêu việt, cái thế giới cảu luật giang hồ, cái thế giới của những anh húng lý tưởng, những mối tình tuyệt vời - tất cả kết hợp thành một bầu trời riêng, khác hẳn bầu trời hiện thực mà người Trung Quốc đã sống. Đó là bầu trời ngoài một bầu trời - một "thiên ngoại hữu thiên". Ai đau xót vì cuộc sống, mệt mỏi vì những oán thù, đau đớn vì phải là người trong cuộc sống hiện thực hãy tìm đến "bầu trời" trong tiểu thuyết võ hiệp.

0 nhận xét: