BẠCH Y NGŨ BÚT
(Vietkiemhiep) - Tuy chỉ là một tình tiết nhỏ, đơn giản, được diễn đạt cũng chỉ vẻn vẹn có vài dòng trong tiểu thuyết kiếm hiệp Thần điêu hiệp lữ. Nhưng tình tiết Tiểu Long Nữ bị Doãn Chí Bình “hái quả”, lấy mất đi sự trinh trắng lại là một trong những tình tiết tạo nên sóng gió nhiều nhất, với biết bao cảm xúc, lời bàn luận chưa bao giờ chấm dứt.
Chính điều đó nói lên tầm quan trọng và giá trị về sự trinh tiết của một người con gái.
Nói một cách “trần trụi” ra, là sau khi bị lão già gàn dở nửa điên nửa tỉnh Tây độc Âu Dương Phong điểm huyệt làm tê liệt toàn thân, Tiểu Long Nữ đã bị tên giáo sỹ của phái Toàn Chân Doãn Chí Bình lợi dụng cưỡng đoạt. Điều éo le và đau lòng đến mức có thể cười ra nước mắt, là Tiểu Long Nữ lại đồng thuận và hiến dâng – vì cứ tưởng người đang ân ái với mình chính là Quá nhi (Dương Quá) - người mà nàng yêu thương gắn bó vô cùng, lại vừa nói "trong lòng Quá nhi vĩnh viên chỉ có cô cô".
Tôi đã có vài lần đọc Thần điêu hiệp lữ. Lần đầu từ những năm còn học cấp hai, chỉ khoảng 13-14 tuổi, rồi đến khi là sinh viên (22-23 tuổi). Và lần gần đây nhất là khi đã gần 50 tuổi. Tình tiết Tiểu Long Nữ bị Doãn Chí Bình cướp mất đời con gái luôn đem đến cho tôi những cảm xúc hết sức to lớn, đến mức “chấn động” tâm thần và dù đã khép lại trang sách, sao vẫn cứ còn phảng phất mãi trong nhiều ngày, không sao rũ bỏ đi được. Thế nhưng, những cảm xúc và suy nghĩ của tôi không hẳn là lần nào cũng tuyệt giống lần nào, mà thay đổi theo thời gian, độ tuổi và nhận thức.
Tuy nhiên, cảm giác bao trùm vẫn là sự hụt hẫng, xốn xang. Một sự mất mát thật vô tả. Giống như một trong những “báu vật” mà mình vẫn nâng niu, tôn quý bỗng nhiên bị rơi xuống nền gạch bẩn. Và biết chắc là vĩnh viễn không bao giờ còn lấy lại được nữa. Tan nát cõi lòng và choáng! Sở dĩ như vậy, có lẽ là vì tôi đã quá mê, quá yêu nàng. Tiểu Long Nữ với vẻ lạnh lùng kỳ lạ, nhưng chứa ẩn những nét dễ thương thầm kín và đầy nữ tính, cuốn hút đến vô cùng. Điều đặc biệt nhất và không ai có thể so sánh, là nàng không vướng chút bụi trần, như người của cõi tiên. Từ nhỏ đến lớn chỉ thui thủi sống trong cổ mộ với hai người phụ nữ già, không giao tiếp với bất kỳ ai.
Song cũng từ thời khắc đó, suy nghĩ và cảm nhận của tôi về Tiểu Long Nữ bỗng chợt khác đi. Theo cái cách mà một người đàn ông nhìn một người đàn bà và suy nghĩ về một người đàn bà, với những cảm xúc thi thoảng có vị nhục cảm. Đôi khi, tôi thấy xấu hổ về ý nghĩ đó (cứ như mình là một người có đầu óc “bậy bạ”, thiếu trong sáng). Nhưng đôi khi tôi lại cho rằng suy nghĩ của mình là bình thường và thậm chí là hiển nhiên. Vì từ thời khắc đó nàng đã là một người đàn bà chứ không còn là một nàng trinh nữ nữa. Làm sao tôi có thể tiếp tục nghĩ về nàng như một thiếu nữ.
Có loài hoa nào mà không đến ngày héo nụ để kết quả. Có người phụ nữ nào không cần phải “thoát xác” từ một cô bé thành một người phụ nữ. Mọi người con gái đều cần phải lớn lên - trải qua - để hướng đến thiên chức làm mẹ, làm vợ. Thế nên, tôi tự nghĩ mình không bậy bạ. Trong thâm tâm tôi vẫn rất rất say mê, rất yêu nàng Tiểu Long Nữ của mình – như một trong những nhân vật nữ mà mình yêu quý nhất. Tình cảm của tôi dành cho nàng là chung thủy.
Chẳng riêng gì tôi, dù có thể không phải ai cũng nói ra, nhưng hầu như mọi độc giả (kể cả nam và nữ) khi đọc đến tình tiết này đều có cảm giác xốn xang, hụt hẫng, nuối tiếc và … khó tả!
Có bạn đọc nữ nói trên một diễn đàn, là khi còn trẻ, đọc đến đoạn này cô đã khóc. Thật khó diễn tả, nhưng tôi cảm nhận được vì sao cô khóc!
Trong các tác phẩm của Kim Dung, tôi cho rằng Tiểu Long Nữ là nhân vật đẹp nhất, thoáng nét thần tiên và có lẽ cũng nữ tính nhất. Ở nàng luôn tiềm ẩn một sự thu hút và hấp dẫn rất khó cưỡng và khó diễn tả - qua vẻ bề ngoài đẹp như tiên nữ, thanh mảnh nhỏ nhắn, với y phục trắng tinh khôi như một nữ sinh, nhưng lại có lối giao tiếp đầy lạnh lùng, bàng quan, nói năng cụt ngủn, gương mặt ít thể hiện cảm xúc. Và rất hiếm khi thấy được nàng cười. Hay nói chính xác hơn là chỉ có duy nhất Dương Quá mới có thể làm nàng cười.
Không phải là ngẫu nhiên, mà từ xưa và đặc biệt là ở những nước Á Đông, sự trinh trắng ( hay còn còn là trinh tiết) của một người con gái được xem là "vô giá", "ngàn vàng". Điều đó thể hiện sự đánh giá cao và tôn trọng phẩm hạnh của người phụ nữ. Nói lên sự chung thủy, chung tình.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, sự trinh trắng của người con gái cần phải hiểu một cách trìu tượng, bao hàm cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Chứ không nên chỉ nghĩ theo nghĩa đen một cách thô thiển và thuần túy. Có lẽ sẽ nhiều người đồng ý với tôi rằng mặc dù bị cưỡng đoạt trinh tiết, nhưng Tiểu Long Nữ vẫn luôn được xem là biểu tượng của sự thanh khiết. Đối với nàng, trên đời này chỉ có duy nhất một mình Quá nhi mà thôi. Nàng có thể đánh đổi và hy sinh thể xác thậm chí cả mạng sống của mình, không một chút lăn tăn, vì Dương Quá, vì tình yêu dành cho Dương Quá. Còn sự trinh trắng nào đáng nói hơn !
Nếu ai đó nói rằng ta chiếm được thể xác của một người con gái, thì không có nghĩa là nàng đã "hiến dâng tất cả" cho ta.
(bài viết chưa xong)
----------------------------
Bài liên quan:
Vụ "hái quả" Tiểu Long Nữ, đừng quá trách Doãn Chí Bình
Âu Dương Phong có trách nhiệm gì trong việc Tiểu Long Nữ bị Doãn Chí Bình “hái quả” không?
Tiểu Long Nữ
0 nhận xét: