VŨ ĐỨC SAO BIỂN (Vietkiemhiep) - Hôm nay là mồng Một tết Nhâm Ngọ (2002), rơi đúng vào ngày sinh của tôi. Nhà nho nói: “Đa thọ đa nhục”. Tô...

Sử kiếm ý, bất sử kiếm chiêu


VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Hôm nay là mồng Một tết Nhâm Ngọ (2002), rơi đúng vào ngày sinh của tôi. Nhà nho nói: “Đa thọ đa nhục”. Tôi đã “thọ” thêm được một tuổi nữa, lòng thực sự không cảm thấy hạnh phúc chút nào. Ấy bởi vì trong cuộc sống và sáng tạo của một người cầm bút, tuổi già thường được đồng hóa với sự trì trệ, sự mệt mỏi, sự thiếu lửa. Mà đã trì trệ, mệt mỏi, thiếu lửa thì e rằng cái mà ta viết ra được sẽ không còn cuốn hút bạn đọc như xưa.
Văn chương, âm nhạc tối kỵ nhất là lối mòn, là rơi vào chủ nghĩa công thức. Có người nghĩ mình là tài hoa, viết ra những câu lạ, sử dụng một tập hợp những ngôn ngữ khó hiểu để lừa mị quần chúng, mong tự chứng tỏ tác phẩm mình mang trí tuệ. Không đâu! Đó là sự trí trá của hoa giả, loại hoa làm bằng nhựa hoặc giấy. Thoạt nhìn, ta nghĩ đó là hoa, thậm chí còn là hoa đẹp nữa bởi màu sắc rực rỡ, tươi tốt quanh năm. Nhưng không, nó chỉ là hoa giả, còn thua xa cả một bông hoa dại mọc lẻ loi ở bên đường. Văn chương cũng vậy, âm nhạc cũng vậy, phụ nữ cũng vậy luôn.

Mười hai giờ kém hai mươi đêm mùng một, có chàng thanh niên lang thang chết bên vệ đường, trước cư xá tôi ở. Đên nghe tiếng tụng kinh phát ra từ băng cassette, trông bóng đèn sáng một góc hè phố, tôi biết anh đã chết. Xác anh được đặt trên chiếc ghế bố, một tấm chăn mỏng trùm từ đầu đến chân. Ngày tết, chẳng có ai bán buôn, không tìm ra đượi nải chuối giằng bụng; một ai đó đã nảy ra sáng kiến giằng bụng bằng một con dao nhỏ. Phía trên đầu anh, có một chén cơm trắng, một chiếc hột vịt luộc. Nghĩa tử là nghĩa tận, chết là hết, không ai trách được anh điều gì nữa. Hàng xóm nói anh nghiện ma tuý, đã đau phổi lại thêm chứng đau gan. Chiều 30, trong khi mọi người tất bật chuẩn bị mua sắm, trang trí nhà cửa để đón tết thì một mình anh vật vã với cơn đau trên cái nền xi măng lề đường. Anh đã sinh ra, đã lớn lên, đã từng mơ ước và chắc chắn đã từng yêu. Nhưng rồi, một cú sốc nào đó trong đời đã đưa anh tìm đến với ma tuý và trượt dài trên con đường sầu thảm ấy. Cuối cùng, anh ra đi

Người đi trên dương gian
Thở hơi ấm (ư) từ ngàn năm

Đó là ca từ trong một bài hát mà tôi đã thuộc từ mấy mươi năm trước. Bây giờ thì hơi ấm từ ngàn năm đã thoát khỏi cái thân xác gầy guộc kia. Tôi cứ nhìn mãi hai ngón chân cái nhô lên sau làn chăn mỏng, hai ngón chân tiêu biểu của hai bàn chân, cứ muốn bước tới, bước tới. Cầu cho anh được tha thứ mọi lỗi lầm, được sống bình an trong cõi phúc. Tôi cho rằng anh cũng như bao nhiêu con người khác qua đời đều xứng đáng để được cầu chúc như vậy. Anh đã từng bị dè bỉu, khinh miệt, xa lánh. Nay anh qua đời, đúng là một sự giải thoát, một hạnh phúc cuối cùng. Cuộc sống buồn và đau quá. Ra đi là hơn, ra đi là hơn.

Đệ tử lâu đời lâu kiếp
Nghiệp chướng nặng nề
Tham giận kiêu căng
Si mê lầm lạc
Ngày nay nhờ Phật
Biết sự lỗi lầm
Thành tâm sám hối…

Tiếng kinh cầu dịu dàng, tiếng chuông, tiếng mõ đưa hồn anh đi.

Biên giới giữa sự sống và cái chết là hết sức mong manh, mong manh như sợi tơ nhện, mong manh như làn khói. Những nhân vật trong các bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã chứng mình cho chúng ta thấy điều đó một cách cụ thể y như rằng họ đang sống và đã chết giữa cuộc đời chúng ta vậy.

Trương Thuý Sơn và Hân Tố Tố (Ỷ thiên Đồ long ký) được gọi là một đôi ngọc nhân. Họ thương yêu nhau, sống thành lứa đôi ở Băng Hoả đảo mà không hề bị ràng buộc bởi các giáo điều của hệ tư tưởng phong kiến. Họ tươi đẹp, thông mình, tài hoa, trinh bạch; hai con người như vậy quả là thế gian hãn hữu. Họ có một người con trai, mới mười tuổi cũng đã rất thông mình, tài hoa. Phía sau lưng Trương Thúy Sơn là phái Võ Đang; phía sau Hân Tố Tố là Bạch Mi giáo. Đó là hai thế lực cực thịnh trong võ lâm Trung Quốc thời Nguyên mạt. Một lứa đôi như vậy đáng lẽ phải được hưởng hạnh phúc lâu dài đến đầu bạc răng long. Ấy vậy mà khi trở về núi Trung Nguyên, sum họp gia đình chưa được một ngày, họ đã phải đối phó với những kẻ thù. Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố đã tự chọn cái chết, tự xử lấy mình như một thứ tự do cuối cùng mà con người có thể làm được.

Trong tác phẩm Hiện sinh là một thuyết nhân bản (L’Existentianisme est un humanisme), tác giả Jean Paul Sartre đã từng đề cập tới một điều mà ông gọi là trò ma thuật thể hiện ý chí, khát vọng về tự do cuối cùng của con người. Ông định nghĩa trò ma thuật ấy là một giải pháp giúp con người hư vô hoá hoàn cảnh khi con người không còn cách để chống chọi hoặc thoát ra khoải hoàn cảnh ấy. Thí dụ khí đứng trước một con cọp, người ta không thể đánh thắng con cọp hoặc bỏ chạy khỏi móng vuốt của nó thì tốt hơn hết người ta nên ngất xỉu. Trò ma thuật ngất xỉu giúp người ta quên đi hoàn cảnh đang đối mặt với con cọp. Ông gọi đó là tự do cuối cùng của con người. Chúng ta đều hiểu trang thái ngất xỉu có thể hư vô hoá được hoàn cảnh đang đối mặt với con cọp nhưhng hoàn toàn không giúp gì được cho con người giải quyết được hoàn cảnh ấy. Nhưng dầu sao, ngất xỉu vẫn là một giải pháp, giải pháp tình thế. Có còn hơn không!

Trở lại với Hân Tố Tố. Khi thấy chồng đã tự sát, Hân Tố Tố vẫn rất bình tĩnh, nắm tay con trai Trương Vô Kỵ, chỉ vào đám quần hùng ngồi quanh đó và dặn dò con: “Hài tử, ngươi hãy nhớ rằng tất cả những kẻ có mặt ở đây là kẻ thù của người”. Đôi mắt trẻ thơ của Trương Vô Kỵ long lên, đầy vẻ oán độc. Dặn con xong, Tố Tố mới tự sát, chết theo chồng. Có điều Tố Tố không ngờ là 10 năm sau, Vô Kỵ lớn lên, chẳng những không trả thù như lời mẹ dặn mà còn rộng lòng tha thứ cho tất cả những kẻ bức tử cha mẹ mình. Tự do cuối cùng của Trương Thuý Sơn và Hân Tố Tố là tự sát; tự do cuối cùng cùng của Trương Vô Kỵ là tha thứ.
Biên giới giữa sự sống và cái chết quả thật mong manh. Biên giới giữa quyền lực và sự sụp đổ cũng mong manh không kém. Trong Tiếu ngạo giang hồ, thật khó có một nhân vật thứ hai mà quyền lực có thể vượt qua nhân vật Nhạc Bất Quần. Nhạc Bất Quần là chưởng môn phái Hoa Sơn, một trong Ngũ Nhạc kiếm phái. Bản thân nhân vật này đã tinh thông kiếm pháp phái Hoa Sơn; lại hoạc được kiếm pháp của 4 phái còn lại là Hằng Sơn, Hành Sơn, Thái Sơn và Tung Sơn; đoạt luôn cả Tịch tà kiếm phổ của nhà họ Lâm ở Phúc Châu và luyện thành thứ kiếm pháp quỷ mị này. Lão vươn lên làm chưởng môn của Ngũ Nhạc phái (bỏ chữ kiếm), võ công kiêm toàn cả chính lẫn tà, có tham vọng cùng hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang chia ba chân vạc. Quyền lực của lão cao đến vậy là cùng.

Để an tâm khẳng định quyền lực, lão phải tìm cách giết cho được đại đệ tử của mình là Lệnh Hồ Xung và người tình của chàng trai này là Nhậm Doanh Doanh. Lão chụp được cả đôi tìnhh nhân vào trong lưới cá và chuẩn bị thực hiện động tác sau cùng: rút kiếm ra, phóng vào mỗi người một kiếm là xong. Đúng lúc đó thì tiểu ni cô Nghi Lâm phái Hằng Sơn xuất hiện. Cô gái này có tâm địa từ bi, suốt đời chưa biết làm đau một cành cây, một cọng cỏ. Đối với cô, Lệnh Hồ Xung là bảo vật trên đời, bởi chàng trai này đã xả thân cứu cô, bảo vệ sự trong trắng của cô. Cho nên, hễ ai đụng đến Lệnh Hồ Xung là cô xả thân để cứu chàng. Như một quán tính, khi thấy Nhạc Bất Quần phóng kiếm vào Lệnh Hồ Xung, tiểu ni cô từ bi Nghi Lâm cũng phóng kiếm vào người Nhạc Bất Quần. Cô đã cứu được Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh. Nhạc Bất Quần chết, giấc mộng quyền lực mà lão đeo đuổi trên 50 năm cũng sụp đổ hoàn toàn.
Từ nhỏ tới lớn, tôi chỉ bị mẹ tôi đánh có một lần. Đó là lần tôi không bảo vệ được em tôi, để em tôi bị một kẻ lớn hơn tát vào má một cái. Nhìn thấy dấu tay trên má của em tôi, mẹ giận tôi quá, sẵn cái sàng gạo trên tay, mẹ cạch xuống đầu tôi. Tôi bị đòn, khóc không phải vì đau mà vì xấu hổ đã không đủ sức để bảo vệ em ruột của mình. Chuyện ấy xảy ra cách đây đã 38 năm nhưng mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn cảm thấy có tội với mẹ tôi, có lỗi với em trai tôi. Sau này, đi làm báo, tôi lại gặp thêm nhiều lần sống trong trạng thái đau đớn, xấu hổ nữa. Bạn đọc ở xa, đọc trên mặt báo hoặc sách, thấy tôi viết được một số bài đấu tranh cho công bằng xã hội, dám đụng đến một số người có quyền lực, dám bảo vệ cho người nghèo, đã viết thư, gọi điện khen tôi là người dũng cảm. Một số anh em trong giới cầm bút biết tôi đang dạy môn công tác phóng viên ở một trường chính quy tại thành phố và một số khoá giảng ngắn ngày tại các tỉnh miền Tây, đã có nhã ý xem tôi như là nhà báo có kinh nghiệm. Đông đảo bạn đọc yêu nhạc trên cả nước thấy tôi xuất hiện trên đài VTV (Hà Nội), HTV (TP.HCM), CTTV (Cần Thơ), BLTV (Bạc Liêu)… và các đài khác trên cả nước qua những chương trình riêng cứ nghĩ rằng tôi là hạnh phúc lắm.

Không phải vậy đâu! Tôi phải thường xuyên đối mặt với những đau đớn, xấu hổ. Bạn không thể hình dung được tôi đã cảm thấy xấu hổ cực kỳ khi hứa với lòng mình về chuyện một cháu gái mới 16 tuổi ở miền Tây rằng sẽ đưa vụ án cháu bị hiếp dâm ra ánh sáng, rằng sẽ tố cáo đích danh kẻ đã hiếp cháu và những kẻ bao che, ém nhẹm việc này nhưng cuối cùng đã không làm được. Bạn không thể hình dung được đã nhiều lần tôi ngồi trước những viên chức từng ăn tiền để làm án oan cho những người vô tội lương thiện, nói một cách hết sức nhã nhặn với họ để kiếm một số thông tin mà tôi biết chắc rằng một nửa thông tin là điều dối trá. Bạn không hình dung đuợc rằng một thời tôi đã đứng lớp dạy văn, biết rằng tác phẩm đang dạy dở ẹc mà miệng vẫn cứ phải bô bô khen hay. Những điều tôi không viết ra được cũng nhiền như số tóc có trên đầu tôi. Mà một người cầm bút đang biết mình đúng, mình trúng nhưng không viết ra được thì có gì đau đớn, xấu hổ bằng.

Bạn thân mến! Xin bạn chớ nản lòng khi tôi đưa bạn đi từ cái chết của một thanh niên lang thang đến số phận của Trương Thuý Sơn, Hân Tố Tố, Nhạc Bất Quần rồi nói đến tâm trạng xấu hổ của mình khi chưa làm tròn chức năng của một nhà báo trước bạn đọc. Bình chuyện nhân vật Kim Dung cái gì mà lạ vậy? Tôi mong được nhắc lại câu chuyện Phong Thanh Dương dạy Lệnh Hồ Xung học kiếm (Tiếu ngạo giang hồ): “Người đời thường sử dụng kiếm chiêu tức là thường quan tâm đến thước tấc, bộ vị, tư thế khi phóng kiếm. Mà hễ có kiếm chiêu, tất có chỗ sơ hở, tức là có chỗ để cho người khác phá chiêu. Như vật, để có thể khắc địch chế thắng, người sử kiếm không sử kiếm chiêu mà chỉ nên sử dụng kiếm ý”. Lệnh Hồ Xung đã học kiếm pháp các phái Hoa Sơn, Hằng Sơn, Tung Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn; lại nhập tâm đao pháp của Điền Bá Quang và các thủ pháp phá giải kiếm pháp Ngũ Nhạc kiếm phái của Ma giáo. Phong Thanh Dương dạy Lệnh Hồ Xung đem tất cả các thứ chiêu thức tạp nhạp đó nối liền thành một dây, chỗ nào miễn cưỡng quá không nối được thì vứt bỏ. Sau khi nối thànhh một dây, Lệnh Hồ Xung phải quên sạch mọi thứ đã học. Đến bấy giờ mới sử kiếm ý, ý niệm đi tới đâu, thế kiếm đi tới đó, liên miên bất tuyệt như nước chảy mây trôi. Đó là một thứ kiếm pháp hoàn toàn đi ngược lại kiếm lý phổ thông: có khi phóng vào khoảng không, có khi mềm oặt như mất hết khí lực, có khi hung hiểm như con trường xà đột ngột chờ sẵn… Lệnh Hồ Xung sử kiếm ý đó mà lòng sung sướng như điên. Hai chữ phá chiêu trở thành vô nghĩa.

Tôi cũng học cách của Lệnh Hồ Xung, ý nghĩ đi tới đâu, phóng ngòi bút tới đó. Vâng, tôi đang sử bút ý.

0 nhận xét: