(Vietkiemhiep) - Trong những bộ truyện của Kim Dung mà tôi đã đọc, vẫn thích nhất bộ "Thần điêu đại hiệp" vì những điều tưởng như...

Thần điêu đại hiệp - Những điều tưởng như không tưởng


(Vietkiemhiep) - Trong những bộ truyện của Kim Dung mà tôi đã đọc, vẫn thích nhất bộ "Thần điêu đại hiệp" vì những điều tưởng như không tưởng trong truyện, nhưng sau khi đọc truyện 3 lần, xem phim 4 lần với 4 bản chỉnh sửa khác nhau một chút, thì lại thấy mình được mở rộng tầm mắt khi hiểu ra một điều: không - tưởng với mình thôi, chứ trời đất mênh mông, vũ trụ nhiều điều thâm sâu thì không điều gì là không tưởng.

Những điều tôi được hiểu ra đất rộng trời cao đều liên quan đến tình yêu. Bộ Thần điêu đại hiệp lại quá nổi tiếng với mối tình Dương Quá-Tiểu Long Nữ, và mối tình-hận của Lý Mạc Sầu. Bên cạnh đó cũng có những mối tình khác không kém phần ác liệt của các nhân vật khác. Vì vậy, tôi sẽ bàn về những chuyện này theo cái hiểu hạn hẹp của mình.

Mối tình Dương Quá và Tiểu Long Nữ là một mối tình được chính tác giả Kim Dung bầu chọn là lãng mạn nhất, và có kết thúc có hậu sau rất nhiều sóng gió, thị phi.  Dương Quá là một trong những nhân vật nam được Kim Dung yêu thích. Tiểu Long Nữcũng trong danhsách mỹ nhân được yêu thích nhất của Kim Dung.

Cùng với thời gian tìm hiểu, tôi đã rất ngạc nhiên khi Kim Dung, một mặt bầu chọn TiểuLong Nữ là gương mặt đẹp, khả ái và yêu thích, mặt khác lại không đưa cô vào danh sách những mỹ nhân được ao ước lấy làm vợ. Có lẽ vì sự quá lãng mạn và nhẹ nhàng, trong sáng chăng? Không thể biết được lý do của chính tác giả, nhưng Tiểu Long Nữ cũng chỉ cần tình yêu của Dương Quá, không cần đến ý kiến và sự đồng ý của bất kỳ ai.

Sự gần như không tưởng của mối tình này bao gồm: khoảng cách tuổi tác, cấp bậc sư phụ- đệ tử, thử thách trường thiên điạ cửu, thời gian chờ đợi 16 năm, và không có con cái. Tất cả những điều này, đối với tất cả mọi người, thì đều như đã đủ cho một sự không-có-hạnh-phúc và không theo những mặc định thông thường của xã hội. Đọc một mối tình trong truyện thì sung sướng khi thấy hai nhân vật được bên nhau, nhưng có mấy ai cảm nhận được hạnh phúc đó khi chính mình là người trong cuộc?

Đó là một biểu hiện của tinh thần Thiền - sự tự do về tinh thần. Khi chưa hiểu được điều này, đó là một điều không tưởng với tôi khi chấp nhận tình yêu của Dương Quá-Tiểu Long Nữ: không thể nào có truyện đó được, nhưng vì là nhân vật truyện, thôi thì mình cũng đồng ý vậy.

Cùng với nhiều nhiều thời gian khi lớn lên, đọc thêm nhiều bộ truyện khác của Kim Dung, tìm hiểu về chính tác giả, và nhìn nhận cuộc đời kiểu khác, tôi thấy mình đã quá hạn hẹp khi dùng những yếu tố này nọ để đánh giá một cuộc tình và một quyết định bên nhau của người khác. Nếu Dương Quá sẵn sàng vứt thuốc giải độc để được chết cùng Tiểu Long Nữ, nếu Tiểu Long Nữ chấp nhận thay đổi sở thích bản thân để Dương Quá được vui và tung hoành cả đời, thì những khoảng cách khác có là gì đâu.

Khi có được sự tự do về tinh thần, người ta sẽ luôn hạnh phúc với cái mình có và làm được, hơn là chạy theo những đòi hỏi và yêu cầu khắc nghiệt của người khác.

Trái ngược hoàn toàn với sự hạnh phúc của Dương Quá và Tiểu Long Nữ, là tình-hận của Lý Mạc Sầu. Đối với tôi ngày trước, đây cũng là một sự không tưởng về tính độc ác trong tình yêu. Lý Mạc Sầu bị phụ tình, đã giết đôi nam nữ kia, và đem tro xương hai người ra hai hướng khác nhau để họ có biến thành ma cũng không bao giờ được gặp lại. Vậy mà, đáng buồn là tính cách này có thể đến với bất kỳ ai từng bị phụ tình. Bao nhiêu người giết người yêu, và cả gia đình người yêu. Bao nhiêu người giết con mình, hoặc con người tình cũ chỉ để được hả dạ. Lý Mạc Sầu trong truyện lại còn có thể chưa bằng một phần những phiên bản ở ngoài đời thật.


Dương Quá và Tiểu Long Nữ

Ngoài ra còn tình yêu kinh khủng của đôi vợ chồng Công Tôn Chỉ và Cừu Thiên Xích: chồng lấy vợ vì muốn học võ công, sau khi đạt được thì cắt hết gân tay chân của vợ và đẩy vợ xuống hồ cá sấu; vợ thì bắt chồng phải giết tình nhân, khi được Dương Quá cứu sống từ hồ cá sấu, lại bắt phải lấy con gái mình, nếu không thì không đưa thuốc giải độc. Cuối cùng, vợ đốt hết gia trang của chồng, và đẩy chồng xuống hồ cá sấu nhưng cũng bị kéo theo. Hoá ra vợ chồng thì hết kiếp vẫn phải chết cùng nhau, và cùng thê thảm.

Có những người nhờ tình yêu mà tốt hơn, lại có những người vì chữ tình mà tự thay đổi bản thân trở nên kinh khủng. Những điều quá chân thành và say đắm ngỡ không tưởng ngoài đời, và những gì quá nhẫn tâm, tàn bạo như chỉ có trong truyện, thì không gì là không có và không thể ngoài đời.

Vì vậy, những người đọc truyện Kim Dung cũng giống như tất cả những nhân vật sống trong sách: Khi trẻ, ta bàn chuyện kiếm pháp, nếu không thể thành nhân vật để học và đấu pháp thì người đọc sẽ tuỳ theo sở thích mà thích Giáng Long Thập bát chưởng, hay Cửu âm chân kinh,, v.v.; khi trải nghiệm cuộc đời, ta lại bàn về đạo lý làm người, thật-giả, phải-trái; khi hết truyện đến cuối đời, ta lại xem những người từng cùng thời, ai còn sống, ai đã mất. Mà làm người không phải dễ, ngay cả người sống cũng phải xem mình còn nỗi nhục nào không, mà những người đã mất cũng vẫn được ca ngợi nếu đại nghĩa hành hiệp, quang minh chính đại, chết vẫn có thể ngẩng đầu nhìn mọi người.

Những câu hỏi như: làm cách nào để sống? làm cách nào để thoát chết? phải làm gì để nổi tiếng? tưởng chừng hoàn toàn bay theo gió bụi qua những trang sách. Như Nhất Đăng đại sư đã trả lời khi bị Cừu Thiên Nhẫn đánh đến trọng thương mà vẫn không đánh trả: Thắng ngươi để làm gì? Thua người để làm gì? Quan trọng là ngươi thắng ngươi, nếu không thể kiểm soát được chính mình thì đừng nói đến thắng thua với người.

Câu trả lời này cũng dành cho mọi câu hỏi. Sống rốt cuộc để làm gì? Được gì, mất gì khi mãi so sánh với người khác mà không hiểu được chính mình? Gấp lại bộ truyện này, thấy mình chưa đủ trọn vẹn, mà cũng trọn vẹn hơn.

???

----------------------------------

Bài liên quan:


0 nhận xét: