VŨ ĐỨC SAO BIỂN
(Vietkiemhiep) - Đọc qua 12 bộ võ hiệp tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung, tôi chọn Trần Viên Viên trong Lộc Đỉnh ký và bầu nhân vật này là đệ nhất đại mỹ nhân. Trần Viên Viên là một nhân vật có thật trong lịch sử Minh mạt - Thanh sơ. Cuộc đời gian nan chìm nổi và nhan sắc tuyệt thế của nhân vật này trước những biến động của lịch sử trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo cho một nhà thơ đương đại là Ngô Mai Thôn viết thành Viên Viên khúc, một bài thơ dài được phổ nhạc truyền tụng trong suốt lịch sử của triều Thanh (1642 - 1911). Đi vào trong tiểu thuyết của Kim Dung, Trần Viên Viên trở thành nhân vật tiểu thuyết trong ba chương, 48 trang nhưng đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.
Đời vua Minh Sùng Trinh (1628 - 1643), lầu hồng kỹ viện mọc lên ở khắp nơi, đặc biệt là ở Tô Châu và Dương Châu. Trần Viên Viên là danh kỹ dệ nhất thành Tô Châu. Cuộc đời của nhân vật này quan hệ một cách đặc biệt tới Sùng Trinh hoàng đế, Lý Tự Thành hoàng đế và Bình Tây Vương Ngô Tam Quế - ba thế lực phong kiến biểu trưng của thời Minh mạt - Thanh sơ.
Trong Lộc Đỉnh ký của Kim Dung, nhân vật Vi Tiểu Bảo 16 tuổi, làm Tứ hôn sứ cho vua Khang Hy, đi công cán tại Vân Nam và gặp Trần Viên Viên trong một ngôi chùa nhỏ ở ngoại thành Côn Minh. Khi ấy, Trần Viên Viên 40 tuổi, đã đi tu, lấy pháp danh là Tịch Tĩnh. Thế nhưng, "giọng nói ôn hoà trong trẻo" đúng khẩu âm Tô Châu, "cặp lông mày xinh như vẽ, nét mặt thanh tú không bút mực nào tả xiết"và "màu da trắng hồng khác nào bạch ngọc điểm phấn son" của người phụ nữ ấy đã làm cho gã thiếu niên 16 tuổi phải sững sờ đến nỗi "tay cầm chung trà, miệng há hốc ra không ngậm lại được, chân tay bủn rủn". Kim Dung gọi đó là "tấm dung quang tuyệt thế". Ấy là Trần Viên Viên năm 40 tuổi trong lớp áo đạo cô. Nếu là một Trần Viên Viên 20 tuổi với xiêm áo và phấn son của kỹ nữ thì sắc đẹp kia đã được nâng lên mấy bậc nữa. Bạn đọc và khán giả đã xem Lộc Đỉnh ký hẳn nhớ rằng Vi Tiểu Bảo đang say mê A Kha, con gái của Trần Viên Viên, một người mà dẫu đánh đổi cả ngôi hoàng đế gã cũng chẳng thèm đổi. Ấy vậy mà Vi Tiểu Bảo phải công nhận A Kha chưa đẹp bằng một nửa Trần Viên Viên!
Người tài năng đàn giỏi, múa đẹp, hát hay, Trần Viên Viên càng là người phụ nữ có văn hoá. Những lời tự nhận định của nhân vật này thể hiện một chiều sâu về trí tuệ, khác hẳn những đại mỹ nhân có thật trong lịch sử Trung Hoa: "Mỹ sắc làm hư việc nước, xưa đã thế mà nay cũng thế. Con người bất tường được trời ban cho tấm dung nhan khuynh quốc khuynh thành chỉ làm đau khổ lê dân trong thiên hạ. Tiện thiếp dù khua chuông gõ mõ, niệm nát chân kinh cũng không đủ đền tội trong muôn một". Tư duy ấy quả là tư duy của một tri thức, một nhà tu đắc đạo, không thể nào là tư duy của một kỹ nữ về hưu!
Nguyên khi còn là kỹ nữ tại Tô Châu, không biết bao nhiêu tài tử thời Sùng Trinh đã hâm mộ tài năng và nhan sắc của Trần Viên Viên. Vua Sùng Trinh sủng ái Điền Quý phi; Chu hoàng hậu bèn nổi lòng ghen tức. Cha ruột của Chu hoàng hậu đến kĩ viện bỏ tiền mua Trần Viên Viên, đưa vào cung phục vụ vua Sùng Trinh. Gặp Viên Viên, Sùng Trinh như bị hớp hồn, ở luôn ba ngày trong cung không thiết triều, còn hứa phong cho Viên Viên làm quý phi. Cũng trong ba ngày ấy, một tay đại khấu là Lý Tự Thành tức Lý Sấm đánh lấy ba thành trì lớn của Sùng Trinh. Các quan đưa lời can gián, Sùng Trinh bừng tỉnh giấc mộng nịch ái nữ nhân, bèn gửi Viên Viên ra ở trong phủ Chu Quốc trượng.
Trong một bữa tiệc của các quan lại, Chu quốc trượng cho Trần Viên Viên ra múa hát. Nhan sắc Trần Viên Viên lọt vào mắt xanh của một viên tướng võ biền Ngô Tam Quế. Vua Sùng Trinh xuống lệnh bổ nhiệm Ngô Tam Quế ra trấn thủ Sơn Hải Quan để ngăn chặn quân Mãn Châu và ban Trần Viên Viên cho Ngô Tam Quế. Trần Viên Viên trở thành vợ hờ của viên tướng này, vẫn ở lại Bắc Kinh trong phủ Chu Quốc trượng.
Tại Sơn Hải Quan, Ngô Tam Quế đầu hàng lực lượng của Lý Tự Thành. Lý Tự Thành đánh vào Bắc Kinh; Sùng Trinh bỏ chạy rồi tự vận ở Môi Sơn. Bộ thuộc của Lý Tự Thành bắt được Trần Viên Viên, đem nạp cho Lý Tự Thành. Thế là đêm đêm sau những cơn chém giết đẫm máu, Lý Tự Thành lại quay trở về cung, ăn ở với Trần Viên Viên. Lý Tự Thành lên ngôi, xưng là Đại Thuận hoàng đế.
Được tin Lý Tự Thành chiếm đoạt Trần Viên Viên, Ngô Tam Quế làm cuộc binh biến, mở cửa Sơn Hải Quan đầu hàng quân Mãn Châu rồi trở thành mũi tiên phong của quân Mãn Châu kéo vào Bắc Kinh. Lý Tự Thành phải bỏ chạy vào Vân Nam. Hậu duệ của Sùng Trinh lên ngôi, xưng là Minh Vĩnh Lịch, đóng tại Côn Minh, Vân Nam. Thuận Trị hoàng đế lên ngôi tại Bắc Kinh, mở ra nhà Thanh, ra lệnh cho Ngô Tam Quế tiến đánh Vĩnh Lịch. Ngô Tam Quế đuổi Vĩnh Lịch chạy đến biên giới nước Miến Điện, giết Vĩnh Lịch, được nhà Thanh phong tước Bình Tây Vương, trấn thủ Vân Nam và Quý Châu. Trần Viên Viên trở thành vợ của Ngô Tam Quế. Nhưng khi nghe tin sắp được phong vương, Ngô Tam Quế không dám dưa tên Trần Viên Viên ra trình Thuận Trị hoàng đế và nguồn gốc xuất thân của nàng rất ty tiện và làm như vậy là tiết mạn hoàng đế. Y phải cưới vợ khác và bố trí Viên Viên ra đi tu tại một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô thành Côn Minh. Ngô Tam Quế yên chí đứa con giá lớn của Trần Viên Viên tên A Kha là con mình. Sự thật, đó chính là đứa con của Sấm vương Lý Tự Thành.
Cuộc đời của Trần Viên Viên đúng là bi kịch của nhan sắc: hết làm trò chơi cho các danh sĩ và nhà hào phú đất Tô Châu; nàng lần lượt trở thành trò chơi cho Sùng Trinh hoàng đế, Sấm vương Lý Tự Thành rồi Bình Tây vương Ngô Tam Quế. Cuộc chiến giữa Ngô Tam Quế và Lý Tự Thành tại Nhất Phiến Thạch làm chết cả vạn người, bị dư luận lịch sử Trung Quốc trút lên đầu của Trần Viên Viên. Chỉ có một người thông cảm với kiếp hồng nhan, đã làm một bài thơ để giãi bày hộ Trần Viên Viên. Đó là danh sĩ Ngô Mai Thôn với Viên Viên khúc. Chúng ta biết rằng cuối triều Đường Minh Hoàng, chính sự đổ nát; lịch sử cũng từng kết tội đại mỹ nhân Dương Ngọc Hoàn (Dương Quý Phi). Nhà thơ Bạch Cư Dị đã viết Trường Hận Ca thanh minh cho Dương Ngọc Hoàn và bài thơ đã được coi là danh tác trong thi ca đời Đường. Ngô Mai Thôn thời Thanh sơ cũng làm cái công việc mà bậc tiền bối Bạch Cư Dị đã làm. Cả hai bài thơ đều có mẫu số chung là bày tỏ niềm thương hương tiếc ngọc của danh sĩ đối với giai nhân. Kim Dung đã trích một số đoạn trong Viên Viên khúc và mượn tiếng đàn của chính Trần Viên Viên cất lên hoà trong tiếng tỳ bà cho Vi Tiểu Bảo nghe.
Trong thời gian vua Thuận Trị, các hậu duệ nhà Minh nổi lên dưới chiêu bài "phản Thanh phục Minh", tự xưng là Đường Vương, Quế Vương, Phúc Vương, Lỗ Vương. Nhưng rồi họ cũng bị nhà Thanh tiêu diệt. Cho đến khi Khang Hy lên ngôi và ở ngôi đúng 60 năm, mở ra một triều đại cực kì thái bình thịnh trị cho lịch sử Trung Hoa (1662 - 1722) thì không còn ai có thể hoài nghi về hùng tâm tráng chí của nhân vật này nữa. Chính vì vậy, khi Ngô Tam Quế nổi loạn ở Vân Nam, lên ngôi hoàng đế đã không được người Trung Quốc ủng hộ. Vua Khang Hy bình định được cuộc nổi dậy của Ngô Tam Quế; không còn ai nghe nhắc tới Trần Viên Viên.
Với 48 trang giấy đầy ấn tượng Kim Dung đã nêu ra trong tiểu thuyết của mình một phản đề: sự sụp đổ của các triều đại phong kiến Trung Hoa không phải do nhan sắc phụ nữ làm ra như dư luận lịch sử đã kết án. Bản thân nhan sắc không có tội. Cái tội đó là tội của những hôn quân vô đạo nịch ái nữ sắc, lãng quên số phận của trăm họ. Qua Lộc Đỉnh ký, Kim Dung cũng đã công nhận một ông Khang Hy người Mãn Châu làm vua còn tốt đẹp hơn một ông vua Sùng Trinh người Hán gấp ngàn lần. Vậy thì đừng nên đem những cái thất bại lịch sử của đàn ông để trút lên đôi vai của những người phụ nữ. Với một bút pháp kể chuyện có xen mô tả khá tinh tế, Kim Dung đã xây dựng một Trần Viên Viên trở thành đệ nhất đại mỹ nhân trong hàng ngàn nhân vật nữ trong tiểu thuyết của mình. Những Tiểu Long Nữ, Nhậm Doanh Doanh, Triệu Mẫn, Tiểu Siêu, Hân Tố Tố, Viên Tử Y, Vương Ngữ Yên ... cũng là những đại mỹ nhân nhưng là đại mỹ nhân ở tuổi 18-20. Họ không thể sánh bằng Trần Viên Viên ở tuổi 40 tươi đẹp, chân tình, trí tuệ, tài hoa và đau khổ!
0 nhận xét: