VŨ ĐỨC SAO BIỂN
(Vietkiemhiep) - AQ xuất hiện tháng 12.1921 trong truyện ngắn AQ chính truyện của Lỗ Tấn. Tác giả Lỗ Tấn không nói rõ AQ sinh ngày nào nhưng dường như khi chết đi, AQ đã là một người thành niên ở độ tuổi trên 30. Hoạ sĩ Nhật Bản Khuất Vĩ Vi vẽ lại di tượng AQ, minh hoạ cho tác phẩm của Lỗ Tấn, rất ngộ ngĩnh: trán hói, đầu lơ thơ mấy sợi tóc, miệng rộng, khuôn mặt hơi xương xương, mặc chiếc áo có hai mảnh và vụng về, ngang bụng thắt một sợi dây lưng lớn.
Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh ký của Kim Dung sinh ra dưới triều vua Thuận Trị, nhà Thanh. Khi vua Khang Hy khoảng 14, 15 tuổi thì Vi Tiểu Bảo khoảng 12, 13. Như vậy có khả năng là Vi Tiểu Bảo sinh khoảng năm 1655, 1656 gì đó tại thành Dương Châu, dù tác giả Kim Dung, vốn cũng như nhà văn tiền bối Lỗ Tấn, không muốn nói rõ "hành trạng" nhân vật của mình. Cả hai có một lí lịch lờ mờ, không rõ ràng lắm.
Về mặt chủng tộc, AQ dứt khoát là người Trung Quốc. Cái tên của AQ viết ấm ớ vì hắn cũng không rõ hắn tên gì. Nếu hắn có được một người em hay một người anh thì hắn đã có thể là A Quý, nếu hắn sinh vào tháng 8 âm lịch thì có thể hắn là A Quế (cành quế trên cung trăng). Nhưng hắn không có em, chẳng có anh, không biết sinh vào ngày tháng năm nào cho nên Lỗ Tấn thận trọng không dùng tên A Quý hay A Quế, hoặc mô phỏng theo kiểu viết tiếng Anh, phiên âm thành A Quei đặt cho nhân vật mình mà chỉ gọi ấm ớ là AQ. Chữ A "phi thường" đứng trước tên hắn xác định hắn là người Trung Quốc thứ thiệt vì tất cả các dân tộc khác trên thế giới đều không dùng chữ A đững trước tên người đàn ông phổ biến như ở Trung Quốc. Ngược lại, ta khó mà xác định nguồn gốc chủng tộc của Vi Tiểu Bảo. Bà Vi Xuân Phương, mẹ của Vi Tiểu Bảo, là gái làng chơi ở Dương Châu, năm 20 tuổi, tiếp khách đủ cả Hán, Mãn, Mông, Tạng, Hồi. Thuật chuyện cho con nghe, bà Vi Xuân Phương cũng không biết được cha thằng bé là ai, chỉ nhớ có một Đạt Ma Tây Tạng rất say mê bà, thường đến ăn nằm với bà. Bà cho rằng Vi Tiểu Bảo là một tác phẩm phối hợp của cả năm chủng tộc. Cái tên của Vi Tiểu Bảo cũng rất hay. Vi là cực nhỏ; Tiểu là nhỏ; Bảo là cái tốt đẹp. Cả họ và tên của Vi Tiểu Bảo có thể hiểu là cái tốt đẹp nhỏ xíu xìu xiu... Tiểu Bảo hơn AQ ở chỗ có một bà mẹ; ngoài ra cả hai chẳng có anh em, không bà con thân thích. Thôi thì dẫu là gốc Tây Tạng, Vi Tiểu Bảo cũng thuộc cộng đồng Trung Hoa, Cả AQ và Vi Tiểu Bảo là hai nhân vật ưu tú Trung Hoa trong văn học Trung Hoa vậy.
Điều ngộ nghĩnh nhất của hai nhân vật này là họ không biết chữ. Họ không được học hành bởi học trở thành một món xa xỉ phẩm đối với họ. Khá hơn AQ, Vi Tiểu Bảo nhận biết được chữ Tiểu trong tên của mình vì nó chỉ có ba nét nhưng bảo Vi Tiểu Bảo viết ra chữ ấy thì hắn chịu thua. Hắn cũng có thiện chí muốn học mấy chục chữ để làm quan nhưng nhìn đến chữ là đầu nhức mắt hoa, tinh thần lôn xộn. Khi ký vào bản cung nhận tội, AQ chỉ có thể khoanh một khoanh tròn và dù hắn có đem hết tâm lực ra, cái khoanh hắn vẽ vẫn méo xẹo. Lộc Đỉnh công Vi Tiểu Bảo ký hoà ước Hắc Long Giang với người Nga cũng thế. Hắn đã ráng hết sức để vẽ một cộng ở giữa, hai chấm tròn hai bên để gọi là chữ Tiểu nhưng chữ Tiểu ấy xem ra lại giống bộ phận sinh dục của đàn ông làm các quan nhà Thanh cười ồ, cho là chữ ký cổ quái. AQ thất học, mấy ngàn năm sống trong sự tăm tối, mê muội; Vi Tiểu Bảo thất học nhưng may mắn hơn, hắn đắc thủ được hai kinh nghiệm bằng vàng là thói lưu manh và tinh thần bợ đít từ kỹ viện và hoàng cung. Kết luận của nhà văn Kim Dung làm cho người đọc kinh ngạc: chỗ cao quý nhất là hoàng cung và chỗ đồi bại nhất là kỹ viện đều là hai nơi trá nguỵ bậc nhất, hai nơi đào tạo ra những nhà lưu manh học và "bợ đít đại vương" hạng siêu phàm. Khi viết ra được diều này, Kim Dung xứng đáng được phong danh hiệu trào phúng thượng hạng.
Cả AQ của Lỗ Tấn và Vi Tiểu Bảo của Kim Dung đều có chung một phép thắng lợi tinh thần vĩ đại. AQ từng quắc mắt mắng đối thủ: "Ông cha nhà tao bề thế hơn nhà mằy nhiều. Mày thì ra cái đồ gì". AQ cười, chê cả xóm Vị Trang đều là thứ ngu vì chẳng ai được lên tỉnh như hắn dù lên tỉnh chỉ để trộm cắp. Có khi hắn tự tát mình để được nghĩ rằng mình đang tát một người khác. Có khi hắn tự phong mình là bố của kẻ khác và kẻ đánh hắn là đồ ngu, đồ tồi vì là con đánh bố. Về hình thức, hắn đánh lộn luôn luôn thua người ta, bị nắm đuôi sam, bị đập đầu xưng trán nhưng về tinh thần thì hắn thắng lợi to vì là con đánh bố. Hắn tự nhận mình là sâu, là giun gián để kẻ đánh hắn chỉ đánh được con sâu, con giun. Hắn tự hào vì mình là kẻ biết khinh mình hạng nhất mà "hạng nhất" là đã hơn người rồi. Vi Tiểu Bảo cũng thế. Hắn cho trên đời này nghề làm điếm như má hắn ở thành Dương Châu là một nghề lương thiện. Hắn muốn điếm hoá luôn những người hắn gặp: "Ta là tổ tiên nhà ngươi". Trên đời này, hắn là người duy nhất dám chửi Ngọc Lâm đại sư (nhà chân tu ở chùa Thanh Lương), Hối Thông phương trượng (trụ trì chùa Thiếu Lâm), Thuận Trị hoàng đế, thái hậu, công chúa. Hắn là người duy nhất dám đánh lộn với nhà vua, công chúa. Cao hứng, hắn nặn ra một lý lịch rất trâm anh thế phiệt: "Tổ phụ làm quan, bị quân Thanh kéo qua tàn sát, gia mẫu được một nhà quan ở Dương Châu nuôi dưỡng; hắn thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc ở Dương Châu". Mười hai tuổi, hắn đã tự xưng là "lão gia", một từ mà người già đứng đắn nhất cũng chẳng dám tự xưng. Ai mạnh hắn sợ vãi … ra quần, ai yếu hắn khinh, đánh ai không lại hắn đem tiền nhờ kẻ khác đánh, ai mất cảnh giác hắn lợi dụng, hành hạ được ai đến nhà tan người chết hắn mới khoan khoái. Chủ nghĩa thắng lợi tinh thần của Vi Tiểu Bảo hơn AQ một bực, rộng hơn của AQ về phương pháp lập ngôn.
AQ và Vi Tiểu Bảo cùng có thói ham đánh bạc. AQ càng đánh càng thua, thậm chí có khi hắn thắng lớn nhưng bị trấn lột, mất cả vốn lẫn lời. Vi Tiểu Bảo ngược lại, đánh bạc là phải thắng vì hắn có nghề chơi...bạc lận. Thủ kình của hắn vi diệu đến nỗi muốn gieo con xúc xắc ngửa mặt nào là có ngay mặt đấy, tất nhiên với điều kiện con xúc xắc phải được đổ thủy ngân hay đổ chì. Cũng nhờ đánh bạc gài anh em thái giám Ôn Hữu Phương, Ôn Hữu Đạo mà hắn được gặp mặt vua Khang Hy, đâm giết được Ngao Bái để trở thành bậc "thiếu niên anh hùng" vang danh Trung Quốc! Mà hắn cho tất cả cuộc đời đều là canh bạc: từ sinh mạng của các dũng sĩ núi Vương Ốc đến chuyện đặt tên con là Hổ Đầu, Song Song; tất thảy đều được giải quyết với con xúc xắc.
AQ có một bài hát ruột: Tiểu cô nương thượng phần (Người thiếu nữ trẻ đi thăm mộ). Ngoài ra, hắn chỉ biết được vài câu hát vặt từ tuồng hát: "Tay ta cầm con roi sắt, ta đánh nhà ngươi" với một mong ước rất lãng mạn, rất mơ hồ là được "làm giặc". Vi Tiểu Bảo cũng chỉ có một bài hát ruột - bài Thập bát mô, một bài hát dâm đãng ở miệt Dương Châu diễn tả 18 chỗ lồi lõm của thân thể người phụ nữ. Hắn thuộc Thập bát mô từ nhỏ, đến năm 17 tuổi trở lại kĩ viện Dương Châu, hắn tóm được bảy người phụ nữ lên một cái giường rộng, buông mùng xuống và hát thoải mái: "Một ta sờ, hai ta sờ, ba ta sờ, sờ trúng cái đùi của thư thư"...Tất nhiên, về văn hoá, hắn cao hơn AQ rất nhiều: biết nghe kể chuyện sách trong Anh liệt truyện, thích coi hát các tuồng vui nhộn, thích nghe các thiên cố sự. Nhưng tựu trung, tuồng tích hay đờn ca, chuyện kể hay cố sự, cái gì có tính chất tục tĩu hắn mới khoan khoái.
Về tình yêu và tình dục, AQ của Lỗ Tấn cực kì nghèo nàn, lạc hậu. Có hai lần trong đời, AQ tiếp xúc với da thịt phụ nữ: một lần coi hát, hắn véo đùi được một người đàn bà, một lần bẹo má sư cô am Tĩnh Tu. Lần sau đem lại cho AQ một cảm giác nôn nao khó chịu đến nỗi tâm trí hắn vốn trong sáng như nước hồ thu, giờ cũng rôn rã hai tiếng "đàn bà", đưa hắn đến hành vi quỳ xuống trước mặt vú Ngô và nói: "Tôi muốn ngủ với mình". Chỉ một câu nói như thế mà hắn bị lão Triệu Bạch Nhãn cho gia đinh dần một trận, lại còn bị phạt vạ đến mấy trăm quan. Lỗ Tấn khám phá ra nụ cười mà rằng đàn ông Trung Quốc vốn là ông thánh ông hiền nhưng họ bị đàn bà làm cho hư việc hết ráo. Khác với AQ, Vi Tiểu Bảo "yêu" sớm, quyết liệt và lai láng. Mười ba tuổi, hắn đã nắm bóp thân thể quận chúa Mộc Kiếm Bình, 15 tuổi, hắn đã ăn trái cấm với công chúa Kiến Ninh. Hắn chẳng biết tình yêu là gì; hắn chỉ có tình dục: có đến bảy bà vợ từ trinh nữ tới gái nạ dòng và một cô bồ người Nga, công chúa Tô Phi Á (Sophia). Hắn "làm việc" khá đến nỗi hai hoả thương thủ người Nga báo cáo lại là công chúa Tô Phi Á ngày đêm chỉ mong nhớ "Trung Quốc tiểu hài đại nhân" mà lãnh đạm với tất cả các vương tôn, công tử ở Mạc Tư Khoa. Có thể ở Lộc Đỉnh ký, Kim Dung đã thể hiện phép "thắng lợi tinh thần" của Hán tộc trên mặt trận tình dục. Vốn xưa, đời nhà Tần đã có một chàng Lao Ái, thái giám giả hiệu vang danh đến nỗi được Thái hậu Triệu Cơ cưng chiều thì nay Vi Tiểu Bảo - cũng là một thái giám giả hiệu được Tô Phi Á nhớ nhung, không chừng cũng là chuyện có thật.
Chủ nghĩa khinh khi phụ nữ mới chỉ thấp thoáng trong tư tưởng của AQ thì thật sự bộc phát trong con người Vi Tiểu Bảo. Từ quận chúa đến công chúa, hắn muốn đánh thì đánh, muốn mắng thì mắng. AQ chỉ mới dám khinh khi vợ của Tây giả cầy chứ Vi Tiểu Bảo đã từng thoá mạ công chúa là "con đượi non", từng lột trần truồng công chúa ra đánh đập nhừ tử rồi mới bảo: "Thế này thì lão gia muốn... bắt người làm vợ". Với Vi Tiểu Bảo, bất cứ một phụ nữ nào cũng chỉ ngang hàng với gái làng chơi trong Lệ Xuân viện thành Dương Châu.
Cả hai con người ấy đều là hai kẻ trộm cắp. AQ làm lụng không đủ ăn, phải bỏ xóm Vị Trang lên tỉnh tham gia một đường dây ăn trộm. Vi Tiểu Bảo thì trộm cắp, thậm chí là cướp giật ngay giữa ban ngày ban mặt. Hắn học được một bài giáo khoa về nghệ thuật làm quan do Sách Ngạch Đồ dạy: "Đừng nói nặng lắm, cũng đừng nói nhẹ lắm". Hắn đem bài giáo khoa ấy áp dụng với Ngô Tam Quế, Ngô Ứng Hùng, Thi Lang và kiếm được mấy trăm vạn lạng. Hắn được chia của khi kiểm kê tài sản trời cho khiến cho kếch xù ấy vãi ra tứ phương, mỗi người một ít, khiến ai cũng ca ngợi hắn là bậc hào phóng đệ nhất triều Thanh!
AQ xuất hiện ở đầu thế kỷ 20 trong tác phẩm của Lỗ Tấn nhưng lại là hình ảnh cực kỳ cổ điển của người Trung Quốc qua mấy ngàn năm. AQ là biểu tượng sinh động của một chủ nghĩa Hán tộc đầy bi kịch trước thảm hoạ ngoại xâm do Bát quốc liên quân gây nên. Cái buổi tranh tối tranh sáng giữa quân chủ và cộng hoà đã biến một AQ trở nên lạc lõng, xa lạ, đơn độc ngay chính trên quê hương của mình. Vi Tiểu Bảo tuy là công tước của triều Thanh nhưng lại là con người cực kì hiện đại. Hắn chính là hình ảnh biểu tượng của một con người Trung Quốc bá nạp các khuynh hướng hiện đại: vừa trung thành với triều Thanh, vừa phản triều Thanh, khi gia nhập Thiên Địa Hội, vừa làm trụ trì chùa Thanh Lương, phó trụ trì chùa Thiếu Lâm, vừa đĩ bợm, cờ gian bạc lận; vừa làm tôi triều Thanh vừa gia nhập Thần long giáo chống triều Thanh, vừa cao quý vừa đồi bại.
Đọc AQ chính truyện, người ta cười ruồi rồi sau đó, người ta xót thương cho số phận con người Trung Quốc. Lỗ Tấn mổ xẻ thật mạnh, mũi đao của ông chọc vào các vết thương Trung Quốc mưng mủ không thương tiếc. AQ chết trên pháp trường một cách hồ đồ. Đọc Lộc Đỉnh ký, người ta cười ha hả. Kim Dung mổ xẻ cuộc phẫu thuật của ông dài hơi và thật ly kì. Vi Tiểu Bảo sống nhăn răng với bảy mụ vợ xinh đẹp và một gia tài kếch xù. Thế nhưng, người ta không biết hắn ở đâu trên đất nước Trung Hoa ta lớn bậc nhất nhì trên thế giới; không tìm ra được hành tung của hắn dù nơi đâu hắn cũng có mặt.
Kim Dung đã nối tiếp công việc của Lỗ Tấn khi xây dựng một kiểu mẫu người Trung Quốc trong văn học hài hước. Lạ một điều là văn chương hài hước của Kim Dung lại là tiểu thuyết võ hiệp, lôi cuốn, hấp dẫn người đọc từ trang đầu tới trang cuối. Từ AQ đến Vi Tiểu Bảo là một bước tiến lớn trong cái nhìn của hai thế hệ nhà văn Trung Quốc về hình tượng con người Trung Quốc, là một bước tiến lớn trong kỹ thuật tiểu thuyết và nghệ thuật hài hước Trung Quốc. Kim Dung và Lỗ Tấn quả xứng đáng được xếp vàođội ngũ 10 nhà văn kỳ tài của văn học Trung Quốc.
0 nhận xét: