VŨ ĐỨC SAO BIỂN (Vietkiemhiep) - Tác phẩm tiểu thuyết không phải là tác phẩm nghiên cứu về nhân chủng học. Tuy nhiên không ai cấm cản 1 nhà...

Tứ di trong truyện võ hiệp Kim Dung

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Tác phẩm tiểu thuyết không phải là tác phẩm nghiên cứu về nhân chủng học. Tuy nhiên không ai cấm cản 1 nhà văn đưa những kiến thức nhân chủng học vào 1 tiểu thuyết, đặc biệt là đối với 1 đất nước rộng lớn, kéo dài từ Đông Á qua Tây Á, tiếp giáp với châu Âu, kế cận với nhiều quốc gia và đa chủng tộc như đất nước Trung Hoa.Chính vì vậy nhà văn Trung Quốc Kim Dung đã đưa tứ di (bốn rợ) vào tác phẩm văn học của mình. Và ở điểm này ông đã thành công, vượt xa các nhà văn Trung Quốc tiền bối cũng như đương đại.

Từ năm 207 trước Công lịch, nhà Hán chiếm được “thiên hạ”, thống nhất đất nước Trung Hoa. Tham vọng của Lưu Bang là tạo ra một nền thái bình Trung Hoa (Pax Sinnica), một nền thái bình trong sự cai trị của nhà Hán. Một số khái niệm được phối kết trong đó có từ Hán đứng đầu ra đời: Hán văn (văn chương Trung Hoa), Hán tự (chữ viết Trung Hoa), Hán tộc (dân tộc Trung Hoa), Hán tử (đàn ông Trung Hoa), Hán nhân (người Trung Hoa), Hán gian (người chống lại dân tộc Trung Hoa) …. Đặc biệt, Hán tộc tự cho phép mình đứng cao hơn các dân tộc khác. Họ gọi các dân tộc lân bang là Tứ Di. Tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung lấy bối cảnh lịch sử từ đời Bắc Tống đến đời Thanh. Trong tiểu thuyết của ông Tứ Di xuất hiện khá rõ nét. Chẳng hạn như trong tác phẩm Ỷ thiên Đồ long ký có chiêu kiếm Tứ di tân phục (4 rợ đều hàng). Chỉ 1 đường kiếm đánh ra 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc khiến kẻ địch phải nằm rạp xuống đất.

Phía Tây nước Trung Hoa có các dân tộc Tây Tạng (Tibet), Lâu Lan (Lobner), Thổ Lỗ Phồn (Tourfan), Đại Uyển (Ferganna), Sa Đà (Yarkand), Đại Nhục Chi (Indo Scythe), Ô Tôn (Sogoliane), Khang Cư (Boukhara ngày nay thuộc Turkestan). Phía Tây Nam và Nam Trung Hoa có Thiên Thiên (Shan Shan), Điền (Bài Di thuộc Vân Nam) Dạ Lang (thuộc Quý Châu), Nam man (Đại Việt), Tây Bắc có Tây Hạ, Bắc có Mông Cổ (Mongolia), Khất Đan (Kitan), Nga La Tư (Russie). Đông Bắc có Mãn Châu (Manchouri), Cao Ly (Koree). Phía Đông Trung Hoa là bờ biển không có dân tộc nào khác. Các nước Sở, Tề, Đông Ngô, Việt đã bị diệt vong, tất cả đều trở thành con dân Hán tộc ráo.

Trong những tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên của mình, Kim Dung cũng đứng trên lập trường của Hán tộc, không khỏi có những cái nhìn sai lạc về những con người Tứ Di. Trong Liên Thành Quyết tức Tố Tâm Kiếm xây dựng hình ảnh một Huyết Đao Lão Tổ người Tây Tạng, theo Mật Tông (một trong 10 tông Phật giáo), xuống Trung Hoa, cực kỳ tàn bạo dâm ác. Kết cục của Huyết Đao Lão Tổ là chết một cách thảm thiết trên vùng núi tuyết Thiên Sơn, nhưng người thừa kế của lão - Địch Vân – thì lại được hưởng 1 cuộc sống hạnh phúc tốt đẹp. Lý do Địch Vân là 1 chàng trai Hán tộc, một thứ hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Trong Xạ điêu anh hùng truyện và Thần điêu hiệp lữ, Kim Dung còn xây dựng một loạt những con người Tứ di: Thành Cát Tư Hãn, Đà Lôi, Hoa Tranh, Kim Luân Pháp Vương (Mông Cổ), Hoàn Nhan Liệt, Hoàn Nhan Khang (Nữ Chân, Mãn Châu). Những nhân vật Tứ di này đã bị Kim Dung làm cho méo mó. Tác giả đã tỏ ra rất ác cảm với hầu hết những nhân vật này. Cũng đúng thôi, họ đang là những con người vào xâm lăng đất nước Trung Quốc (rợ Kim đánh Nhà Tống, rợ Mông Cổ cướp ngôi vua, tuyệt duyệt nhà Tống). Dưới mắt nhìn của Kim Dung, con người thuộc các dân tộc Tứ di là những người huênh hoang khoác lác. Ỷ thiên Đồ long ký xây dựng nhân vật Tuyền Kiếm Nam, đệ nhất danh thủ điểm huyệt bằng phán quan bút của Cao Ly được Ngũ phụng bang mời lên đánh thuê trên núi Võ Đang. Ấy vậy mà chỉ cần một mình Trương Thuý Sơn của phái Võ Đang đánh cho vài chiêu, Tuyền Kiếm Nam đã cắm đầu chạy trốn. Quan điểm dân tộc của Kim Dung trong Liên Thành Quyết, Anh Hùng Xạ Điêu Truyện, Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên Đồ long ký là quan điểm dân tộc hẹp hòi.

Thế nhưng, qua những tác phẩm sau đó dường như Kim Dung nhận ra cái nhìn sai trái của mình đối với Tứ di và ngòi bút của ông đã chuyển hẳn. Ông chợt thấy tất cả mọi con người thuộc mọi dân tộc đều có phẩm giá như nhau, không ai có quyền nhân danh Hán tộc để khinh khi người ngoài Hán tộc. Trong Thiên Long bát bộ, chính nhân vật A Châu, dòng Hán tộc đã nói: “làm người Trung Quốc thì chắc gì đã cao quý, làm người Khất Đan thì chắc gì đã thấp hèn’. Ông xây dựng 1 loạt nhân vật Tứ di: Gia Luật Hồng Cơ, Tiêu Phong (người Khất Đan ), Hoàn Nhan A Cốt Đả (người Mãn Châu), Cưu Ma Trí (người Thổ Lỗ Phồn), công chúa Ngân Xuyên (người Tây Hạ), Đao Bạch Phụng (người Bài Di), Mộ Dung Phục (người Tiên Ty), và cả triều đình nước Đại Lý (Đoàn Dự, Đoàn Chính Thuần, Cao Thăng Thái…). Đọc Thiên Long bát bộ, ta bắt gặp một hoàng đế Gia Luật Hồng Cơ trí dũng song toàn, đối đầu với ông là một Tống Triết Tôn ngu dốt và huênh hoang, một Tiêu Phong anh hùng ngay thẳng, một Hoàn Nhan A Cốt Đả kiêu hùng trên thảo nguyên. Những nhà tu ngoại quốc như Cưu Ma Trí (Thổ Lỗ Phồn), Ba La Tinh, Triết La Tinh (Ấn Độ) ban đầu đến Trung Hoa với âm mưu đen tối, nhưng sau đó họ đã ngộ ra và trở thành những chân tu đắc đạo.

Nói cách khác quan điểm dân tộc của Kim Dung đã chuyển biến hết sức tích cực. Ông đã nhìn thấy cái dở của bọn vua quan nhà Tống, và đến khi viết Lộc Đỉnh ký thì lập trường của ông đã ngã hẳn sang triều Thanh, mặc dù dân tộc Mãn Châu đã mang tiếng là xâm lăng, chiếm ngai vàng và “thiên hạ” của triều Minh. 300 năm sau Kim Dung đã xây dựng lại một vua Khang Hy triều Thanh thông minh sáng suốt gấp trăm lần những vua triều Minh. Kim Dung nhận ra rằng cách cai trị của các vua Mãn tộc xuất sắc hơn cách cai trị của các vua Hán tộc. Dưới mắt nhìn của nhà tiểu thuyết Kim Dung, cuộc khởi nghĩa phản Thanh, phục Minh của các nhóm Thiên Địa hội, cuộc bạo loạn Hưng Minh thảo lỗ của Ngô Tam Quế đều là những trò phá rối chính trị, vô tổ chức và tất yếu phải diệt vong. Chính sử Trung Quốc cũng cho thấy rằng không có lực lượng nông dân nào ủng hộ 2 cuộc bạo loạn này, vua Khang Hy và triều đình nhà Thanh đã đại thắng. Nói cách khác, trong giai đoạn đó, người Trung Quốc Hán tộc cần những ông vua biết chăm sóc dân, đem lại cho họ cơm no áo ấm chứ không cần những ông vua Hán tộc hôn ám vô đạo. Lịch sử đào thải triều Minh để đưa những ông vua thuộc Di, Địch lên cai trị Trung Hoa là một vận hành tự nhiên và tất yếu.

Sự tiến bộ trong quan điểm dân tộc của Kim Dung khi tác giả nhìn về Tứ di một phần cũng xuất phát từ sự tiến bộ, lớn mạnh tất yếu của Tứ di. Mấy ngàn năm đất nước Trung Hoa ngủ mê trong tấm chăn quân chủ, đến khi họ mở mắt thức giấc thì đã thấy sức mạnh của vũ khí Tây phương kề bên cổ mình. Họ gọi người Nga, người Bồ Đào Nha, người Anh, người Hà Lan là Tây Dương quỷ, Hồng mao quỷ. Nhưng bọn “quỷ” đó đã làm cho người Hán tộc kinh hoàng, ký kết hiệp ước bất lợi này đến điều ước bất lợi khác. Chính Lỗ Tấn đã diễu cợt Hán tộc của mình với anh AQ có phép “thắng lợi tinh thần”, nó đánh mình coi như đánh bố nó vì mình là bố nó. Lỗ Tấn mổ xẻ mạnh còn Kim Dung thì mổ xẻ sâu hơn. Tứ di trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung chính là những con người có đầy đủ phẩm giá, quyền sống và quyền làm người như bất kỳ một người Hán tộc nào. Đó cũng chính là tính nhân văn trong tác phẩm của Kim Dung.

0 nhận xét: