VŨ ĐỨC SAO BIỂN
(Vietkiemhiep) - Bộ tiểu thuyết Lộc Đỉnh ký của nhà văn Kim Dung lấy bối cảnh lịch sử Trung Quốc dưới triều Khang Hy (1662 - 1722), khi nhà Mãn Thanh mới cai trị Trung Quốc được 18 năm và những thế lực "phản Thanh phục Minh" (chống nhà Thanh, dựng lại nhà Minh) còn hoạt động ở nhiều nơi trên đất Trung Quốc. Trên nền tảng lịch sử có thật, bằng một trí tưởng tượng phong phú và khả năng hư cấu tuyệt vời, Kim Dung đã xây dựng thành công một nhân vật Khang Hy thông minh, nhân hậu, xuất sắc trong các chính sách cai trị đất nước; một Vi Tiểu Bảo ngộ nghĩnh dễ thương, xuất thân từ kỹ viện thành Dương Châu đã leo lên được tới hàng công tước triều Khang Hy. Toàn bộ những thành công cỉa Vi Tiểu Bảo đều tập trung vào hai chữ "may mắn". Vụ phá án đua ngựa, bắt được tên trọng phạm Ngô Ứng Hùng sau đây là một trong những chiến công may mắn của Vi Tiểu Bảo.
Chuyện xảy ra vào mùa xuân năm Khang Hy thứ 13, khi Vi Tiểu Bảo trở thành bá tước, giữ chức Chánh Đô thống Hoàng kỳ. vua Khang Hy đã biết được âm mưu làm phản của Bình Tây vương Ngô Tam Quế, một viên tướng phản Minh đầu Thanh, được vua cha của Khang Hy là Thuận Trị phong tước vương, trấn giữ Vân Nam và Quý Châu. Khang Hy có ý định triệt tam phiên: Ngô Tam Quế, THượng Khả Hỷ, Cảnh Tinh Trung. Sợ bị triệt phiên, Ngô Tam Quế nảy sinh ý định làm phản. So sánh lực lượng giữa triều đình và Ngô Tam Quế, Khang Hy nảy sinh ý đồ làm chậm cuộc tạo phản của Ngô Tam Quế lại. Khang Hy đánh một nước cờ chiến lược: sai Vi Tiểu Bảo làm Tứ hôn sứ, đem cô em cùng cha khác mẹ là Kiến Ninh công chúa qua Vân Nam, gả cho Ngô Ứng Hùng, con trai Ngô Tam Quế để đánh lạc hướng cảnh giác của Ngô Tam Quế. Trong khi đó, Khang Hy ung dung chuẩn bị binh lực đối phó với Ngô Tam Quế nếu vụ biến loạn ở Vân Nam thực sự xảy ra.
Thương thay cho Ngô Ứng Hùng! Trên đường về Vân Nam, Vi Tiểu Bảo đã nhiều lần "phượng đảo loan điên" với Kiến Ninh công chúa đến nỗi Kiến Ninh say mê gã, muốn tìm cách giết chết Ngô Ứng Hùng để được sống với gã. Tại Vân Nam, trong khi chờ hôn lễ cử hành, Kiến Ninh được Vi Tiểu Bảo tặng cho một cây súng của người Nga chế tạo để phòng thân. Thế là Kiến Ninh lập kế gọi Ngô Ứng Hùng vào phòng riêng để xem mặt rồi dùng súng bắn nát bộ phận sinh dục của Ngô Ứng Hùng, vu cho hắn tội muốn...cưỡng hiếp công chúa. Hôn lễ vẫn diễn ra nhưng chàng phò mã đã biến thành anh thái giám thứ thiệt. Sau hôn lễ, Vi Tiểu Bảo đưa hai vợ chồng Kiến Ninh - Ngô Ứng Hùng về lại Bắc Kinh, gọi là hoàn hôn theo nghi thức hôn nhân triều Thanh. Công việc diễn ra đúng với lá bài của Khang Hy: giữ Ngô Ứng Hùng lại Bắc Kinh làm con tin để làm chậm lại cuộc khởi loạn của Ngô Tam Quế.
Một hôm, Vi Tiểu Bảo dẫn phó tướng Triệu Lương Đống sang phủ phò mã của Ngô Ứng Hùng uống rượu. Bên Ngô Ứng Hùng có thêm ba viên tướng khác từ Vân Nam tới: Trương Dũng, Tôn Tư Khắc và Vương Tiến Bảo. Vương Tiến Bảo là một người sành nghề nuôi dưỡng và coi tướng ngựa. Hắn thấy con ngựa Ngọc Hoa Thông giống Đại Uyển (Fergana - một tiểu quốc phía Tây Trung Hoa) của Vi Tiểu Bảo thì chê tràn. Ngược lại, hắn ca ngợi bầy ngựa Vân Nam, một loài ngựa nhỏ, lông lá xác xơ nhưng chạy đường núi rất giỏi. Vi Tiểu Bảo tức khí, hẹn cùng Ngô Ứng Hùng tổ chức cuộc đua ngựa ngày hôm sau; tiền ăn thua là một vạn lạng bạc. Khi đã cáp độ xong, Vi Tiểu Bảo chợt nhìn thấy khoé mắt Vương Tiến Bảo hiện lên vẻ hân hoan. Gã biết thế nào Ngô Ứng Hùng cũng thủ thắng trong cuộc đua ngựa và tự trách thầm mình đã ngu dốt ham cá độ. Vốn là dân cờ gian bạc lận, Vi Tiểu Bảo biết loại ngựa Vân Nam chắc chắn sẽ ăn đứt bầy ngựa của mình. Về phủ bá tước, gã lẳng lặng gọi tên mã phu trưởng, giao tiền cho hắn để hắn rủ rê bọn mã phu của Ngô Ứng Hùng đi uống rượu, chơi gái, rồi tìm cách cho bầy ngựa Vân Nam của Ngô Ứng Hùng ăn bả đậu để chúng đau bụng, ỉa chảy. Gã phải thắng trong cuộc đua ngựa ngày mai!
Làm xong mọi việc, Vi Tiểu Bảo vào chầu vua Khang Hy. Khang Hy hỏi gã cặn kẽ đường đi nước bước ở Vân Nam, lại kêu ty xa giá bộ binh vào hỏi han tình hình chuẩn bị lừa ngựa, súng ống. Lúc bấy giờ, Vi Tiểu Bảo mới biết nhà vua chuẩn bị đánh Vân Nam, triệt hạ Bình Tây vương Ngô Tam Quế. Khang Hy hỏi gã đặc tính của loài ngựa Vân Nam, Vi Tiểu Bảo không dám nói thật. Một là nếu gã thú thật đã đầu độc ngựa Vân Nam của Ngô Ứng Hùng thì Khang Hy sẽ chửi gã là thứ cờ gian bạc lận; hai là - nếu gã nói dóc rằng ngựa Vân Nam rất dở thì sợ nhà vua mất cảnh giác, sau này gặp thất bại trên chiến trường, gã sẽ phạm tội khi quân. Kim Dung diễn tả những mâu thuẫn trong tâm trạng Vi Tiểu Bảo ở đoạn này rất xuất sắc. Vi Tiểu Bảo tâu với nhà vua rằng Ngô Ứng Hùng đem theo khá nhiều ngựa Vân Nam về Bắc Kinh. Nghe đến đó, nhà vua hiểu ngay rằng Ngô Ứng Hùng đang định trốn chạy khỏi Bắc Kinh. Khang Hy ra lệnh cho Cửu môn Đề đốc đóng hết cửa thành nhưng đã trễ: Ngô Ứng Hùng quả nhiên đã chạy trốn bằng ngựa Vân Nam của mình. Chuyện hắn định đua ngựa với Vi Tiểu Bảo chỉ là một trò lừa phỉnh. Hắn ra đi và bỏ lại bọn tuỳ tùng Vương Tiến Bảo, Trương Dũng, Tôn Tư Khắc. Vi Tiểu Bảo xin lệnh Khang Hy cho đi bắt Ngô Ứng Hùng về.
Gã điểm toàn bộ quân Kiêu Kỵ doanh, lại dắt theo bọn Vương Tiến Bảo vì bọn này rất sành về ngựa. Trên đường truy kích Vương Tiến Bảo nhìn ra dấu chân ngựa Vân Nam. Vương Tiến Bảo cũng lấy làm lạ vì ngựa Vân Nam do hắn nuôi dưỡng không bao giờ tiêu ra phân nát. Vi Tiểu Bảo giấu tịt chuyện mình cho đầu độc ngựa Vân Nam bằng bả đậu, cứ bảo cả đoàn rượt theo. Gã phấn khởi vì bả đậu đã phát huy tác dụng nhanh chóng. Từ Bắc Kinh về Vân Nam, đáng lẽ chạy sang hướng Nam nhưng Ngô Ứng Hùng lại chạy sang hướng Đông. Vi Tiểu Bảo hiểu ngay Ngô Ứng Hùng muốn chạy ra cửa biển Đường Cô để có thuyền dọc biển đưa hắn vê Quảng Tây, lên Vân Nam. Đang rượt theo, Vương Tiến Bảo thấy xác ngựa Vân Nam chết ở dọc đường. Hắn rất đau lòng nhưng Vi Tiểu Bảo lại cực kì khoan khoái, không ngờ trò cờ gian bạc lận của mình phục vụ hữu hiệu cho công việc truy bắt Ngô Ứng Hùng đến như thế. Quả nhiên, bầy ngựa Vân Nam danh tiếng không chịu nổi độc tố của bả đậu, ngã lăn ra chết ráo. Ngô Ứng Hùng bỏ ngựa, trốn vào trong ruộng lúa mạch. Hắn bị Vi Tiểu Bảo bắt được, giải ngược về Bắc Kinh. Vi Tiểu Bảo phá án thành công nhờ... bả đậu.
Vua Khang Hy dẫu thông minh đến bao nhiêu cũng không thể hiểu được do đâu Vi Tiểu Bảo bắt Ngô Ứng Hùng, phá vụ án "bỏ trốn khỏi nơi giam giữ" này nhanh đến như vậy.
Nhà vua hỏi Vi Tiểu Bảo: "Con mẹ nó, ngươi có bản lĩnh gì mà bắt được Ngô Ứng Hùng?". Đến lúc đó, Vi Tiểu Bảo mới tâu thật với nhà vua rằng bản lĩnh của gã là cờ gian bạc lận, chỉ có cách cho ngựa của Ngô Ứng Hùng ăn bả đậu mới có thể thắng được trong cuộc đua ngựa ngày mai. Khang Hy cao hứng,cười ha hả. Nhà vua tin rằng lòng trời đang ở với mình, rằng chưa ra quân mà chỉ với một trò gian lận của Vi Tiểu Bảo; nhà vua đã thắng Ngô Tam Quế.
Vụ phá án "phước chủ may thầy" này tiêu biểu cho phong cách viết văn hài hước của Kim Dung. Thế nhưng đó là văn chương tiểu thuyết trong Lộc Đỉnh ký, được Kim Dung viết vào năm 1972. Còn chính sử của nhà Thanh trước đó 200 năm thì thế nào? Trong tác phẩm Thanh sử cảo, Lang Viên ghi rõ: mùa xuân năm Khang Hy thứ 13, Ngô Ứng Hùng có ý định bỏ chức phò mã trốn về Vân Nam để cùng cha là Ngô Tam Quế mưu sự khởi loạn. vua Khang Hy đã tiên liệu mọi điều, cho người giám sát, bắt được Ngô Ứng Hùng giam lỏng tại Bắc Kinh. Năm Khang Hy thứ 16 (1677), Ngô Tam Quế nổi loạn, dựng chiêu bài "Hưng Minh thảo Lỗ". Triều thần đề nghị Khang Hy đem Ngô Ứng Hùng ra để thương lượng với Ngô Tam Quế. Nhà vua không nghe, sai xử trảm Ngô Ứng Hùng và tấn công bình định Vân Nam. Cuộc bạo loạn của Ngô Tam Quế thất bại, nhà Mãn Thanh thu phục Trung Quốc về một mối.
0 nhận xét: