VŨ ĐỨC SAO BIỂN (Vietkiemhiep ) - Di hoa tiếp mộc (dời hoa nối cây) nguyên là tên một trong 36 kế mà người Trung Quốc thường đề cập đến. Di ...

Vụ án "di hoa tiếp mộc" trong Lộc Đỉnh ký

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Di hoa tiếp mộc (dời hoa nối cây) nguyên là tên một trong 36 kế mà người Trung Quốc thường đề cập đến. Di hoa tiếp mộc là thủ đoạn vu oan giá hoạ, đẩy tội lỗi của người này sang cho người khác bằng cách dựng những chứng cớ giả tạo, đánh lừa cơ quan pháp luật. Trong thời phong kiến, kĩ thuật điều tra hình sự chưa tiến bộ, khó tìm ra chỗ giả tạo và con người thi hành pháp luật thường theo cảm tính, qua loa đại khái thì Di hoa tiếp mộc càng dễ dàng được thực hiện. Ta hãy xem vụ án Di hoa tiếp mộc trong Lộc Đỉnh ký của Kim Dung.

Vi Tiểu Bảo, học trò của Trần Cận Nam, là hương chủ Thanh Mộc đường của Thiên Địa hội, "nằm vùng" trong cung triều Thanh, được vua Khang Hy sủng ái, cử đi xây dựng toà Trung liệt đường ở phủ Dương Châu, tỉnh Triết Giang. Cùng "nằm vùng" với Vi Tiểu Bảo còn có Ngô Lục Kì, hương chủ Hồng Thuận đường của Thiên Địa hội, làm đề đốc Quảng Đông, trong tay nắm giữ binh quyền khá lớn. Ngô Chi Vinh, hiệu là Hiển Dương, là một gã nho sĩ người Hán hám danh. Y đã là đơn đầu cáo lên triều đinh về vụ cha con Trang Doãn Thành, Trang Kiến Long làm bộ Minh thư tập lược có những điểm ca ngợi triều Minh, mạt sát triều Thanh khiến cho tên quyền thần Ngao Bái ra lệnh bắt hết các nhà nho ở Triết Giang tham gia làm Minh sử tập lược và bọn đàn ông họ Trang cộng khoảng 2000 người đem giết. Khi Khang Hy lên ngôi (1622), ông vua nhỏ tuổi này muốn trừ khử Ngao Bái. Vi Tiểu Bảo có công đâm chết Ngao Bái nên được các bà quả phụ họ Trang mang ơn, tặng cho con tiểu tỳ Song Nhi đi theo hầu hạ. Vi Tiểu Bảo rất quý Song Nhi, hứa với Song Nhi sẽ tìm mọi cách bắt Ngô Chi Vinh đem về cho các bà quả phụ họ Trang xử tội, để đền ơn tặng Song Nhi cho gã. Khi vua Khang Hy phong cho gã chức khâm sai đi về Dương Châu, gã lại gặp Ngô Chi Vinh. Hoá ra Ngô Chi Vinh nhờ làm Hán gian mà được phong chức tri phủ Dương Châu.

Lúc bấy giờ, ở Vân Nam, Ngô Tam Quế - Bình Tây vương của Thanh triều, đang chuẩn bị binh mã khởi loạn chống lại vua Khang Hy. Khi các quan ở Dương Châu đi đón tiếp Vi Tiểu Bảo, trong đó có cả Ngô Chi Vinh, Vi Tiểu Bảo vui miệng hỏi Ngô Chi Vinh có bà con gì với Ngô Tam Quế hay không, thì Ngô Chi Vinh dại dột khoe rằng y là cháu Ngô Tam Quế!

Chính cái cách khoe khoang dại dột đó đã đưa gã Hán gian hãnh tiến vào cái chết sau này.

Ở Dương Châu, Vi Tiểu Bảo chỉ đạo xây dựng Toà Trung liệt đường. Trước đây, năm 1643, Bát kỳ (tám đạo cờ tiêu biểu cho tám bộ tộc người Mãn Châu) tiến qua Trung Quốc, đánh tan tành đạo quân của triều Minh. Bát kỳ cho phép quân Mãn Châu hãm hiếp, cướp bóc, đốt nhà của người Hán. Dương Châu và Gia Định là hai vùng đất bờ xôi ruộng mật của tỉnh Triết Giang đã gánh chịu những đau thương đó. Người ta vẫn đồn đãi nhau tội ác của quân Mãn Châu qua câu "Dương Châu thập nhật, Gia Định tam đồ". Vua Khang Hy lên ngôi, muốn làm một ông vua nhân đức, muốn hcuộc lại các lỗi lầm của tổ tiên. Ông cho phép xây dựng lại toà Trung liệt đường để thờ nhà yêu nước Sử Các Bộ đã chết trong cuộc chống xâm lược Mãn Châu, lại tha thuế cho người Dương Châu ba năm. Vi Tiểu Bảo thay nhà vua đi làm công việc đó.

Thế nhưng, gã tri phủ Ngô Chi Vinh thì luôn sục tìm những nhà nho người Hán có ý không thần phục triều Khang Hy, đầu cáo lên triều đình để làm nấc thang danh vọng cho gã leo lên. Gã tự ý bắt giam ba nhà nho ở Triết Giang là Lữ Lưu Lương và Tra Y Hoàng (Tra Y Hoàng là viễn tổ của Kim Dung). Theo cách đầu cáo vụ Minh sử tập lược lên Ngao Bái trước đây, Ngô Chi Vinh gặp riêng khâm sai đại nhân Vi Tiểu Bảo. Hắn phân tích những chỗ chống đối nhà Thanh trong bài thơ Hồng Vũ cổ pháo ca của Tra Thận Thành (cũng là tằng tổ khác của Kim Dung):

Thấy người nằm giữa đám chông gai
Nghĩ đến non sông dạ ái hoài
Dâu biến gây nên trò biến ảo
Châu tuôn tần tã xót thương ai.
Rồi hắn phân tích thơ của Cố Viêm Võ:
Non nước nhà ta vốn vững vàng
Vì quân Di Dịch phải tan hoang
Kiến Châu bắt lính cùng thu thóc
Tây Thục còn lo nạn thổ quan.

Rồi hắn phân tích những chỗ đại nghịch vô đạo trong quyển Quốc thọ lục của Tra Y Hoàng: Tra Y Hoàng gọi những người Hán đã chống quân Thanh là nghĩa binh; gọi tướng sĩ Thanh triều là quân giặc...Hắn còn trình riêng với Vi Tiểu Bảo: "Phương Nam có viên đại tướng nắm giữ trọng binh sắp dấy quân tạo phản". Cuối cùng hắn đưa cho Vi Tiểu Bảo bức thư của đề đốc Quảng Đông Ngô Lục Kì gửi cho Cố Viêm Võ, trong đó có câu định mời Cố Viêm Võ về Quảng Đông để cùng lo việc chống Thanh triều: "Muốn lo toan việc lớn của Trung Sơn, Khai Bình mà không có Thanh Điền tiên sinh vận trù kế hoạch thì chẳng thể thành công được". Trong óc Ngô Chi Vinh, hắn mơ mộng một trường công danh phú quý. Hắn còn đề nghị với Vi Tiểu Bảo đừng hé lộ công lao này cho hai viên tuần phủ và tổng đốc Dương Châu biết!

Vi Tiểu Bảo nhận các vật chứng mà Ngô Chi Vinh đưa trình, sợ đến tháo mồ hôi. Gã nghĩ ngay kế sách triệt hạ Ngô Chi Vinh và cứu các nhà nho. Gã an ủi Ngô Chi Vinh mấy lời, bảo hắn giải các can phạm vào, rồi cho hắn lui ra khỏi phủ để chờ lệnh. Ba nhà nho Lữ Lưu Lương, Tra Y Hoàng, Cố Viêm Võ gặp Vi Tiểu Bảo, lòng không khỏi hổ thẹn. Vốn trước đây, họ đã bị tay chân của Ngao Bái bắt được, may nhờ Trần Cận Nam là thầy của Vi Tiểu Bảo giải cứu. Nay bản thân họ bị bắt lần nữa, lại phải nhờ đến học trò của Trần Cận Nam giải cứu. Vi Tiểu Bảo bàn với các nhà nho chuyện giải cứu Ngô Lục Kì, hương chủ Hồng Thuận đường của Thiên Địa hội đang làm đề đốc Quảng Đông. Chuyện Ngô Lục Kì định dấy binh; Ngô Chi Vinh đã biết rõ. Về chữ nghĩa, Vi Tiểu Bảo dốt đặc cán mai nhưng về mưu kế, gã lại hơn người. Gã nghĩ ra kế Di hoa tiếp mộc.

Khéo làm sao, Ngô Lục Kì, Ngô Tam Quế và Ngô Chi Vinh cùng ở họ Ngô. Khéo làm sao, hai tỉnh Vân Nam và Quảng Đông đều ở phương Nam (so với Triết Giang). Lại khéo làm sao là Ngô Chi Vinh đã từng thừa nhận với Vi Tiểu Bảo trước mặt các quan rằng hắn chính là cháu của Ngô Tam Quế. Lại khéo hơn nữa khi Ngô Lục Kì quyết định khởi binh cũng là thời điểm mà Ngô Tam Quế định tạo phản. Két hợp bốn yếu tố bất ngờ đó, Vi Tiểu Bảo ngờ Lữ Lưu Lương nhái chữ viết làm thư kí của Ngô Tam Quế, viết một bức thư giả mạo của Ngô Tam Quế gởi cho cháu là Ngô Chi Vinh. Bì thư đề: "Dương Châu tri phủ lão gia nhã giám". Đầu thư ghi: "Hiển Dương hiền điệt". Trong thư có đoạn "Di hoa tiếp mộc" khá cao cường: "Ngờ đâu, đức Thái tổ Cao hoàng đế của chúng ta (tức Chu Nguyên Chương, người khai sáng triều Minh - chú của tác giả) ban đầu xưng là Ngô quốc lại ứng vào tên họ của chú cháu ta sau ba trăm năm". Cuối thư, Lữ Lưu Lương ghi bốn chữ hàm hồ "Tây thúc thủ trát" (chú ở phía Tây gởi) rồi nhờ một người trong Thiên Địa hội đi theo Vi Tiểu Bảo là Tiền Bản Lão ký tên Ngô Tam Quế! Tại sao phải nhờ Tiền Bản Lão? Ngô Tam Quế là con nhà võ; Tiền Bản lão cũng là nhà võ; họ ít chữ nghĩa; công văn thư từ thường là do thư kí viết sẵn để họ ký tên; chữ kí càng gân guốc càng tốt!

Làm xong bức thư giả mạo, Vi Tiểu Bảo gọi các quan tuần phủ, tổng đốc Dương Châu vào đưa cho họ coi và nói đây là thư của Ngô Chi Vinh trình cho gã để xúi gã chống lại vua Khang Hy. Vi Tiểu Bảo sai tuần phủ, tổng đốc Dương Châu làm tờ bẩm về triều đình âm mưu chống đối của Ngô Chi Vinh và gã ra lệnh bắt Ngô Chi Vinh vì đã "thông đồng phiên tặc". Ta nên nhớ rằng vua Khang Hy đã biết được những âm mưu tạo phản của Ngô Tam Quế mà Vi Tiểu Bảo đang là sủng thần của Khang Hy. Dẫu Vi Tiểu Bảo có vu oan cho cả trăm người thông đồng với Ngô Tam Quế để chém họ cũng được chứ đừng nói một tên Hán gian Ngô Chi Vinh với cái chức tri phủ nhỏ như hạt đậu.

Vi Tiểu Bảo dẫn Ngô Chi Vinh về Bắc Kinh, giao cho các bà quả phụ nhà họ Trang xử lý. Gã không cần tâu lên vua Khang Hy vụ Ngô Chi Vinh thông đồng phiên tặc thì nhà vua cũng đã biết (do bản tâu của các quan ở Dương Châu gởi về). sau đó, Ngô Tam Quế quả nhiên tạo phản ở Vân Nam; còn tính mạng và thân phận của Ngô Lục Kì vẫn được giữ kín. Những nhân vật Lữ Lưu Lương, Tra Y Hoàng, Cố Viêm Võ, Ngô Tam Quế, Ngô Chi Vinh là những nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa. Vi Tiểu Bảo, Ngô Lục Kì, Tiền Bản Lão, Song Nhi là những nhân vật thuần tuý hư cấu của tiểu thuyết.

0 nhận xét: