Vô Danh (Vietkiemhiep) - Theo lẽ thông thường, mỗi tên người khi được cha mẹ đặt đều có một ý nghĩa nhất định. Dưới đây là phần giải thích ...

Ý nghĩa tên một số nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung

Vô Danh

(Vietkiemhiep) - Theo lẽ thông thường, mỗi tên người khi được cha mẹ đặt đều có một ý nghĩa nhất định. Dưới đây là phần giải thích ý nghĩa tên một số nhân vật nổi tiếng trong các tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung.

A Châu, A Tử (trong Thiên Long Bát Bộ): 

2 chị em là con của Đoàn Chính Thuần và Nguyễn Tinh Trúc, từ nhỏ đã chia lìa nhau, A Châu làm nô tì cho nhà Mộ Dung, còn A Tử thì là “học trò hư” của Tinh Tú lão quái; tuy cùng một mẹ sinh ra mà tính cách khác hẳn nhau. Châu (Chu): màu đỏ, Tử: màu tía. Tên lấy từ sách Luận Ngữ. Thiên “Dương Hóa” sách Luận Ngữ có viết: Ố tử chi đoạt chu dã! (Ghét màu tía hung ác lấn át màu đỏ). Hà Yến tập giảiviết: chu, chính sắc. Tử, gian sắc chi hiếu giả. Ố kì tà hiếu dĩ loạn chính sắc. (Đỏ là sắc chính, tử là chỉ kẻ thích sắc màu trung gian. Ghét cái sở thích tà ác làm loạn cả sắc màu chính).

Sau người ta dùng “chu tử” để nói sự lấy cái tà làm loạn cái chính, hoặc tốt xấu lẫn lộn. Thiên “Trần Nguyên truyện” trong “Hậu Hán thư" chép: phù minh giả độc kiến, bất hoặc ư chu tử. (Này, kẻ sáng suốt có kiến giải của riêng mình, không lẫn lộn tốt xấu). Lại dùng để nói về nhân phẩm cao thấp khác nhau. Sách Quảng Tuyệt Giao Luận của Lưu Tuấn có chép: thư hoàng xuất kì thần vẫn, chu tử do kì đảm. (sự chê bai bắt đầu từ miệng lưỡi, mà nhân phẩm cao thấp là từ gan mật mà ra).

Kim Dung dùng chu (châu) tử để đặt tên 2 nhân vật, có thể thấy rõ sự yêu ghét vậy!

Kiều Phong: Kiều Phong tên thực là Tiêu Phong. Họ Kiều là họ của cha nuôi Kiều Tam Hòe. Chữ Kiều ám chỉ không phải họ thật, “kiều” là giả trang. Còn chữ Phong (đỉnh núi) là muốn nối tiếp tên của cha đẻ Viễn Sơn.

Dương Quá, Tiểu Long Nữ (trong Thần Điêu Hiệp Lữ): 

Dương Quá, tự là Cải Chi, tên do Quách Tĩnh đặt. Quá là lỗi lầm, Cải là sửa chữa, ý nói có lỗi phải sửa. Thiên “Tuyên Công nhị nhiên” sách Tả Truyện chép: Nhân thùy vô quá? Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên. (Ai người không có lỗi lầm? Có lỗi mà có thể sửa, chẳng gì tốt đẹp bằng). Đời Tống lại có nhà thơ Lưu Quá, tự cũng là Cải Chi, không biết liệu Kim Dung có mượn tên chăng?

Long Nữ, là con gái Long Vương trong truyện thần thoại. Có thể Tiểu Long Nữ trong truyện Thần Điêu được lấy ý tưởng từ nhân vật nữ thần trong chương Tiêu Dao Du, sách Trang Tử.

Lệnh Hồ Xung, Nhiệm Doanh Doanh ( trong Tiếu Ngạo Giang Hồ): 

Xung, ý nói trống rỗng, Doanh, lại có nghĩa là đầy, 2 cái tên nói lên sự khác biệt tính cách. Sách Lão Tử chương 45 có nói: Đại doanh nhược xung, kì dụng bất cùng. (Đầy mà như vơi, thì dùng mãi chẳng hết), tức là ý nói cái đầy và cái vơi đi liền với nhau, thống nhất với nhau. Nhân vật Chu Bá Thông trong Anh Hùng Xạ Điêu cũng có nói câu này, chứng tỏ khả năng Kim Dung dựa vào sách Lão Tử để đặt tên 2 nhân vật trên là rất lớn. Hoặc cũng có người cho rằng, Nhiệm Doanh Doanh lấy ý từ sách Cổ Thi Thập Cửu Thủ, sách có câu “Doanh doanh lâu thượng nữ”.

Sách Lão Tử lại nói: đạo xung nhi dụng chi, hoặc bất doanh, uyên hề tự vạn vật chi tông. (Đạo, vơi thì dùng, tuy không đầy mà sâu sắc như cái gốc của vạn vật).

Lời bàn thêm: Lệnh Hồ Xung tên là Xung (vơi), mà phần lớn thời gian xuất hiện trong truyện đều ở trạng thái bị mất nội công, cuối cùng lại luyện công phu Hấp Tinh Đại Pháp, ngược hẳn với võ công bình thường (đan điền trống rỗng không tụ khí). Càng thấy cái tên Lệnh Hồ Xung thật là đặc biệt.

Văn Thái Lai ( trong Thư Kiếm Ân Cừu Lục): 

Là nhân vật gặp nhiều trắc trở sóng gió, cuối cùng đúng là “Bĩ cực thái lai”. Văn Thái Lai có ngoại hiệu là Bôn Lôi Thủ, ý chỉ ra đòn rất nhanh mạnh. Tân Khí Tật đời Tống trong bài “Thẩm Viên Xuân” có câu “Khí tự bôn lôi”. Thái, là tên quẻ, trên là quẻ Khôn dưới là que Càn (địa thiên thái), là quẻ tốt. Ngược lại, trên càn dưới khôn là quẻ Bĩ, quẻ xấu, nên có câu Bĩ cực thái lai là vì thế.

Càn khôn ngũ tuyệt – nam đế, bắc cái, đông tà, tây độc, trung thần thông (trong Anh Hùng Xạ Điêu):

1. Nam đế: Nam đế là Nhất Đăng Đại Sư. Nam thuộc Hỏa, nên mới là Nhất Đăng. Nhất Đăng lại lấy ý từ kinh Pháp Hoa: dĩ nhất đăng truyền chư đăng, chung chí vạn đăng giai minh, (lấy một ngọn đèn truyền cho nhiều ngọn đèn, cuối cùng muôn đèn đều rạng). Mà tuyệt chiêu của Nhất Đăng Đại Sư lại chính là Nhất Dương Chỉ – Dương tức là mặt trời, thuộc hỏa.

2. Bắc cái: Bắc thuộc Thủy, nên Bắc cái là Hồng Thất Công, Hồng là nước lớn. Phương Bắc thuộc Thủy, chủ màu đen, tuy trong truyện không miêu tả Hồng Thất Công mặc áo màu gì, nhưng đã là ăn mày thì màu gì rồi cũng thành đen.

3. Đông tà: Đông thuộc Mộc, chủ màu xanh. Đông tà là Hoàng Dược Sư, chữ Dược có bộ Mộc. Đông tà cũng xuất hiện với chiếc áo xanh trên người. Kim Dung rất sùng kính danh tướng Lý Tịnh đời Đường, mà Lý Tịnh có tên chữ là Dược Sư, rất có thể Kim Dung đã xây dựng nhân vật Đông tà Hoàng Dược Sư từ cảm hứng này.

4. Tây độc: Tây thuộc Kim, Tây độc là Âu Dương Phong, chữ Phong lại có bộ kim. Tây độc lại có một cây đàn tranh bằng sắt, cũng thuộc kim. Âu Dương Phong có độc chiêu Cáp Mô Công, khắc tinh của võ công này là Nhất Dương Chỉ, ám chỉ hỏa khắc kim theo đúng quy luật ngũ hành tương khắc.

5. Trung thần thông: Trung ương thuộc Thổ, màu vàng. Trung thần thông Vương Trùng Dương, tên gốc là Vương Triết. 2 chữ Vương và Triết tổng cộng có tới 3 bộ thổ土. Vương Trùng Dương là đạo sĩ, mà đạo sĩ vẫn dùng mũ vàng. Sau này “thần thông” được thay bằng “ngoan đồng” Chu Bá Thông. Chữ Chu vẫn có bộ thổ!

0 nhận xét: