VŨ ĐỨC SAO BIỂN
(Vietkiemhiep) - Tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung không phải là sách pháp luật, cũng không phải là sách nghiên cứu về khoa học kỹ thuật hình sự. Tuy nhiên, những nhân vật của ông là giới hào sĩ giang hồ, có môn phái rõ ràng, sinh hoạt chủ yếu của họ đặt trên đường đao, mũi kiếm nên ít nhiều đã gây ra những trọng án. Để xây dựng thành một trọng án như thế, Kim Dung đã khéo léo tạo ra những bằng chứng, yếu tố không thể thiếu giúp bọn hào sĩ giang hồ điều tra, khám phá sự thật.
Có những bằng chứng tự nó nói lên sự thật, chỉ ra kẻ gây án. Trong Liên thành quyết (hay Tố tâm kiếm), nhân vật Thích Phương bị giết bởi một lưỡi truỷ thủ - một dạng dao găm ngắn. Nhìn lưỡi truỷ thủ còn cắm trên bụng người sư muội của mình, Địch Vân biết ngay kẻ gây án là Vạn Khuê, chồng của nạn nhân. Vạn Khuê cưới Thích Phương không phải vì tình yêu; hắn chỉ muốn moi bí mật của Liên thành quyết, gồm những chữ ráp lại từ Đường thi tuyển tập để đi tìm một kho báu giá trị liên thành. Những chữ đó là: “Giang Lăng thành Nam, Tây Thiên Ninh tự, hoàng kim Phật tượng, hướng chi mô bái kiến thành chúc cáo thông linh Như Lai tứ phướng vãng sinh cực lạc” (Phía Nam thành Giang Lăng, phí Tây chùa Thiên Ninhtượng Phật trong đại điện, hướng vào thành tâm vái lạy chúc cáo, Đức Như Lai sẽ ban phước được vãng sinh miền cực lạc).
Cũng trong tác phẩm này, khi bật nóc hòm của tiểu thư Lăng Sương Hoa để rải hài cốt của Đinh Điển, người tình của Lăng tiểu thư, vào hợp tán, Địch Vân đã nhìn thấy cẳng tay của bộ xương đưa lên và trên mặt gỗ nắp áo quan phía trong có những chữ viết bằng móng tay. Hai bằng chứng sống động đó cho phép Địch Vân hiểu ra là Lăng Sương Hoa đã bị cha mình, tri phủ Lăng Thoái Tư, chôn sống. Trước khi tắt thở, cô còn gắng gượng đưa tay lên viết những dòng chữ từ biệt người tình Đinh Điển.
Những nhân vật thực hiện công tác điều tra trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung thông minh một cách kỳ lạ. họ chỉ suy đoán nhưng suy đoán đó lại kinh qua những nhận định rất hợp lý và do vậy, họ suy đoán rất trúng. Trong Tiếu ngạo giang hồ, Lệnh Hồ Xung tìm thấy xác hai vị sư thái Định Nhàn và Định Tĩnh phái Hằng Sơn trên chùa Thiếu Lâm. Định Nhàn vẫn còn đủ sáng suốt để nhìn ra Lệnh Hồ Xung và trao lại cho chàng chiếc nhẫn sắt của chưởng môn phái Hằng Sơn. Nhà tu từ bi này tuyệt đối không cho Lệnh Hồ Xung biết ai đã giết mình; Lệnh Hồ Xung là nam nhân, không tiện cởi áo hai vị sư thái ra xem vết thương để biết thủ phạm. Thế nhưng, đại tiểu thư Nhậm Doanh Doanh, bạn gái Lệnh Hồ Xung, đã xem được vết thương đó, biết vết thương là do vật nhọn rất nhỏ đâm trúng trái tim. Cô suy đoán: kẻ giết người đã dùng vật nhọn như mũi kim thêu chẳng hạn; và thân pháp của hắn rất lẹ, công lực của hắn cực cao mới giết nổi Định Nhàn và Định Tĩnh. Để có công lực rất cao, thân pháp cực lẹ, nhân vật này hẳn đã luyện xong Tịch tà kiếm phổ. Kẻ ấy là ai? Chính là Nhạc Bất Quần, gã nguỵ quân tử, kẻ đã ăn cắp được Tịch tà kiếm phổ và nguyên là sư phụ của Lệnh Hồ Xung.
Có những loại bằng chứng rất đặc biệt, gắn liền với một nhân vật đến nỗi nó trở thành “thuộc tính” của nhân vật đó. Và do vậy, khi trưng ra bằng chứng đó, người ta biết ngay nó thuộc về ai. Đó là trường hợp những sợi tóc vàng của Tạ Tốn (Ỷ thiên Đồ long ký). Tạ Tốn có ngoại hiệu Kim mao sư vương (Sư tử lông vàng) vì tóc của nhân vật này vàng rực. Chu Chỉ Nhược, chưởng môn phái Nga Mi, đã phóng trục Triệu Mẫn, giết Hân Ly, mưu toan bắt giam Tạ Tốn, ăn cắp được cả Ỷ thiên kiếm lẫn Đồ long đao. Cô tổ chức lễ cưới với Trương Vô Kỵ, con nuôi (dưỡng tử) của Tạn Tốn. Khi hai người sắp bái thiên địa để thành lứa đôi thì Triệu Mẫn xuất hiện và đưa ra một sợi tóc vàng. Thấy sợi tóc đó, Trương Vô Kỵ đã bỏ đám cưới, chạy theo Triệu Mẫn để cứu nghĩa phụ của mình. Từ sợi tóc vàng đặc biệt này, kết hợp với một số bằng chứng khác nữa, Vô Kỵ dần dần hiểu ra toàn bộ những âm mưu và những thủ đoạn của Chu Chỉ Nhược.
Cũng bởi bằng chứng rất đặc biệt cho nên trong truyện võ hiệp của Kim Dung có trường hợp đưa ra bằng chứng giả, dựng hiện trường giả để vu oan giá họa cho một người hoặc để đánh lạc hướng điều tra. Yếu tố này rất độc đáo bởi xã hội mà Kim Dung muốn phản ánh là xã hội Trung Hoa cách tác giả trên 300 năm.
Thiên Long bát bộ thuật lại câu chuyện nàng Ôn Khang giết chồng là Mã Đại Nguyên, phó bang chủ Cái bang. Để vu oan giá họa cho Kiều Phong, bang chủ Cái bang, Ôn Khang đã phục rượu cho chồng mình say, rồinhờ Bạch Thế Kính, một tình nhân của mình, giết chồng bằng chiêu thức Tỏa hầu cầm nã thủ. Đây là một môn công phu độc đáo mà chỉ có Kiều Phong mới đủ công lực thực hiện. Để tăng độ xác tín, Ôn Khang còn ăn cắp cây quạt của Kiều Phong đặt tại hiện trường, bên xác Mã Đại Nguyên. “Vụ án” này tạo thêm điều kiện để người ta tin rằng Kiều Phong là quân Khất Đan gian ác, đã giết Mã Đại Nguyên để che dấu nguồn gốc Khất Đan của mình.
Trong một thời đại mà khoa học kỹ thuật hình sự còn thô sơ thì hơn bất kỳ yếu tố nào khác, chữ viết được coi là bằng chứng sống động nhất. Trong Lộc Đỉnh ký, để vu oan giá họa cho gã Hán gian tri phủ Dương Châu Ngô Chi Vinh, Vi Tiểu Bảo đã nhờ nhà nho Cố Viêm Võ nhái nét chữ của gia sư Ngô Tam Quế (một phiên vương đang khởi loạn chống vua Khang Hy) viết một bức thư gửi cho Ngô Chi Vinh. Từ phong cách hành văn đến loại giấy viết, Cố Viêm Võ đều mô phỏng đúng các văn thư của phủ Bình Tây vương Ngô Tam Quế. Riêng phần chữ ký giả của Ngô Tam Quế, Cố Viêm Võ phải nhở đến Tiền Lão Bản, một nhân vật võ biền. Tại sao phải nhở đến Tiền Lão Bản? Tiền Lão Bản là con nhà võ, Ngô Tam Quế cũng con nhà võ, học thức kém, chữ viết gân guốc. Phải nhở đến Tiền Lão Bản ký tên gân guốc mới ra nét chữ võ biền của Ngô Tam Quế. Bức thư giả này đương nhiên sẽ đệ trình lên bộ Hình, trở thành vật chứng của “vụ án” Ngô Chi Vinh thông đồng phiên tặc!
Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung không phải là tiểu thuyết hình sự hay trinh thám. Nhưng từ những bằng chứng do ông dựng lên, những cuộc điều tra mà các nhân vật của ông tiến hành, người đọc có cảm giác đang đọc một dạng tiểu thuyết hình sự hay trinh thám hấp dẫn và đầy tình khoa học. Kim Dung nói: “Tiểu thuyết viết để cho con người hiện đại đọc. Chính tôi cũng là con người hiện đại”. Và điều đó cho ta biết tại sao trong những câu chuyện về giới giang hồ hào sĩ này của Kim Dung vẫn mang tính hiện đại của khoa học kỹ thuật hình sự qua những bằng chứng dù thật hay giả đều rất sống động, rất đặc biệt.
0 nhận xét: