Trong tiểu thuyết kiếm hiệp Thần Điêu Hiệp Lữ của Kim Dung, Quách Tương là một cô gái nhỏ tuổi trăng tròn thông minh, tình tình hiền lành, ngây thơ và rất dễ thương. Nghe đồn chốn giang hồ có vị "thần điêu đại hiệp" (chính là Dương Quá) nàng quyết đi tìm gặp mặt cho bằng được. Rồi lẳng lặng âm thầm đi theo phía sau, để xem chàng đi bắt con cửu vỹ linh hồ như thế nào. Khi bị phát hiện, Dương Quá đưa ra yêu cầu là nàng phải kể được tên của bốn vị "anh hùng trong thiên hạ" thì mới cho nàng đi theo. Thật thú vị là trong số 4 vị anh hùng mà Quách Tương kể tên, thì có tới 3 là người trong nhà nàng, gồm cha mẹ (Quách Tĩnh và Hoàng Dung) và ông ngoại (Hoàng Dược Sư). Còn người cuối cùng thì lại là chính ... Dương Quá! Hi hi.
Quách Tương là cô con gái út của cặp đôi anh hùng hiệp nữ Quách Tĩnh - Hoàng Dung. Nàng cũng chính là người sau này đã lập ra (sư tổ) giáo phái Nga My. Nếu như Quách Phù, chị nàng, là một cô gái cao ngạo, tính khí hay ganh tỵ, nhỏ nhen và có phần độc ác thì Quách Tương hoàn toàn ngược lại. Nàng rất dễ thương, thẳng thắn, tình tình từ nhỏ đã rất ngây thơ trong trắng. Đặc biệt Quách Tương có một trái tim vô cùng nhân hậu, nàng luôn sẵn sàng quên mình vì người khác mà không bao giờ phải đắn đo, so sánh thiệt hơn.
Quách Tương dung mạo xinh đẹp tuyệt trần. Dù không phải là nhân vật chính trong tác phẩm, Kim Dung hầu như cũng ít mô tả về dáng vẻ bề ngoài của nàng như nhiều nhân vật nữ khác. Nhưng chỉ qua lần gặp gỡ đầu tiên giữa nàng và ông ngoại là lão đông tà chủ đảo Đào Hoa Hoàng Dược Sư, khi lão nhìn nàng và buồn rầu nói "giống quá giống quá" - ý nói nàng rất giống bà ngoại của mình, tuy vốn chỉ là một nhân vật "ảo"- nhưng chính là người đã sinh ra "tiên nữ" Hoàng Dung, đủ cho thấy Quách Tương rất xinh đẹp.
Nhà văn Kim Dung trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí đã từng cho biết Quách Tương chính là nhân vật nữ là ông có nhiều tình cảm nhất. Quả thật những ai đã một lần gặp Quách Tương, dù chỉ là qua trang sách, không thể không yêu mến nàng. Vì vậy, thậm chí còn cảm thấy xốn xang, chũng buồn cùng nàng - trong mối tình cô đơn và tuyệt vọng của nàng với thần điêu đại hiệp Dương Quá.
Sau khi gặp Dương Quá lần đầu, dù chưa biết rõ dung mạo vì Dương Quá lúc nào cũng đeo một chiếc mặt nạ che mặt, nhưng Quách Tương đã rất cảm mến và vô cùng tò mò về con người là thiên hạ gọi là "thần điêu đại hiệp" này". Vì vậy, nàng đã âm thầm lén lút đi theo chàng đến đầm Hắc Long, chỉ là để xem chàng bắt con cửu vĩ linh hồ như thế nào. Nhưng theo tại hạ đó là nàng nghĩ như vậy, chứ thực ra là vì lòng nàng đã không thể nào rời xa được Dương Quá. Cho nên dù Dương Quá không đi bắt con cữu vĩ hồ ly mà làm chuyện khác, thì Quách Tương cũng sẽ đi theo. Hi hi.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhớ lại chuyện Quách Tương chọn lựa và luận về các vị anh hùng trong võ lâm thiên hạ.
Trước hết, hẳn mọi người cùng đồng ý rằng khái niệm thế nào là "anh hùng" trong võ lâm thực ra hết sức trừu tượng và cũng khó mà chính xác, khách quan được. Một người có thể là anh hùng, ân nhân đối với người này, nhưng hoàn toàn có thể lại là kẻ tiểu nhân độc ác, là kẻ thù đối với một người khác.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có ai xứng được gọi là anh hùng - đối với cả hai phe chính - tà. Theo tại hạ, người xứng đáng được gọi là anh hùng trong chốn võ lâm giang hồ thì ít nhất phải đáp ứng được một vài trong số những "tiêu chuẩn" sau đây:
- Võ công cái thế: có nhiều chiêu thức vô song vô đối, từng đả bại nhiều cao thủ, danh trấn giang hồ.
- Hành hiệp đại nghĩa: có lòng ái quốc, cứu giúp người bị kẻ khác ức hiếp, trừng trị kẻ tàn ác, ra tay can thiệp việc bất bình ngang trái. Bản thân không làm những việc ác như giết người vô cớ, phá phách lung tung.
- Có tư cách đạo đức tốt: phân biệt chính - tà, tính khí khiêm tốn, không tham chức quyền, ít yêu đương lăng nhăng, hãm hại, lừa dối người khác ...
- Được nhiều người trên chốn giang hồ, đặc biệt là những nhân vật lừng danh nể phục, yêu mến.
Với tiêu chí như trên, thiết nghĩ chắc chắn sẽ không có nhiều người xứng được tôn là anh hùng trong chốn võ lâm giang hồ.
Tỷ như một số nhân vật trong Anh hùng xạ điêu như Âu Dương Phong tuy võ công rất cao siêu, nhưng tính khí lại quá tàn ác, giết người không cần lý do, chỉ vì muốn có bộ võ công bí kíp Cửu âm chân kinh mà giết người hàng loạt ..., sao xứng danh anh hùng. Hay như Âu Dương Khắc cháu y cũng vậy. Kẻ này võ công rất giỏi, nhưng tính tình quá trăng hoa, đã hãm hại biết bao nhiêu con gái nhà lành. Hoặc như Dương Khang cũng không thể gọi là anh hùng, vì danh lợi cá nhân mà phản bội đất nước, thậm chí không nhìn nhận cha ruột của mình ...
Quay lại chuyện Quách Tương lén đi theo Dương Quá, sau khi bị chàng phát hiện Quách Tương bèn nói Dương Quá là một nhân vật anh hùng nên không thể có hành động hãm hại mình.
"Dương Quá bèn nói: "Ta đâu có gì là anh hùng?
Quách Tương nói: Đại hiệp không được coi là anh hùng thì còn ai xứng chữ “anh hùng” nữa? Nói xong, Quách Tương liền cảm thấy câu này không ổn, nàng tự nghĩ nếu vậy chẳng hóa ra mình coi cha mẹ không bằng chàng hay sao, bèn nói thêm: "Đương nhiên, trừ đại hiệp ra, thì cũng còn vài vị đại anh hùng, đại hào kiệt, song đại hiệp là một người trong số đó".
Chỉ là Dương Quá nghĩ một cô bé mười mấy tuổi như nàng thì làm sao mà lại có thể biết đến vài vị đại anh hùng. Bèn hỏi: Cô nương bảo vài vị đại anh hùng, đại hào kiệt ấy là những ai?
Quách Tương nghe giọng chàng có ý coi thường nàng, bèn nói: Muội nói ra mà đúng, đại hiệp phải đem muội đi theo bắt Cửu vĩ linh hồ, được không nào?
Dương Quá nói: Được, cô nương nói ta coi.
Quách Tương nói: Có một vị anh hùng trấn thủ thành Tương Dương, quên mình chống lại Mông Cổ, bảo cảnh an dân. Như thế có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?
Dương Quá giơ ngón tay cái, nói: Được! Quách Tĩnh Quách đại hiệp đúng là một vị đại anh hùng.
Chàng có ngờ đâu Quách Tương đang nói về cha nàng! Hi hi.
Quách Tương lại nói: Còn một vị nữ anh hùng, phò tá phu quân, kháng địch thủ thành, mưu trí vô song, liệu sự như thần. Có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?
Dương Quá nói: Cô nương định nhắc đến Quách phu nhân Hoàng bang chủ phải không? Ồ, cũng có thể coi là một vị đại anh hùng.
Chàng có ngờ đâu Quách Tương đang nói về mẹ mình. Hi hi!
Quách Tương nói tiếp: Còn một vị lão anh hùng, ngũ hành kỳ thuật, quỉ thần khôn lường, Đạn chỉ thần công, môn nào cũng thạo. Như thế có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?
Dương Quá nói: Đó là Đào Hoa đảo chủ Hoàng Dược Sư, tiền bối võ lâm, ta hằng kính ngưỡng. Như vậy, xem như chàng đồng ý rằng Hoàng Dược Sư là một anh hùng.
Chàng có ngờ đâu Quách Tương đang nói về ông ngoại mình. Hi hi.
Quách Tương nói ba người, thấy chàng đều thừa nhận, thì rất đắc ý. Nhưng khổ nỗi nàng còn quá nhỏ tuổi, chưa từng ra chốn giang hồ. Nên ngoài ba người thân của mình, nàng đâu biết ai khác. Bèn nói: Còn có một vị suất lĩnh Cái Bang, trừ gian sát địch, dốc lòng vì nước vì dân, có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?
Dương Quá nói: Cô nương định nói về Lỗ Hữu Cước Lỗ bang chủ phải không? Người này võ công không cao lắm, cũng chưa có công lao gì đặc biệt, nhưng với mười chữ “trừ gian sát địch, dốc lòng vì nước vì dân”, có thể coi là một nhân vật đáng nể.
Quách Tương có mối tình buồn đơn phương với Dương Quá (do Dương Mịch đóng)
Như vậy, xem ra Dương Quá không đồng ý với lựa chọn này của nàng.
Quách Tương khi đó nghĩ: “Đại hiệp tài giỏi, nhãn giới cực cao, mình nói thêm, e rằng chàng sẽ bảo không đúng. Huống hồ, ngoài cha mẹ, ông ngoại, Lỗ lão bá ra, mình không nghĩ ra được ai nữa”.
Dương Quá thấy vẻ mặt trù trừ của nàng, nghĩ: “Quách bá bá, Quách phu nhân, Hoàng đảo chủ, Lỗ bang chủ bốn người là hào kiệt nổi danh thiên hạ, tiểu cô nương kể ra được cũng không có gì lạ”, bèn nói: Cô nương chỉ cần nói đúng một vị nữa, ta sẽ dẫn cô nương đến đầm Hắc Long bắt Cửu vĩ linh hồ.
Khi đó, Quách Tương đang bí rị, không biết kể ra ai nữa, dù chỉ một người. Nhưng quả nàng có gen thông minh của mẹ, nên đã nghĩ ra ngay một người, bèn nói: "Được, còn một vị cứu khốn phò nguy, trừ cường phù nhược, ai nấy tán dương, Thần điêu đại hiệp! Vị ấy mà không được coi là vị đại anh hùng, thì đại hiệp khó tính quá trời".
Hê hê. Như vậy, vị anh hùng thứ tư và cũng là cuối cùng mà nàng chọn chính là chàng. Mà thực ra ngay từ đầu nàng đã thực lòng tin và nói như vậy với Dương Quá. Nàng còn rất dễ thương và láu lỉnh khi nói: "Vị ấy mà không được coi là vị đại anh hùng, thì đại hiệp khó tính quá trời". Hi hi.
Dương Quá nghe xong cười, nói: "cô nương nói rất hay". Như vậy là chàng ta cũng khoái, cũng tự thấy mình xứng với danh tụng là anh hùng đại hiệp! Chắc chàng ta đã quên rằng việc này là mâu thuẫn chính mình, vì trước chàng đó đã nói: "ta đâu có gì là anh hùng". Hi hi.
Như vậy, điều thú vị ở đây là Quách Tương kể ra 4 vị anh hùng, thì chỉ có Dương Quá là người ngoài gia đình nàng, nhưng lại chính là người đang "chấm thi" cho nàng! Còn lại 3 người thì hết thảy đều là người thân, thậm chí là ruột thịt nhất của nàng!
Quách Tương đúng là đã "ăn may", vì nàng còn quá nhỏ tuổi, chưa từng lăn lộn ngoài chốn võ lâm giang hồ nên cũng không thể biết ai khác ngoài những người trong gia đình mình. Chính điều đó cũng cho thấy nàng là người rất may mắn và có quá nhiều lợi thế so với biết bao nhiêu người khác. Nàng sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại anh hùng võ lâm!
Qua việc Quách Tương chọn và luận anh hùng, hẳn nhiều người cảm thấy thú vị, tủm tỉm và cũng có phần thán phục nét láu lỉnh, thông minh của Quách Tương. Song cũng có thể có vị nghĩ rằng cô gái nhỏ này đã "ăn gian", thiếu công bằng. Hay thậm chí là thiếu khiêm tốn, tự cao tự đại khi chỉ cho rằng người trong nhà mình là anh hùng thôi mà không phải là ai khác ngoài chốn giang hồ.
Tuy nhiên theo tại hạ, nếu suy ngẫm kỹ lại, chúng ta hẳn sẽ không thấy buồn cười nữa. Vì những nhận xét, đánh giá của Quách Tương về những nhân vật mà cô gọi là anh hùng đại hiệp trong võ lâm thực ra tuy ngắn gọn nhưng đều rất sâu sắc, đa dạng và cũng thật sự chính xác, xác đáng. Những lời bình bàn của nàng hoàn toàn không phải là nói nhảm!
Bốn vị anh hùng mà Quách Tương đã chọn ra, gồm đủ hai phái nam nữ, có tuổi tác, vị trí khác nhau trong võ lâm. Dù vậy, ai cũng mười phân vẹn toàn. Một sự lựa chọn không hề thiên vị - mặc dù đúng là nàng cũng không biết ai khác để mà chọn!
Qua đây, tại hạ nghĩ rằng phải chăng đây chính là quan điểm của Kim Dung về anh hùng võ lâm?
Trong số bốn vị anh hùng Quách Tương kể tên, tại hạ muốn bàn thêm về trường hợp lão đông tà Hoàng Dược Sư. Quách Tương tuy chọn ông ngoại mình là anh hùng, nhưng chỉ nói ông giỏi võ, kiến thức uyên thâm, chứ không nói ông mình có lòng yêu nước, hay có những hành động có tính cao thượng - như cha mẹ nàng Quách Tĩnh - Hoàng Dung. Thế nhưng Dương Quá vẫn đồng ý.
Ây là vì Dương Quá lúc này đã trên 40 tuổi, từng trải cuộc đời, đã biết đủ hương vị hạnh phúc, và khổ đau. Biết về sự mất mát và lòng hy sinh trong tình yêu, biết về lòng chung thủy. Do vậy nên chàng hiểu về con người của lão đông tà.
Trên thực tế, Hoàng Dược Sư là một người chồng hết mực chung thủy, một người cha hết mực thương con. Tuy mang danh "đông tà", nhưng thực tế ông cũng chưa làm điều gì khuất tất, không ngay thẳng. Hoàng Dược Sư không giết người bừa bãi (trong tác phẩm hầu như ông không giết ai), dù tính khí thoạt nhìn có phần khắc nghiệt, cổ quái và cao ngạo. Nhưng rõ ràng lão đông tà không hại ai! Ông cũng đã hết lòng ủng hộ con rể Quách Tĩnh, góp sức chống giặc ngoại xâm ... Vậy nên ông rất xứng đáng với danh hiệu anh hùng đại hiệp vậy.
Cũng qua đoạn "thi và chấm thi" nói trên, người ta thấy giữa Dương Quá và Quách Tương có nét đồng điệu, ăn ý và hợp chuyện đến kỳ lạ, khó tìm.
Cuộc luận bàn về anh hùng đại hiệp võ lâm ở trên là lần nói chuyện giao tiếp đầu tiên và riêng tư giữa hai người, một nam, một nữ cách tuổi nhau đến trên 30 năm. Vậy mà cứ như hai người bạn đã tâm đầu hợp ý. Quách Tương biết cách làm Dương Quá vui, cười. Nàng dám cả gan xưng "muội" (em) với Dương Quá trong khi chỉ đáng tuổi con của chàng! Ngược lại Dương Quá rõ ràng rất thích nghe nàng nói chuyện, thích tranh luận với nàng... và rất có cảm tình với nàng.
Mấy mươi năm trước, Quách Tĩnh và Hoàng Dung dìu nhau trên con đường rừng lạc đến đầm Hắc Long nơi Anh Cô ở, giữa hai người tình ý càng thêm thắm thiết. Bây giờ Dương Quá và Quách Tương, cũng trên con đường tìm tới đầm Hắc Long, hai người đã có cơ hội riêng tư với nhau. Tình cảm đã nảy sinh. Tuy chưa phải là tình yêu, nhưng chí ít cũng đã là một thứ tình cảm nhuốm màu luyến ái nam nữ.
Chính vì vậy, nếu trong câu chuyện này không có tiên nữ Tiểu Long Nữ, thì có lẽ tình yêu đã phát sinh và nảy nở giữa hai người người này, như là một tất yếu ở thì tương lai.
Quách Tương xinh đẹp dễ thương biết bao. Nhưng tiếc thay nàng không phải là người có được may mắn và hạnh phúc trong tình yêu. Kể từ cuộc nói chuyện kể trên với Dương Quá, trong trái tim bé nhỏ của nàng đã in sâu mãi mãi bóng hình Dương Quá. Nhưng thương thay cho nàng, đó là tình yêu đơn phương, thầm lặng và chỉ là hư vô. Chính vì vậy, nàng rồi đây sẽ đau khổ vì tình yêu mà nàng đã dành cho Dương Quá. Vì không có cơ hội "cạnh tranh" với Tiểu Long Nữ.
Nhưng,... vì đây là một bài viết có mục đích vui vẻ thú vị, chứ không có ý khóc cho Quách Tương, nên tại hạ quyết định dừng bút tại đây.
----------------
Dưới đây là đoạn trích trong Thần điêu hiệp lữ, nếu có thời gian quý vị hãy cùng thưởng thức lại:
(Lúc này Quách Tương lần đầu gặp mặt thần điêu hiệp Dương Quá, sau đó âm thầm đi theo chàng đến đầm Hắc Long )
Dương Quá nói:
- Bây giờ tiểu đệ đi đến đầm Hắc Long một chuyến, bất kể thành hay bại, cũng sẽ trở lại quí sơn trang.
Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ và huynh đệ họ Sử thấy chàng không rủ ai đi theo, nghe đồn chàng chỉ một mình hành sự, nên tuy họ sẵn sàng xuất lực, cũng không dám tự đề xướng việc trợ giúp.
Dương Quá ôm quyền từ biệt mọi người, quay mình đi về hướng bắc.
Quách Tương nghĩ: “Mình đến đây là để gặp Thần điêu hiệp, hiện đã gặp rồi. Chàng tuy dung mạo xấu xí, nhưng võ công kinh nhân, phù nguy tế khốn, lo cho người khác, quả nhiên xứng danh hai chữ “đại hiệp”, chuyến đi của mình không uổng”. Nhưng không biết chàng sẽ dùng cách gì để bắt Cửu vĩ linh hồ, lòng hiếu kỳ trỗi dậy, tự dưng nàng bước theo sau Dương Quá.
Đại Đầu Quỉ định gọi nàng lại, nhưng nghĩ bụng: “Cô nương ấy quyết ý đi gặp Thần điêu hiệp, tất có điều muốn nói với chàng ta”. Huynh đệ họ Sử không biết lai lịch Quách Tương, càng không tiện nói gì với nàng.
Quách Tương đi theo sau Dương Quá, cách vài trượng, nhất mực muốn xem chàng làm thế nào bắt Cửu vĩ linh hồ; nàng thấy Dương Quá càng đi càng nhanh, Thần điêu sánh vai chàng sải bước, không khác gì ngựa phi. Thoáng chốc Quách Tương đã tụt lại phía sau đến mươi trượng, nhìn ống tay áo phe phẩy của chàng, tựa hồ chàng thong thả đi trên tuyết, song khoảng cách với chàng cứ xa dần. Quách Tương thi triển khinh công gia truyền, ra sức đuổi theo, nhưng sau thời gian uống cạn một tuần trà, Dương Quá và Thần điêu chỉ còn là hai chấm đen trên tuyết.
Quách Tương cuống lên, gọi:
- Ấy, chờ muội với!
Tiếng gọi khiến nội tức bị rối loạn, chân ríu lại, nàng ngã bạch xuống tuyết một cái. Vừa ngượng vừa cuống, bất giác nàng khóc òa lên.
Bỗng nghe một giọng ôn hòa bên tai:
- Sao lại khóc? Kẻ nào khi vũ cô nương?
Quách Tương ngẩng đầu lên, thì ra là Dương Quá, không biết chàng làm thế nào có thể quay lại nhanh đến thế. Nàng kinh ngạc và mừng rỡ, cảm thấy áy náy, cúi đầu rút chiếc khăn tay ra lau nước mắt, không ngờ vừa rồi chạy vội, chiếc khăn đã bị rớt mất.
Dương Quá lấy từ trong ống áo ra chiếc khăn, cầm bằng ngón cái và ngón trỏ, cười nói:
- Cô nương tìm cái này phải không?
Quách Tương nhìn đúng là chiếc khăn tay có thêu một bông hoa nhỏ ở góc, bèn nói:
- Phải, là đại hiệp khi vũ muội đó.
Dương Quá lấy làm lạ:
- Sao lại là ta khi vũ cô nương?
Quách Tương nói:
- Đại hiệp đã lấy chiếc khăn của muội, chẳng phải là khi vũ hay sao?
Dương Quá cười, nói:
- Cô nương tự đánh rơi xuống đất, ta có hảo ý nhặt giùm, sao nói là ta lấy chiếc khăn của cô nương?
Quách Tương cười, nói:
- Muội đi đằng sau đại hiệp, muội đánh rơi chiếc khăn thì làm sao đại hiệp lại nhặt được kia chứ? Rõ ràng là đại hiệp đã lấy từ trước.
Kỳ thực Quách Tương đi theo phía sau, Dương Quá đã biết ngay từ đầu, chàng cố ý đi nhanh, thử xem khinh công của nàng ra sao, thấy cô nương tuy còn nhỏ tuổi, nhưng võ công được danh gia truyền thụ; khi phát hiện nàng ngã, sợ nàng bị thương, vội phi trở lại, thấy phía sau nàng mấy trượng có chiếc khăn rơi, chàng bèn nhặt lên, nhưng vì chàng hành động quá nhanh, nên nàng không nhận biết được.
Dương Quá mỉm cười, nói:
- Cô nương họ gì, tên gì? Tôn sư là ai? Vì sao đi theo ta?
Quách Tương nói:
- Quý tính đại danh của đại hiệp? Đại hiệp cho muội biết trước, rồi muội sẽ nói.
Dương Quá mười mấy năm nay ngay diện mạo thật còn không để người ta biết, dĩ nhiên không nói lộ tính danh với một cô nương xa lạ, nên nói:
- Cô nương hơi kỳ quái đấy, đã không chịu nói thì thôi. Hãy cầm lấy chiếc khăn này.
Nói rồi hất nhẹ chiếc khăn khiến nó trải ra, bay tới trước mặt Quách Tương. Quách Tương lấy làm lạ, giơ tay đón, nói:
- Thần điêu hiệp, công phu gì hay vậy? Đại hiệp dạy cho muội được chăng?
Dương Quá thấy nàng thật thà ngây thơ, không sợ gì bộ mặt nạ đáng sợ của chàng, nghĩ: “Mình thử dọa cô nàng xem sao”, đột nhiên gằn giọng:
- Cô nương to gan thật! Vì sao không sợ ta? Ta muốn hại cô nương đấy.
Nói rồi tiến lại, vung tay để ra đòn. Quách Tương kinh ngạc, nhưng lập tức cười khanh khách, nói:
- Muội không sợ đâu. Đại hiệp nếu định hại muội thật, không khi nào lại nói trước. Thần điêu hiệp nghĩa bạc vân thiên, ai lại đi hại một tiểu nữ tử?
Người ẩn sĩ thanh cao nghe thấy câu tán dương này cũng còn thích, Dương Quá tuy không ham nghe người ta ca tụng, nhưng nghe Quách Tương nói bằng một giọng chân thành, quả lộ vẻ thán phục, thì mỉm cười, nói:
- Cô nương không quen biết ta, sao đoán là ta sẽ không hại cô nương?
Quách Tương nói:
- Muội tuy không quen biết đại hiệp, nhưng tối qua ở bến Phong Lăng được nghe nhiều người kể sự tích của đại hiệp, nên muội nghĩ: “Một nhân vật anh hùng như thế, nhất định phải đi gặp mới được”. Cho nên muội mới theo Đại Đầu Quỉ đến gặp đại hiệp.
Dương Quá lắc đầu, nói:
- Ta đâu có gì là anh hùng? Cô nương gặp rồi, nhất định cảm thấy không được như nghe đồn.
Quách Tương vội nói:
- Không, không! Đại hiệp không được coi là anh hùng thì còn ai xứng chữ “anh hùng” nữa?
Nói xong, Quách Tương liền cảm thấy câu này không ổn, chẳng hóa ra nàng coi phụ thân không bằng Thần điêu hiệp, bèn nói thêm:
- Đương nhiên, trừ đại hiệp ra, thì cũng còn vài vị đại anh hùng, đại hào kiệt, song đại hiệp là một người trong số đó.
Dương Quá nghĩ: “Một cô bé mười mấy tuổi lại có thể biết vài vị đại anh hùng thế ư?” Chàng mỉm cười, hỏi:
- Cô nương bảo vài vị đại anh hùng, đại hào kiệt ấy là những ai?
Quách Tương nghe giọng chàng có ý coi thường nàng, bèn nói:
- Muội nói ra mà đúng, đại hiệp phải đem muội đi theo bắt Cửu vĩ linh hồ, được không nào?
Dương Quá nói:
- Được, cô nương nói ta coi.
Quách Tương nói:
- Có một vị anh hùng trấn thủ thành Tương Dương, quên mình chống lại Mông Cổ, bảo cảnh an dân. Như thế có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?
Dương Quá giơ ngón tay cái, nói:
- Được! Quách Tĩnh Quách đại hiệp đúng là một vị đại anh hùng.
Quách Tương nói:
- Còn một vị nữ anh hùng, phò tá phu quân, kháng địch thủ thành, mưu trí vô song, liệu sự như thần. Có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?
Dương Quá nói:
- Cô nương định nhắc đến Quách phu nhân Hoàng bang chủ phải không? Ồ, cũng có thể coi là một vị đại anh hùng.
Quách Tương nói:
- Còn một vị lão anh hùng, ngũ hành kỳ thuật, quỉ thần khôn lường, Đạn chỉ thần công, môn nào cũng thạo. Như thế có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?
Dương Quá nói:
- Đó là Đào Hoa đảo chủ Hoàng Dược Sư, tiền bối võ lâm, ta hằng kính ngưỡng.
Quách Tương nói ba người, thấy chàng đều thừa nhận, thì rất đắc ý, nói:
- Còn có một vị suất lĩnh Cái Bang, trừ gian sát địch, dốc lòng vì nước vì dân, có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?
Dương Quá nói:
- Cô nương định nói về Lỗ Hữu Cước Lỗ bang chủ phải không? Người này võ công không cao lắm, cũng chưa có công lao gì đặc biệt, nhưng với mười chữ “trừ gian sát địch, dốc lòng vì nước vì dân”, có thể coi là một nhân vật đáng nể.
Quách Tương nghĩ: “Đại hiệp tài giỏi, nhãn giới cực cao, mình nói thêm, e rằng chàng sẽ bảo không đúng. Huống hồ, ngoài cha mẹ, ông ngoại, Lỗ lão bá ra, mình không nghĩ ra được ai nữa”. Dương Quá thấy vẻ mặt trù trừ của nàng, nghĩ: “Quách bá bá, Quách phu nhân, Hoàng đảo chủ, Lỗ bang chủ bốn người là hào kiệt nổi danh thiên hạ, tiểu cô nương kể ra được cũng không có gì lạ”, bèn nói:
- Cô nương chỉ cần nói đúng một vị nữa, ta sẽ dẫn cô nương đến đầm Hắc Long bắt Cửu vĩ linh hồ.
Quách Tương định kể đến tỷ phu là Gia Luật Tề, cảm thấy võ công của Gia Luật Tề tuy cao, nhưng chưa xứng ba chữ “đại anh hùng”, còn hai vị sư huynh Võ Đôn Nhu và Võ Tu Văn thì càng không xứng, đang khó nghĩ, chợt nghĩ ra, nói:
- Được, còn một vị cứu khốn phò nguy, trừ cường phù nhược, ai nấy tán dương, Thần điêu đại hiệp! Vị ấy mà không được coi là vị đại anh hùng, thì đại hiệp khó tính quá trời.
Dương Quá cười, nói:
- Cô nương nói rất hay.
Quách Tương hỏi:
- Đại hiệp sẽ dẫn muội đến đầm Hắc Long chứ?
Dương Quá cười, nói:
- Cô nương đã gọi ta là đại anh hùng, đại anh hùng há có thể thất tín với tiểu cô nương? Nào chúng ta đi!
Quách Tương cao hứng đưa tay phải nắm lấy tay trái của chàng. Nàng từ nhỏ đã bầu bạn với hào kiệt trong thành Tương Dương, mọi người đều coi nàng như một tiểu điệt nữ, nàng ứng xử tự nhiên, hoàn toàn không hiềm nam nữ, lúc này quá mừng, cũng không coi Dương Quá như người xa lạ.
Dương Quá tay trái bị nàng nắm chặt, cảm thấy bàn tay nhỏ nhắn rất êm dịu của nàng thì lại hơi ngượng, nếu gỡ ra, tức là mình vô lễ, chàng liếc nhìn nàng một cái, thấy nàng hồ hởi, chứ không có ý gì khác, bèn mỉm cười, đưa tay chỉ về hướng bắc nói:
- Đầm Hắc Long đằng kia, sắp đến nơi rồi.
Mượn động tác chỉ đó, chàng rút tay ra khỏi bàn tay nàng. Dương Quá hồi thiếu niên cười nói không chút ngại ngần với các thiếu nữ, nhưng từ khi Tiểu Long Nữ bỏ đi, chàng như thu mình lại, mười mấy năm hành tẩu giang hồ, mỗi lần gặp thiếu nữ, chàng đều giữ lễ nghiêm nghị còn hơn cả tiên sinh đạo học. Tuy thấy Quách Tương thuần khiết vô tà, nhưng mười mấy năm cẩn thận đã quen, ngay bàn tay nàng, chàng cũng không dám cầm lâu.
Quách Tương thì hồn nhiên sánh vai chàng mà đi, đi mấy bước, thấy Thần điêu hình dạng tuy xấu, nhưng thân thể hùng vĩ, nàng bèn giơ tay vỗ vỗ nhẹ vào lưng nó. Nàng từ nhỏ vẫn đùa nghịch với đôi chim điêu trắng ở nhà mình, cũng hay vỗ vỗ như vậy. Nào ngờ Thần điêu hơi xù cánh, hất nhẹ tay nàng ra. Quách Tương giật mình, kêu ôi một tiếng.
Dương Quá cười, nói:
- Điêu huynh đừng giận! Hà tất phải giáo huấn một tiểu cô nương nhà khác?
Quách Tương lè lưỡi, lánh sang bên tay phải của chàng, không dám đi cạnh Thần điêu nữa. Nàng đâu biết rằng đôi chim điêu của nhà nàng vẫn là gia súc, còn Thần điêu đối với Dương Quá nửa là thầy, nửa là bạn, nói về tuổi tác, thân phận, lại càng khác xa.
Hai người một điêu đi đến đầm Hắc Long, nơi này rất dễ nhận biết, trong phạm vi bảy tám dặm vuông không có cây cỏ gì hết. Đầm Hắc Long vốn là một cái hồ lớn, nước tù đọng, sau nhiều năm cạn dần, biến thành một đầm lầy khổng lồ. Bằng thời gian ăn xong một bữa cơm, Dương Quá và Quách Tương đã đến bên bờ đầm lầy, nhìn ra xa, trước mắt chỉ thấy tử khí nặng nề, ở giữa đầm lầy nổi lên nhiều đống củi rác, con Cửu vĩ linh hồ chắc ẩn náu ở chỗ đó.
Dương Quá bẻ một cành cây ném xuống đầm. Thoạt đầu cành cây nằm ngang trên mặt tuyết, sau đó chìm dần, tuy thế chìm rất chậm, nhưng không hề dừng, cuối cùng cành cây biến mất tiêu. Quách Tương không khỏi kinh hãi: “Cành cây rất nhẹ mà còn như thế, con người làm sao có thể đặt chân trên đầm lầy?” Nàng nhìn Dương Quá, chưa biết chàng sẽ có diệu kế gì.
Dương Quá bẻ hai cành cây, mỗi cành dài chừng sáu thước, tước hết các cành nhỏ, buộc bên dưới bàn chân, nói:
- Ta thử xem có được hay không đã.
Chàng chúi người về phía trước, giống như người trượt đi trên tuyết, chỉ thấy chàng chúi người sang bên này bên kia mà lướt đi, không dừng lại chút nào, chàng lượn một vòng trên mặt đầm lầy, rồi trở về chỗ xuất phát.
Quách Tương vỗ tay cười, nói:
- Hảo bản sự, hảo công phu!
Dương Quá thấy ánh mắt nàng đầy vẻ thích thú, biết nàng chỉ mong theo mình vào đầm bắt Cửu vĩ linh hồ, nhưng tự lượng nàng không đủ bản lĩnh khinh công, nên cười, nói:
- Ta đáp ứng đưa cô nương vào đầm lầy bắt Cửu vĩ linh hồ, cô nương có dám không nào?
Quách Tương khe khẽ thở dài, nói:
- Muội không có được bản lĩnh như đại hiệp, dù có dám cũng chịu.
Dương Quá cười không nói, bẻ hai cành cây, mỗi cành dài chừng năm thước, đưa cho nàng, nói:
- Hãy buộc vào dưới bàn chân!
Quách Tương mừng rỡ, buộc chặt cành cây vào dưới bàn chân. Dương Quá nói:
- Hãy hơi chúi người về đằng trước, đừng dồn chút sức nào xuống chân cả.
Tay trái chàng cầm tay phải của Quách Tương, nói:
- Đừng sợ!
Rồi chàng vừa nhấc vừa kéo, Quách Tương không tự chủ được, lướt đi theo chàng trên đầm lầy, thoạt tiên còn hoảng, sau khi trượt đi vài trượng, chỉ cảm thấy người nhẹ lâng lâng như cưỡi gió mà đi, chân không hề dùng sức, miệng nói:
- Thích quá, thích quá!
Hai người lướt đi một hồi, Dương Quá bỗng kêu lên:
- Lạ thật!
Quách Tương hỏi:
- Cái gì kia?
Nàng hơi ngưng thần, dưới chân hơi nặng, chân trái ấn xuống một chút, bùn đã ngập mu bàn chân, nàng vội kêu “Ôi chao!”. Dương Quá nhấc nàng lên, nói:
- Nhớ luôn luôn di động, nhất thiết không được dừng lại.
Quách Tương nói:
- Phải rồi, đại hiệp vừa nhìn thấy gì vậy? Cửu vĩ linh hồ à?
Dương Quá nói:
- Không phải! Trong đầm lầy hình như có người ở.
Quách Tương lấy làm lạ:
- Con người làm sao sống ở đây được?
Dương Quá nói:
- Ta cũng không hiểu. Nhưng các đống củi có bố trí rất lạ, hoàn toàn không phải vật tự nhiên.
Lúc này hai người đã tới gần các đống củi cỏ, Quách Tương nhìn kỹ, nói:
- Đúng vậy, Ất mộc ở phía đông, Bính hỏa ở phía nam, Mậu thổ ở giữa, phía bắc lại không phải là Quý thủy, mà là tượng Canh kim.
Nàng từ nhỏ nghe mẫu thân đàm luận về sự biến hóa âm dương ngũ hành, cũng học được đôi điều. Tính cách nàng khác hẳn Quách Phù, tuy hào sảng, nhưng không lỗ mãng, lại thông minh hơn tỷ tỷ rất nhiều.
Hoàng Dung thường nói:
- Ông ngoại của con mà gặp con, chắc chắn sẽ thích lắm.
Hoàng Dược Sư rất giỏi các môn tạp học y bốc tinh tướng, cầm kỳ thư họa cùng binh pháp. Quách Tương còn rất nhỏ tuổi, đã có nhiều điểm giống ông ngoại, hay quan tâm nhiều chuyện, võ công tiến cảnh chậm chạp, đồng thời suy nghĩ kỳ quái, hành sự tùy hứng, thường gây bất ngờ, khiến cho Quách Tĩnh, Hoàng Dung hết sức nhức đầu. Ở nhà đặt cho nàng ngoại hiệu “Tiểu Đông Tà”. Tỷ như việc nàng đem kim thoa đổi lấy bữa tiệc rượu đãi mọi người, rồi theo Đại Đầu Quỉ không quen biết đi gặp Thần điêu hiệp, tiếp đó lại theo Thần điêu hiệp không quen biết đi bắt Cửu vĩ linh hồ, can đảm và tùy hứng đến thế thì ngay Hoàng Dung, Quách Phù hồi trẻ cũng thua xa. Dương Quá nghe nàng nói rõ phương vị bố trí các đống cỏ thì rất ngạc nhiên, hỏi:
- Sao cô nương biết? Ai dạy cô nương vậy?
Quách Tương cười đáp:
- Muội xem sách đấy, cũng không biết có đúng hay không. Nhưng muội cho rằng cách bố trí ở đây cũng bình thường, chẳng có gì lạ, không phải có vị cao nhân ghê gớm nào đâu.
Dương Quá gật đầu, nói:
- Nhưng người ấy có thể sống trên đầm lầy mà không bị chìm, thì lạ lắm đấy.
Thế là chàng cất tiếng gọi to:
- Vị bằng hữu trong đầm Hắc Long, có khách tới đây!
Đợi một lát, trong đầm tĩnh mịch vô thanh… Dương Quá gọi lần nữa, vẫn không ai trả lời. Dương Quá nói:
- Xem ra tuy có người chất cỏ bày trận, nhưng không sống ở đây, chúng ta tới đó xem sao.
Rồi chàng lướt đi hai chục trượng, tới sát khu vực các đống củi cỏ.
Quách Tương bỗng cảm thấy dưới chân vững chắc, tựa hồ đạp trên đất cứng. Dương Quá cũng phát hiện như vậy, cười, nói:
- Thì ra giữa đầm lầy có một tiểu đảo.
Lời vừa dứt, trước mắt đột nhiên từ trong đống cỏ có hai con cáo nhỏ màu trắng chạy ra, chính là một đôi Cửu vĩ linh hồ, một con chạy về phía đông bắc, một con chạy về phía tây nam, chớp mắt đã vọt ra xa.
Dương Quá nói:
- Cô nương đứng yên ở đây, đừng động.
Rồi chàng đuổi theo con linh hồ chạy về hướng đông bắc. Lúc này chàng không phải dìu Quách Tương, nên thi triển khinh công lướt trên mặt đầm đúng là như chim bay. Song con linh hồ chạy cũng nhanh cực kỳ, không khác gì một luồng khói mỏng vút trở lại, qua ngay trước mặt Quách Tương. Bỗng có tiếng gió nhẹ, Dương Quá đã lướt tới, ống tay áo vung ra định cuốn lấy con linh hồ; con linh hồ liền nhảy vọt lên, lộn một vòng trên không trung, khiến ống tay áo của Dương Quá cuốn hụt. Quách Tương thốt lên:
- Tiếc quá!
Chỉ thấy một người một cáo cứ vun vút lướt đi như tia chớp trên mặt tuyết trắng, làm cho Quách Tương đứng nhìn thích thú, không ngớt kêu lên trợ uy cho Dương Quá:
- Thần điêu hiệp, nhanh chút nữa! Cửu vĩ linh hồ, mi rốt cuộc chạy chẳng thoát đâu, chi bằng đầu hàng sớm đi thì hơn!
Con linh hồ thứ hai cứ chui đống cỏ này lại nhảy sang đống cỏ kia, chốc chốc lại chạy gần chỗ Dương Quá.
Dương Quá biết nó cố ý làm rối trí chàng, nên cứ coi như không thấy nó, chỉ đuổi theo con linh hồ thứ nhất, chờ con đó kiệt sức vì chạy. Ai dè linh hồ nhỏ con, nhưng rất dẻo dai, tự biết hôm nay gặp đại nạn, nên cứ ráng sức chạy, không có dấu hiệu gì chứng tỏ sắp kiệt sức.
Dương Quá cảm thấy hưng phấn, càng chạy càng nhanh, thấy con linh hồ thứ hai muốn cứu đồng bọn, lại chạy xéo qua, chàng cười mắng nó:
- Tiểu súc sinh, chẳng lẽ ta không trị nổi ngươi.
Chàng cúi xuống vốc một nắm tuyết, ném vù một cái trúng ngay đầu con linh hồ thứ hai, thấy nó lập tức ngã lăn quay. Dương Quá không muốn giết chết nó, chàng xuất thủ rất nhẹ, con linh hồ lăn vài vòng, rồi đứng dậy, chui vào một đống cỏ, không dám ló mặt ra nữa.
Dương Quá có thể dùng cách tương tự để bắt con linh hồ thứ nhất đang chạy thục mạng, nhưng chàng có ý đua cước lực với nó. Chàng nói:
- Tiểu hồ li, nếu ta dùng tuyết ném mi, mi có chết cũng không tâm phục. Đại trượng phu quang minh chính đại, nếu ta không đuổi kịp mi, ta sẽ tha chết cho mi.
Chàng hít một hơi dài, nhào người về đằng trước, mượn thế lướt nhanh, cuối cùng đã vọt tới trước con linh hồ, quay người đưa tay chộp. Con linh hồ cả kinh, chạy sang bên phải. Dương Quá đã chờ sẵn, phất tay áo cuốn lấy con linh hồ vào trong ống tay áo rỗng, tay trái túm gáy nó nhấc lên, trong lúc đắc ý cười phá lên ha hả.
Nhưng chàng đang cười bỗng ngừng bặt, vì thấy con linh hồ duỗi thẳng cẳng, không cựa quậy gì hết, có lẽ nó chết rồi. Dương Quá nghĩ: “Hỏng, mình vung tay áo quá mạnh, con linh hồ không ngờ quá yếu như vậy; không biết máu của con linh hồ đã chết có thể chữa trị nội thương cho Sử tam ca được chăng?”
Chàng cầm con linh hồ lướt đến chỗ Quách Tương nói:
- Con này chết rồi, sợ không sử dụng được, chúng ta phải bắt lấy con linh hồ còn sống kia mới được.
Chàng nói và buông rơi con linh hồ xuống tuyết.
Chàng lo nó giả chết, nên sau khi buông nó ra, ống tay áo sẵn sàng, hễ nó động đậy chàng sẽ cuốn nó lại ngay, nhưng con linh hồ không hề cựa quậy, rõ ràng nó đã chết.
Quách Tương nói:
- Con tiểu hồ li trông khả ái thật, không ngờ nó chạy đến nỗi kiệt sức mà chết.
Nàng cầm một thanh củi, nói:
- Để muội đuổi con linh hồ thứ hai chạy ra, đại hiệp cứ chờ ở đây.
Nói đoạn nàng tiến tới mấy bước, thọc que củi vào đống cỏ khô kia.
Nàng thọc vào rồi, định rút ra thọc chỗ khác bên cạnh, thì lạ thay, không thể rút ra được, tựa hồ có con dã thú nào đó nấp bên trong tóm lấy que củi mà giữ chặt. Quách Tương kêu “Ơ” một tiếng, dùng sức giật mạnh, thì que củi lại tuột khỏi tay mà chui vào trong đống cỏ.
Thế rồi từ trong đống cỏ chui ra một lão thái bà tóc bạc phơ, áo quần lam lũ. Lão phụ hầm hầm nhìn Quách Tương, giơ que củi lên như sắp đánh. Quách Tương cả sợ, vội nhảy lùi về bên cạnh Dương Quá.
Lúc ấy con linh hồ chết nằm dưới đất bỗng bật dậy, chui vào vòng tay của lão phụ, đôi mắt nhỏ long lanh nhìn Dương Quá, thì ra là nó giả chết.
Dương Quá nhìn cảnh ấy vừa tức vừa buồn cười, nghĩ: “Hôm nay mình lại thua một con tiểu súc sinh, xem chừng cặp linh hồ kia là do lão phụ nuôi. Người này không biết là ai, giang hồ chưa nghe nói gì về nhân vật này. Muốn bắt con linh hồ, e không dễ với lão phụ”, bèn xuôi tay nói:
- Vãn bối mạo muội tới đây, xin tiền bối tha tội.
Lão phụ nhìn cành cây buộc dưới hai người, sắc diện hơi có vẻ kinh dị, nhưng lập tức trở lại bình thường, nói:
- Lão phụ nhân ẩn cư chốn hoang vu không tiếp khách, các người hãy đi đi!
Giọng nói nghe nhỏ nhưng gay gắt, mày hơi cau, lộ rõ vẻ khó chịu.
Dương Quá thấy lão phụ dung nhan đáng sợ, nhưng mi mục thanh tú, thời trẻ hẳn là một mỹ nhân, không biết người này là ai, lại thi lễ, nói:
- Tại hạ có một vị bằng hữu bị nội thương, cần có huyết của Cửu vĩ linh hồ mới chữa được, kính xin lão tiền
bối khai ân ban cho, cứu mạng một người, tại hạ và người ấy cùng đội ơn tiền bối.
Lão phụ ngừa mặt cười hô hô, ha ha, hi hi hồi lâu không dứt, trong tiếng cười lại chứa đựng sự thê thảm và độc ác. Lão phụ cười một hồi, rồi nói:
- Bị nội thương à, phải cứu mạng hắn à? Hay đấy, thế tại sao hài nhi của ta bị nội thương, kẻ khác lại nhất quyết không chịu cứu mạng nó?
Dương Quá ngạc nhiên hỏi:
- Không biết lệnh lang bị nội thương thế nào, bây giờ thì cứu có còn kịp chăng?
Lão phụ lại cười ha hả, nói:
- Có còn kịp chăng? Có còn kịp chăng? Nó chết đã mấy chục năm rồi, xương cốt đã thành đất bụi, ngươi còn hỏi có còn kịp chăng?
Dương Quá biết lão phụ đang nhớ lại chuyện xưa, tâm tính dị thường, không tiện nói gì, chỉ nói:
- Tại hạ mạo muội đến cầu xin con linh hồ, lẽ ra không nên. Tục ngữ có câu “Vô công bất thụ lộc”, lão tiền bối nếu có gì sai bảo mà vừa sức tại hạ, tại hạ xin làm ngay.
Lão phụ đảo mắt qua lại rất nhanh, nói:
- Lão phụ nhân cô cư ở đầm lầy vô thân vô hữu, chỉ có Cửu vĩ linh hồ làm bạn. Ngươi muốn bắt nó đi, cũng được, nhưng hãy để tiểu cô nương ở lại đây với lão phụ mười năm.
Dương Quá cau mày, chưa đáp, thì Quách Tương cười, nói:
- Chỗ này chỉ toàn bùn lầy cỏ khô, chẳng có gì vui chơi. Vãn bối không thích ở đây. Lão tiền bối nếu không ngại một vùng đất rộng chơi đùa thỏa thích, thì hãy đến ở với gia đình vãn bối, ở mười năm cũng được, ở hai mươi năm cũng được, gia gia má má của vãn bối nhất định sẽ coi lão tiền bối như thượng khách, như thế chẳng tốt hơn sao?
Lão phụ sầm mặt lạnh, nói:
- Cha mẹ ngươi là cái thá gì mà mời được ta?
Quách Tương tính nết khoáng đạt đại lượng, người khác dù nói năng thất lễ, nàng cũng chỉ cười, rất ít khi tức giận. Câu nói vừa rồi của lão phụ rõ ràng đắc tội với Quách Tĩnh, Hoàng Dung, nếu là Quách Phù nghe thấy, chắc đã nổi phong ba, đằng này Quách Tương chỉ mỉm cười, nhìn Dương Quá và lè lưỡi.
Dương Quá thấy tiểu cô nương này hiền hòa dễ thân, không hề gây khó dễ gì cho chàng, thì gật đầu nhẹ với nàng, đoạn quay sang lão phụ, nói:
- Được tiền bối để mắt đến tiểu muội muội như thế, vốn là không còn gì bằng, nhưng tiểu muội muội chưa được phụ mẫu cho phép, tự mình lại chưa thể đưa ra chủ ý…
Lão phụ gằn giọng, hỏi:
- Phụ mẫu nó là ai? Ngươi là thế nào đối với nó hả?
Dương Quá hơi lưỡng lự, hai câu nói ấy quả là khó trả lời, thì Quách Tương đã nói:
- Gia gia má má của vãn bối là người thôn quê, có nói tên ra, tiền bối cũng chẳng biết là ai. Còn đây… đây là đại ca ca của vãn bối!
Nói rồi nàng nhìn Dương Quá.
Lúc này Dương Quá cũng đang nhìn nàng. Hai ánh mắt gặp nhau. Dương Quá mang mặt nạ, trông trơ trơ cứng nhắc, không thể hiện vẻ hỉ nộ, nhưng ánh mắt thì lộ rõ ý thân ái trìu mến. Quách Tương xúc động, bất giác nghĩ: “Giá mình quả thật có một vị đại ca ca như Thần điêu hiệp, đại ca ca sẽ chiếu cố, giúp đỡ mình, đâu có như tỷ tỷ chỉ luôn miệng mắng mỏ, không được thế này, không được thế nọ”. Nghĩ thế, sắc diện lộ rõ vẻ ôn nhu kính phục. Dương Quá nói:
- Vâng! Tiểu muội tử của tại hạ nhỏ tuổi chưa hiểu, tại hạ dẫn đi theo cho biết đây biết đó…
Quách Tương chỉ sợ Dương Quá lên tiếng phủ nhận, nghe chàng nói vậy thì cả mừng, lại thấy chàng nói tiếp:
- Muội tử thấy Cửu vĩ linh hồ thần dị như thế, biết tất là do một vị cao nhân tiền bối nuôi dưỡng, cho nên mới đi theo vãn bối cùng đến bái kiến. Được lọt vào mắt tiền bối, thực là hân hạnh.
Lão phụ cười khẩy, nói:
- Đừng có nịnh bợ vô ích. Các ngươi đánh đuổi rượt bắt con linh hồ của ta như thế mà gọi là tôn trọng tiền bối đấy hả? Hãy mau cút xéo đi cho ta, đừng bao giờ vác mặt đến đây nữa!
Nói xong vung song chưởng lên, một chưởng đẩy về phía Dương Quá, một chưởng đẩy về phía Quách Tương. Ba người cách nhau hơn một trượng, lão phụ lăng không xuất chưởng, vốn không thể đánh tới Dương, Quách hai người, nhưng Quách Tương cảm thấy có một luồn hàn phong ập đến. Dương Quá tay áo phẩy nhẹ, hóa giải ngay chưởng phong đánh đẩy về phía Quách Tương, còn chưởng phong đánh về phía chàng thì chàng chẳng buồn để ý.
Lão phụ vốn không định đả thương hai người, chỉ tính đuổi họ ra khỏi đầm Hắc Long, nên chỉ vận năm thành công lực vào chưởng, thấy hai người bình yên vô sự, thì bất giác vừa ngạc nhiên vừa tức giận, ngưng khí đan điền, tăng gấp đôi kình lực mà đẩy song chưởng ra, bất chấp sự sống chết của đối phương.
Quách Tương vừa cảm thấy chưởng phong ào đến, tức ngực khó thở, nhưng Dương Quá liền phất tay áo, hàn khí tiêu luôn, biết hai người lớn đang tỷ thí nội công, nhìn lão phụ hung hăng, trong khi Dương Quá trầm tĩnh nhàn nhã, rõ ràng chàng chiếm thượng phong.
Lão phụ vọt tới như tên bắn, chỉ nghe “bình” một cái, song chưởng đã giáng vào ngực Dương Quá. Lão phụ giáng đòn xong lập tức lùi ra, không để cho đối phương đánh trả, thoắt một cái đã ở xa hai trượng.
Quách Tương cả kinh, kéo tay Dương Quá, hỏi:
- Đại ca ca… có bị thương không?
Lão phụ gằn giọng nói:
- Ngươi đã trúng chưởng lực “Hàn âm tiễn” của ta, không sống nổi đến giờ này ngày mai; đấy là do ngươi tự chuốc lấy, đừng có trách người khác.
Mười lăm năm về trước, võ công của Dương Quá đã cao hơn hẳn lão phụ này, hiện thời chàng nội ngoại kiêm tu, đã đạt cảnh giới tấu nhập thần tòa, chưởng lực “Hàn âm tiễn” của lão phụ dù tàn ác mấy cũng đả thương chàng sao được? Chẳng qua chàng với lão phụ không thù không oán, lại đang cầu xin con vật yêu thích của lão phụ, nên đành tiếp nhận ba chưởng mà không hoàn thủ.
Lão phụ hơn hai chục năm nay khổ luyện chưởng lực “Hàn âm tiễn”, một chưởng đã có thể đánh vỡ cả chồng mười bảy viên gạch xanh, kình lực quả thật ghê gớm. Lão phụ thấy Dương Quá đã trúng song chưởng, chắc hẳn nội tạng đã vỡ nát, lại vẫn nhơn nhơn nói cười vô sự thì nghĩ: “Tên tiểu tử sắp chết còn ngang ngạnh”, nói:
- Hãy nhân lúc còn sống, mau mau đưa con nhóc kia về đi, kẻo chết mất xác trong đầm lầy của ta đấy.
Dương Quá ngẩng đầu, nói:
- Lão tiền bối ẩn cư chốn này, không biết võ học thế gian đa đoan, tu vi của mỗi người đều có sở trường.
Rồi chàng cười to một tràng đầy sảng khoái, rõ ràng trung khí sung mãn, nội lực thâm hậu.
Lão phụ nghe, biết đối phương không hề thụ thương, thì bất giác tái mặt, thân hình loạng choạng, mới biết rằng vừa rồi đối phương nhường cho ba chưởng, mình hoàn toàn không phải là đối thủ của chàng; bèn không đợi chàng cười dứt tiếng, giơ con linh hồ trong bọc lên, huýt gió một tiếng, con linh hồ thứ hai cũng từ trong đống cỏ chui ra, nhảy vào túi của lão phụ.
Lão phụ gằn giọng, nói:
- Tôn giá võ học kinh nhân, khiến người ta thán phục; nhưng muốn ỷ mạnh cướp đoạt con linh hồ của lão bà tử, thì chớ có hòng. Ngươi chỉ bước lên một bước, ta sẽ bóp chết con linh hồ, để ngươi đến tay không, ra về cũng tay không cho coi.
Dương Quá thấy bà lão nói quả quyết, biết tính lão bà ngang ngạnh, thà chết không khuất phục, thành thử chàng rất do dự, nếu chàng xuất thủ điểm huyệt lão bà rồi cướp con linh hồ mang đi, có thể cứu sống Sử Thúc Cương đấy, nhưng lại đả thương một bà lão vô tội hay sao?
-----------------------------
Bài liên quan:
- Đi tìm thiên hạ đệ nhất mỹ nhân
- Hoàng Dung đã bị Quách Tĩnh hạ gục, lấy mất trái tim như thế nào?
- Thú vị chuyện Hoàng Dung ngây thơ về kiến thức tình dục
- Chuyện Hoàng Dung, Nghi Lâm đi ăn trộm vì … dại trai!
- Sức nặng của lời hẹn sau 16 năm vợ chồng sẽ tái hợp của Tiểu Long Nữ khiến Trời cũng phải động lòng
- Bâng khuâng nhớ người se duyên cho Tiểu Long Nữ và Dương Quá
- Vụ "hái quả" Tiểu Long Nữ, đừng quá trách Doãn Chí Bình
- Âu Dương Phong có trách nhiệm gì trong việc Tiểu Long Nữ bị Doãn Chí Bình “hái quả” không?
- Nghĩ gì trong giây phút Tiểu Long Nữ bị Doãn Chí Bình cướp đoạt đời con gái?
- Thú vị nghe Quách Tương luận về đại anh hùng võ lâm
0 nhận xét: