Hồng Thất công, Chu Bá Thông, Quách Tĩnh, Hoàng Dung bốn người lên thuyền nhỏ đi về đất liền phía tây. Quách Tĩnh ngồi ở cuối thuyền chèo, H...

Anh hùng xạ điêu - Hồi 23(a): Đại Náo Cấm Cung

Hồng Thất công, Chu Bá Thông, Quách Tĩnh, Hoàng Dung bốn người lên thuyền nhỏ đi về đất liền phía tây. Quách Tĩnh ngồi ở cuối thuyền chèo, Hoàng Dung thì không ngừng hỏi han Chu Bá Thông về việc cưỡi cá mập ngao du trên biển, Chu Bá Thông cao hứng, lập tức muốn tìm cách bắt cá mập để cùng Hoàng Dung nô đùa một phen.
Quách Tĩnh thấy sắc mặt sư phụ có vẻ không hay, bèn hỏi:
- Lão nhân gia người thấy thế nào?

Hồng Thất công không đáp, thở hổn hển, tiếng nghe khò khè. Sau khi y bị Âu Dương Phong dùng Thấu cốt đả huyệt pháp điểm huyệt, huyệt đạo tuy đã giải khai nhưng nội thương lại nặng thêm. Hoàng Dung đút cho y mấy viên Cửu hoa ngọc lộ hoàn, y thấy bớt đau nhưng vẫn còn thở dốc.
Lão Ngoan đồng bất kể người ta sống chết ra sao, cứ mồm năm miệng mười đòi xuống biển bắt cá. Hoàng Dung bết là không hay, đưa mắt nhìn y liên tiếp muốn y im lặng đừng quấy rầy Hồng Thất công nữa. Chu Bá Thông không đếm xỉa gì tới, cứ làm ầm lên không chịu thôi. Hoàng Dung cau mày nói:
- Ngươi muốn bắt cá mập, lại không có mồi để nhử cá tới thì nói nhiều làm gì?
Lão Ngoan đồng tuy già nhưng không tự trọng, bọn tiểu bối chửi mắng y cũng không để ý, ngẫm nghĩ một lúc chợt nói:
- Có rồi. Quách huynh đệ, ta cầm tay ngươi, ngươi thả nửa người xuống ngâm dưới nước.
Quách Tĩnh tôn kính nghĩa huynh, tuy không biết y có ý gì nhưng cũng định làm theo. Hoàng Dung kêu lên:
- Tĩnh ca ca, đừng đếm xỉa tới y, y muốn dùng ngươi làm mồi để nhử cá mập đấy.
Chu Bá Thông vỗ tay kêu lên:
- Phải rồi, cá mập mà tới thì ta sẽ đánh ngất đi rồi nhấc lên, quyết không để ngươi bị thương. Còn nếu không thì ngươi nắm tay ta, ta ngâm nửa người dưới nước để nhử cá mập.
Hoàng Dung nói:
- Một chiếc thuyền nhỏ thế này mà hai người các ngươi lại làm rối lên như thế mà không lật mới là lạ.
Chu Bá Thông nói:
- Thuyền lật thì càng hay, chúng ta sẽ xuống biển nô đùa.
Hoàng Dung nói:
- Thế còn sư phụ bọn ta thì sao? Ngươi không muốn ông sống phải không?
Chu Bá Thông vò đầu gãi tai không biết trả lời thế nào, lát sau lại trách Hồng Thất công lẽ ra không nên bị Âu Dương Phong đả thương. Hoàng Dung quát:
- Ngươi mà còn ăn nói bậy bạ, ba người bọn ta sẽ không trò chuyện gì với ngươi ba ngày ba đêm đấy.
Chu Bá Thông lè lè lười không dám mở miệng nữa, đón lấy hai chiếc mái chèo Quách Tĩnh đưa cho ra sức chèo thuyền.
Nhìn thấy đất liền còn cách không xa, nhưng chèo đến tối mịt mới vào tới bờ.
Bốn người ngủ một đêm trên bờ biển, sáng sớm hôm sau bệnh tình của Hồng Thất công lại nặng thêm, Quách Tĩnh lo lắng rơi nước mắt. Hồng Thất công cười nói:
- Cho dù có sống thêm một trăm năm thì rốt lại cũng phải chết. Hảo hài tử, ta chỉ còn một điều tâm nguyện, khi nào lão khiếu hóa còn thở thì các ngươi phải giúp ta thôi.
Hoàng Dung sụt sịt nói:
- Xin sư phụ cứ nói.
Chu Bá Thông nói chen vào:
- Lão Độc vật kia trước nay ta thấy ngứa mắt lắm, lúc sư ca ta lâm tử cũng vì y mà phải giả chết trước một lần. Một người chết hai lần thì ngươi nói có vừa ý không? Lão khiếu hóa ngươi cứ việc chết đi, yên tâm đi ta sẽ trả thù cho ngươi, đi giết chết y.
Hồng Thất công cười nói:
- Báo thù rửa hận à, cũng không đáng là tâm nguyện gì đâu, là ta muốn ăn một tô nem Uyên ương ngũ trân trong nhà bếp hoàng cung.
Ba người chỉ cho là y có chuyện gì lớn, nào ngờ là ăn một tô thức ăn ngon. Hoàng Dung nói:
- Sư phụ, thế thì dễ lắm, ở đây cách Lâm An không xa, con tới hoàng cung ăn trộm mấy nồi lớn ra, để người ăn một phen cho thỏa.
Chu Bá Thông lại chen vào:
- Ta cũng muốn ăn.
Hoàng Dung trợn mắt nhìn y nói:
- Ngươi thì biết cái gì là ngon cái gì là dở chứ?
Hồng Thất công nói:
- Món nem Uyên ương ngũ trân ấy thì ngự trù không khinh dị mà làm đâu. Năm trước ta núp trong hoàng cung ba tháng liền cũng chỉ ăn được hai lần, mùi vị quả thật khiến người ta nghĩ tới là chảy nước dãi.
Chu Bá Thông nói:
- Ta có một ý, chúng ta đi bắt gã đầu bếp của hoàng đế ra bắt y làm là được.
Hoàng Dung nói:
- Ý ấy của Lão Ngoan đồng không kém đâu. Chu Bá Thông nghe Hoàng Dung khen, vô cùng đắc ý.
Hồng Thất công lại lắc đầu nói:
- Không được, làm món nem Uyên ương ngũ trân ấy thì gia vị, than củi, mâm bát đều là những thứ đặc chế trong trù phòng, chỉ cần một món không hợp thì mùi vị sẽ không khỏi kém đi. Chúng ta cứ tới hoàng cung ăn là hay nhất.
Ba người này đối với hoàng cung thì còn sợ sệt gì cùng nói:
- Vậy thì rất tốt, chúng ta đi thôi, để mọi người mở mang tầm mắt.
Lúc ấy Quách T nh cõng Hồng Thất công đi lên phía bắc. Sau khi tới thị trấn, Hoàng Dung mua áo quần, mua thêm một chiếc xe lừa kéo, để Hồng Thất công dưỡng thương trong xe.
Qua nhiều ngày tới sông Tiền Đường, tới ngoài thành Lâm An, chỉ thấy khói chiều mênh mông, quạ chiều từng bầy, trước khi trời tối sẽ không tới kịp thành, phải tìm một tiểu trấn nghỉ lại, nhưng đưa mắt ra chỉ thấy cạnh bờ sông là một dòng nước chảy ra xa xa, gần đó có mười bảy mười tám nhà dân.
Hoàng Dung kêu lên:
- Thôn này hay lắm, chúng ta cứ nghỉ lại ở đây.
Chu Bá Thông trợn mắt nói:
- Hay chỗ nào?
Hoàng Dung nói:
- Ngươi xem, phong cảnh ở đây không giống một bức tranh à?
Chu Bá Thông nói:
- Giống một bức tranh thì sao?
Hoàng Dung sửng sốt, quả thật rất khó trả lời. Chu Bá Thông nói:
- Tranh vẽ có đẹp có xấu, có phong cảnh nào mà Lão Ngoan đồng vẽ ra được thì chỉ e không có gì đẹp thôi.
Hoàng Dung cười nói:
- Nếu ông trời tạo ra một phong cảnh mà lại như Lão Ngoan đồng bôi bác vẽ ra thì cũng chẳng có bản lĩnh gì.
Chu Bá Thông rất đắc ý nói:
- Chứ không phải à? Nếu ngươi không tin ta sẽ vẽ một bức tranh rồi ngươi đi gọi ông trời tạo thử ra xem.
Hoàng Dung nói:
- Tự nhiên là ta tin. Ngươi đã nói ở đây không hay thì đừng nghỉ ở đây nữa, ba người bọn ta không đi đâu.
Chu Bá Thông nói:
- Ba người các ngươi không đi thì việc gì ta phải đi.
Ðang trò chuyện đã vào tới thôn.
Trong thôn toàn tường hư vách nát, vô cùng điêu tàn, chỉ thấy đầu phía đông trèo một cái rèm rách giống như tửu điếm. Ba người tới trước quán rượu, thấy dưới thềm bày hai cái bàn, trên bàn có một lớp bụi dày. Chu Bá Thông cao giọng kêu mấy tiếng, trong nhà có một thiếu nữ mười bảy mười tám tuổi bước ra, đầu tóc rối tung, trên tóc cắm một chiếc thoa gai, mở to hai mắt ngây ra nhìn ba người.
Hoàng Dung gọi rượu gọi cơm, nhưng cô nương ấy không ngừng lắc đầu. Chu Bá Thông tức giận nói:
- Chỗ ngươi rượu không có, cơm không có, mở quán để làm gì?
Cô nương kia lắc đầu nói:
- Ta không biết.
Chu Bá Thông nói:
- Ờ, ngươi đúng là một cô nương ngốc.
Cô nương kia tươi cười nói:
- Phải rồi, ta tên là cô Ngốc.
Ba người thấy cô ta có vẻ vui thích lắm.
Hoàng Dung bước vào nội đường và nhà bếp, thấy chỗ nào cũng đầy bụi bặm mạng nhện, trong nồi có một ít cơm nguội, trên giường có một cái chiếu rách, bất giác cảm thấy thê lương, quay ra hỏi:
- Trong nhà chỉ có một mình ngươi thôi à?
Cô Ngốc cười khẽ gật đầu Hoàng Dung lại hỏi:
- Mẹ ngươi đâu?
Cô Ngốc nói:
- Chết rồi rồi đưa tay dụi dụi mắt làm ra vẻ khóc lóc.
Hoàng Dung lại hỏi:
- Cha ngươi đâu?
Cô Ngốc lắc đầu không biết. Chỉ thấy trên mặt trên tay cô ta đầy cáu ghét, trong móng tay dài đầy cáu bẩn, cũng không biết đã mấy tháng chưa rửa mặt rửa tay, Hoàng Dung nghĩ thầm:
- Cho dù cô ta nấu cơm cũng không ăn được.
Bèn hỏi:
- Có gạo không?
Cô Ngốc cười khẽ gật đầu, bưng ra một cái hủ, trong có nửa hủ tấm.
Lúc ấy Hoàng Dung vo gạo nấu cơm, Quách Tĩnh tới nhà dân phía tây thôn mua hai con cá, một con gà. Đến khi nấu nướng xong xuôi, trời đã tối hẳn, Hoàng Dung bày cơm và thức ăn lên bàn, hỏi mượn một cái đèn dầu, cô Ngốc lại lắc đầu.
Hoàng Dung cầm một cành củi thông châm vào bếp lò bước vào bếp tìm bát đũa. Mở cửa chạn ra chỉ thấy mùi bụi xông lên, lúc giơ thanh củi cháy lên soi thấy trên bệ có bảy tám cái bát thanh hoa sứt mẻ, trong bát cạnh bát có mười mấy con gián chết.
Quách Tĩnh giúp nàng lấy bát ra. Hoàng Dung nói ngươi đi rửa đi, bẻ mấy nhánh cây làm đũa.
Quách Tĩnh ừ một tiếng, cầm mấy cái bát bước đi. Hoàng Dung đưa tay cầm cái bát cuối cùng chợt cảm thấy khác lạ, cái bát này lạnh băng không phải như đồ sành sứ tầm thường, nhấc lên một cái lại thấy nó như bị đóng đinh vào bệ không thể lay động. Hoàng Dung hơi ngạc nhiên, chỉ sợ làm hỏng bát, không dám dùng sức, lại nhấc lên lần nữa, vẫn không cầm lên được, nghĩ thầm:
- Chẳng lẽ năm tháng lâu xa bụi bặm đã đóng cứng dưới cái bát này?
Chăm chú nhìn kỹ thì thấy trên cái bát đã phủ một lớp ri khô, cái bát này là đúc bằng sắt.
Hoàng Dung cười khanh khách, nghĩ thầm:
- Bát vàng bát bạc bát ngọc thì mình đã thấy qua chứ chưa nghe nói bát ăn cơm dùng sắt đúc thành.
Dùng sức nhấc lên, cái bát sắt ấy vẫn không hề động đậy. Hoàng Dung ngạc nhiên, nghĩ thầm cho dù cái bát này được dùng đinh đóng lên bệ, thì mình nhấc cái vừa rồi bệ cũng phải vỡ, lại xoay chuyển ý nghĩ nghĩ thầm:
- Chẳng lẽ cái bệ này cũng đúc bằng sắt?
Bèn đưa ngón giữa búng vào bệ, chỉ nghe keng một tiếng, quả nhiên là một tấm thiết bản. Nàng nảy dạ hiếu kỳ, lại dùng sức kéo một cái, cái bát sắt vẫn bất động. Nàng xoay qua bên trái, cái bát sắt vẫn không động đậy, xoay qua bên phải thì cảm thấy lỏng ra, lúc ấy vận thêm kình lên tay, cổ tay theo cánh tay xoay một cái, chợt nghe một tràng tiếng lách cách vang lên, hai nên vách chạn mở toang lộ ra một cửa động tối om om. Trong động một làn hơi hôi thối xông ra khiến người ta buồn nôn. Hoàng Dung a một tiếng, vội nhảy tránh qua một bên.
Quách Tĩnh và Chu Bá Thông nghe tiếng chạy tới, cùng nhìn vào trong.
Hoàng Dung chợt động tâm niệm:
- Chẳng lẽ đây là một nhà hắc điếm? Cô Ngốc kia e chỉ là giả vờ ngu ngốc thôi.
Bèn đưa thanh củi cháy trên tay cho Quách Tĩnh, vọt tới cạnh cô Ngốc, vung tay chụp cổ tay cô ta. Cô Ngốc gạt chiêu cầm nã của Hoàng Dung ra, vung chưởng đánh vào đầu vai nàng. Hoàng Dung tuy đoán cô ta không có ý tốt nhưng thấy thế chưởng của cô ta giống thủ pháp bản môn, bất giác hơi giật mình, tay trái ngoặc lại, tay phải chụp tới, liên tiếp đánh luôn hai chiêu. Nàng sau khi luyện Dịch cân đoàn cất, công lực tiến triển rất mau, xuất thủ mau lẹ, chỉ nghe chát một tiếng, cô Ngốc lớn tiếng kêu la, tay phải đã bị đánh trúng, nhưng tay vẫn không chậm lại, liên tiếp vỗ ra hai chưởng. Chỉ qua vài chiêu, Hoàng Dung ngấm ngầm hoảng sợ, thấy cô Ngốc này sử dụng quả nhiên là công phu Bích ba chưởng pháp trong võ học đảo Đào Hoa. Lộ chưởng pháp này tuy nông cạn nhưng đã hàm chứa đạo lý cơ bản trong võ học của đảo Đào Hoa, gia số võ học bản môn vừa nhìn thấy là biết ngay, lúc ấy hoàn toàn không sử dụng kình lực, muốn dụ cô ta hết sức thi triển để tiện nhìn rõ môn phái võ công của cô ta. Nhưng cô Ngốc đánh đi đánh lại cũng chỉ biết có sáu bảy chiêu. So với Quách Tĩnh ngày trước đối phó với Lương Tử ông chỉ có một chiêu Kháng long hữu hối thì tựa hồ có thể diện hơn, nhưng oai lực sáu bảy chiêu của cô ta thì lại hoàn toàn không bằng một chiêu của Quách Tĩnh, ngay những biến hóa đơn giản nhất trong chưởng pháp cũng hoàn toàn không biết.
Chỗ thôn vắng quán nhỏ này lại có cơ quan hắc điếm, mà cô gái nghèo dơ dáy này lại có thể chống cự với Hoàng Dung mười mấy chiêu, mọi người đều vô cùng ngạc nhiên. Chu Bá Thông thích những trò chơi mới lạ, thấy Hoàng Dung chưởng phong lợi hại, cô Ngốc liên tiếp kêu lên” ái chà.
Chống cự không được bèn kêu lên:
- Ồ, Dung nhi, đừng làm hại tính mạng cô ta, để ta tới tỷ thí với cô ta.
Y nghe Hồng Thất công, Quách Tĩnh gọi nàng là Dung nhi, trên đường cũng theo đó gọi là Dung nhi Dung nhi, chứ không khách khí gọi là Hoàng cô nương hay Hoàng tiểu thư.
Quách tĩnh lại sợ cô Ngốc còn có bè đảng mai phục trong bóng tối vọt ra đả thương người, cứ đứng sát cạnh Hồng Thất công không đám rời ra.
Lại qua mấy chiêu, cô Ngốc lại bị trúng một chưởng vào vai trái, cánh tay lập tức rủ xuống không thể cử động, lúc ấy nếu Hoàng Dung muốn đả thương cô ta thì chỉ cần vung chưởng đẩy tới, nhưng nàng thủ hạ lưu tình, quát:
- Mau quỳ xuống thì ta tha mạng cho.
Cô Ngốc kêu lên:
- Vậy ngươi cũng quỳ xuống đi.
Đột nhiên roạt roạt hai chường đánh ra, đúng là hai chiêu mở đầu trong Bích ba chưởng pháp, chỉ có điều thủ pháp vụng về hoàn toàn không có chút linh động không thể thiếu trong chưởng pháp này, nhưng chưởng thế như sóng, phương vị tư thế thì quả là võ công đảo Đào Hoa. Hoàng Dung càng không nghi ngờ gì nữa, đưa tay gạt ra, quát:
- Ngươi học pho Bích ba chưởng pháp này ở đâu? Sư phụ ngươi là ai?
Cô Ngốc cười nói:
- Ngươi đánh không được ta rồi, ha ha!
Hoàng Dung tay trái giơ ra, tay phải vạch ngang, khuỷu tay trái giả như chuẩn bị huých ra, vai phải nghiêng đi liên tiếp sử dụng bốn hư chiêu, chiêu thứ năm thì hai tay co lại, vẫn là hư chiêu, chân móc một cái mới là thật. Cô Ngốc đứng không vững, lập tức ngã lăn ra đất, kêu lên:
- Ngươi chơi gian, cái này không tính, chúng ta đánh lại.
Nói xong lại muốn bò dậy. Hoàng Dung đời nào để cô ta đứng lên, sấn lên đè xuống, xé vạt áo trên người cô ta trói quặt tay cô ta ra sau lưng, hỏi:
- Chưởng pháp của ta há không hơn ngươi à?
Cô Ngốc chỉ nói đi nói lại:
- Ngươi chơi gian, ta không chịu. Ngươi chơi gian, ta không chịu.
Quách Tĩnh thấy Hoàng Dung đã chế phục được cô Ngốc, ra cửa nhảy lên nóc nhà nhìn quanh một vòng, không thấy một bóng người, lại nhảy xuống chạy quanh nhà một vòng, thấy ngôi quán này là một gian phòng độc lập, ngoài mấy trượng còn có phòng ốc chứ chung quanh không có chỗ nào ẩn núp, lúc ấy mới yên tâm.
Bèn quay trở vào quán, chỉ thấy Hoàng Dung đang cầm đoản kiếm chĩa vào giữa hai mắt cô Ngốc, đang dọa:
- Ai dạy võ công cho ngươi? Nói mau, ngươi không nói thì ta giết ngươi đấy.
Nói xong phóng đoản kiếm đâm hờ một nhát, dưới ánh lửa chỉ thấy cô Ngốc nhe răng ra cười hì hì, xem thần thái của cô ta thì không phải hung dữ điên cuồng, chỉ là ngu ngốc không biết nguy hiểm, còn cho rằng Hoàng Dung đang đùa giỡn với mình. Hoàng Dung lại hỏi lần nữa, cô Ngốc cười nói:
- Ngươi giết ta thì ta cũng giết ngươi.
Hoàng Dung cau mày nói:
- Con nha đầu này không biết ngốc thật hay ngốc giả, chúng ta vào trong xem thử, Chu đại ca, ngươi bảo vệ sư phụ và con nha đầu này, Tĩnh ca ca vào với ta... .
Chu Bá Thông hai tay xua rối lên, kêu:
- Không, ta vào với ngươi.
Hoàng Dung nói:
- Ta lại không muốn ngươi cùng vào.
Phải nói Chu Bá Thông tuổi tác đã lớn, võ công lại cao, nhưng không biết vì sao đối với lời nói của Hoàng Dung lại không dám cãi lại, chỉ nài nỉ:
- Hảo cô nương, lần sau ta không lè nhè với cô là được.
Hoàng Dung cười khẽ một tiếng, gật gật đầu. Chu Bá Thông cả mừng, chạy ra tìm hai cây củi lớn, châm lửa đốt ở cửa động hồi lâu, hun hết mùi hôi thối bên trong. Hoàng Dung ném một cành củi vào động, chỉ nghe chát một tiếng, chạm vào vách động bên kia rồi rơi xuống đất, té ra cái động này cũng không sâu lắm. Nhìn theo ánh lửa của thanh củi, thấy trong động không có bóng người, cũng không có tiếng động, Chu Bá Thông nôn nóng nhảy luôn vào trước.
Hoàng Dung theo sau tiến vào, té ra chỉ là một gian phòng nhỏ. Chu Bá Thông kêu lên:
- Mắc lừa rồi, mắc lừa rồi, chẳng có gì chơi cả.
Hoàng Dung đột nhiên a một tiếng, chỉ thấy dưới đất bày một bộ xương người ngay ngắn chỉnh tề, nằm ngửa lên trời, quần áo đều đã mục nát. Góc phòng phía đông lại có một bộ xương, nhưng là nằm phục xuống một chiếc rương sắt, một thanh tiêm đao dài xuyên qua ngực bộ xương, cắm ngập vào nắp rương.
Chu Bá Thông thấy gian phòng này vừa hẹp vừa bẩn, hai bộ xương người chết lại không có chỗ nào mới mẻ thú vị, nhưng thấy Hoàng Dung nhìn ngắm thật kỹ hài cốt cũng nán lại một lúc, chỉ sợ nàng nổi giận nên không dám nói muốn ra, qua một lúc quả thật không chịu nổi nữa, lên tiếng hỏi dò:
- Dung nhi hảo cô nương, ta đi ra có được không?
Hoàng Dung nói:
- Được thôi, ngươi ra thay cho Tĩnh ca ca vào.
Chu Bá Thông cả mừng tung người vọt ra, nói với Quách Tĩnh:
- Vào mau đi, trong đó hay lắm.
Y sợ Hoàng Dung lại gọi vào cùng nên phải tìm một con ma thế mạng. Quách Tĩnh bèn bước vào trong.
Hoàng Dung nhấc cành củi lên cho Quách Tĩnh nhìn rõ hai bộ xương, hỏi:
- Ngươi thấy hai người này vì sao mà chết?
Quách Tĩnh chỉ bộ xương trên chiếc rương sắt nói:
- Người này lúc sắp chết hình như định mở nắp rương nhưng bị người ta đâm lén một đao sau lưng giết chết. Người nằm dưới đất thì có hai rẽ xương sườn bị gãy xem ra là bị người ta dùng chưởng lực đánh chết Hoàng Dung nói:
- Ta cũng nghĩ thế. Nhưng có mấy chuyện phải giải thích.
Quách Tĩnh nói:
- Chuyện gì?
Hoàng Dung nói:
- Cô Ngốc này rõ ràng sử dụng Bích ba chưởng pháp của đảo Đào Hoa ta, tuy chỉ biết sáu bảy chiêu, nhưng đường lối chiêu số hoàn toàn không sai. Hai người này tại sao lại chết ở đây? Có liên quan gì tới cô Ngốc kia không?
Quách Tĩnh nói:
- Chúng ta ra hỏi lại vị cô nương kia đi.
Y vì mình thường bị người ta gọi là thằng nhỏ ngốc, nên không chịu vị cô nương kia là cô Ngốc.
Hoàng Dung nói:
- Ta thấy con nha đầu ấy quả là ngốc thật, hỏi cũng uổng công. Cứ ở đây quan sát kỹ một lúc có khi biết được thêm điều gì.
Rồi giơ cao thanh củi bước tới nhìn hai bộ xương, chỉ thấy cạnh chiếc hòm sắt có một vật thấp thoáng phát ra ánh sáng, nhặt lên nhìn thì là một tấm kim bài bằng vàng, giữa khảm một viên mã não to bằng ngón tay cái, lật mặt kia lại thì thấy có khắc một hàng chữ:
- Khâm tứ Võ công đại phu Trung Châu Phòng ngự sứ đới lĩnh khí giới Thạch Ngán Minh.
Hoàng Dung nói:
- Nếu tấm bài này là của cái xác này thì chức quan của y không phải nhỏ đâu.
Quách Tĩnh nói:
- Một viên quan lớn mà chết ở đây thì kể cũng lạ thật.
Hoàng Dung lại tới nhìn bộ xương nằm dưới đất, thấy phía sau xương sống có vật gì gồ lên. Nàng dùng một đầu thanh củi khều khều mấy cái, đất bụi giạt ra, lộ ra một tấm thiết phiến. Hoàng Dung bật tiếng kêu khẽ, chụp lấy vào tay.
Quách Tĩnh nhìn thấy vật trong tay nàng, cũng a lên một tiếng. Hoàng Dung nói:
- Ngươi biết nó không?
Quách Tĩnh nói:
- Phải rồi, đây là tấm bát quái của Lục trang chủ ở Quy Vân trang.
Hoàng Dung nói:
- Đây là tấm bát quái bằng sắt, nhưng chưa chắc là của Lục sư ca.
Quách Tĩnh nói:
- Phải rồi, đương nhiên là không phải. Quần áo da thịt của hai người này đã tan rã hết, ít nhất cũng đã chết hơn mười năm.
Hoàng Dung ngẩn người ra hồi lâu, chợt động tâm niệm, vội bước tới nhổ ngọn tiêm đao trên nắp chiếc rương sắt lên, soi gần vào ánh lừa, chỉ thấy trên đao khắc một chữ Khúc, bất giác buột miệng nói:
- Người trên mặt đất đúng là sư ca của ta, là Khúc sư ca.
Quách Tĩnh à một tiếng, không biết nói gì. Hoàng Dung nói:
- Lục sư ca nói Khúc sư ca còn sống, nào ngờ đã sớm chết ở chỗ này... Tĩnh ca ca, ngươi xem xương chân của y.
Quách Tĩnh cúi xuống xem, nói xương hai đùi y đều bị gãy.
- A là bị cha cô đánh gãy.
Hoàng Dung gật đầu nói:
- Y tên Khúc Linh Phong. Cha ta từng nói trong sáu đệ tử của ông thì Khúc sư ca võ công cao cường nhất, cũng là người cha ta thích nhất... .
Nói tới đó chợt bước ra khỏi động, Quách Tĩnh cũng theo sau.
Hoàng Dung tới trước mặt cô Ngốc, hỏi:
- Ngươi họ Khúc phải không?
Cô Ngốc cười hì hì nhưng không đáp. Quách Tĩnh dịu dàng hỏi:
- Cô nương, tôn tính của cô là gì?
Cô Ngốc nói:
- Tôn tính à? Hì hì, tôn tính à?
Hai người đang định hỏi nữa, Chu Bá Thông đã kêu lên:
- Đói chết đi thôi, đói chết đi thôi.
Hoàng Dung đáp:
- Phải rồi, chúng ta ăn cơm trước đã.
Rồi cởi trói cho cô Ngốc, mời cô ta cùng ăn cơm. Cô Ngốc cũng không khiêm nhượng, cười cười bưng bát lên ăn.
Hoàng Dung nói những chuyện trong mật thất cho Hồng Thất công nghe.
Hồng Thất công cũng cảm thấy ngạc nhiên, nói:
- Xem ra viên đại quan họ Thạch này đánh chết Khúc sư ca của ngươi, nào ngờ Khúc sư ca của ngươi vẫn chưa đứt hơi, phóng đao giết chết y.
Hoàng Dung nói:
- Tình hình có quá nửa là như thế.
Rồi cầm ngọn tiêm đao và tấm thiết bát quái đưa cô Ngốc xem, hỏi:
- Cái này của ai?
Cô Ngốc đột nhiên biến sắc, nghiêng nghiêng đầu suy nghĩ, tựa hồ nhớ lại điều gì đó, nhưng qua hồi lâu rốt lại vẫn ngơ ngơ ngác ngác, lắc lắc đầu, cầm ngọn tiêm đao lên lại không chịu buông xuống. Hoàng Dung nói:
- Dường như cô ta đã nhìn thấy thanh đao này, chỉ là đã quá lâu rồi, nên nhớ không ra.
Ăn cơm xong, nàng lo chỗ ngủ cho Hồng Thất công. Rồi cùng Quách Tĩnh vào trong mật thất xem xét.
Hai người đoán then chốt câu chuyện ắt nằm trương chiếc rương sắt, lúc ấy bèn giở bộ xương nằm, phục trên chiếc rương ra, vừa mở nắp rương thì lật ra được ngay, hoàn toàn không khóa, dưới ánh lửa lóng lánh lóe mắt trong rương toàn là châu ngọc trân ngoạn. Quách Tĩnh cũng còn thôi, nhưng Hoàng Dung thì biết món nào cũng đều là trân bảo cực kỳ quý giá, cha nàng tuy thu nhặt được rất nhiều nhưng cũng có chỗ không bằng được. Nàng cầm lên từng món từng món rồi buông tay ra, từng món từng món lại tuột xuống vào rương, chỉ nghe tiếng châu ngọc chạm vào nhau lanh canh rất vui tai, bèn thở dài nói:
- Số châu ngọc này có lai lịch rất lớn, nếu cha ở đây nhất định có thể nói ra nguồn gốc xuất xứ.
Nàng nhất nhất nói cho Quách Tĩnh nghe, đây là đai lưng ngọc, đây là hộp da tê ngưu, kia là vòng mã não, kia là mâm ngọc phỉ thúy. Quách Tĩnh lớn lên ở sa mạc hoang vắng, những món bảo vật này không những chưa từng nhìn thấy mà cũng chưa từng nghe qua, nghĩ thầm:
- Tốn bao nhiêu công sức thu nhặt những món đồ chơi này, chẳng biết có ích lợi gì?
Trò chuyện một lúc, Hoàng Dung lại đưa tay mò mò dưới rương, chạm phải một vật cứng, biết còn có đáy kép bèn vạch mớ châu báu ra, quả nhiên thấy hai bên đáy rương đều có một cái vòng hình tròn, liền đưa hai ngón tay móc vào hai cái vòng, nhấc đáy rương lên, chỉ thấy tầng dưới đều là đồ cổ bằng ngọc bằng đồng.
Nàng từng nghe cha nói về hình dáng cổ vật bằng đồng, nhìn ra giống như đỉnh Long văn, bình đời Thương, mâm đời Chu, đôn đời Chu, vò đời Chu, nhưng rốt lại là cái gì thì cũng không nhận ra. Nếu nói châu ngọc trân bảo đáng giá liên thành thì những vật đồ đồng này lại càng là bảo vật vô giá. Hoàng Dung càng xem càng ngạc nhiên, lại mở ra một lớp đáy rương nữa, thì nhìn thấy toàn là những cuốn trục thư họa.
Nàng bảo Quách Tĩnh giúp sức, mở một cuốn trục ra xem thì giật nảy mình, té ra là bức tranh Tống Tử Thiên vương đồ của Ngô Đạo Tử, một bức khác là Mục mã đồ của Hàn Cán, một bức khác là Lâm tuyền độ thủy nhân vật của Lý Hậu chủ thời Nam Đường. Chỉ thấy trong rương dài dài ngắn ngắn có hơn hai mươi cuốn trục mở ra xem thì bức nào cũng là của đại thủ bút đại danh gia, có mấy cuốn là thư pháp và tranh vẽ của Huy tông, còn có mấy bức thư họa của người đương thời, đều lân tinh phẩm, trong đó hai bức vẽ nhân vật tô mực giảm nét của Họa viện Đãi chiếu Lương Khải thần thái sinh động, tựa hồ có mấy phần giống Chu Bá Thông.
Hoàng Dung xem được nửa số cuốn trục thì không xem nữa, cho tất cả vào rương như cũ, đậy nắp lại, ngồi trên rương ôm gối trầm ngâm:
- Cha cả đời thu nhặt, tuy có nhiều cổ vật thư họa nhưng những món trân phẩm e còn không bằng một phần mười những món trong cái rương này, Khúc sư ca làm sao có bản lĩnh như thế, tìm được bấy nhiêu đồ vật trân quý thế này chứ nói thế nào cũng không nghĩ ra được nguyên nhân bên trong.
Trước nay mỗi khi Hoàng Dung trầm tư thì Quách Tĩnh không hề dám quấy rầy, chợt nghe Chu Bá Thông bên ngoài kêu lên:
- Này, các ngươi ra mau, tới chỗ thằng nhóc hoàng đế ăn nem Uyên ương ngũ trân chứ.
Quách Tĩnh hỏi:
- Đi luôn đêm nay à?
Chỉ nghe Hồng Thất công nói:
- Đi sớm một ngày thì tốt một ngày, đi chậm quá chỉ e ta không chờ được nữa đâu.
Hoàng Dung nói:
- Sư phụ, người đừng nghe Lão Ngoan đồng nói bậy. Đêm nay dù thế nào cũng không đi được, sáng mai chúng ta sẽ vào thành sớm. Lão Ngoan đồng mà còn đưa ra ý gì bậy bạ, sáng mai không cho y vào hoàng cung nữa.
Chu Bá Thông nói:
- Hừ, lại là ta không tốt.
Rồi tức giận không nói gì.
Đêm ấy bốn người nằm trên nệm cỏ ngủ vùi. Sáng sớm hôm sau, Hoàng Dung và Quách Tĩnh nấu cơm sáng, bốn người và cô Ngốc cùng ăn no. Hoàng Dung xoay cái vòng sắt đóng vách nhà bếp lại, đem mớ bát sứt mẻ đặt lại chỗ cũ. Cô Ngốc như không thấy gì, hoàn toàn không để ý chỉ cầm ngọn tiêm đao đùa nghịch.
Hoàng Dung lấy ra một nén bạc đưa cô ta, cô Ngốc cầm lấy, tiện tay ném lên bàn.
Hoàng Dung nói:
- Nếu ngươi đói thì cầm nén bạc này đi mua gạo mua thịt mà ăn.
Cô Ngốc như hiểu mà không hiểu, chỉ cười hì hì.
Hoàng Dung trong lòng vô cùng thê lương, đoán cô nương này nhất định có liên quan với Khúc Linh Phong, nếu không phải người nhà ắt là đệ tử, sáu bảy chiêu Bích ba chưởng pháp của cô ta đúng là đo Khúc Linh Phong truyền thụ, nhưng lại học rất ngu ngốc, chưởng cũng như người, không biết cô ta từ nhỏ đã ngây ngốc hay về sau gặp phải chuyện gì quá sợ hãi mới trở nên mụ mẫm, có ý muốn nghe ngóng trong thôn một phen, nhưng Chu Bá Thông lại không ngừng thôi thúc đòi đi, cũng đành bỏ qua. Lúc ấy bốn người một xe, lên đường đi về phủ thành Lâm An.
Lâm An vốn là đất hình thắng phồn hoa trong thiên hạ, lúc ấy nhà Tống chạy xuống phía nam, dựng kinh đô ở đó, nhân vật đông đúc, càng tăng thêm vẻ phong lưu của núi sông. Bốn người từ cửa Hầu Triều phía đông vào thành, tới thẳng trước cửa Lệ Chính của hoàng thành.
Lúc ấy Hồng Thất công ngồi trong xe, bọn Chu Bá Thông ba người đưa mắt nhìn ra, chỉ thấy lầu son gác tía, rường vẽ cột chạm, nóc nhà toàn lợp ngói xanh, chạm khắc hình rồng phượng bay liệng, nguy nga tráng lệ rực rỡ lóa mắt. Chu Bá Thông kêu lên:
- Đẹp quá.
Rồi sãi chân muốn chạy vào trong. Quân cấm vệ trước cửa cung nhìn thấy một già hai trẻ đẩy một cổ xe lừa kêu réo trước cửa cung, đã có bốn người tay cầm kích, khí thế hung hăng xông tới bắt giữ. Chu Bá Thông rất thích gây gổ ầm ĩ, thấy đám cấm quân áo giáp sáng quắc, thân thể cao to lại càng thích thú, lách người định xông lên đối phó. Hoàng Dung kêu lên:
- Chạy mau?
Chu Bá Thông trợn mắt nói:
- Sợ cái gì? Bằng vào đám nhãi nhép này lại có thể cản được Lão Ngoan đồng à?
Hoàng Dung vội nói:
- Tĩnh ca ca, chúng ta đi chơi đi. Lão Ngoan đồng không chịu nghe lời, từ nay về sau đừng đếm xỉa tới y nữa.
Rồi giơ roi thúc lừa chạy mau về phía bắc, Quách Tĩnh đuổi theo sau. Chu Bá Thông sợ họ bỏ y tới chỗ khác chơi đùa, lập tức cũng không đếm xỉa gì tới đám quân cấm vệ, kêu gào đuổi theo. Đám quân cấm vệ chỉ cho rằng đây là người nhà quê không biết gì, bèn dừng lại không đuổi theo, hô hô cười rộ.
Hoàng Dung đánh xe tới chỗ vắng, thấy không có ai đuổi theo mới dừng lại.
Chu Bá Thông hỏi:
- Tại sao không xông vào cung? Đó là bọn giá áo túi cơm, làm sao cản được chúng tao Hoàng Dung nói:
- Xông vào thì tự nhiên không khó, nhưng ta hỏi ngươi chúng ta muốn đánh nhau hay muốn vào ngự trù ăn uống? Ngươi mà xông vào như thế, trong cung đại loạn, còn có người làm món nem Uyên ương ngũ trân ngon lành cho sư phụ ăn à?
Chu Bá Thông nói:
- Đánh nhau bắt người là việc của bọn vệ binh, còn bọn nhà bếp thì đâu có can hệ gì.
Mấy câu ấy nói ra cũng có lý, Hoàng Dung nhất thời cũng khó biện bác, bèn nói bừa với y:
- Trong hoàng cung thì đám nhà bếp vừa quản việc nấu nướng, vừa quản việc bắt người.
Chu Bá Thông tròn mắt không biết trả lời thế nào, qua hồi lâu mới nói:
- Thôi được, cứ cho là ta sai đi?
Hoàng Dung nói:
- Tính thế nào cũng được, rốt lại là ngươi sai.
Chu Bá Thông nói:
- Được được, không tính nữa, không tính nữa.
Rồi quay lại nói với Quách Tĩnh:
- Huynh đệ, trong thiên hạ vợ đẹp đều rất ác, vì vậy Lão Ngoan đồng nói thế nào cũng không cưới vợ.
Hoàng Dung cười nói:
- Tĩnh ca ca là người tốt, người ta không hung dữ với y.
Chu Bá Thông nói:
- Chẳng lẽ ta không tốt sao?
Hoàng Dung cười nói:
- Ngươi mà tốt à? Ngươi cưới không được vợ, nhất định là vì người ta chê ngươi hành sự bậy bạ, chỉ thích gây họa. Ngươi nói xem, rất lại tại sao ngươi không lấy được vợ chứ?
Chu Bá Thông nghiêng đầu ngẫm nghĩ không trả lời được trên mặt lúc đỏ lúc trắng, đột nhiên như có muôn vàn tâm sự. Hoàng Dung rất ít khi thấy y có dáng vẻ nghiêm trang như thế, trong lòng rất ngạc nhiên.
Quách Tĩnh nói:
- Chúng ta hãy tìm một khách sạn nghỉ lại, tối sẽ vào trong cung.
Hoàng Dung nói:
- Phải đấy. Sư phụ vào khách sạn xong, con sẽ nấu hai món nhỏ để người khai vị, đến đối sẽ ăn tiệc lớn.
Hồng Thất công cả mừng, luôn miệng khen hay.
Lúc ấy bốn người ngụ lại khách sạn Cẩm Hoa Cư ở đầu phía tây ngự nhai.
Hoàng Dung phấn chấn tinh thần, nấu ba món thức ăn một món canh cho Hồng Thất công ăn, quả nhiên mùi thơm ngào ngạt. Khách khứa trong khách sạn nhao nhao hỏi tiểu nhị là nhà bếp ở đâu mà nấu nướng ngon thế. Chu Bá Thông giận Hoàng Dung nói y không cưới được vợ, tức giận không chịu ăn cơm. Ba người biết y tính tình trẻ con, cười xòa một tiếng mặc kệ, cũng không để ý.
Ăn cơm xong, Hồng Thất công nghỉ ngơi. Quách Tĩnh gọi Chu Bá Thông ra ngoài du ngoạn, nhưng y vẫn tức tối không chịu. Hoàng Dung cười nói:
- Vậy thì ngươi cứ ngoan ngoãn ở đây làm bạn với sư phụ. Lúc về ta sẽ mua mấy món đồ chơi cho ngươi.
Chu Bá Thông mừng rỡ nói:
- Ngươi không lừa ta chứ?
Hoàng Dung cười nói:
- Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy.
Mùa xuân năm ấy Hoàng Dung rời nhà lên bắc, từng ghé lại thành Hàng Châu chơi một ngày, chỉ là nơi đó quá gần đảo Đào Hoa, sợ cha tìm tới nên không dám ở lâu, chưa từng được chơi thỏa thích, lúc ấy ngày dài rảnh rỗi, bèn cùng Quách Tĩnh nắm tay nhau đi dạo ven Tây Hồ.
Nàng thấy Quách Tĩnh buồn bã không vui, biết y lo cho thương thế sư phụ, bèn nói:
- Sư phụ nói trên đời có người có thể chữa lành cho ông, chỉ là không cho ta hỏi, nghe khẩu khí tựa hồ chính là vị Đoàn hoàng gia kia, chỉ không biết y ở nơi nào, chúng ta nên nghĩ cách mời y tới chữa cho sư phụ.
Quách Tĩnh mừng rỡ nói:
- Dung nhi, thế thì tốt lắm, liệu mời được không?
Hoàng Dung nói:
- Ta đang nghĩ cách nghe ngóng đây. Hôm nay lúc ăn cơm ta cứ quanh co thăm dò khẩu khí của sư phụ, ông đang định nói nhưng đáng tiếc là biết ngay, lập tức nín bặt. Rốt lại ta phải thăm dò từ chính miệng ông mới được.
Quách Tĩnh biết tài năng của nàng, lập tức cảm thấy yên tâm.
Trong lúc trò chuyện họ đã đi tới Đoạn Kiều ven hồ. Đoạn Kiều tàn tuyết là một trong mười cảnh đẹp Tây Hồ, lúc áy lại đang mùa hè nóng nực, chỉ thấy dưới cầu toàn là hoa sen. Hoàng Dung thấy cạnh cầu có một quán rượu nhỏ rất sạch sẽ, bèn nói:
- Chúng ta vào uống rượu ngắm sen đi.
Quách Tĩnh nói:
- Hay ìắm.
Hai người vào ngồi xong, tửu bảo đưa rượu thịt lên, thức ăn sạch sẽ rượu ngon, hai người uống rượu thưởng sen, tâm tình khoan khoái Hoàng Dung thấy cửa sổ phía đông đặt một tấm bình phong, trên dùng sa xanh bọc lại, rõ ràng rất được chủ nhân tửu điếm trọng thị, nảy dạ hiếu kỳ, bước qua nhìn kỹ, chỉ thấy trên tấm bình phong dưới lớp sa đề một bài Phong nhân tùng như sau:
Cả xuân cứ tốn tiền hoa rượu, sớm tối cạnh hồ say.
Ngựa vàng quen lối Tây Hồ cũ, Cầu tây qua trước tửu lâu chơi.
Hạnh đỏ giữa hương ca múa, Dương xanh trong bóng thu trời.
Gió xuân mười dặm mỹ nhân cười Thoa sáng tóc mây ngời,
Thuyền đã chở đầy xuân tới bến, Tình còn gởi lại sóng muôn nơi.
Mai sáng lại dìu hứng cũ, Tới bờ tìm lại trâm rơi.
Hoàng Dung nói:
- Bài từ này hay quá.
Quách Tĩnh xin nàng giải thích ý nghĩa bài từ một lượt, càng nghe càng chán, nói:
- Đây là kinh sư Đại Tống mà bấy nhiêu người đọc sách làm quan suốt ngày chỉ lo uống rượu thưởng hoa thì khó nói tới chuyện quang phục Trung nguyên, chẳng lẽ họ cũng không để ý à?
Hoàng Dung nói:
- Đúng thế, những người này có thể nói toàn là kẻ không có lương tâm.
Chợt nghe sau dưng có người nói:
- Hừ! Hai vị biết cái gì mà ở đây nói bừa?
Hai người cùng quay lại, chỉ thấy một người ăn mặc lối văn sĩ khoảng trên dưới bốn mươi tuổi đang không ngừng cười nhạt. Quách Tĩnh vái chào, nói:
- Tiểu nhân không hiểu, xin tiên sinh chỉ giáo.
Người kia nói:
- Đây là tác phẩm đắc ý của Thái học sinh Du Quốc Bảo trong niên hiệu Thuần Hy. Năm ấy Thái thượng hoàng Cao tông tới đây uống rượu đọc thấy bài từ này, luôn miệng khen hay, ngay hôm ấy ban cho Du Quốc Bảo một chức quan. Đó là cuộc kỳ ngộ ít gặp của người đọc sách, hai vị tại sao lại mỉa mai?
Hoàng Dung nói:
- Tấm bình phong này hoàng đế đã nhìn qua, nên chủ nhân quán rượu dùng sa xanh bọc lại phải không?
Người kia cười nhạt nói:
- Há chỉ như thế thôi sao? Các ngươi xem câu: Mai sáng lại dìu hứng cũ trên bình phong có hai chữ sửa đi phải không?
Quách Hoàng hai người nhìn kỹ, quả thấy chữDìu vốn là chữMang , chữHứng vốn là chữRượu . Người kia nói:
- Du Quốc Bảo vốn viết là Mai sáng lại mang rượu cũ. Thái thượng hoàng cười nói:
- Lời tuy hay nhưng câu này lại là khí cục nhỏ nhen, vì thế lấy bút sửa hai chữ ấy. Đó đúng là trời cho trí lớn, mới có thể điểm sắt thành vàng.
Nói tới đó lắc đầu không ngừng, ca tụng không thôi.
Quách Tĩnh nghe thế cả giận, quát:
- Gã Cao tông hoàng đế ấy là hôn quân trọng dụng Tần Cối, hại chết Nhạc gia gian rồi phi chân đá vỡ tấm bình phong, lại lật tay chụp lấy người kia xô ra phía trước, bùm một tiếng, mùi rượu xông lên sực nức, người kia đầu dưới chân trên đã bị ném vào một khạp rượu.
Hoàng Dung cao giọng khen ngợi, cười nói:
- Ta cũng sửa hai câu này một chút, gọi là “Sáng nay sửa sang rượu cũ, Nhờ ông vào khạp dìm hứng”.
Văn sĩ kia trong khạp nhô đầu lên, rượu chảy ròng ròng trên mặt, nói:
- Chữ Hứng thanh trắc, gieo vần không đúng.
Hoàng Dung nói:
-Phong nhân tùng cũng gieo vần không đúng, bàiNgười vào khạp của ta gieo vần mới đúng!
Rồi ấn đầu y xuống khạp rượu, kế đó kéo ra đặt lên bàn, đánh đấm túi bụi. Khách khứa và chủ quán không biết vì sao, nhao nhao chạy ra ngoài quán. Hai người đánh tới lúc cao hứng, đập luôn cả vò rượu nồi niêu vỡ sạch, sau cùng Quách Tĩnh dùng thủ đoạn Hàng long thập bát chưởng, ra sức mấy lần đánh tới đánh gãy cột cái của quán rượu, nóc nhà lật xuống, một ngôi quán rượu lập tức biến thành một mớ cột gãy tường sập, không còn ra hình thù gì nữa.
Hai người hô hô cười rộ, nắm tay nhau đi lên phía bắc mọi người không biết hai thiếu niên một nam một nữ này là người điên ở đâu tới, đâu dám đuổi theo.
Quách Tĩnh cười nói:
- Mới rồi đánh một trận sướng tay, mới hả được nỗi giận trong lòng.
Hoàng Dung cười nói:
- Chúng ta cứ xem có chỗ nào không vừa mắt lại tới đánh một trận nữa.
Quách Tĩnh nói:
- Được!
Hai người từ khi rời đảo Đào Hoa, mọi việc đều không thuận lợi, tuy được ở cạnh nhau, nhưng sư phụ trọng thương khó lành trước nay trong lòng nặng nề, lúc ấy làm náo loạn trong quán rượu, cũng như mượn đó để giải sầu.
Hai người thả bộ dọc theo ven hồ, chỉ thấy trên đá trên cây, trong đình trong vách đầy thơ từ đề vịnh, nếu không phải là bài từ du xuân thì là thơ tặng kỹ nữ.
Quách Tĩnh tuy không hiểu, nhưng thấy đều là những chữ: Phong hoa tuyết nguyệt.
Thở dài nói:
- Cho dù chúng ta có một ngàn cánh tay cũng không thể đánh hết được. Dung nhi, cô mất thời gian học những thứ này để làm gì?
Hoàng Dung cười nói:
- Trong thơ từ cũng có cái hay chứ.
Quách Tĩnh lắc đầu nói:
- Ta thấy chỉ có quyền cước là hữu dụng thôi.
Đang trò chuyện thì đi tới trước Phi Lai phong. Trên sườn núi có một ngôi đình, biển ngạch đề ba chữ Thúy Vi đình, người viết chữ là Hàn Thế Trung. Quách Tĩnh biết tên Hàn Thế Trung, nhìn thấy thủ bút của vị danh tướng chống Kim này, trong lòng mừng rỡ, rảo chân bước mau vào đình.
Trong đình có một tấm bia đá khắc một bài thơ như sau:
Liền năm áo chiến bụi đường pha,
Núi Thúy tìm lên để thưởng hoa,
Nước biếc non xanh nhìn chẳng đủ
Ngựa về vó giục ánh trăng xa.
Xem bút tích cũng là do Hàn Thế Trung viết.
Quách Tĩnh ca ngợi nói:
- Bài thơ này hay quá.
Y vốn không phân biệt được thơ từ hay dở, nhưng nghĩ đã là Hàn Thế Trung viết, lại có mấy chữ áo chiến, Vó ngựa thì tự nhiên là hay. Hoàng Dung nói:
- Đây là thơ của Nhạc gia gia Nhạc Phi.
Quách Tĩnh sửng sốt nói:
- Tại sao cô biết?

hết: Hồi 23(a), xem tiếp: Hồi 23(b)
Mục lục Anh hùng xạ điêu

0 nhận xét: