Bữa nay Tòa án giang hồ nhóm họp, xét xử vụ Thần toán tử Anh cô giết chính con mình là một đứa trẻ sơ sinh. Hội đồng xét xử gồm: Chủ tọa là Triệu Mẫn quận công, bồi thẩm gồm 3 vị: Cửu chỉ thần cái Hồng Thất Công - chưởng môn Cái Bang, Chu Chỉ Nhược - chưởng môn Nga My và Khưu Xứ Cơ. Giữ quyền công tố là Hoàng Dung, bào chữa cho Anh Cô là Quách Tĩnh.
(Vui lòng không hỏi lý do vì sao có thành phần xét xử như vầy - vì điều này thuộc thẩm quyền của Tòa án kiếm hiệp Việt kiếm hiệp).
Thần toán tử Anh Cô có phạm tội giết con hay không hạ hồi sẽ rõ
Mở đầu phiên xét xử, Hoàng Dung tuyên đọc cáo trạng như vầy:
Anh Cô (trong Anh hùng xạ điêu) nguyên là phi (vợ) của vua nước Đại Lý là Đoàn Trí Hưng. Khi còn trong cung Anh Cô được gọi là Lưu quý vi (quý phi họ Lưu). Lưu quý phi là người vóc dáng xinh đẹp, thông minh sáng dạ và vốn được vua Đoàn Trí Hưng yêu quý, dạy võ cho nàng.
Ngày nọ tháng nọ, sau kỳ Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, đệ nhất võ lâm giang hồ là trung thần thông Dương Trùng Dương đến thăm vua, dẫn theo sư đệ là Lão ngoan đồng Chu Bá Thông.
Sáng nọ ở vườn hoa trong cung quý phi, Chu Bá Thông vì tình cờ đi vào. Thấy Lưu quý phi đang luyện võ nên lân la lại xem. Lẽ ra là chức phận vợ vua. khi thấy người lạ thì Lưu quý phi phải sai lính đuổi họ Chu ra ngoài hoặc lánh mặt đi. Đàng này nàng lại có những hành vi múa võ lả lơi, khiệu gợi. Làm Chu Bá Thông vốn tính nết ngây thơ há họng tò mò, nhìn không dứt ra được.
Tiếp đó Chu Bá Thông bước lại quá chiêu với Lưu quý phi. Rồi họ Chu dùng phép điểm huyệt điểm vào huyệt đạo trên người Lưu quý phi. Thay vì phải cho Chu Bá Thông một bạt tai vì dám đụng chạm vợ vua, thì vợ vua lại tỏ vẻ khâm phục, e thẹn.
Kể từ hôm đó, Chu Bá Thông bà Lưu quý phi lén lút tư thông với nhau. Hàng đêm Chu Bá Thông phi thân qua cửa sổ do Lưu quý phi mở sẵn, vào ân ái với nhau.
Hành vi ngoại tình của Lưu quý phi hiển nhiên không thể che mắt thiên hạ. Sự việc vỡ lở, nhà vua biết rất tức giận, nhưng vì lòng thương mến đã tha tội chết cho Lưu quý phi.
Rủi thay những lần mê muội ân ái với nhau, Lưu quý phi đã mang thai với Chu Bá Thông (lúc này Chu Bá Thông đã bỏ đi). Sau khi sanh con, Lưu quý phi vẫn được nhà vua cho ở trong cung.
Qua hai năm nữa, một đêm nọ nhà vua đang ngồi trong phòng ngủ, chợt rèm cửa vén lên, Lưu quý phi xông vào. Bọn thái giám và hai tên thị vệ ngoài cửa xông vào cản trở nhưng không được đều bị nàng vung chưởng đánh tung ra.
Nhà vua ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy nàng bế một đứa nhỏ, vẻ mặt vô cùng hoảng hốt, quỳ xuống đất buông tiếng khóc lớn, cứ dập đầu kêu: Xin hoàng thượng ra ơn, đại từ đại bi tha cho đứa nhỏ này!
Nhà vua đứng dậy nhìn, chỉ thấy đứa nhỏ đấy mặt mày đỏ bừng thở dốc, bèn bế lên nhìn kỹ thì nó bị đánh gãy năm rẽ xương sườn. Lưu quý phi khóc nói: Hoàng gia, tiện thiếp tội đáng muôn chết, nhưng xin hoàng gia tha mạng cho đứa nhỏ này.
Nhà vua hỏi : Ai đánh nó bị thương? Lưu quý phi không đáp, chỉ khóc nói: Xin hoàng gia ra ơn tha cho nó.
Thì ra Lưu quý phi tưởng nhà vua vì giận ghét nàng, nên sai người đánh chết đứa con của nàng và Chu Bá Thông.
Nhưng thực ra hung thủ ra tay là Cừu Thiên Nhận, chưởng môn Thiết chưởng bang.
Việc Cừu Thiên Nhận ra tay hại con của Lưu quý phi có nguyên nhân sâu sa từ việc muốn tranh giành ngôi đệ nhất võ lâm giang hồ trong lần Hoa Sơn luận kiếm kỳ tới (ước hẹn cứ sau 20 năm tổ chức một lần). Người giành chiến thắng ngoài ngôi vị giang hồ đệ nhất võ lâm còn được nhận pho Cửu Âm Chân Kinh.
Vì Cừu Thiên Nhận biết tánh nhà vua hiền hòa nhân ái lại thương người. Nên nếu Anh Cô đem con mình đến cầu cứu thì chắc chắn nhà vua sẽ ra tay chữa trị để cứu đứa bé. Để cứu sống đứa bé trong tình trạng thương thế rất nặng như vậy, nhà vua sẽ phải dùng phép điểm huyệt Nhất dương chỉ và sẽ hao tổn rất nhiều công lực. Võ công và nội lực cũng vì thế sẽ bị mất trong vòng 5 năm. Muốn phục hồi được như cũ cũng phải tập luyện hàng chục năm trời. Như vậy, khả năng Đoàn Trí Hưng - đối thủ nặng ký nhất trong Hoa Sơn luận kiếm - sẽ bị "loại khỏi vòng chiến" là rất cao. Điều này sẽ giúp Cừu Thiên Nhận đạt được dục vọng là đứng trên ngôi vị cao nhất trên chốn giang hồ.
Lại nói khi biết nhà vua không hề sai người giết đứa bé, Lưu quý phi kêu lên: "A, không phải là thánh chỉ của hoàng gia thì đứa nhỏ này có thể được cứu rồi". Nói xong câu ấy thì ngất đi, ngã lăn ra đất.
Khi tỉnh dậy, nàng nắm tay vua khóc lóc kể lại: Nguyên là nàng ru đứa nhỏ ngủ, ngoài cửa sổ đột nhiên có một ngự tiền thị vệ bịt mặt (lúc này Lưu quý phi không biết đó là ai) nhảy vào giằng đứa nhỏ ra, đánh vào lưng nàng một chưởng. Lưu quý phi vội bước lên cản trở, gã thị vệ ấy xô nàng ra, lại đập vào bụng đứa nhỏ một chưởng, lúc ấy mới hô hô cười rộ, vọt ra cửa sổ đi mất. Người thị vệ ấy võ công rất cao cường, nàng lại cho rằng là do vua phái tới giết con nàng, lúc ấy không dám đuổi theo, bèn xông vào chỗ vua ở cầu xin.
Đoàn Trí Hưng vốn là bậc cao thủ võ lâm, tra xét kỹ thương thế của đứa nhỏ, lại không nhìn ra là bị công phu gì đả thương, chỉ là kinh mạch đều bị chấn động đứt hết, gã thích khách này quả thật không phải tầm thường. Nhưng rõ ràng y vẫn còn thủ hạ lưu tình, đứa nhỏ yếu đuối như thế rõ ràng bị hai chường mà vẫn còn thở.
Khi vua tới phòng ở của nàng xem xét, thì trên mái ngói và bệ cửa sổ quả nhiên còn để lại dấu chân rất mờ. Vua nói: Bản lĩnh của gã thích khách này rất cao cường, nhất là khinh công càng không phải tầm thường. Trong nước Đại Lý ngoài ta ra thì không có người thứ hai có công phu như thế.
Lưu quý phi nghe xong đột nhiên hoảng sợ kêu lên: Chẳng lẽ là y? Tại sao y lại muốn giết con mình? Nàng nói câu ấy ra, vẻ mặt lập tức trở thành thê thảm. Lưu quý phi nói câu ấy mà vừa thẹn vừa giận, vừa sợ vừa nhục, không biết làm sao là tốt - nàng vừa chợt nghĩ rằng kẻ ra tay giết hại đứa nhỏ chính là Chu Bá Thông.
Nhưng đột nhiên nàng lại nói: Không, quyết không phải y. Giọng cười ấy nhất định không phải là y! Giọng cười ấy vua vĩnh viễn ghi nhớ, có chết cũng không quên được. Không, quyết không phải y!
Khi ấy, chỉ có nhà vua là người duy nhất có thể (hay đúng hơn là có khả năng) cứu chữa được cho đứa bé. Vì đòi hỏi phải dùng nội công thâm hậu để chữa thương. Tuy nhiên chính vì phải hao tốn rất nhiều nguyên khí, nên vua có phần ngần ngừ.
Thực ra, không phải là Đoàn Trí Hưng không thương Lưu quý phi, đã mấy lần định mở miệng nói sẽ chữa trị cho nó. Nhưng mỗi lần đều nghĩ tới chỉ cần ra tay một lần, thì sẽ bị hao tổn chân khí, mất hết võ công trong 5 năm. Mà như vậy thì trong lần luận kiếm ở Hoa sơn lần thứ hai sẽ không còn hy vọng đứng đầu quần hùng, cũng đừng mong có được Cửu âm chân kinh. vậy nên lòng chưa quyết.
Khi nàng thấy vua ưng thuận chữa thương cho đứa nhỏ, mừng rỡ quá, lại ngất đi luôn một lần nữa.
Nhà vua trước tiên chữa trị cho nàng tỉnh lại, sau đó cởi tã lót của đứa nhỏ ra để tiện dùng Tiên thiên công chữa trì cho nó. Nào ngờ vừa cởi tã lót để lộ tấm yếm trên bụng đứa nhỏ ra, lập tức khiến vua ngẩn người tại chỗ, không nói được tiếng nào. Chỉ thấy tấm yếm thêu một đôi uyên ương, cạnh thêu bài từ Bốn khung may, té ra đó là chiếc khăn gấm năm trước Chu Bá Thông vứt lại cho nàng.
Lưu quý phi thấy dáng vẻ của vua, biết sự tình không hay, mặt xám xanh. Nàng nghiến răng rút một thanh chuỷ thủ chĩa vào ngực mình, kêu lên: Hoàng gia, thiếp không còn mặt mũi nào sống trên đời, chỉ cầu người đại ân đại đức cho phép thiếp được dùng mạng mình đổi mạng đứa nhỏ này, kiếp sau thiếp xin làm trâu ngựa để đền đáp ân tình của người. Nói xong đâm luôn thanh chuỷ thủ vào tâm khẩu.
Nhà vua vội dùng Cầm nã thủ đoạt thanh chuỷ thủ nhưng nàng xuất thủ rất mau lẹ, thanh chuỷ thủ đã đâm vào thịt, trước ngực máu tươi đổ ra. Vua sợ nàng lại tự tìm cái chết bèn điểm huyệt tay chân, băng bó vết thương trước ngực nàng, để nàng nằm lên ghế nghỉ ngơi.
Nàng không nói câu nào, chỉ nhìn nhìn vua, trong mắt đầy vẻ cầu khẩn. Cả hai không ai nói câu nào, lúc ấy trong tẩm cung chỉ còn nghe tiếng thở của đứa nhỏ.
Nhà vua nghe tiếng thở của đứa nhỏ, nhớ lại rất nhiều, rất nhiều chuyện đã qua, lúc đầu nàng vào cung thế nào, đã dạy nàng luyện võ thế nào, sủng ái nàng thế nào. Nàng luôn luôn kính trọng, sợ vua, ngoan ngoãn hầu hạ vua, không dám trái ý vua chút nào. Nhưng thật ra nàng không thật lòng thương yêu ta. Ta vốn không biết, nhưng hôm ấy nhìn thấy vẻ mặt của nàng với Chu sư huynh, ta đã hiểu ra. Một người con gái toàn tâm toàn ý yêu thương một người thì sẽ có ánh mắt như thế.
Nhà vua nhớ lại: Nàng sững sờ nhìn chằm chằm vào chiếc khăn Chu Bá Thông vứt dưới đất, ngẩn người nhìn theo y quay người ra khỏi cung, ánh mắt ấy của nàng khiến vua ăn không ngon ngủ không yên mấy năm, bây giờ lại nhìn thấy ánh mắt ấy. Nàng lại vì một người mà đau lòng, có điều lần này không phải vì người tình mà vì con nàng, là con của người tình của nàng!
Đại trượng phu sinh ra trên đời mà lại yêu thương người ta tới mức chịu nhục như thế, cũng uổng làm vua một nước! Nghĩ tới đó, vua bất giác lửa giận đầy lòng, nhấc chân lên đá nát luôn cái ghế bằng ngà voi trước mặt, ngẩng đầu lên trời, bất giác ngẩn người.
Vua nói: - Nàng.., tóc nàng làm sao thế?
Nàng dường như chưa nghe vua nói, chỉ nhìn đứa nhỏ. Trước đó quả thật vua không biết trong ánh mắt của một người lại có thể có nhiều nỗi đau xót yêu thương, nhiều nỗi trìu mến như thế. Lúc ấy nàng đã biết nhà vua quyết ý không chịu cứu đứa nhỏ, nên nhân lúc nó còn sống, nhìn nó thêm được càng nhiều càng tốt.
Nhà vua cầm lấy một tấm gương, ném trước mặt nàng, nói:
- Nàng xem lại đầu tóc của nàng kìa! Nguyên là thời gian ngắn ngủi mấy giờ vừa qua đối với nàng cũng giống như trải qua mấy mươi năm, lúc ấy nàng chẳng qua chỉ mười tám mười chín tuổi, sau mấy giờ hoảng sợ, lo lắng, hối hận, thất vọng, đau lòng ấy, bấy nhiêu tình cảm xung đột, bên tóc mai đã xuất hiện vô số sợi bạc.
Nàng vẫn hoàn toàn không lưu ý tới việc dung mạo của mình đã thay đổi thế nào, chỉ trách tấm gương làm nàng chói mắt không nhìn rõ được đứa nhỏ nàng nói: Cầm tấm gương đi.
Nàng nói rất khinh suất quên mất rằng người đang đứng trước mặt nàng là hoàng đế, là chúa tể. Vua rất ngạc nhiên, nghĩ thầm:
-Nàng trước nay luôn luôn coi trọng dung mạo của mình, tại sao bây giờ lại không đếm xỉa gì tới?
Lúc ấy vua ném tấm gương đi, chỉ thấy nàng nhìn đăm đăm không chớp vào đứa nhỏ. Trước nay vua chưa từng thấy ánh mắt nào lo đắng như thế, chỉ xem đứa nhỏ có sống được hay không. Vua biết nàng hận là không chết thay cho đứa nhỏ được.
Khi đó, lòng nhà vua rất bất nhẫn, mấy lần muốn ra tay cứu con nàng, nhưng tấm yếm kia lại cứ sờ sờ trước mắt. Trên tấm khăn gấm ấy thêu một đôi uyên ương, dựa cổ vào nhau rất âu yếm thân thiết, hai con uyên ương ấy đầu đều màu trắng, ý nói là cùng sống với nhau đến lúc bạc đầu, nhưng tại sao lại có câu Đáng thương tóc trắng xua già tới?
Vua quay lại thấy tóc mai của nàng đã bạc trắng, đột nhiên toát mồ hôi lạnh, Lúc ấy vua lại cứng rắn trở lại, nói: Được, các ngươi muốn bạch đầu giai lão thì ta làm hoàng đế lạnh lẽo trong cung cũng được! Đây là đứa con của các ngươi sinh ra, tại sao ta phải hao phí tinh thần khí lực cứu nó?
Nàng nhìn vua một cái, cái nhìn cuối cùng ấy đầy vẻ oán trách hận thù. Từ đó về sau nàng vĩnh viễn không bao giờ nhìn vua nữa, nhưng cái nhìn ấy thì đến chết vua cũng không quên được.
Nàng lạnh lùng nói: Thả ta ra, ta muốn bế con ta? Hai câu ấy nàng nói với giọng vô cùng nghiêm nghị như nàng là chúa tể của vua, khiến người ta rất khó phản đối. Nhà vua giải huyệt cho nàng.
Nàng ôm đứa con vào lòng, đứa nhỏ chắc rất đau đớn, định khóc nhưng khóc không ra tiếng, khuôn mặt nhỏ bé sưng vù bầm tím, hai mắt nhìn nhìn mẹ xin nàng cứu cho. Nhưng trong lòng vua ương ngạnh, không hề có nửa điểm từ tâm. Vua thấy tóc trên đầu nàng từng sợi từng sợi từ màu đen chuyển thành màu tro, từ màu tro chuyển thành màu trắng, không biết là ảo giác trong lòng ta hay là quả thật như thế, chỉ nghe nàng dịu dàng nói:
- Con ạ, mẹ không có tài năng để cứu con, mẹ chỉ có thể giúp con không đau đớn nữa, con cứ ngoan ngoãn ngủ đi, ngủ đi, con ạ con vĩnh viễn không tỉnh dậy nữa đâu!
Nàng khe khẽ ru con như thế. Trên mặt đứa nhỏ thoáng nụ cười nhưng lập tức đau đớn vặn vẹo toàn thân.
Nàng lại dịu dàng nói: "Đứa con bảo bối của ta, con ngủ đi, không đau nữa đâu, một chút cũng không đau nữa đâu!"
Đột nhiên sột một tiếng, thanh chuỷ thủ của nàng đã cắm ngập vào tâm oa đứa nhỏ. Nhà vua kêu lớn một tiếng, lùi lại mấy bước, suýt nữa ngã lăn ra, trong lòng mịt mờ mịt mờ, hoàn toàn chết sững.
Chỉ thấy nàng từ từ đứng dậy, hạ giọng nói với vua: Rốt lại cũng có một ngày ta sẽ dùng lưỡi chuỷ thủ này đâm một nhát vào tim ngươi.
Nàng chỉ chiếc vòng ngọc đeo trên cổ tay nói: Đây là vật ngươi cho ta hôm đầu tiên ta vào cung, ngươi chờ đấy, ngày nào ta tháo cái vòng ngọc này trả cho ngươi thì ngày ấy ngọn chuỷ thủ này cũng đâm xuống!
Rồi nàng ôm xác đứa con, buông tiếng cười dài, nhảy qua cửa sổ ra ngoài, phi thân lên nóc nhà, trong chớp mắt không thấy bóng dáng đâu nữa.
Nhà vua không ăn không uống, nhớ nhung suốt ba ngày ba đêm, rốt lại mới đại ngộ, đem ngôi vua giao lại cho con trưởng của mình, từ đó xuất gia làm sư.
Phần Lưu quý phi sau đó đi tầm sư học đạo, rồi đổi tên thành Thần toán tử Anh Cô. Tới nay, vụ việc đã trên 20 năm.
.....................
Triệu Mẫn quận chúa lần này giữ ghế Chủ tọa phiên tòa
Sau khi đọc xong cáo trạng, Hoàng Dung nói:
- Thưa quý Tòa, qua những tình tiết như trên, Viện công tố giang hồ quyết định truy tố Anh Cô về tội giết người, với 2 tình tiết tăng nặng là: giết trẻ em và giết chính con mình. Cọp còn không nỡ ăn thịt con, vậy mà Anh Cô lại nỡ ra tay sát hại chính giọt máu mà mình đã mang nặng đẻ đau. Hơn nữa, vụ này cũng cấn phải làm cho sáng tỏ rõ ràng, để tránh tiếng xấu cho Đoàn Trí Hưng
Chủ tọa Triệu Mẫn hỏi Hoàng Dung:
- Ngươi đã đọc xong chưa? Túm lại là đề nghị xử Anh Cô về tội giết người phải hôn?
- Thưa phải. Anh Cô không những đã giết con mình, mà sau này còn dùng mưu kế hãm hại Đoàn bá bá nữa.
Triệu Mẫn quay sang hỏi Anh Cô:
- Nhà ngươi đã nghe công bố bản luận tội rồi đó. Thấy có đúng không?
Anh Cô:
- Thưa Tòa, sự việc đúng là như vậy. Nhưng tôi không giết con mình. Mà chính là Đoàn Trí Hưng đã giết. Nếu Đoàn Trí Hưng có lương tâm làm người, ra tay chữa trị, thì con tôi nay cũng đã 27 tuổi, có vợ con con rồi, Tôi cũng có cháu nội mà ẵm. (khóc nhỏ).
Triệu Mẫn mỉm cười:
- Bà chỉ được cái nói hay. Ta đây còn chưa có con nữa là. Vậy bà có nhận tội đã giết con không? Rõ ràng con bà chết là do bà dùng chủy thủ đâm vào tâm oa nó mà?
- Tôi nói rồi, tôi không giết con mình.
Triệu Mẫn tuyên bố:
- Bị cáo Anh Cô có phạm tội giết con hay không bổn tòa sẽ xét xử công minh. Bây giờ Tòa sẽ lần lượt xét hỏi từng nội dung.
(Hết phần 1):
Mời đón đọc tiếp phần 2.
-----------------
Bài liên quan:
- Anh Cô
- Chu Bá Thông
- Đoàn Trí Hưng
- Bàng hoàng chuyện Anh Cô (Lưu quý phi) giết con
- Tóm tắt Anh hùng xạ điêu
0 nhận xét: