Lý Nhược Đồng và Cổ Thiên Lạc trong vai Cô Long, Dương Quá   Kim Dung là một tác gia để lại nhiều tác phẩm võ hiệp trứ danh, khiến n...

Giải mã “Thần Điêu đại hiệp” của Kim Dung và nhân vật Dương Quá từ góc nhìn của một giáo sư người Việt


Lý Nhược Đồng và Cổ Thiên Lạc trong vai Cô Long, Dương Quá

Lý Nhược Đồng và Cổ Thiên Lạc trong vai Cô Long, Dương Quá
 Kim Dung là một tác gia để lại nhiều tác phẩm võ hiệp trứ danh, khiến nhiều người tới nay vẫn còn mê mẩn như Lộc Đỉnh Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ, và Thiên Long Bát Bộ… Một vị giáo sư người Việt tại Đại học Harvard đã phát hiện thấy các nhân vật trong tác phẩm của ông có sự tương đồng kỳ lạ với các quốc gia trong thời kỳ lịch sử chiến tranh lạnh.

Kim Dung được xem là người tạo ra mạch cảm hứng dồi dào cho các tác gia khác sau này là Ôn Thụy An, Cổ Long… So với các Tứ Đại Danh Bổ của Ôn Thụy An, hay Tiểu Lý Phi Đao của Cổ Long, các tác phẩm của Kim Dung có vẻ thần bí hơn cả, in đậm dấu ấn trong người đọc.
Cách đây vài chục năm, có một vị giáo sư ở miền Nam Việt Nam, sau này di cư sang Mỹ làm khảo cứu chính trị lịch sử tại Đại học Harvard, có viết một cuốn sách kỳ lạ mà ít người biết tới. Trong cuốn sách này, ông giải thích nhiều ẩn ý của Kim Dung trong các tiểu thuyết võ hiệp. Mặc dù chưa bao giờ có được sự thừa nhận từ phía Kim Dung, nhưng các nhân vật trong tác phẩm của ông có sự tương đồng kỳ lạ, theo tác giả là giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, với các quốc gia trong thời kỳ lịch sử chiến tranh lạnh.
Cuốn sách này có tên là “Các ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung” – của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Quý độc giả có thể tìm thấy trên mạng ấn bản do Thanh Phương Thư Quán phát hành.
Bài này, xin tạm nói qua về một nhân vật gây nức lòng là Dương Quá, cùng mối tình kỳ lạ sư-đồ với Tiểu Long Nữ.
Trước hết nhìn vào lai lịch của Dương Quá. Ông là kết quả của lần Dương Khang cưỡng hại Mục Niệm Từ. Tên của ông được Quách Tĩnh đặt cho, “quá” trong “hối quá”, là để hy vọng ông tránh đi các sai lầm của người cha. Từ nhỏ Dương Quá khí khái bất phàm, thông minh đĩnh ngộ, rõ ràng nếu được nuôi dạy tốt thì tương lai sẽ thành một trang hào kiệt. Sau này ông theo học phái Toàn Chân, nhưng vì bất mãn với sư phụ là Triệu Chí Kính mà bỏ vào phái Cổ Mộ, học võ với Cô Long. Dương Quá làm mê lòng nhiều cô gái, trong đó có Quách Phù – người thừa hưởng toàn bộ tính xấu của Hoàng Dung và Quách Tĩnh, cuồng yêu cuồng hận, yêu không toại ý thì thành ra hận, chém đứt một cánh tay phải của Dương Quá.
Tiểu Long Nữ từ nhỏ sống trong Cổ Mộ, vốn là một đứa trẻ mồ côi được chưởng môn đời thứ Ba nhận làm đệ tử. Từ nhỏ cách ly thế tục, không vướng bụi trần, không lụy tình cảm, nét mặt thánh khiết, không sầu không vui, nhưng cũng ngây thơ vô cùng. Luyện thành Ngọc Nữ Tâm Kinh, nhan sắc cứ luôn như ngọc nữ – chẳng bao giờ già. Nàng có khả năng điều khiển nàng ong mật sắc trắng. Sau này vì bị Âu Dương Phong nửa điên nửa tỉnh điểm huyệt làm bất động, mà Tiểu Long Nữ bị Doãn Chí Bình – một đạo sĩ thuộc Toàn Chân giáo che mặt nàng mà làm nhục. Tỉnh dậy tưởng là Dương Quá có tình cảm nên làm chuyện vợ chồng với mình, nàng muốn ngỏ ý cùng Dương Quá kết duyên, ai ngờ Dương Quá không hay biết gì. Nàng tức giận bỏ đi, Dương quá sau này nhận ra tình cảm nên đi theo tìm Tiểu Long Nữ. Mối tình Sư-Đồ này bị giới võ lâm kỳ thị, chỉ vì đơn giản hai người yêu nhau – lại chẳng ngại ngần bày tỏ tình cảm giữa chốn đông người, ở cái thời đó thì quả là lạ.
Có lẽ Kim Dung cổ súy tình yêu nam nữ, tự do luyến ái ngay từ lúc tác phẩm này ra đời, tức là vào năm 1959? Xin quý độc giả điềm điềm! Vậy chứ mà không phải vậy. Cái hay của Kim Dung là ở chỗ đó: thần bí thâm sâu.
Nhưng thần bí tới đâu thì cũng không qua nổi đôi mắt của một người Việt Nam – Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Hãy cùng nhìn lại cách phân tích của Giáo Sư Huy trong tác phẩm này.
Trong lúc Kim Dung tạo hình nhân vật qua các tác phẩm, thấy có nhiều sự ám chỉ xuất xứ của nhân vật trong thế giới thực tại. Ví như Bắc Cái – bang chủ cái bang từ phía Bắc, mà phía Bắc Trung Quốc là ở đâu? Là Liên Xô – vô sản với cái bang cũng như nhau cả. Hay nhìn về phía Đông Tà – Hoàng Dược Sư là Đảo Chủ đảo Đào Hoa. Phía Đông mà nhắc tới Đào Hoa thì ở đâu? Có lẽ là Nhật Bản. Hơn nữa, Nhật Bản cũng thường xuyên gửi người sang theo học văn hóa Trung Hoa qua các triều đại, tuy nhiên không được chân truyền, thành ra người Trung Quốc vẫn coi người theo Khổng – Nho ở Nhật Bản là Tà. Tức là Kim Dung, rất có thể cho rằng Trung Quốc vẫn là trung tâm của thiên hạ, ngay từ cái tên đã nói lên điều đó. Rõ ràng, lấy bối cảnh thế sự đương thời mà viết võ hiệp – rõ ràng Kim Dung có nguồn tư liệu cực kỳ phong phú cho các tác phẩm của mình. Quý độc giả có thể tìm sách của giáo sư Huy để đọc thêm về các nhân vật khác, bảo đảm là sẽ có nhiều cảm nhận bất ngờ – đặc biệt là đối với người yêu thích các tác phẩm của Kim Dung.
Tiểu Long Nữ mặc đồ trắng, sắc trắng là sắc Kim – mà theo ngũ hành thì Kim thuộc về phía Tây. Hơn nữa có một đặc điểm, theo giáo sư Huy, là cô có thể điều khiển được đàn ong tự sản xuất mật. Điều này có thể ám chỉ kỹ nghệ sản xuất tự động hóa của người Âu châu. Dương Quá, sau này theo học cả Âu Dương Phong, và Tây Độc, cuối cùng lại bầu bạn với một thần điêu – rõ ràng đây là ám chỉ về nước Mỹ. Biểu tượng của nước Mỹ là chim ưng. Chưa kể, Dương Quá và Tiểu Long Nữ khi yêu nhau thì cử chỉ không như người Trung Quốc – chính vì tác phẩm này quá nổi tiếng, nên nhiều người lầm tưởng Kim Dung cổ súy nam nữ tự do. Thực ra không phải vậy, chính vì có nguồn gốc di dân, nên cả người Âu Mỹ đều rất phóng túng chuyện tình cảm. Hơn nữa Âu châu từ xưa vẫn đề cao những giá trị hưởng thụ nhục dục, hơn là những giá trị tinh thần như người Á Đông. Điểm này có thể thấy rõ ràng qua việc Âu Dương Công Tử thu nạp nhiều mỹ nữ, lại hay đi chiếm đoạt con gái nhà lành. Góc nhìn của Kim Dung về văn hóa phương Tây là như vậy. Trong khi ở đảo Đào Hoa, Hoàng Dược Sư lại thu thập nhiều sách quý, tranh vẽ…
Có một chi tiết cũng thú vị nữa, đó là Dương Quá từng tuyên bố, coi trọng đàn bà hơn đàn ông. Ở điểm này cũng chính là nhắc tới vấn đề nam nữ bình quyền trong xã hội Âu châu lúc đó, mà rõ ràng hơn là xã hội Hoa Kỳ, thời kỳ giải phóng tình dục cuối thập niên 50. Tình yêu của Dương Quá – Tiểu Long Nữ phóng khoáng, không câu nệ,… ở điểm này là cách nhìn nhận của Kim Dung đối với người Âu Mỹ.
“Kiếm” đọc gần với “Kỹ” trong tiếng Hoa. Vậy có gì liên hệ giữa kiếm pháp Độc Cô Cầu Bại mà Dương Quá luyện được so với kỹ nghệ sản xuất của Hoa Kỳ. Thực ra, trong Đệ nhị Thế chiến, chính nhờ vào căn cứ sản xuất cực kỳ rộng lớn trên lãnh thổ bát ngát rộng chừng 10 triệu cây số vuông, có thêm các con sông lớn tỏa khắp lục địa phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa nội địa là Missisippi, Missouri… thành ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà Hoa Kỳ công nghiệp hóa cực kỳ nhanh. Độc Cô – cũng chính là nói tới thời điểm này, khi thiên hạ đại loạn, Hoa Kỳ một mình tách riêng khỏi hai khối đại lục Âu Á mà hàm dưỡng, phát triển… thành ra tới mức vô địch mà “Cầu Bại”.
Nhưng khác với thiên hạ đoán mò đoán non tại sao cho Dương Quá cụt tay, mà lại là tay phải. Âu châu là lục địa già cỗi, các vương triều đều dựa vào giới tăng lữ nhà thờ, hoặc giới quý tộc thượng lưu – hình thành khối thiên hữu – hay bảo thủ trong xã hội, để cai trị quốc gia. Cũng theo đó, xã hội Âu châu nhờ cách mạng công nghiệp do giới trí thức và các nhà tư bản thuộc khối cánh hữu khởi xướng, mà nền kỹ nghệ phát triển cực mạnh. Tuy nhiên giai cấp công nhân, được dẫn đầu bởi những người khuynh tả, nên tập hợp lại thành một lực lượng khả dĩ đương đầu được với cánh hữu. Nên các cuộc cách mạng xã hội, vô sản trong lịch sử Âu châu đều thuộc phe cánh tả khởi xướng. Nhưng truyền thống hữu khuynh lâu đời vẫn tồn tại, và là nền móng vững chắc cho các nền cộng hòa và quân chủ Âu châu tồn tại. Tổng hòa các đặc điểm này, Tiểu Long Nữ thuộc phái Cổ Mộ, lại còn nguyên vẹn cả hai “tay”, cùng bầy ong “tự động hóa”.
Ngược lại, Hoa Kỳ không có lực lượng cánh hữu như vậy kể từ khi lập quốc. Các thượng phụ Hoa Kỳ vốn không hề có xuất thân cánh hữu, họ là những người di dân, đi khai phá đồn điền, thu mua nô lệ, sau này nhờ vào thành tựu khoa học từ Âu châu, và khoảng thời gian yên bình lục địa không bị tấn công mà phát triển được lực lượng sản xuất công nghiệp hùng hậu. Các công nhân ở xứ này cũng tạo ra nhiều nghiệp đoàn tự bảo vệ nhau, tránh khỏi sự áp bức từ giới chủ. Thành ra Dương Quá cụt tay phải là có dụng ý này. Sẽ rất khiên cưỡng nếu Dương Quá cụt tay trái như cách các nhà làm phim hiện nay tái hiện.
Bản tính Dương Quá thông minh, ngang tàng, lạnh lùng, nhưng yêu đương thì hết mình, lại nhiều khi thích can thiệp chuyện thiên hạ… Cũng tương tự như cách người Mỹ can thiệp vào tái lập trật tự thế giới sau Đệ nhị Thế chiến, việc gầy dựng đồng minh ở Á châu. Tuy nhiên, các diễn biến chính trị sau này ở Á châu được Kim Dung nhìn nhận lại, và đưa vào trong các tác phẩm của mình như Lộc Đỉnh Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Thiên Long Bát Bộ…
Chuyện trà dư tửu hậu là như vậy, mua vui bên tách cà phê cuối tuần. Nếu còn thắc mắc, xin quý độc giả đừng ngần ngại mà tìm đọc sách của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy – Các Ẩn Số Chính Trị Trong Tiểu Thuyết Của Kim Dung.
Hồng An
Bài viết thể hiện quan điểm của chính tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đại Kỷ Nguyên Thời báo

0 nhận xét: