Trân Lung kỳ trận là một thế cờ vây, được nhắc tới trong tiểu thuyết kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung.  Lai lịch thế cờ Trân...

Trân Lung kỳ trận

Trân Lung kỳ trận là một thế cờ vây, được nhắc tới trong tiểu thuyết kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung. 


Lai lịch thế cờ Trân Lung do chưởng môn nhân phái Tiêu Dao là Vô Nhai tử sáng tác ra và truyền lại cho đại đồ đệ là Lung Á lão nhân Thông Biện tiên sinh Tô Tinh Hà. Trân Lung tức là nạn đề của môn cờ vây. Đó là cờ thế do người ta cố ý bày chứ không phải do hai người đánh cờ mà thành, do đó hoặc sinh, hoặc kiếp nước nào cũng thật khó mà đoán được. Những thế Trân Lung tầm thường, ít thì mươi quân, nhiều có khi lên đến bốn năm chục quân, thế nhưng bàn cờ này có đến hơn hai trăm, gần như kín cả bàn cờ rồi. "... Trên bàn cờ trong kiếp có kiếp, lại có cộng hoạt, lại thêm trường sinh, hoặc phản phác, hoặc thu khí, tụm năm tụm ba mỗi chỗ một nhóm thật là phức tạp..."

Thế cờ Trân Lung xuất hiện trong Thiên Long bát bộ khi mà Lung Á lão nhân Tô Tinh Hà phát thiệp mời các anh hùng hào kiệt, tuổi trẻ tài cao đến phá giải. Tuy nhiên, mục đích chính của việc phá giải thế cờ này lại hệ trong hơn nhiều. Chẳng là sư phụ ông, chưởng môn phái Tiêu Dao là một cao nhân kỳ tài đương đại, không những võ công cao thâm mà cầm kỳ thi họa không gì không giỏi, chẳng may bị phản đồ Đinh Xuân Thu mưu hại đến mức tàn phế. Lão muốn tìm một người trẻ tuổi, anh tuấn, để truyền lại một thân công phu tuyệt thế để thay lão đi giết Đinh Xuân Thu. Vì vậy, thế cờ Trân Lung – một siêu phẩm do lão kỳ công 3 năm bày ra – được sử dụng để tuyển chọn cao đồ. Một là lão thân hình tàn phế, hai là phải trốn tránh Đinh Xuân Thu nên từ việc phát thiệp mời, đến việc ứng cờ tỉ thí đều do Tô Tinh Hà đảm nhiệm.

Những người phá giải

Đoàn Dự - Thế tử nước Đại Lý : Đi được 10 nước thì xin thua.

Phạm Bách Linh – Đồ đệ của Tô Tinh Hà (đã bị đuổi khỏi sư môn) : Chỉ nhìn qua chưa kịp hạ quân thì tâm thần đại loạn, hộc máu tại đương trường.

Mộ Dung Phục – Chủ nhân Yến Tử Ổ, Giang Nam, được ví là rồng phượng trong loài người : Đi một vài nước rất cao minh, tuy nhiên bị Cưu Ma Trí dẫn dụ vào bến mê, tẩu hỏa nhập ma, suýt mất mạng.

Cưu Ma Trí – Quốc sư nước Thổ Phồn: Không phá giải mà chỉ ứng cờ với Mộ Dung Phục, một mặt y muốn chứng tỏ thế cờ này chỉ là trò đùa đặt ra để hại người.

Đoàn Diên Khánh – Thủ lãnh Nhất Phẩm đường Tây Hạ, đứng đầu Tứ đại ác nhân: Đi được hơn hai mươi nước cực kỳ cao minh. 10 nước đầu lão đi theo con đường chính, 10 nước sau lại đi theo đường tà, càng lúc càng lấn sâu, không cách gì vãn hồi được. Sau bị Đinh Xuân Thu dùng miên thuật dẫn dụ, suýt nữa mất mạng.

Hư Trúc – Nhà sư đời thứ 3 trong chùa Thiếu Lâm, lần đầu tiên xuất sơn : Không có mục đích phá giải kỳ trận, chỉ là muốn cứu người nên đặt bừa một quân, sau bị Tô Tinh Hà bắt phải đánh tiếp vì lão cho là y phá phách kỳ trận, khinh khi tiên sư lão.

Huyền cơ:

Bàn cờ Trân Lung này biến chuyển hàng trăm lối, tùy theo người mà thành, kẻ tham tài thì vì tiền bạc mà thất cơ, kẻ nóng tính thì vì sân hận mà hỏng việc. Đoàn Dự thất bại vì ái tâm quá nặng, không dám bỏ quân; Mộ Dung Phục thua, chỉ vì chấp trước quyền uy, tuy dám thí quân nhưng không chịu thất thế. Còn Đoàn Diên Khánh thì mối hận to lớn nhất trên đời là sau khi tàn phế, đã bỏ võ công chính tông của bản môn, chuyển sang tập luyện bàng môn tà thuật, đến lúc toàn tâm toàn ý tập trung vào đó thì ngoại ma xâm nhập, để đến tâm thần hoang mang không còn tự chế được nữa.”

Phá giải

Sau khi các cao thủ vi kỳ như Đoàn Dự, Phạm Bách Linh, Mộ Dung Phục, Đoàn Diên Khánh thất bại, Đoàn Diên Khánh bị tẩu hỏa nhập ma, rút trượng đâm vào ngực tự vẫn, Hư Trúc muốn cứu người nên đặt bừa một quân để làm choàng tỉnh tâm thần Đoàn Diên Khánh, ngăn không cho lão tự tử nữa. Không ngờ một cái đặt bừa ấy tuy là đã giết chết mấy chục quân bên mình nhưng lại tạo ra một thế trận sáng sủa hơn, có đường tiến đường lùi, không bị gò ép như trước. Đây chính là yếu điểm của Trân Lung kỳ trận.

Cục diện lúc đó như sau:

"Thì ra khi y nhắm mắt để đại xuống một quân, sao lại trúng ngay một đám quân trắng đang bị quân đen bao vây không còn hở chỗ nào lọt ra được. Đám quân trắng đó vốn dĩ còn một nước nữa, quân đen lúc nào đặt xuống cũng ăn sạch, nhưng nếu như đối phương không rảnh rỗi để hạ kỳ thì cũng còn có đường sống, mà bên trắng cố gắng vùng vẫy cũng chỉ ở một nước đó mà thôi. Thế nhưng lúc này y lại đem quân mình ăn quân mình, trong phép chơi cờ chưa từng có ai đi lối tự sát như thế. Quân trắng chết rồi, phe mình coi như tan rã. 

Ngờ đâu sau khi y nhắm mắt đặt một quân giết của mình một khối lớn rồi, cục diện lại thấy thông tỏ hơn, bên quân đen tuy có lợi lớn nhưng quân trắng lúc này cũng còn có cơ chống đỡ, không phải như trước bó chân bó tay, được chỗ nọ mất chỗ kia. 

Đoàn Diên Khánh nắm ngay được cái bí ảo của bàn cờ Trân Lung này. Đó là bên trắng phải tự giết một số quân của mình trước, sau đó những chỗ kỳ diệu mới liên tục sinh ra. Trong phép đánh cờ có những nước phản phác, đảo thoát ngoa, tự mình cố ý đi vào chỗ chết để nhử cho đối phương ăn quân, sau đó sẽ lật ngược thế cờ nhưng có chết nhiều lắm cũng chỉ tám chín quân, chứ đời nào lại nhường đến mấy chục quân bao giờ. Phép “tự mình giết mình” quả là trong môn cờ vây nghìn năm chưa ai thấy, dù cho loại cao thủ đến mức thần thánh cũng không ai dám nghĩ đến một nước cờ như vậy" 

Sau khi đi bừa một quân, cục điện đại khác, Hư Trúc được Đoàn Diên Khánh dùng Phúc Tâm thuật chỉ điểm, cuối cùng phá được Trân Lung kỳ trận.

Ý nghĩa

Trân Lung kỳ trận là điểm bắt đầu cho một loạt những kỳ duyên mà nhà sư Hư Trúc của chùa Thiếu Lâm gặp phải. Cũng từ đây, Hư Trúc bước vào vòng xoáy của cuộc đời, nó khác xa với những gì y được thấy, được học trong suốt 24 năm nơi chùa Thiếu Lâm.

Ở Đài Loan, có một tổ chức đã công bố giải thưởng 50000 đô la cho người nào bày được thế cờ Trân Lung như Kim Dung mô tả trong truyện. Tuy nhiên sau nhiều năm, không có kết quả. Các bậc cao thủ vi kỳ cũng đã chứng minh thực tế không thể có một thế cờ như vậy.

--------------------

Bài liên quan:

Tóm tắt Thiên Long bát bộ

0 nhận xét: