(Vietkiemhiep) - Đạo Phật chủ trương thập loại chúng sinh đều bình đẳng trước Phật pháp, nên luôn luôn mở rộng cửa cho mọi người. Chúng sinh vô lượng, căn cơ vô lượng nên phải có vô vàn con đường dẫn đến cửa thiền. Chư pháp, do đó, không thể có hình tướng nhất định mà chư Phật cứ tùy theo căn cơ để hóa độ chúng sinh.
Không ít người, do không hiểu được những yếu tố sơ đẳng trong Phật học, cho rằng đạo Phật chỉ đưa con người đến chỗ bế tắc (!). Họ quên rằng có quá nhiều kẻ trốn vào thiền môn chỉ vì một lý do đơn giản là bị bế tắc khi đối diện với cõi thế. Bế tắc trong tư tưởng, trong tình cảm, thậm chí trong cơm áo. Thuở đức Phật còn tại thế, ngài đã từng cảnh báo có những kẻ quy y theo Phật chỉ để kiếm cơm! Thuở đó còn vậy, huống gì đến thời mạt pháp. Đối với những kẻ bế tắc đó thì Phật pháp, dù có quãng đại và nhiệm mầu đến mấy, cũng chỉ là một loại “cần câu cơm” giúp họ tạm thời làm ổn định những cơn quậy phá của cái bao tử rỗng, hoặc một loại “si rô an thần” giúp họ làm dịu đi những cơn khủng hoảng thần kinh!
Hàng mấy ngàn năm qua, tinh thần bao dung của Phật giáo luôn mở rộng vòng tay để đón nhận bao nhiêu bậc lợi căn pháp khí, xả thân cầu pháp thì đồng thời cũng đón nhận không ít rác bẩn bay theo làm ô uế chốn thiền môn.
Trong tác phẩm Kim Dung, bên cạnh môn phái Thiếu Lâm được xem như biểu tượng cho cái nôi võ học Trung nguyên và võ học Phật môn, còn có các môn phái của ni cô như Nga Mi, Hằng Sơn; hay phái Lạt Ma Tây Tạng hoặc Huyết Đao môn. Và trong những môn phái thờ Phật đó cũng có đủ dạng chúng sinh, đủ loại môn đồ. Bên cạnh những cao tăng đắc đạo, cũng không thiếu những người muốn chạy trốn cõi nhân sinh hay những kẻ lưu manh thủ đoạn, vào cửa chùa để lợi dụng tấm áo cà sa. Có người đến với cửa Thiền vì khát khao tìm cầu diệu pháp trong cõi thanh tĩnh Như Lai, cho nên ta có những bậc giác ngộ như Độ Nạn, Độ Kiếp, Độ Ách, hay những vị cao tăng xả thân vì đời như Không Kiến, bao dung như Phương Sinh, Phương Chứng, khoáng đạt như Vô Sắc, từ hòa như Định Nhàn, thần thông như vị vô danh tăng trong Tàng kinh các. Có kẻ đại trí đại dũng do “buông đao mà thành Phật” vì cơ duyên chín mùi để họ ngộ ra điều nhiệm mầu trong hai chữ “sắc không” mà quy y của Phật, như Tiêu Viễn Sơn, Mộ Dung Bác, Tạ Tốn.
Có kẻ tìm đến cửa chùa chỉ vì muốn lợi dụng cửa Thiền để thực hiện những thủ đoạn thâm độc như Viên Chân. Có kẻ gian hùng tìm đến cửa chùa để tạm trốn lánh qua những ngày đói rét, và theo đuổi giấc mơ trục lộc như Chu Nguyên Chương. Có kẻ tìm đến chùa để chạy trốn quá khứ như Mục Niệm Từ. Có kẻ tìm đến cửa chùa chỉ vì muốn cưới ni cô (!) như Bất Giới hòa thượng. Có kẻ “bị đi tu” như Điền Bá Quang. Có người từ tấm bé do hoàn cảnh đưa đến với cửa Phật, nên đành phải âm thầm chấp nhận tấm áo nâu sòng mà gạt lệ làm ngơ trước cõi đời xuân sắc, như Nghi Lâm và Viên Tính.
Do có hàng ngàn lý do đưa đẩy con người đi tu, cho nên chốn cửa Phật cũng có vô vàn nhân cách. Có kẻ làm bậc quốc sư của một nước, hằng năm vào Đại tuyết sơn để đăng đàn thuyết pháp, nhưng tâm lại đắm chìm trong cõi tham sân si một cách bệnh hoạn như Cưu Ma Trí. Bên cạnh những bậc đại trí đại bi cũng có những đại sư gàn dỡ như Giác Viễn, ngớ ngẩn như Hối Thông, hậu đậu như Hư Trúc, hồ đồ như Viên Âm, ác độc như Hỏa Công đầu đà, dâm đãng như đám thầy trò Huyết đao môn, cố chấp như các đại sư Đạt ma đường. Nhưng có lẽ chỉ có một con người quái dị đến với của thiền bằng cả tấm lòng thành nhưng sát tâm còn nặng hơn cả những ma đầu ngoài đời : đó là Diệt Tuyệt sư thái.
Tôi không rõ Kim Dung, khi xây dựng nhân vật Diệt Tuyệt sư thái, có dựa vào một nguyên mẫu nào ngoài đời hay không. Nếu có thì đó quả là thảm họa cho Phật giáo.
Diệt Tuyệt sư thái là chưởng môn đời thứ ba của phái Nga My. Chỉ vì người yêu là Cô Hồng Tử chết về tay Dương Tiêu mà bà đem cả lòng phẫn hận đổ hết lên giáo đồ Minh giáo. Đối với giáo đồ Minh giáo, bà chỉ có một lập trường duy nhất là phải giết sạch. Diệt Tuyệt. Bà sáng tạo hai pho kiếm pháp “Diệt kiếm” và “Tuyệt kiếm” để thực hiện ý đồ của mình. Cái sát tâm kinh dị đó hoàn toàn đi ngược lại nền đạo lý thông thường, chứ chưa nói đến việc làm tổn thương một tôn giáo lấy từ bi làm gốc như Phật giáo. Nếu kinh điển chép rằng đức Phật, qua vô số những tiền thân, từng hân hoan xả thân để cứu độ con người hay cứu những sinh vật bé nhỏ theo tinh thần Bố thí Ba la mật, thì môn đồ ngài là Diệt Tuyệt sư thái lại có thể ung dung giết sạch những người mà bà tự xem là phe đối nghịch. Cảnh tượng một ni cô cầm Ỷ Thiên kiếm lạnh lùng chém những giáo đồ Minh giáo giữa sa mạc mà không một chút băn khoăn, khi những người này không còn khả năng chống cự và thản nhiên ngồi tụng kinh siêu độ nói về cõi thế vô thường, cảnh tượng đó nói lên được toàn bộ sự bất lực của bạo lực trước đức tin. Là môn đồ cửa Phật, lẽ ra chính Diệt Tuyệt sư thái phải hiểu được điều đó hơn ai hết. Nhưng bà vẫn làm điều đó có lẽ vì tự trong thâm tâm bà hiểu rằng bà chỉ tiêu diệt “tà ma ngoại đạo” trên danh nghĩa, nhưng thực ra là để báo thù riêng. Thậm chí bà còn biến mối tư thù của mình thành tôn chỉ cho môn đệ. Thân nương nhờ cửa Phật mà tâm chỉ toan tính chuyện báo thù, đó quả là điều gây kinh hãi suốt cổ kim.
Khi bà biết Kỷ Hiểu Phù đã có con với Dương Tiêu, bà vẫn không ngần ngại bỏ qua tất cả để truyền chức chưởng môn cho Kỷ Hiểu Phù, và chỉ yêu cầu một điều là nàng phải tìm cách giết Dương Tiêu. Buộc đồ đệ giết chồng để được truyền y bát, vị sư thái kia đã hành xử bá đạo hơn cả những kẻ đại ma đầu, nhưng bà vẫn ngang nhiên giương cao lá cờ “tiêu diệt tà ma”. Khi tâm con người đã bám sâu vào định kiến thì họ vẫn thường có những sự cố chấp kỳ lạ đến mức ngu xuẩn. Khi Kỷ Hiểu Phù, vì tiếng nói chân chính của con tim, lắc đầu từ chối thì bà thản nhiên vung chưởng đập vỡ sọ môn đồ. Bà vì muốn Nga My hiển danh trên chốn giang hồ mà không từ bỏ bất kỳ một thủ đoạn nào. Khi bị giam cầm tại chùa Vạn An, bà truyền chức chưởng môn đời thứ tư cho Chu Chỉ Nhược chỉ để Chu Chỉ Nhược sẽ tiếp tục ý định của mình. Ngôi chưởng môn tôn quý từ khi sư tổ Quách Tường sáng lập, đến tay Diệt Tuyệt sư thái đã biến thành miếng mối đem ra để nhử môn đồ. Bà là người duy nhất biết được bí ẩn trong thanh đao Đố long và thanh kiếm Ỷ thiên, nên căn dặn Chu Chỉ Nhược bằng mọi cách phải chiếm đoạt cho được. Bà biết giữa Trương Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược có mối tình thanh mai trúc mã nên đề nghị Chu Chỉ Nhược nếu cần thì dùng “mỹ nhân kế” dụ dỗ Trương Vô Kỵ để chiếm được đao Đồ long. Bà mong muốn Chu Chỉ Nhược, sau khi học được hai bí cấp võ công trong đao lẫn kiếm, sẽ trở nên nhân vật vô địch trong thiên hạ, và do đó Nga My sẽ là Thái sơn Bắc đẩu của võ lâm.
Dùng thủ đoạn “mỹ nhân kế” đã là hạ sách, mà đối với môn đệ Nga My thì việc đó lại càng hạ lưu thô bỉ, nhưng người đọc cũng có thể tạm cảm thông với bà, xem như đó là chuyện quyền biến tạm thời để thực hiện tâm nguyện muốn hoằng dương môn phái của một vị chưởng môn. Điều kinh khủng nhất là bà bắt Chu Chỉ Nhược phải thế độc với bà là nếu nàng lấy Trương Vô Kỵ thì cha mẹ chết dưới mồ sẽ không được yên, bà sẽ biến thành quỷ ám ảnh suốt đời, nếu nàng sinh con trai thì con trai sẽ làm tôi tớ, sinh con gái thì con gái sẽ làm đĩ chốn thanh lâu. Lòng thù hận thâm độc một cách quái dị và tàn nhẫn một cách bệnh hoạn đến vậy, có lẽ cả đức Phật cũng phải không rét mà run!
Khi Trương Vô Kỵ dùng thần công Càn khôn đại na di cứu mọi người nhảy ra khỏi tháp lửa thì bà là người duy nhất chịu chết để khỏi mang ơn tên “tiểu dâm tặc ma giáo“ đó. Sự căm thù vô lý của bà khiến người đọc cũng khó lòng hiểu được bà nhận ra điểm xấu gì ở Trương Vô Kỵ. Có lẽ bà căm thù Trương Vô Kỵ chỉ vì anh ta là giáo chủ Minh giáo. Dưới mắt bà, giáo đồ phe Minh giáo đã toàn một loại xấu xa dâm đãng, huống gì giáo chủ còn sa đọa ghê tởm đến độ nào? Kết cục của chúng chỉ đáng kết thúc dưới thanh kiếm Ỷ Thiên của bà mà thôi. Đó có thể là lý do, nhưng chắc trong gì trong thâm tâm bà lại không ganh tỵ với thân phận của Trương Vô Kỵ và phe Minh giáo, mà theo bà lẽ ra là của Chu Chỉ Nhược với phái Nga My?
Là kẻ tu hành đứng đầu một môn phái lớn như Nga My, lẽ ra Diệt Tuyệt sư thái phải có được những sở đắc nhất định về Phật pháp để hiểu rằng chữ “ma” trong đạo Phật chỉ là khái niệm “ma chướng” che mờ Phật tính và ngăn cản con đường tu đạo, chứ nào phải là con người hay giáo phái cụ thể bị gán cho cái nhãn hiệu “tà ma”! Chính cái sát tâm bệnh hoạn của Diệt Tuyệt sư thái mới thực là cái “tà ma” cần diệt tuyệt. Kinh Niết Bàn chủ trương đến cả hạng người chuyên phỉ báng Phật pháp như Nhất xiển đề vẫn có thể thành Phật, thì những người phe Minh giáo bị cho là “tà ma ngoại đạo” đó há chẳng phải là những hạt giống của Như Lai? Với một tôn giáo lấy từ bi làm gốc như Phật giáo thì làm gì có khái niệm “tà ma ngoại đạo”, theo cách hiểu của Diệt Tuyệt sư thái, ở một CON NGƯỜI? Tiêu diệt “tà ma ngoại đạo“ thường bị lẫn lộn với việc tiêu diệt những con người cụ thể bị dán nhãn hiệu “tà ma ngoại đạo“. Chúng ta luôn bị lẫn lộn trong khái niệm và sự ngộ nhận đó đã gây ra biết bao thảm kịch trong suốt dòng lịch sử của nhân loại.
Chư Phật dùng vô lượng phương tiện thiện xảo để hiện ra vô lượng hóa thân, tùy căn cơ mà hóa độ vô lượng chúng sinh trong khắp tam thiên đại thiên thế giới. Phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa, bảo:
”Người đáng dùng thân Duyên giác để độ giải thoát, liền hiện thân Duyên giác vì người đó mà thuyết pháp….
”Người đáng dùng thân cư sĩ để độ giải thoát, liền hiện thân cư sĩ vì người đó mà thuyết pháp….
”Người đáng dùng thân tỳ khưu ni để độ giải thoát, liền hiện thân tỳ khưu ni vì người đó mà thuyết pháp. …”
Nếu đức Phật xâm nhập vào chốn giang hồ thì, để hóa độ các nhân vật võ lâm, ắt hẳn ngài cũng sẽ có vô lượng hiện thân mà tùy nghi thuyết pháp. Với Lệnh Hồ Xung sẽ hiện thân lãng tử, với Tã Lãnh Thiền sẽ hiện thân Đại lực sĩ, với Hoàng Dược Sư sẽ hiện thân trưởng giả, với Nghi Lâm sẽ hiện thân đồng nữ, với Cưu Ma Trí sẽ hiện thân Năng đoạn kim cương Bồ Tát, với Tạ Tốn, Tiêu Viễn Sơn hay Mộ Dung Bác sẽ hiện thân Đại Tuệ Bồ Tát … Nhưng không hiểu đối với loại ni cô quái dị như Diệt Tuyệt sư thái, muốn thuyết pháp hóa độ thì đức Phật sẽ hiện thân gì?
-------------------------------
Bài liên quan:
- Tóm tắt Ỷ thiên đồ long ký
- Triệu Minh và Chỉ Nhược: Bản lĩnh đàn bà
- Triệu Mẫn có xứng đáng hơn Chu Chỉ Nhược trong tình yêu?
- Viết về Triệu Mẫn
- Khổ nhục kế trong Ỷ Thiên Đồ Long ký
- Chu Chỉ Nhược đáng thương hơn đáng giận
- Nỗi lòng Chu Chỉ Nhược (thơ)
- Nước mắt giai nhân
- Gửi chàng Trương Vô Kỵ của riêng em!!
- Bi kịch Tạ Tốn
- Cuộc đời sóng gió của Kim mao sư vương Tạ Tốn
- Dương Tiêu – Kỷ Hiểu Phù: mối tình không hối tiếc
0 nhận xét: