Tác phẩm võ hiệp của Kim Dung chính thức có mặt trong văn hóa đọc tiểu thuyết của người Sài Gòn từ năm 1963. Sau một thời gian bị xem là “vă...

Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đến với bạn đọc VN như thế nào?

Tác phẩm võ hiệp của Kim Dung chính thức có mặt trong văn hóa đọc tiểu thuyết của người Sài Gòn từ năm 1963. Sau một thời gian bị xem là “văn hóa độc hại đồi trụy”, từ năm 1999, nhiều tác phẩm của Kim Dung được ông đồng ý chuyển nhượng tác quyền, dịch ra tiếng Việt
TÁC PHẨM KIM DUNG TẠI VIỆT NAM

Dịch giả đưa Kim Dung lên cơn sốt tại Việt Nam được ghi nhận là Tiền Phong Từ Khánh Phụng với bản Cô gái Đồ Long (dịch Ỷ thiên Đồ long ký), đăng trên báo Đồng Nai năm 1961. Thực ra trước đó, đã có một số bản dịch như Bích huyết kiếm của Từ Khánh Phụng (báo Đồng Nai), Anh hùng xạ điêu của Đồ Mập (báo Dân Việt), Thần điêu đại hiệp (Thần điêu hiệp lữ) của Vũ Tài Lục và Hải Âu Tử (báo Mới). Tuy nhiên, truyện kiếm hiệp vẫn được xem là thứ giải trí rẻ tiền. Bản dịch Cô gái Đồ Long mới tạo nên cơn sốt truyện Kim Dung trong các tầng lớp độc giả từ bình dân đến trí thức. Một số nhà văn nhà báo lấy bút danh theo tên nhân vật trong truyện Kim Dung như Hư Trúc, Kiều Phong... Nhiều nhà văn nổi tiếng tham gia bình luận Kim Dung như Bùi Giáng, Bửu Ý, công phu nhất là Đỗ Long Vân với loạt bài Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung.

Dịch giả truyện Kim Dung tài hoa nhất là Hàn Giang Nhạn với các bản dịch Tiếu ngạo giang hồ, Lộc Đỉnh ký... câu văn thanh thoát tự nhiên, sinh động.

Sau 1975, các tác phẩm của Kim Dung bị nhà nước Việt Nam liệt vào danh sách cấm cùng với các tác gia kiếm hiệp khác như Cổ Long, Trần Thanh Vân... với lý do "văn hóa đồi trụy phản động". Tuy nhiên, các bản sách cũ vẫn được lén lút lưu giữ và được nhiều người truyền tay đọc. Đầu thập niên 1990, với chủ trương Đổi mới, chính quyền Việt Nam giảm bớt sự cấm đoán gắt gao với văn hóa văn nghệ. Một số phim và sách võ hiệp cũ được phát hành lại. Để dễ xin phép xuất bản, thoạt tiên sách không ghi đúng tên tác giả mà lấy các bút danh khác như Nhất Giang, về sau mới ghi đúng tên Kim Dung, Cổ Long. Nhà xuất bản Quảng Ngãi đã tích cực phát hành lại sách võ hiệp cũ. Thêm vào đó, sự phát triển của Internet giúp các bản dịch cũ lưu truyền rộng rãi, ban đầu dưới dạng scan từng trang sách, sau đó là dạng văn bản do những người hâm mộ gõ lại. Sau 1975, nhà văn Vũ Đức Sao Biển là người đầu tiên viết khảo luận về Kim Dung, các bài của ông đăng trên tập san Kiến thức ngày nay, sau in thành bộ Kim Dung giữa đời tôi (4 quyển).

Công ty Văn hóa Phương Nam là công ty đầu tiên mua bản quyền dịch tác phẩm võ hiệp của Kim Dung. Từ năm 1999, Phương Nam đã mua được bản quyền dịch tác phẩm của Kim Dung, thông qua thương lượng trực tiếp với nhà văn. Từ năm 2001, toàn bộ tác phẩm võ hiệp của Kim Dung lần lượt được dịch lại và phát hành ở Việt Nam theo các bản hiệu đính mới nhất. Các dịch giả gồm có Cao Tự Thanh, Vũ Đức Sao Biển, Lê Khánh Trường, Đông Hải, Hoàng Ngọc (Huỳnh Ngọc Chiến).

Trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, dịch giả Nguyễn Duy Chính được xem là người có các bản dịch với chất lượng dịch tốt, điển hình như các bản dịch Thiên long bát bộ và Ỷ thiên Đồ long ký (lưu truyền trên Internet). Nguyễn Duy Chính cũng viết một số khảo luận về các yếu tố văn hóa Trung Hoa trong tác phẩm của Kim Dung.
Khi chưa có tác phẩm Kim Dung, bạn đọc miền Nam khoảng những năm 1960 về trước từng đọc các tác phẩm mà nhiều nhà xuất bản (NXB) ở Sài Gòn gọi là “võ hiệp kỳ tình Trung Hoa”. Chúng được giới thiệu là dịch từ văn chương Trung Quốc nhưng tác giả nguyên bản không thấy nêu rõ. Cốt truyện đơn giản, mỗi cuốn chỉ dài khoảng 400 trang in, thường kết thúc theo mô thức chính nghĩa thắng gian tà, kẻ làm ác bị trừng phạt. Chừng mực nào đó, chủ đề này bị xem là đơn điệu.
“Phi Kim Dung, bất khả mại báo”
Năm 1963, một NXB ở Sài Gòn cho in 2 tập Độc bá quần hùng của dịch giả Tam Khôi, đề nguyên tác của Kim Dung. Độc bá quần hùng chính là đoản thiên Bạch mã khiếu tây phong. Cũng năm này, Tam Khôi dịch bộ Phi hồ ngoại truyện lấy tựa Việt Tiểu anh hùng Hồ Phỉ, rồi qua năm 1964 dịch bộ Tuyết sơn phi hồ lấy tựa Việt Lãnh nguyệt bảo đao.
Tác phẩm võ hiệp Kim Dung chính thức có mặt trong văn hóa đọc tiểu thuyết của người Sài Gòn từ năm 1963. Sau đó, chúng được các tiệm cho thuê sách mua về để độc giả thuê đọc.
Tôi đọc được Bạch mã khiếu tây phong của Kim Dung, bản tiếng Việt năm 1963, khi còn học đệ tam (lớp 10 bây giờ) tại Hội An. Tác phẩm hấp dẫn tôi ngay từ chương 1, đọc xong rồi chỉ muốn xem tiếp chương 2. Cha tôi thấy con say mê đọc sách bỏ cơm, tò mò cầm lên coi thử. Rồi ông say mê còn hơn tôi, nhận xét sách này đọc “đã” hơn nhiều thứ mà ông đã xem như: Tam quốc chí, Vạn huê lầu…
Nhà văn Kim Dung Ảnh: INTERNET
Năm 1964, NXB Đường Sáng ở Sài Gòn cho in bộ Cô gái đồ long (tức Ỷ thiên đồ long ký) của Kim Dung, bản dịch của 2 ông Từ Khánh Phụng - Từ Khánh Vân. Bộ sách gồm 14 quyển, mỗi quyển khoảng 400 trang. Văn chương của 2 dịch giả này rất trong sáng, tác phẩm lại có những tình huống đột biến lạ lùng khiến nhiều trí thức, sinh viên, học sinh say mê đọc và bàn tán.
Người ta ngồi vào bàn cà phê là nói chuyện… Cô gái đồ long. Bọn trẻ con chẳng biết gì nhưng cũng ê a hát bài đồng dao: Có cô gái đồ long lắc bầu cua/ Lắc một cái ra 2 con gà mái. Nhiều thầy dạy trung học của chúng tôi cũng ảnh hưởng nặng nề Cô gái đồ long, hay mắng học trò: “Trả lời không được, thầy chưởng cho một phát bây giờ”!
Năm 1965, Sài Gòn xuất hiện một dịch giả cự phách, lấy bút danh Hàn Giang Nhạn và Thứ Lang. Ông tên thật là Bùi Xuân Trang, SN 1909 tại Thái Bình, là giáo sư trung học Trần Lục, giỏi Hán văn, chuyên dịch sách cho Nha Tu thư Bộ Giáo dục (cũ). Ông mua tờ Minh báo Hồng Kông và dịch feuilleton (truyện đăng báo nhiều kỳ) bộ Tiếu ngạo giang hồ cho các nhật báo ở Sài Gòn. Sài Gòn lúc ấy có khoảng 40 tờ nhật báo thì 12 tờ đã mua bản dịch của Hàn Giang Nhạn.
Có thể nói, nhật báo ở Sài Gòn thời ấy sống được là nhờ tiểu thuyết Kim Dung và dịch giả Hàn Giang Nhạn. Tháng 9, tháng 10 trời bão, máy bay Hồng Kông không qua được nên không có… Tiếu ngạo giang hồ. Báo phải cáo lỗi, tạm gác một kỳ Tiếu ngạo giang hồ. Tờ báo đăng cáo lỗi ấy đành phải chịu ế, bởi người ta chỉ say mê đọc Tiếu ngạo giang hồ - cái đó kêu bằng “Phi Kim Dung, bất khả mại báo”!
Kim Dung feuilleton - Kim Dung văn học
Năm 1967-1968, Hàn Giang Nhạn dịch feuilleton Lộc đỉnh ký cho các báo. Dịch đến đâu, Hàn Giang Nhạn bán tác quyền cho 2 NXB Tân Thế Kỷ và Đường Sáng đến đó. Các NXB cứ vậy mà in ra sách.
Sau này, khi dịch lại Tiếu ngạo giang hồ, tôi so sánh với các bản dịch cũ của Hàn Giang Nhạn. Thì ra, Kim Dung viết quá nhanh để kịp đăng báo nên có nhiều tình huống rất sơ hở, bản dịch Việt ngữ theo đó cũng đầy sạn. Tuy vậy, bạn đọc vẫn rất say mê tiểu thuyết Kim Dung, dù mới chỉ là một Kim Dung feuilleton trên báo.
Sau khi đất nước thống nhất, phong trào bài trừ văn hóa độc hại đồi trụy cũng đồng thời bài trừ luôn các tác phẩm Kim Dung. Khoảng năm 1987, một NXB ở miền Trung lén cho in lại Tiếu ngạo giang hồ và Lộc đỉnh ký với kỹ thuật in lụa, cắt xén nội dung tùy tiện nên người đọc chẳng hiểu gì.
Năm 1994, tôi viết bài đầu tiên Phong cách xây dựng nhân vật của Kim Dung đăng trên số Xuân Kiến thức Ngày nay, được bạn đọc tán thưởng. Từ đó, tôi an tâm viết một loạt bài nghiên cứu tác phẩm Kim Dung đăng trên các báo. Năm 1997, NXB Trẻ cho in lại loạt bài này, thành bộ Kim Dung giữa đời tôi, gồm 6 tập.
Năm 1999, Công ty Văn hóa Phương Nam liên kết với NXB Văn học định cho dịch và in lại toàn bộ tác phẩm Kim Dung. Đại diện công ty và NXB đã sang Hồng Kông gặp Kim Dung và được ông đồng ý ký hợp đồng chuyển nhượng tác quyền tất cả các bộ sách của mình để dịch ra tiếng Việt.

Tôi đang làm báo, chỉ dám nhận lời của Phương Nam dịch lại bộ Tiếu ngạo giang hồ. Những dịch giả khác như Cao Tự Thanh, Đông Hải… được mời dịch các tác phẩm khác. Vậy là tác phẩm Kim Dung chính thức trở lại với bạn đọc Việt Nam. Bấy giờ thì bạn đọc đang thực sự có một Kim Dung văn học.
Chầu chực nhận bài của Hàn Giang Nhạn
Hàn Giang Nhạn có một người thư ký tên Nguyễn Văn Tầm, sau này làm luật sư và là nhạc sĩ, sinh hoạt trong Đoàn Luật sư tỉnh An Giang. Ông Tầm nhớ lại: Nhà của Hàn Giang Nhạn tiên sinh ngày ấy ở Bàn Cờ. Buổi sáng, tiên sinh vừa uống cà phê xong là đã có 12 anh tùy phái của các nhật báo đến chờ. Tiên sinh mở tờ Minh báo ra và cứ thế mà dịch và đọc cho ông Tầm viết bằng tay.
Ông Tầm phải lấy 12 tờ pelure loại mỏng, lót 11 tờ carbon, cố gắng ấn đầu bút bic xuống thật mạnh để “lực đạo” có thể in qua trên 20 tờ giấy. Hễ tùy phái nào đến trước thì được bản ở trên; ai tới sau phải chịu lấy bản ở dưới. Cho nên, chữ nghĩa lộn xộn, cùng một dịch giả mà báo này in khác báo kia!

0 nhận xét: