Khi bộ biên khảo Kim Dung giữa đời tôi (gồm bốn cuốn Kiều Phong - Khát vọng của tự do, Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân, Từ AQ đến Vi Tiểu Bảo, ...
Vũ Đức Sao Biển: "Tôi say mê Kim Dung"
Khi bộ biên khảo Kim Dung giữa đời tôi (gồm bốn cuốn Kiều Phong - Khát vọng của tự do, Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân, Từ AQ đến Vi Tiểu Bảo, Thanh kiếm và cây đàn) được xuất bản (1997), người ta gọi tác giả của nó - Vũ Đức Sao Biển - là “nhà Kim Dung học”. Nghe vậy, anh lắc đầu nguầy nguậy, bảo rằng Kim Dung tiên sinh là một bậc kỳ tài với kiến thức mênh mông về nhiều lĩnh vực và ý tưởng ông gửi gắm qua tác phẩm là vô cùng thâm sâu nên kẻ hậu sinh như anh chỉ vì mê say mà nghiền ngẫm.
Ngay khi đưa Kim Dung giữa đời tôi cho nhà xuất bản, anh cũng không hề gọi đó là bộ biên khảo, mà chỉ xem đây là những suy tưởng riêng về những gì mình yêu thích. Anh nói điều này một cách thật lòng bởi anh luôn nghĩ biển đời mênh mông và biển học thì không có đường chân trời.
. Phóng viên: Dẫu sao thì công chúng vẫn có lý khi anh lần nữa lại là một trong hai người vừa “tái dịch” hai tác phẩm của Kim Dung: Tiếu ngạo giang hồ (Vũ Đức Sao Biển dịch) và Anh hùng xạ điêu (Cao Tự Thanh dịch). Cơ duyên nào đã đưa anh đến với công việc biên dịch này khi anh chưa hề được xem là một dịch giả?
- Vũ Đức Sao Biển: Tôi say mê tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung từ ngày còn học phổ thông và thường lén đi thuê sách về đọc. Đọc đi rồi đọc lại không biết bao nhiêu lần, chỉ biết rằng với tôi, các nhân vật của Kim Dung đã trở nên quen đến thuộc lòng. Sau khi Kim Dung giữa đời tôi được phát hành, tôi đã gửi tặng Kim Dung tiên sinh một bộ. Khi đại diện của Công ty Phương Nam sang Đài Loan trao đổi với Kim Dung tiên sinh về việc dịch và in lại những tiểu thuyết của ông, ông đã nhắn lời cám ơn và đề nghị tôi dịch lại Tiếu ngạo giang hồ. Cảm kích về sự quan tâm này, tôi đã bắt tay vào dịch với sự hỗ trợ đắc lực của hai cộng sự đã tốt nghiệp khoa Hán Nôm Đại học Tổng hợp TPHCM. Tôi dịch từ nguyên tác Trung văn dày 1.692 trang do Minh Hà xã của chính Kim Dung tiên sinh xuất bản.
. Nhưng tiểu thuyết của Kim Dung đã từng được dịch và xuất bản đầy đủ trước 1975. Phải chăng những bản dịch này có những hạn chế?
- Tác phẩm của Kim Dung có tất cả 12 bộ, được viết từ năm 1960 đến 1973. Từ đó đến nay, ông không viết thêm nữa. Trước kia, ông viết những tiểu thuyết này dưới dạng feuilleton. Ở Sài Gòn lúc ấy có một số dịch giả chuyên dịch Kim Dung như Hàn Giang Nhạn, Tam Khôi, Từ Khánh Phụng, Từ Khánh Vân,... Người dịch Tiếu ngạo giang hồ là Hàn Giang Nhạn. Tiểu thuyết này được Kim Dung viết feuilleton trên tờ Minh Báo (Hồng Kông). Báo sang tới VN lúc nào thì Hàn Giang Nhạn dịch lúc ấy. Ông nửa ngồi nửa nằm trên trường kỷ, dịch bằng miệng. Ông đọc tới đâu, người thư ký của ông ghi tới đó. Anh thư ký này viết bằng bút bi trên một chồng giấy có lót giấy than (carbon) để phân phối một lúc cho 10 tờ nhật báo mà đại diện của họ đang ngồi chờ. Do viết như vậy nên có bản rõ bản mờ, mười tờ báo đăng lên có khi cả 10 bản khác nhau. Ngay trong việc sáng tác, vì viết vội nên những bộ truyện Kim Dung ra mắt bạn đọc trong thời gian này còn nhiều chỗ chưa hợp lý. Ví dụ như phần trước tác giả cho nhân vật Phí Bân chết, phần sau thấy sống lại; nhân vật Khúc Phi Yên bỗng dưng bị bỏ quên không nhắc đến; nhân vật Lệnh Hồ Xung tặng Doanh Doanh bản Tiếu ngạo giang hồ sau đó lại thấy có thêm bản thứ nhì,... Bản Tiếu ngạo giang hồ mà Kim Dung tiên sinh chuyển qua cho tôi dịch là bản được ông sửa chữa 18 lần, có đoạn cắt bỏ đến 4.000 chữ, thêm bớt đến 30% so với bản cũ. Bản mới này được ông in lại vào tháng 9-1997.
. Đã từng có ý kiến cho rằng tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung kích thích bạo lực? Anh nghĩ sao về điều này? Và sau Tiếu ngạo giang hồ, anh còn tiếp tục dịch Kim Dung?
- Tôi cho rằng tiểu thuyết Kim Dung thể hiện rất rõ ba nguồn tư tưởng lớn của phương Đông: Khổng, Phật, Lão. Vì vậy, tôi sẽ còn theo đuổi mãi niềm say mê của mình. Không những sẽ tiếp tục dịch mà sẽ còn viết tiếp những cảm nhận như Kim Dung giữa đời tôi. Có điều hai cuốn tiểu thuyết mà Công ty Phương Nam vừa xuất bản cũng còn nằm trong ý đồ thử nghiệm để đo thị trường, dư luận bạn đọc và thị hiếu của công chúng với văn chương kiếm hiệp. Hiện nay, tôi chưa biết tình hình sách bán, song ngày đầu tiên phát hành (25-8) tôi đã ký đến 60 bộ. Với cái giá không rẻ (350.000 đồng/bộ) mà được vậy là đáng để hy vọng. Tôi mong sẽ được dịch hai bộ tiểu thuyết Thiên Long bát bộ và Ỷ thiên Đồ long ký. Hai bộ sách đồ sộ này thể hiện rất rõ ràng chủ nghĩa yêu nước.
. Có một điều gì đó thật thú vị khi “nhà Kim Dung học” Vũ Đức Sao Biển còn là một người viết nhạc với những giai điệu nghe man mác nỗi niềm như “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa...” (Thu, hát cho người)...
- Đó là ca khúc tôi viết năm hai mươi tuổi (1968) trong một cơn xúc động tuyệt vời. Âm nhạc trong tôi là nỗi ám ảnh của đồi sim, dòng suối, mây trời sơ thu miền Trung quê tôi, của thành phố cổ Hội An trầm tư và triết lý, nơi tôi sống suốt quãng đời học sinh và của long lanh sông Thu Bồn, nơi tôi ngày hai buổi qua đò đi học có ông lái đò thương binh cụt chân luôn hát lên những ca khúc buồn. Âm nhạc với tôi là một thú chơi, một quà tặng mà cuộc sống đã dành cho mình. Tôi thường gửi vào âm nhạc những suy tưởng về cuộc sống, tình yêu và sự xa biệt. Vậy nên thỉnh thoảng nó buồn đến đắng lòng, thao thức đến muốn rạn vỡ cả trái tim.
Tôi may mắn được học nhạc từ nhiều người thầy. Năm lớp đệ tam (lớp 10 ngày nay) đã lập ban nhạc Ngũ Hành Sơn, sáng tác và biểu diễn trên đài phát thanh Quảng Nam. Khi vào Sài Gòn học đại học, tôi cũng từng viết hòa âm cho ban nhạc sinh viên và đi hát để kiếm tiền đi học. Năm năm dạy học ở miền Tây đã cho tôi những hình bóng phương Nam để rồi từ đó ra đời Điệu buồn phương Nam, Tiếng guốc đêm trăng, Đau xót Lý chim quyên, Đêm nghe điệu Hoài lang, Gửi về nơi cuối đất...
. Và từ 13 năm nay, anh còn là một nhà báo, chưa kể trước đó, năm 1978, anh đã là cây bút viết tiểu phẩm cho Báo Tuổi Trẻ với bút danh Đồ Bì. Còn bây giờ, làm ở một tờ báo chuyên về tố tụng (Pháp Luật TPHCM), anh còn dành chút gì cho âm nhạc?
- Đồ Bì là một thầy giáo gầy ốm chỉ có da bọc xương. Lúc tham gia viết báo tôi vẫn còn dạy học ở huyện Nhà Bè. Từ những bài báo này, tôi cũng đã in được năm tập tiểu phẩm. Bây giờ, nghề nghiệp buộc đầu óc phải luôn nhớ những điều tố tụng, tôi coi âm nhạc như một thế đối trọng, giữ cân bằng cho tâm hồn. Đi công tác tới đâu, tôi cũng đều đem theo trong cặp những tờ kẻ nhạc sẵn. Ban ngày đi làm phóng sự những án oan, đêm về viết nhạc. Tôi viết những sách về Kim Dung cũng bằng cách này. Tôi làm hết sức để giành lấy từng giây từng phút trong quỹ thời gian còn lại của đời mình...
About author: AliensF
Cress arugula peanut tigernut wattle seed kombu parsnip. Lotus root mung bean arugula tigernut horseradish endive yarrow gourd. Radicchio cress avocado garlic quandong collard greens.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét: