VŨ ĐỨC SAO BIỂN (Vietkiemhiep) - Đọc tác phẩm văn học Tây phương, ta cảm nhận được những tư tưởng của đạo Thiên chúa. Cá biệt, trong một vài...

Các tôn giáo, bang hội trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Đọc tác phẩm văn học Tây phương, ta cảm nhận được những tư tưởng của đạo Thiên chúa. Cá biệt, trong một vài tác phẩm (như Tiếng chim hót trong bụi mận gai của Colleen McCullough), những tư tưởng và sinh hoạt của đạo Thiên chúa trở thành độc tôn. Văn học phản ánh các hình thái gần gũi nhất của văn học chính là tôn giáo. Chính vì thế, khi Kim Dung chọn loại tác phẩm võ hiệp để sáng tác, ông tất yếu phải đưa vào tác phẩm của mình những sinh hoạt tôn giáo, bang hội. Dù không sống trong xã hội phong kiến nhưng những tác phẩm võ hiệp của ông đã phản ánh một cách khá sinh động xã hội phong kiến Trung Quốc, khi mà các thế lực phong kiến tập quyền chưa đủ mạnh để diệt hết các thứ bàng môn tả đạo, các đảng cướp cát cứ một phương, các thế lực tiến bộ đối kháng với các triều đại phong kiến. Vả chăng, khi mà khoa học chưa ra đời hì niềm tin của con người đặt vào thần quyền rất mạnh. Chính vì thế, tác phẩm võ hiệp Kim Dung luôn luôn gắn liền với sinh hoạt và tư tưởng các tôn giáo, bang hội.

Đối với các tôn giáo, Kim Dungđã tỏ ra hết sức ưu ái và kính trọng đạo Phật. Đạo Phật xuất hiện trong tác phẩm của ông với hình ảnh của các nhà sư chùa Thiếu Lâm và tư tưởng Phật giáo được ông mến mộ nhất là tư tưởng Thiền tông, một trong mười tông phái Phật giáo. Trong 12 bộ tiểu thuyết của Kim Dung, người ta biết đến đạo Phật qua hình ảnh của ngôi chùa Thiếu Lâm đặt tại tỉnh Hồ Nam, Tung Sơn Thiếu Lâm Tự.
Dưới ngòi bút tài tình của Kim Dung, những nhà sư Thiếu Lâm chân chính là những hiệp sĩ chuyên hành hiệp cứu đời, giúp người, luôn xả thân vì đại nghĩa, chống lại các thế lực ngoại xâm của Khất Đan, Kim Quốc, Mông Cổ, Tây Hạ để bảo vệ dân tộc và bờ cõi Trung Hoa. Thông qua ngòi bút của Kim Dung, những nhà sư Thiếu Lâm đã được thần thánh hoá về cuộc đời và võ công, luôn luôn có mặt trong những tình huống nguy kịch nhất và trở thành biểu tượng tươi đẹp của võ lâm Trung Hoa. Ông thường dành cụm từ “Thái Sơn, Bắc Đẩu” khi nói về phái Thiếu Lâm. Những nhà sư trong tác phẩm Kim Dung có vai vế, thứ tự hẳn hòi, pháp danh được gọi theo từng đời, mỗi đời là một chữ riêng biệt: Vô – Vô Sắc, Vô Tướng; Độ - Độ Ách, Độ Nạn, Độ Kiếp; Không – Không Kiến, Không Văn, Không Trí, Không Tín; Huyền - Huyền Từ, Huyền Thống, Huyền Nạn… Đó là những người đức cao vọng trọng, thấm nhuần Phật pháp và thanh quy giới luật của nhà chùa, say mê tu luyện võ công gồm 72 tuyệt kỹ được gọi là Thất thập nhị huyền công.

Hình bóng những chiếc tăng bào màu vàng, màu xám, màu nâu luôn xuất hiện trong tác phẩm của Kim Dung, từ Thiểm Tây tới Cam Túc, từ Vân Nam tới Triết Giang, từ Nhạn Môn Quan tới Sơn Hải Quan. Các nhà sư Thiếu Lâm không hiếu chiến, không đa sát, luôn luôn tôn trọng chữ Từ bi, mở đường phương tiện cho kẻ thù địch. Tất cả, từ Thiên Long bát bộ, Ỷ thiên Đồ long ký, hay Tiếu ngạo giang hồ…; giữa chốn đao thương hung hiểm, các nhà sư đắc đạo vẫn ung dung ngồi tọa thiền thuyết Pháp hoa kinh, Kim cang kinh, Niêm hoa kinh…

Trong tiểu thuyết của Kim Dung cũng có một hình thái Phật giáo khác được xem là bàng môn tả đạo. Đó là đạo Phật của các nhà sư Thiên Trúc, Thổ Phồn, Tây Tạng, Mông Cổ mang xuống Trung Nguyên. Đó là giáo chủ Huyết đao môn của Mật tông Tây Tạng (Liên thành quyết), Ba La Tinh, Triết La Tinh người Ấn Độ, Cưu Ma Trí người Thổ Phồn (Thiên Long bát bộ). Do hạn chế của quan điểm dân tộc, Kim Dung đã xây dựng những nhân vật nhà sư ngoại nhập này như những người tàn ác, cũng ăn cắp võ công bí lục, hãm hiếp gái tơ, phá hoại nền hoà bình của Trung Hoa. Phái sư áo đỏ của Mật tông Tây Tạng bị Kim Dung xem nhẹ nhất. Trong Lộc Đỉnh ký họ là những người âm mưu đánh vào Ngũ Đài Sơn để bắt vua Thuận Trị làm áp lực chính trị với vua Khang Hy. Những Lạt Ma cao cả của Tây Tạng như Đạt Lai Hoạt Phật, Ban Thiền Hoạt Phật và Tang Kết Hoạt Phật cũng bị Kim Dung xem như là không đứng đắn.

Phái Võ Đang do Trương Tam Phong (Trương Quân Bảo) sáng lập là một môn phái tiêu biểu cho tư tưởng Lão Trang tức Đạo gia. Căn cứ trên chủ trương “vô vi thanh tịnh” của Đạo gia, phái Võ Đang là một võ phái “vô vi nhi vô bất vi” (không làm nhưng không có gì là không làm). Trong Ỷ thiên Đồ long ký và Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung đã dành nhiều cảm tình đặc biệt cho các đạo gia của phái Võ Đang. Dưới ngòi bút của Kim Dung, những đạo sĩ hay những đệ tử tục gia của Võ Đang là những con người luôn luôn hành hiệp trượng nghĩa, tế khổn phò nguy, yêu nước nồng nàn. Một nhân vật tiêu biểu cho Đạo gia Võ Đang là Trương Tam Phong, được tác giả gọi một cách kính trọng là Chân nhân. Võ công Võ Đang đặt trên nền tảng của nguyên lý Âm Dương, là một dạng của võ công huyền môn chánh tông. Một số công phu của Võ Đang được lưu truyền đến bây giờ như Thái cực quyền, Thái cực kiếm pháp, Thê vân túng công. Nếu võ công Thiếu Lâm chú trọng dương cương, nhanh mạnh thì võ công Võ Đang chú trọng âm nhu, uyển chuyển thư thái. “Nặng tợ Thái Sơn nhưng cũng nhẹ tợ lông hồng” – đó là nguyên tắc tập luyện cơ bản của đệ tử Võ Đang.
Phái Nga Mi – theo truyện là do Quách Tương, con gái Quách Tĩnh sáng lập – là một nhánh khác của Phật giáo Trung Quốc. Vì Quách Tương có ngoại hiệu là Tiểu Đông Tà nên dù lập ra môn phái chính đạo, cũng ăn chay niệm Phật, đệ tử chủ yếu là nữ ni xuất gia, phái Nga Mi vẫn mang trong mình một chút gì khốc liệt trong căn bản võ công. Ỷ thiên Đồ long ký đã xây dựng một hình ảnh chương môn Nga Mi Diệt Tuyệt sư thái và chỉ cái tên thôi, ta cũng hình dung ra được mức độ khốc liệt của vị chưởng môn này: diệt hết, không chừa một ai. Trong thực tế Nga Mi là tên một ngôi chùa danh tiếng của Trung Quốc, hình thành trên 1.000 năm, là nơi tu hhành của nhiều sư nữ đạo cao đức trọng.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung xây dựng hình ảnh 5 môn phái chuyên sử kiếm, gọi là Ngũ Nhạc kiếm phái, lấy tên theo năm hòn núi: Tung Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn, Hoa Sơn và Hằng Sơn. Trong 5 phái, chỉ có Hằng Sơn là theo Phật giáo, do nữ ni cầm đầu, đệ tử gồm toàn nữ, cả xuất gia lẫn tục gia. Vì toàn là nữ cho nên kiếm pháp Hằng Sơn khác hẳn kiếm pháp 4 phái kia, chiêu thức uyển chuyển, tư thế mỹ lệ, ứng theo nguyên lý “Miên lý tàng châm” (trong bông có kim), hễ kẻ địch đánh càng mạnh thì càng gặp nhiều nguy hiểm.
Kim Dung xếp những môn phái trên vào “danh môn chính phái”. Nói đến danh môn chính phái tất phải nói đến bàng môn tả đạo. Vậy bàng môn tả đạo trong tác phẩm của ông gồm những môn phái nào?
Trước hết, người ta bắt gặp khái niệm Ma giáo được nhắc đi nhắc lại trong nhiều tác phẩm. Trong Ythien, chữ Ma giáo được nhiều hào khách giang hồ gán cho Minh giáo Trung Quốc, một chi nhánh của Bái hỏa giáo Ba Tư. Nguyên Bái hoả giáo phát tích từ Ba Tư (Perse), thờ ngọn lửa thánh. Tên gọi của đạo này là Manichéisme, phiên âm ra Quan thoại là Ma Ni giáo, rồi người Trung Hoa gọi luôn thành Ma giáo.

Sử Trung Quốc chép vào thời Võ Hậu nhà Đường, người Ba Tư là Hốt Đa Đán đã cầm quyển Tam tôn kinh từ Ba Tư đi về Trung Quốc và đến triều kiến Võ Hậu. Trong tác phẩm Minh giáo lưu truyền Trung thổ ký của Dương Tiêu, một hộ pháp giáo vương của Minh giáo thì Minh giáo truyền vào Trung Quốc được xác định là ngày 22 tháng 6 Đương Đại Lịch tam niên... Nhà Đường thấy Bái hỏa giáo là một tôn giáo đúng đắn, lại có kinh điển tư tưởng hẳn hoi nên cho phép Bái hỏa giáo lập chùa, quy tụ tín đồ. Kinh đô Lạc Dương có ngôi chùa Bái hỏa giáo đầu tiên, gọi là Đại Vân Quang Minh tự; sau đó chùa được xây dựng nhiều thêm ở Thái Nguyên, Hồng Châu, Kim Châu, Việt Châu. Năm thứ ba thời Hậu Xương, nghe lời sàm tấu của một số quan lại, nhà vua ra lệnh giết hại những tín đồ Minh giáo. Minh giáo phải rút vào bí mật.

Trong cuộc chiến đấu gian nan, người Minh giáo vẫn ăn chay, cữ rượu và một lòng thờ phượng thánh Minh Tôn. Từ đó, Minh giáo đứng hẳn về phía dân nghèo, khởi nghĩa chống những thế lực phong kiến. Thời vua Tuyên Hòa (Huy Tông, Bắc Tống), giáo chủ Phương Lạp khởi nghĩa chống bọn tham quan ở Việt Châu, tên tuổi đứng ngang hàng với Tống Giang. Thời vua Kiến Viêm (Khâm Tông) có Vương Tông Thạch khởi nghĩa ở Tín Châu; thời Thiệu Hưng (Cao Tông, Nam Tống) có Dư Ngũ Bà khởi nghĩa ở Từ Châu; thời Thiệu Định (Lý Tông) có Trương Tam Thương khởi nghĩa ở Quảng Đông. Khi quân Nguyên xâm lăng Trung Quốc, tín đồ Minh giáo tập trung lên Quang Minh Đính vùng sa mạc Gobi lập tổng đàn khởi nghĩa kháng Nguyên. Đệ tử Minh giáo là Chu Nguyên Chương thống lĩnh đại binh về Hồ Bắc, chiếm cứ một vùng rộng lớn, đánh ra Hoài Tứ, đuổi được quân Nguyên. Chu Nguyên Chương lên ngôi vua, nhớ mình là đệ tử Minh giáo nên đặt đến hiệu là Minh Thái Tổ. Từ đó, nhà Minh ra đời.

Như vậy, Minh giáo không phải là bàng môn tả đạo mà là mộ môn phái yêu nước, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa. Những nhân vật Trương Vô Kỵ, Vi Nhất Tiếu, Hân Thiên Chính... là những nhân vật của tiều thuyết. Nhưng Chu Nguyên Chương, Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân... là những anh hùng có thật trong lịch sử Trung Quốc. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, ta còn gặp một tà giáo khác là Bạch Mi giáo. Bạch Mi giáo hoạt động trên vùng sông Trường Giang, thủ đoạn rất tàn độc nhưng trong cuộc khởi nghĩa kháng Nguyên, giáo đồ Bạch Mi giáo đã về quy thuận dưới trướng Minh giáo, trở thành những anh hùng có công, xa hẳn những chủ trương tàn độc cũ.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Ma giáo được nhắc đến với tên gọi Triêu dương thần giáo. Đây là một giáo phái tưởng tượng do Kim Dung đặt ra, hành động rất tàn độc, có một lối nịnh bợ vô tiền khoáng hậu. Giáo chủ Triêu dương thần giáo được xưng tụng là “Thánh giáo chủ”. Trong Lộc Đỉnh ký, cũng có một giáo phái tương tự là Thần long giáo. Giáo phái này thờ rắn (địa long) và từ địa long, người ta tôn xưng thành thần long. Thầhn long giáo kết hợp với Nga La Tư, định dâng 3 tỉnh Đông bắc Trung Quốc cho Nga và để đổi lại, người Nga sẽ giúp họ đem binh chống lại triều đình nhà Thanh do Khang Hy lãnh đạo.

Nếu như trong các phái, Thiếu Lâm đứng đầu thì bên các bang hội, Cái bang là bang tiêu biểu. Trong truyện võ hiệp Kim Dung, hình ảnh quần hùng Cái bang luôn luôn hiện diện bên cạnh các nhà sư Thiếu Lâm. Trong 12 tác phẩm, Kim Dung đã dành nhiều chương hồi nói về Cái bang, bang quy tụ những người ăn mày nhưng giàu long yêu nước, chuyên hành hiệp trượng nghĩa, tế khổn phò nguy. Tác phẩm Kim Dung đã để lại cho đời sau những huyền thoại đẹp về các bang chúa Cái bang như Hồng Thất Công, Hoàng Dung, Kiều Phong. Bạn đọc tiểu thuyết võ hiệp có thể nhận ra được tấm lòng ưu ái của tác giả dành cho giới ăn mày khố rách áo ôn, đầu được xó chợ. Các nhân vật Cái bang ăn nói đơn giản, đi xin nhưng không bao giờ ăn cắp, hành động tinh tế và tư duy bén nhạy như bất kỳ con người có học nào. Cái bang xuất hiện trong tiểu thuyết Kim Dung với thứ bậc hẳn hòi: một túi là mới gia nhập, tám túi là lên trưởng lão, có bài hát Liên hoa lạc (hoa sen rụng) là dấu hiệu liên kết tấn công kẻ địch, có Đả cẩu trận vây hãm kẻ thù, có Đả cẩu bổng pháp làm bảo vật trần bang. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Kim Dung có đề cập đến 2 chi của Cái bang: Chi Ô y (áo dơ) và chi Thanh y (áo sạch). Những trưởng lão của Thanh y cũng đeo nhẫn vàng, ăn mặc xa hoa như phú thương, dùng tiền như nước. Thuyết này nghe rất mới lạ!

Trong tiểu thuyết Kim Dung, có một số bang khác cũng được nhắc đến như Thần Nông bang, Cự kình bang, Mao sơn bang, Hải sa bang… Đại để, đây là những bang nhỏ, cát cứ ở một vùng nhất định, có những hoạt động đi ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền phong kiến địa phương và hành vi của họ thường là hành vi tàn ác. Trong Thiên Long bát bộ, Thần Nông bang là một bang chuyên dùng thuốc độc, cát cứ vùng núi Vô Lượng. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Cự kình bang, Hải sa bang, Mao sơn bang là bang bang hoạt động trên vùng sông biển, hành vi cơ bản là giết người cướp của. Cự kình bang cát cứ sông Trường Giang, Hải sa bang cát cứ vùng Quảng Tây, Mao sơn bang cát cứ vùng Thiểm Bắc. Tuy nhiên, những hành vi tàn độc của 3 bang này không qua mặt nổi bọn giáo đồ Bạch Mi giáo.

Đặc biệt, trong 12 bộ tiểu thuyết, Kim Dung chỉ đề cập đến một hội. Đó là Thiên Địa hội, một tổ chức chính trị - quân sự có tầm ảnh hưởng lớn, có tổ chức quy mô gồm toàn người Hán, hoạt động chống lại triều đình Khang Hy. Thiên Địa hội là một tổ chức có thật do Trần Cân Nam (Trần Vình Hoa) làm Tổng đàn chủ, căn cứ tại Đài Loan, thế lực bành trước ra khắp 12 tỉnh ven biển. Trần Cận Nam là nhân vật có thật, làm quân sư cho Trịnh Thành Công, người cầm đầu đảo Đài Loan, chống lại triều Thanh. Ông vốn là một nhà văn làm chính trị nhưng khi xây dựng thành một nhân vật tiểu thuyết, Kim Dung đã tạo nên một Trần Cận Nam văn võ toàn tài, đầy đủ bản lĩnh, điều hành một cách khoa học những hoạt động quân sự và tình báo gián điệp nhằm chống lại người Mãn Châu.

Hoạt động quân sự và tình báo của Thiên Địa hội trong lịch sử triều Thành là có thật. nhưng tài trí của Khang Hu và những tư duy chiến lược của ông vua Mãn Châu này đủ sức vô hiệu hóa các lực lượng thù địch, trong đó có lực lượng Thiên Địa hội. Trần Cận Nam bị con thứ của Đài Loan vương Trịnh Thành Công là Trịnh Khắc Sảng giết vì nghi kỵ ông có lòng phản nghịch. Tổ chức Thiên Địa hội tan rã, lớp bị triều đình Khang Hy bắt, lớp bỏ trốn tha phương mai danh ẩn tích. Tuy nhiên, Thiên Địa hội đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người đọc Lộc Đỉnh ký bởi vì họ là tổ chức tiêu biểu cho lực lượng yêu nước phản Thanh phục Minh, giấc mơ lớn của mọi người yêu nước Trung Quốc trong thế kỷ XVII. Chính từ những hoạt động của Thiên Địa hội mà một số hội đoàn chính trị chống nhà Thanh sau này cũng mô phỏng cách hoạt động ấy. Một thí dụ cụ thể là Hồng hoa hội, hoạt động chống chính quyền triều vua Hàm Phong.

Một cách khái quát, khi xây dựng những tôn giáo, môn phái, bang hội trong truyện võ hiệp, Kim Dung đã hé mở cho ta thấy sự tông trọng quan điểm “tam giáo đồng nguyên” của ông. Phật giáo có Thiếu Lâm, Nga Mi, Hằng Sơn… Đạo giáo theo tư duy Lão Trang có Võ Đang, Tiêu Dao, Thiên Sơn… Nho giáo có Thiên Địa hội, một tổ chức nhập thể và nhập thế. Kim Dung cũng đồng thời tôn trọng nhũng tư tưởng tôn giáo ngoại nhập. Ngoài tình cảm dành cho Bái hỏa giáo Ba Tư, ông còn nhắc tới Hồi giáo, Thiên chúa giáo (thông qua 2 nhân vật người Tây dương là Nam Hoài Nhân và Thang Nhược Vọng) với những tình cảm chân thật, nhận định trung thực về bản chất lương thiện của các tôn giáo. Ông cũng tỏ ra tôn trọng những tình cảm khác của dân tộc Trung Hoa khi đưa ra một số bang phái khác dù hoạt động của họ khi tà khi chính. chẳng đứng hẳn về một hệ tư tưởng nào như các phái Lao Sơn, Không Động, Thanh Thành…

Tất cả các tôn giáo, bang hội được xây dựng trong tác phẩm Kim Dung đều có kẻ tà người chánh, người tốt kẻ xấu. Có người đưa ra luận điểm cho rằng: Kim Dung muốn dung hoà, trộn lẫn hai thái cực của chính và tà, thiện và ác. Tôi cho rằng đó là một nhận định mang tiếng võ đoán. Thực ra, Kim Dung đi tìm cái Thiện trong cái Ác, đi tìm người chính nhân quân tử trong cái dư luận về tiểu nhân đê tiện, đi tìm chất ngọc con người trong mới hỗn độn của xã hội lẫn lộn trắng đen. Và ông đã tìm thấy, đã phân biệt cho chúng ta thấy. Những nhân vật đức cao vọng trọng như Nhạc Bất Quần, Thích Trường Phát, như Vạn Khuê… của cái gọi là chính phái là những kẻ thủ đoạn, lưu manh và tất yếu phải nhận sự trừng phạt. Những con người xuất thân từ bàng môn tả đạo, từ tà phái như Điền Bá Quang, Bất Giới, Tổ Thiên Thu, Lão Đầu Tử, Trương Tam, Lý Tứ… là những chính nhân quân tử, những con người trung thực. Hành động phân biệt chính tà không thể bị nhầm lẫn với hành động dung hoà chính tà. Tác giả muốn cho chúng ta hiểu rõ hơn về chính – tà và đừng nhận định chính tà, thiện ác theo những quan điểm đơn điệu, công thức.

Đọc Kim Dung, ta thấy được một hiện tượng sinh động của xã hội phong kiến Trung Quốc từ thế kỷ XVII trở về trước: sự cát cứ của các thế lực chính trị và quân sự giữa lòng xã hội phong kiến. Gần như bang phái nào cũng đứng ngoài vòng pháp luật, kể cả chùa Thiếu Lâm! Họ có cách thực hiện công lý riêng của họ: dùng võ công để tế khổn phò nguy, giải quyết việc đời, thực hiện công bằng xã hội trước làn đao mũi kiếm. Họ không hề tôn trọng chính quyền phong kiến. Trên cái nhìn này, ta có thể thấy được truyện Kim Dung như là một bản điều tra xã hội học về xã hội Trung Hoa cũ. Có thể nói chính những bất công của cuộc đời đã “đặt hàng” cho võ học phát triển, cho những bang phái ra đời để thực hiện một thứ luật khác: luật giang hồ.
Khi nghiên cứu về những tư tưởng triết học Đông phương, người ta mới chỉ ngừng lại ở phạm trù lý thuyết. Vả chăng tư tưởng triết học là cái gì hết sức trừu tượng. Nhưng khi đọc tác phẩm võ hiệp, thông qua các tôn giáo được đề cập đến, người ta rất dễ nhận ra các lý thuyết trừu tượng đó đã được cụ thể hóa qua phạm trù thực hành.

Nói chuyện Kim cương kinh chưa chắc người ta đã tâm đắc. Nhưng từ Kim cương kinh, các nhà sư Thiếu Lâm đã luyện thành Kim cương chỉ, có kình lực tan bia vỡ đá, có thể dùng ngón tay viết chữ và vẽ bàn cờ lên đá được thì người ta dễ lý hội khái niệm “kim cương” hơn. Cũng thế, thật khó hình dung ra khái niệm “tiêu dao du” trong tác phẩm “Nam hoa kinh”, được Kim Dung hình tượng hoá thành nhân vật Vô Nhai Tử (Tiêu Dao Tử), chưởng môn phái Tiêu Dao, giỏi đánh cờ, đánh đàn, võ công, y thuật, địa lý, lại có thuật “trụ nhan” làm khuôn mặt tươi vua trẻ mãi không già, sống giữa đời hiện thực với một trái tim lãng mạn, lấy chuyện vui chơi năm hồ, bốn biển làm vui, không hệ luỵ đến cuộc đời (Thiên Long bát bộ). Nói cách khác, Kim Dung đã chuyển một hệ thống tư tưởng triết học lý thuyệtt sang hệ thống thực hành, một dạng triết học Đông phương gần gũi với mọi người, mọi trình độ nhưng không hề dung tục và thô thiển thông qua việc xây dựng các võ phái trong tác phẩm của mình.

Yếu tố sau cùng cũng khá thú vị là thông qua một vài thế võ, cách vận công, cách tự vệ, các nhân vật của Kim Dung có thể bộc lộ ra môn phái, sư thừa của mình. Ngay đến trong cách khám nghiệm vết thương, người ta cũng nhận ra được vết thương đó do loại võ công, vũ khí nào gây nên và quy trách nhiệm. Dư Đại Nham bị đánh vỡ hết các khớp xương; võ công đó chỉ có thể là Kim cương chỉ của phái Thiếu Lâm. Gia đình Lâm BÌnh Chi bị giết oan hết, mặt người nào cũng hiện lên một nụ cười quái dị vì trái tim bị vỡ dù lồng ngực không có dấu hiệu chấn thương bên ngoài. Võ công đó chỉ có thể là Tồi tâm chưởng của phái Thanh Thành. Nói cách khác, thông qua võ công, thông qua vết thương, người ta có thể xác định được tôn giáo, bang phái nào đã ra tay hành động.

Chính trên những chi tiết thú vị như thế mà truyện kiếm hiệp của Kim Dung vượt xa các tác giả đương đại về mặt tri thức. Và cũng chính nhờ những chi tiết đó, người đọc kiếm hiệp có thể phân biệt được chính tác của Kim Dung với một nguỵ tác của một người nào đó, cũng ký tên là Kim Dung!

0 nhận xét: