VŨ ĐỨC SAO BIỂN (Vietkiemhiep) - Trước hết, khái niệm vụ án tình báo gián điệp là khái niệm mới mẻ của thời đại chúng ta. Tuy nhiên, như Ki...

Những vụ án tình báo gián điệp trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Trước hết, khái niệm vụ án tình báo gián điệp là khái niệm mới mẻ của thời đại chúng ta. Tuy nhiên, như Kim Dung tiên sinh đã nói chuyện với báo giới Đài Loan ngày 18/4/1994 thì “Tiểu thuyết là viết cho người hiện đại đọc, kể cả tôi cũng hiện đại”. Điều này có nghĩa là tất cả mọi khái niệm hiện đại đều có thể có trong tác phẩm võ hiệp của tiên sinh dù những tác phẩm ấy hư cấu về sinh hoạt của giới võ lâm, sống trước thời đại chúng ta trên 3 thế kỷ.
Cho nên, chúng ta không ngại khi đề cập đến những vụ án tình báo – gián điệp trong tác phẩm của tiên sinh, và điều này hoàn toàn tự nhiên không thể coi là khiên cưỡng.

Vụ án đơn giản nhất nhưng cũng lạ lùng nhất là vụ án đầu độc trong Liên thành quyết. Đinh Điển là một hào khách võ lâm, thương yêu cô tiểu thư trong trắng, con gái một viên tri phủ. Viên tri phủ đầy tham vọng, muốn chiếm cho được bộ Liên thành quyết mô tả đường đi tìm một kho báu mà chưa ai khám phá nổi. Và hắn dùng con gái làm một miếng mồi, quyết “câu” cho được Đinh Điển. Đinh Điển nhớ người tình, đã tự đem thân mình là một tên trọng phạm trong nhà lao của viên tri phủ. Đêm đêm, với bản lĩnh kinh người, anh vượt lao lung đến thăm và nói chuyện với người yêu. Cô gái nhân hậu biết Đinh Điển yêu hoa nên đặt trước cửa phong mình một chậu hoa tươi để ngày ngày, Đinh Điển được nhìn thấy màu hoa. Thế rồi, một ngày kia Đinh Điển chợt khám phá ra chậu hoa đã tàn. Biết là có việc chẳng lành xảy ra với người yêu, anh phá lệ tìm đến dinh tri phủ. Hoá ra cô tiểu thư đã chết. Người anh hùng ôm lấy quan tài khóc sướt mướt thì bị trúng độc. Té ra, viên tri phủ gian ác đã bức tử cô con gái xinh đẹp của mình. hắn biết mình không địch lại Đinh Điển và thế nào Đinh Điển cũng đến ôm quan tài khóc nên đã bôi thuốc độc lên khắp quan tài, đầu độc và khống chế Đinh Điển. Vụ án khá đơn giản nhưng mưu mô quả rất thâm hậu, thể hiện bản lĩnh, trình độ xây dựng chất “hình sự gián điệp” trong tác phẩm Kim Dung.

Mỗi bộ tác phẩm của Kim Dung thường có nhiều vụ án và các vụ án ấy kết hợp với, ăn khớp với nhau một cách tài tình khiến người đọc không thể bỏ được tác phẩm, không thể bỏ được một chương hồi nào. Xây dựng tác phẩm trên nền tảng những vụ án là một biệt tài của Kim Dung. Nhưng cái biệt tài cao nhất – theo tôi – là tiên sinh đã nắm tay người đọc đi từng bước vào trong những pho sách đồ sộ của mình một cách tự nhiên đến nỗi khi đọc xong tác phẩm, ta mới khám phá ra mình đã đọc tiểu thuyết hình sự - gián điệp.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung xây dựng một nhân vật làm gián điệp rất tài tình. Đó là Lao Đức Nặc, đệ tử phái Tung Sơn được chưởng môn Tả Lãnh Thiền “cấy” vào nằm vùng trong nội bộ phái Hoa Sơn để do thám những âm mưu của chường môn Hoa Sơn Nhạc Bất Quần. Lao Đức Năn đã già nhưng vẫn gọi chàng thanh niên Lệnh Hồ Xung là Đại sư huynh. Nước cờ của Tả Lãnh Thiền đã cao nhưng đòn phản gián của Nhạc Bất Quần còn cao hơn. Nhạc Bất Quần nhận Lao Đức Nặc làm đệ tử và ra lệnh cho gã giám sát Lệnh hồ Xung để tìm ra bộ Tịch tà kiếm phổ. Thực sự bộ kiếm phổ ấy đã lọt vào tay Nhạc Bất Quần và Nhạc ung dung “dẫn đao tự cung” để luyện, mong chờ một ngày trấn áp quần hùng bốn phái Tung Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn để lên ngôi chưởng môn Ngũ Nhạc kiếm phái. Nhạc còn chơi trò độc chiêu khác: sao ra một bản Tịch tà kiếm phổ giả, tạo điều kiện cho Lao Đức Nặc ăn cắp để đưa về cho Tả Lãnh Thihền. Tả Lãnh Thiền quả mắc mưu họ Nhạc, cũng ung dung luyện kiếm phổ giả, mơ một ngày trấn áp quần hùng. Cho đến khi Nhạc chắc chắn mình đã đủ bản lĩnh, trong đại hội Ngũ Nhạc kiếm phái, Nhạc Bất Quần đã đem kiếm pháp thật đấu với kiếm pháp giả của Tả Lãnh Thiền, đâm mù đôi mắt địch thủ, lên làm minh chủ Ngũ Nhạc!

Đòn phản gián của Nhạc Bất Quần cực kỳ tinh vi nhưng có một người khám phá ra được. Đó là Ninh Trung Tắc, vợ Nhạc Bất Quần. Bà ngủ bên cạnh chồng, cảm thấy lạ lùng vì chồng sao nhãng chuyện chăn gối (?), mỗi sáng lại thấy râu chồng rụng trong chăn, nghe tiếng nói của chồng đã đổi âm sắc trở thành eo éo. Đó là những biểu hiện của một người đàn ông bị biến đổi phái tính. Bà biết chồng đã tự thiến để luyện Tịch tà kiếm phổ nhà họ Lâm, đồn ghtời vu cáo cho Lệnh Hồ Xung ăn cắp bộ kiếm phổ này. Bà khuyên chồng nên vứt chiếc áo cà sa chép bộ kiếm phổ ấy xuống khe núi Hoa Sơn. Chiều ý vợ, Nhạc Bất Quần đã làm theo.

Đến đây thì nhân vật gián điệp thứ hai xuất hiện. Đó là tên tiểu tử Lâm bình Chi. Lâm nghi ngờ sư phụ đã ăn cắp được bộ kiếm phổ nhà mình và đêm nào, y cũng đến rình mò bên cạnh phòng ngủ của vợ chồng Nhạc bất Bất Quần. Khi Nhạc vứt chiếc áo cà sa đi, y đã nhanh chóng chộp lấy được và cũng “dẫn đao tự cung” để nhanh chóng luyện Tịch tà kiếm phổ. Một ngày Nhạc Bất Quần kiểm tra khe núi, không thấy chiếc áo cà sa đâu, nghi ngờ chính Lâm đã lấy lại được kiếm phổ. Lão đi tiếp một nước cờ khác rất cao: gả Nhạc Linh San cho Lâm Bình Chi. Từ khi lấy vợ, Lâm vẫn ngủ riêng, Nhạc Linh San mang tiếng có chồng nhưng chưa hề biết đến chuyện mặn nồng chăn gối. Nhạc Bất Quần thường hỏi con gái chuyện sinh hoạt ăn ở với chồng ra sao, Nhạc Linh San đành nói dối với cha rằng cuộ sống lứa đôi của cô rất hạnh phúc. Chính lời nói dối ấy đã cứu được mạng của Lâm Bình Chi vì rằng nếu cô nói thật, Nhạc bất Quần sẽ khám phá ra được ngay chàng rể đã “dẫn đao tự cung” và sẽ giết Lâm trước khi Lâm có thể luyện thành công Tịch tà kiếm phổ.
Những mưu mô, diễn tiến của vụ án “Tịch tà kiếm phổ” được viết một cách hết sức tinh vi. Toàn bộ vụ án gián điệp - phản gián này chỉ có thể được kiểm chứng rõ ràng khi Lệnh Hồ Xung phất tay vào nơi hạ bộ của “sư phụ” xác nhận thực sự là Nhạc Bất Quần đã trở thành “thái giám”. Đến khi đó thì Lệnh Hồ Xung mới nhận ra được con người mình kính áii nhất trên đời – sư phụ Nhạc bất Quần - chỉ là một nguỵ quân tử, một kẻ đầy tham vọng và thủ đoạn gian manh.

Một vụ án nữa với kịch bản thật tuyệt vời đưa độc giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác là vụ giải thoát Nhậm Ngã Hành, giáo chủ Triêu Dương thần giáo, bị giam giữ dưới đáy Tây Hồ. Hướng Vân Thiên, Quang minh hữu sứ của Triêu Dương thần giáo, kết bạn với Lệnh Hồ Xung. Hắn đặt tên mới cho Lệnh Hồ Xung là Phong Nhị Trung. Hắn bọc trong người nào là Bút thiếp, tranh họa, kỳ phổ và rủ Phong Nhị Trung đi chơi ở Cô Mai sơn trang, Tây Hồ, nơi trú ngụ của Giang Nam tứ hữu. Đến nơi, hắn khoe bút thiếp, tranh hoạ, kỳ phổ và cả bản cầm phổ, tiêu phổ hợp tấu Tiếu ngạo giang hồ của “Phong Nhị Trung” ra rồi đánh cuộc trong sơn trang không ai có thể đánh lại kiếm pháp của Phong Nhị Trung, truyền nhân của Phong Thanh Dương, sư thúc tổ phái Hoa Sơn. Quả nhiên, cả Giang Nam tứ hữu không địch lại được Độc Cô cửu kiếm của Phong Nhị Trung. Và Hướng nhanh chóng ra bộ dẫn Phong Nhị Trung kiếu từ.

Tứ hữu vội vàng cản lại và cho biết có người có thể địch lại Phong Nhị Trung. Đến lúc đó, Hướng mới nhét vào tay Lệnh Hồ Xung một vật tròn tròn, cứng cứng và dặn đưa cho người đó. Lệnh Hồ Xung một mình được đưa xuống nhà lao dưới đáy Tây Hồ, đưa vật ấy cho người bị giam giữ và bị người ấy kéo vào trong nhà lao, dùng thần công làm cho bất tỉnh, hoá trang thành Lệnh Hồ Xung rồi ung dung thoát ra khỏi địa lao sau khi đã nhốt Lệnh Hồ Xung lại. Người đó chính là giáo chủ Nhậm Nhã Hành và cái vật kia chính là một mũi cương ty nhằm cưa đứt xiềng khoá cho y. hướng Vân Thiên đã dàn một kịch bản hoàn chỉnh vô tiền khoáng hậu để cứu giáo chủ. Sau đó, y cùng giáo chủ trở lại để trừng trị bọn Giang Nam tứ hữu - phe phản đồ của Triêu Dương thần giáo – và giải cứu Lệnh Hồ Xung ra khỏi địa lao. Chất hình sự trong vụ án này thật đậm đặc nhưng rất hợp lý khiến ngay cả người đọc tinh tế nhất cũng không nhận ra được những âm mưu sâu sắc của Hướng Vân Thiên. Những chương này trong Tiếu ngạo giang hồ còn hay hơn những pha tấn công vào trai giam của bọn Mafia nhằm cứu các ông trùm ma tuý ở Italia hay Colombia trong thời đại chúng ta.
Tác phẩm võ hiệp tiều thuyết của Kim Dung cũng xây dựng những nhân vật nữ gián điệp xuất sắc mà một nhân vật tiêu biểu là Tiểu Siêu (Ỷ thiên Đồ long ký). Tiều Siêu nguyên là cô gái lai, cha là Hàn Thiên Diệp, người Hán, mẹ là Đại Ỷ Ty, lai Ba Tư. Mẹ cô là Thánh nữ Bái hỏa giáo Ba Tư nhận lệnh sang “nằm vùng” trong Minh giáo Trung Hoa để đánh cắp Càn khôn đại nã di tâm pháp. Thế nhưng, bà đã yêu Hàn Thiên Diệp và vi phạm lời khấn nguyện của một thánh nữ. Sợ bị bắt tội, bà tìm cách “cấy” con gái mình vào nội bộ Minh giáo còn bản thân thì thay hình đổi dạng, làm một người phụ nữ xấu xí tên là Kim Hoa bà bà.

Tiểu Siêu đã đóng vai gián điệp một cách xuất sắc. Quang minh tả sứ của Minh giáo là Dương Tiêu bắt gặp cô ngồi khóc trên sa mạc, thương tình đem về nuôi để hầu hạ cho con gái mình là Dương Bất Hối. Tiểu Siêu trong vai một nữ tỳ xấu xí đã khám phá ra con đường hầm dưới lòng Quang Minh Đính, thường ra vào để tìm bản di cảo Càn khôn đại nã di tâm pháp. Dương Tiêu là một nhân vật tinh tế. Y biết cô bé này có âm mư nhưng âm mưu ấy là gì thì y không rõ. Y đã dùng xích sắt xiềng chân Tiểu Siêu để mỗi khi cô đi đến đâu, tiếng leng keng vang lên đến đó. Vụ án gián điệp của Tiểu Siêu sẽ không lộ bí mật nếu không có một ngày cô phải chia tay với Trương Vô Kỵ. Cô đã thú nhận mục đích “nằm vùng” nhưng vì tình yêu, cô hứa sẽ không bao giờ đem nội dung tâm pháp ấy truyền lại trên đất Ba Tư. Xa Trương Vô Kỵ về Ba Tư làm giáo chủ Ba Tư, cô cảm thấy cuộc đời cực kỳ vô vị.
Cũng trong Ỷ thiên Đồ long ký, còn có một vụ án gián điệp rất lớn mà người thực hiện là Thành Khôn, sư phụ Tạ Tốn. Ghen tức với Dương Đính Thiên, giáo chủ Minh giáo, đã lấy mất người sư muội yêu dấu, hắn thề sẽ phá nát Minh giáo để thỏa mãn mối hận tình. Hắn giả uống rượu say, làm nhục và giết cả nhà đồ đệ mình là Tạ Tốn, biến Tạ Tốn từ một kẻ có lương tri trở thành một tên cuồng sát. Rồi hắn trốn vào chùa Thiếu Lâm, giả dạng làm sư với pháp danh Viên Chân, kích động phái Thiếu Lâm cầm đầu các môn phái bao vây và tấn công Quang Minh Đính để tiêu diệt Minh giáo - một lực lượng yêu nước kháng Nguyên. Hắn đã đặt sẵn thuốc nổ trên Quang Minh Đính để tiêu diệt luôn các môn phái. Có thể nói Thành Khôn (hay Viên Chân) là một gián điệp có nghiệp vụ số một trong những tay gián điệp mà Kim Dung xây dựng nên.

Tuỳ theo những thời gian khác nhau, căn cứ vào những sự kiện lịch sử có thật, Kim Dung xây dựng những vụ án trên cơ sở các cuộc đấu tranh, khuynh loát lẫn nhau giữa các thế lực thù địch, các quốc gia lân cận Trung Quốc. Những vụ án như vậy kéo dài qua 30, 40 năm, diễn biến theo suốt chiều dài cuốn truyện. Và chính ở đây, nổi bật lên tài năng gây xựng, bố trí nhân vật của Kim Dung.

Thiên Long bát bộ là một bộ truyện lấy bối cảnh lịch sử là triều Tống. Khởi đầu, người đọc bắt gặp hình ảnh của đại sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí, có võ công tuyệt luân, đến Đại Lý gây hấn với các vị sư chùa Thiên Long. Đánh không lại Lục mạch thần kiếm của vương tử Đại Lý Đoàn Dự, Cưu Ma Trí đã bắt cóc Đoàn Dự đưa về Giang Nam, nói là để tế sống trước mộ người bạn thân là Mộ Dung Bác. Thế nhưng, Mộ Dung Bác là ai?
Mộ Dung Bác thuộc tộc Tiên Ty, nguyên là hậu duệ nước Đại Yên thời Thập lục quốc (trước đời Tống khoảng 600 năm!!!). Canh cánh bên lòng giấc mộng phụ hồi đế hiệu Đại Yên, Mộ Dung Bác giả chết nhưng thực ra lại lẻn vào chùa Thiếu Lâm học trộm 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm. Từ suy nghĩ phải làm cho thiên hạ đại loàn mới có thời cơ khôi phục nước Đại Yên, Mộ Dung Bác phao tin Khất Đan (Liêu) sắp đưa cao thủ tấn công qua Nhạn Môn Quan. Quần hùng yêu nước Trung Hoa phong thanh đã vội vàng cử Huyền Từ phương trượng Thiếu Lâm làm thủ lĩnh, ra Nhạn Môn Quan mai phục. Ở đây họ đã tàn sát nhầm gia đình Tiêu Viễn Sơn thuộc dòng hoàng tộc Khất Đan. trước khi nhày xuống vực sâu tự vận, Tiêu Viễn Sơn đã liệng đứa con trai mình lên cho những người Trung Nguyên vì không nỡ để con chết theo mình. Huyền Từ đưa đứa bé ấy gửi cho ông bà Kiều Tam Hòe nuôi dưỡng. Lớn lên, đứa bé ấy trở thành Kiều Phong, bang chùa Cái bang Trung Nguyên.

Thế rồi có âm mưu tố cáo Kiều Phong là người Khất Đan khiến ông phải bỏ ngôi vị bang chúa ra đi. Trở về bên kia ải Nhạn Môn Quan, Kiều Phogn trở thành Nam viện đại vương của Khất Đan, đóng tại Yên Kinh, bị hoàng đế Khất Đan buộc phải tấn công xuống phương Nam để tiêu diệt Đại Tống.

Thế nhưng, Tiêu Viễn Sơn không chết, ông ta cũng giả làm một nhà sư vào “nằm vùng” trong chùa Thiếu Lâm. Biết con mình đang lâm nguy, Tiêu Viễn Sơn ám trợ cho con. Ông ra tay giết Huyền Khổ đại sư (sư phụ Kiều Phong), giết vợ chồng Kiều Tam Hòe và một số nhân vật khác có lêin quan đến vụ án Nhạn môn Quan ngày trước. Khuôn mặt Kiều Phong giống hệt Tiêu Viễn Sơn nên những kẻ chứng kiến những vụ giết người đều cứ nghĩ chính Kiều Phong đã xuống tay để trả thù cho vụ mất ngôi bang chúa. Tiêu Viễn Sơn nằm vùng trong Thiếu Lâm phác giác được mối quan hệ tình ái giữa Huyền Từ và Diệp Nhị Nương. Ông bắt cóc đứa con của họ - Hư Trúc - rồi đem đứa bé ấy bỏ lên chùa Thiếu Lâm. Hư Trúc lớn lên, làm sư, lưu lạc lên Thiên Sơn trở thành cung chủ cung Linh Thứu, ăn ở với công chúa Tây Hạ và trở thành phò mã Tây Hạ.
Kiều Phong (hay Tiêu Phong), Hư Trúc, Đoàn Dự kết nghĩa anh em, trở thành cái trục chính nắm quyền bình ba nước Liêu, Tây Hạ, Đại Lý. Đến lúc đó, Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung bác mới xuất hiện, khoa trương thành tích “nằm vùng” trong chùa Thiếu Lâm. Tiêu Viễn Sơn đã hạ Huyền Từ không phải bằng võ công mà bằng chính câu chuyện Huyền Từ có con với Diệp Nhị Nương, phạm vào sắc giới. Huyền Từ và Diệp Nhị Nương phải tự sát trước mắt mọi người. Còn Mộ Dung Bác? Ông ta thực sự thất vọng về người con của mình – Cô Tô Mộ Dung Phục. Ông ta đã làm tất cả để phục hưng một nước Đại Yên, kể cả âm mưu ly gián Tống – Liêu, câu kết với Thổ Phồn... Nhưng cuối cùng, tất cả đã trở về con số 0. Nghe theo lời dạy của nhà sư già trong Tàng kinh các Thiếu Lâm, ông ta đã cùng Tiêu Viễn Sơn xuống tóc quy y, từ chối những tham vọng điên cuồng.

Giấc mơ của Cô Tô Mộ Dung Phục cũng tan thành mây khói. Anh Ta mất đi tình yêu của Vương Ngữ Yên, phụ rẫy những người đã đi theo mình để dựng lại nước Đại yên. Cuối cùng, anh ta phát điên và chỉ còn làm hoàng đế với lũ trẻ chăn trâu.

Nhưng không tác phẩm nào quan mặt được Lộc Đỉnh ký về tính chất tình báo – gián điệp. Câu chuyện khởi đầu của Lộc Đỉnh ký là vụ án văn tự ngục khi gã nho sĩ Ngô Chí Vinh tham danh hám lợi, đã làm tờ bẩm về triều đình Mãn Thanh – lúc bấy giờ do Ngao Bái nắm quyền bính - những âm mưu chống đối triều đình của các nhà nho chân chính như Trang Kiến Long, Cố Viêm Võ, Tra Y Hoàng thể hiện trong bộ Minh sử. Thế là Ngao Bái đã bắt rất nhiều nhà văn đời Thanh hạ ngục, trong đó có toàn thể đàn ông nhà họ Trang bị giết. Ngô Chí Vinhlà kiểu mẫu của một thứ Hán gian, về sau được bổ làm quan tri phủ ở Dương Châu, đã bị Vi Tiểu Bảo cùng bọn nhà văn Cố Viêm Võ, Tra Y Hoàng dựng văn tự giả, vu hãm vào tội quan hệ phản loạn với bọn Ngô Tam Quế tại Vân Nam để chống vua Khang Hy, bị đem về cho con cháu nhà họ Trang hành hình tế lễ.

Nhưng những âm mưu thủ đoạn gián điệp – tình báo rõ rệt nhất trong Lộc Đỉnh ký tập trung xung quanh bộ Tứ thập nhị chương kinh, một bộ kinh Phật bình thường gồm 42 chương, được người Trung Quốc dùng đọc hàng ngày. Khi Bát kỳ Mãn Châu tiến quân vào Bắc Kinh tiêu diệt nhà Minh, người Mãn Châu thu tóm toàn bộ của cải trân châu quý của Minh Triều đem giấu vào một nơi bí mật ở Lộc Đỉnh Sơn thuộc Đông Bắc Trung Quốc, cạnh dòng Hắc Long Giang (tiếng Mãn gọi là Oa Tập Sơn và A Mộc Nhĩ Hà). Tuy chiếm được Trung Hoa nhưng người Mãn Châu vẫn nghĩ rằng họ khó mà có thể cai trị được Trung Quốc. Vì thế Thuận Trị hoàng đế đã vẽ một bản đồ về nơi chôn giấu bảo vật, giảng gải rằng đó là đất phát tích long mạch của triều Thanh rồi cắt nhỏ bản đồ đó ra chia thành tám phần bỏ vào bìa của tám tập Tứ thập nhị chương kinh khác nhau, ở ngoài bọc tám màu trắng, xanh, đỏ, đen, vàng, tím, lam, hồng đúng với màu cờ của Bát kỳ và giao cho tám thủ lĩnh của Bát kỳ giữ gìn.

Thuận Trị xuất gia đi tu ở Ngũ Đài Sơn vì buồn chán nội tình trong cung cấm nhưng vẫn dặn dò Khang Hy hoàng đế rằng: “Nếu sau này không nắm giữ được thiên hạ thì ta ở đâu nên quay về nơi đó”. Vua Khang Hy lên ngôi trong thuở thiếu niên nhưng ông là một vị vua thông minh sáng suốt, có hùng tài đại lược. Ông đã cai trị Trung Quốc với một trái tim nhân hậu và thực tâm muốn chuộc lại những lỗi lầm của người Mãn Châu khi tiến quân vào Trung Quốc. Chính vì vậy, vua Khang Hy là nhà vua dị tộc đầu tiên ở ngôi lâu nhất – 60 năm – trong lịch sử 37 thế kỷ phong kiến Trung Quốc (1662 – 1722) và sau đó là cháu ông – vua Càn Long – cũng ở ngôi được 60 năm (1736 – 1796).
Tất cả nhữngâm mưu chống triều Thanh đều tập trung vào việc tìm kiếm và chiếm đoạt tám pho Tứ thập nhị chương kinh. Đầu tiên là Thiên địa hội, một tổ chức yêu nước do Trần Cận Nam (tức Trần Vĩnh Hoa) làm Tổng đàn chủ, “cấy” Vi Tiểu Bảo vào hoạt động gián điệp cạnh Khang Hy. Tiếp theo là bọn Mộc Kiếm Anh, con cháu Mộc vương phủ ở Vân Nam; bọn Cửu Nạn sư thái (công chúa con gái vua Sùng Trinh triều Minh); bọn Thần long giáo, một giáo phái thân Nga Ta Lư ở quần đảo Liêu Đông, bọn Tang Kết lạt ma ở Tây Tạng; bọn Cát Nhĩ Đan vương tử ở Mông Cổ hoặc “cấy” người nằm vùng, hoặc thực hiện những âm mưu bắt cóc để tranh đoạt bộ kinh.

Thế nhưng, âm mưu thâm độc nhất vẫn là âm mưu của Tam phiên, gồm Ngô Tam Quế, Thượng Khả Hỷ, Cảnh Tinh Trung muốn chia quyền lực với vua Khang Hy mà kẻ đứng đầu là Ngô Tam Quế. Ngô Tam Quế đã từng cầm quân thời Sùng Trinh trấn giữ Sơn Hải Quan chống lại người Mãn Châu, sau đó đầu hàng quân Mãn Châu, quay lại giúp người Mãn Châu chiếm đoạt Trung Quốc. Thanh triều phong Ngô Tam Quế làm Bình Tây Vương, trấn thủ Vân Nam nhưng trong thâm tâm, Khang Hy vẫn muốn triệt hạ Ngô Tam Quế vì biết trước sau gì, Ngô Tam Quế cũng tạo phản.

Chính trong những điều kiện lịch sử cụ thể như vậy, Kim Dung tiên sinh đã để cho nhà vua thiếu niên mạnh dạn sử dụng một gã tiểu lưu manh ở thành Dương Châu, lọtt vào cung làm thái giám giả với một sơ yếu lý lịch hết sức hồ đồ, trở thành một “điệp viên hai mang” nhằm chống lại những âm mưu thù địch. Trong Lộc Đỉnh ký, Vi Tiểu Bảo trở thành một điệp viên xuất sắc, tiến hành công tác do thám, tình báo khá chuẩn xác: bảo vệ được Thuận Trị hoàng đế, khám phá ra âm mưu liên kết giữa Ngô Tam Quế - Cát Nhĩ Đan – Tang Kết, khám phá ra sự thoả hiệp của Thần long giáo và Nga Ta Lư, thúc đẩy cho việc tạo phản của Ngô Tam Quế sớm hình thành, ăn cắp đủ tám bộ Tứ thập nhị chương kinh, vô hiệu hóa âm mưu của Thần long giáo trong nội cung...

Nhân vật Khang Hy được xây dựng thành một nhà phản gián xuất sắc: đưa Phong Tế Trung vào nằm vùng nội bộ Thiên địa hội theo dõi hoạt động của thầy trò Trần Cận Nam – Vi Tiể Bảo, phái Vi Tiểu Bảo đi công cán Ngũ Đài Sơn bảo vệ Thuận Trị hoàng đế, phái Vi Tiểu Bảo đi Vân Nam do thám Ngô Tam Quế. Trên mặt trận chính trị, Khang Hy tiến hành những đòn phép ngoại giao ngoạn mục: Gả Kiến Ninh công chúa làm vợ Ngô Ứng Hùng để giả vờ cầu thân với Ngô Tam Quế, hoà hoãn với lực lượng chống đối ở Đài Loan của con cháu Trịnh Thành Công, phong Tang Kết lạt ma ở Tây Tạng làm Tang Kết Hoạt Phật, phong Cát Nhĩ Đan ở Mông Cổ tước hiệu Chuẩn Cát Nhĩ Hãn. Công công tác nội trị, Khang Hy nghe theo lời vua cha dặn dò “vĩnh bất gia phú” (mãi không tăng thuế), cho xây dựng Trung liệt từ thờ những người Hán yêu nước tại Dương Châu, tha thuết cho dân Dương Châu 3 năm, chuẩn bị binhh lực đánh Ngô Tam Quế, thăm dò ý kiến bọn trọng thần trong triều đình để biết những ai dốc hạ trung trinh với mình. Khang Hy trở thành một nhà tình báo chiến lược dầy kinh nghiệm.

Ngay việc học tiếng Mông Cổ, tiếng Tây Tạng, sử dụng hai người Tây dương là Nam Hoài Nhân và Thang Nhược Vọng vào việc chế tạo đại bác, sử dụng hàng tướng Thi Lang của Đài Loan vào chức vụ đô đốc hải quân đã nói lên tầm nhìn cao thâm viễn lự của ông vua trẻ này.

Kết quả của công tác tình báo - phản gián đó là nhà vua đã dẹp yên được loạn Ngô Tam Quế, triệt tiêu được thế lực của Thượng Khả Hỷ và Cảnh Tinh Trung, bình định được đảo Đài Loan, phá hỏng âm mưu của Thiên Địa hội, đánh dẹp được bọn Thần long giáo, biến Tây Tạng, Mông Cổ thành chư hầu, thương thuyết với Nga Ta Lư qua hoà ước Hắc Long Giang, phân định ranh giới Trung – Nga.

Bên cạnh những vụ án lớn xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, Lộc Đỉnh ký còn có những vụ án tình báo – gián điệp khác khá thú vị. Thần long giáo “cấy” được Mao Đông Châu vào cung giả Thái hậu để đánh cắp Tứ thập nhị chương kinh. Thái giám Hải Đạ Phú biết được âm mưu đó, âm thầm theo dõi. Để thử xem phán đoán của mình có đúng hay không, lão đã dạy cho Vi Tiểu Bảo quyền thuật của phái Không Động để đấu với vua Khang Hy (dưới tên Tiểu Huyền Tử), nhử cho Mao Đông Châu (thái hậu giả) đem quyền thuật của Thần long đảo dạy cho Khang Hy. Hải Đại Phú cũng biết rõ Vi Tiểu Bảo không phải là Tiểu Quế Tử, thái giám đã hầu hạ mình nhưng lão vẫn giả vờ gọi hắn là Tiểu Quế Tử, dùng hắn vào mục tiêu do thám của lão. Tuy nhiên, áp dụng thủ pháp sát nhân diệt khẩu, lão cũng thận trong đầu độc cho Vi Tiểu Bảo chết dần chết mòn.

Nhân vật Hải Đại Phú đã được Kim Dung xây dựng một cách hoàn chỉnh, có phong cách của một nhà tình báo lớn dù bị mù hai mắt.

Vua Khang Hy cũng là một nhân vật tiến hành cách điệp vụ rất hay, đầy tính khoa học. Để người bảo vệ cho cha mình là Thuận Trị, hiện tu ở Ngũ Đài Sơn đủ sức chống lại bọ Tây Tạng và Mông Cổ, nhà vua đã sắc phong cho Vi Tiểu Bảo làm sư chùa Thiếu Lâm, trở thành sư đệ của Hối Thông. Rồi từ đó, nhà vua lại ra lệnh cho Hối Minh về làm trụ trì chùa Ngũ Đài Sơn, lại đem theo bọn Thập bát La Hán chùa Thiếu Lâm làm tay chân cho Hối Minh đại sư (tức Vi Tiểu Bảo). Điệp vụ đó quả thật kín đáo và cao cường, khiến độc giả bất ngờ một cách thú vị!
Học theo cách của Khang Hy, Vi Tiểu Bảo cũng tiến hành một số điệp vụ nho nhỏ, thành công ngoài sức tưởng tượng của y. Đó là điệp vụ truy bắt Ngô Ứng Hùng; điệp vụ yểm trợ công chúa Tô Phi Á (Sophia) ly gián bọn Hoả thương thủ với bọn cố mệnh đại thần để giành lại chính quyền ở Nga Ta Lư; điệp vụ chống lại bọn Thần long giáo.

Trong suốt tác phẩm của Kim Dung cũng có những pha y hệt tình huống của đời tình báo – gián điệp: tự tử bằng độc dược để bảo vệ bí mật; cho thuộc hạ uống độc dược để khống chế bảo đảm lòng trung thành; giết người bịt miệng; thủ tiêu xác người để phi tang; dựng nên bằng chứng giả mạo để đánh lạc hướng điều tra hoặc vu hãm kẻ khác; dùng tiền bạc hoặc mỹ sắc để mua chuộc những kẻ hoạt động cho hàng ngũ địch, trừng phạt những kẻ không trung thành...

Những nhân vật hoạt động tình báo – gián điệp trong tác phẩm của Kim Dung cũng có những câu nói lóng, những động tác theo quy ước để giúp họ nhận ra nhau, ngăn ngừa những kẻ nội gián. Kim Dung vượt qua những tác giả võ hiệp đồng thời với ông, tạo ra trong tác phẩm của mình những tình huống bí mật, sự kiện bí mật, nhân vật bí mật. Kẻ thắng trong truyện võ hiệp của ông không chỉ là những người có võ công cao cường, nắm thiên binh vạn mã trong tay mà còn là những điệp viên biết đánh đòn cân não, biết lung lạc kẻ thù, biến thù thành bạn. Đó là trường hợp “điệp viên” Vi Tiểu Bảo thuyết công chúa Tô Phi Á giành lại chính quyền ở Nga, thuyết Tang Kết ở Tây Tạng và Cát Nhĩ Đan của Mông Cổ thuần phục triều Thanh.

Tất nhiên, những vụ án tình báo – gián điệp trong phạm vi tiểu thuyết là sản phẩm của sự hư cấu nhưng là hư cấu trên cơ sở thực tế của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Vì thế, một số vụ án tình báo – gián điệp trong tiểu thuyết là những sự kiện có thật. Khang Hy chuẩn bị binh lực chống cuộc bạo loạn của Bình Tây vương Ngô Tam Quế là có thật. Khang Hy sử dụng những hàng tướng của Đài Loan để đánh vào đảo Đài Loan là có thật. Tang Kết, Cát Nhĩ Đan là có thật. Còn “điệp viên” Vi Tiểu Bảo và những điệp vụ thần sầu quỷ khốc của y là sản phẩm của hư cấu, khó mà kiểm chứng được.

Người ta đã từng say mê nhưng Conan Doyle, những James Bond của Âu Mỹ. Người ta đã từng biết đến những điệp viên quốc tế như Mata Hari, Nikos Kazanski. Nay thì qua tác phẩm Kim Dung, người ta lại gặp những điệp viên siêu hạng cỡ Vi Tiểu Bảo, Phong Tế Trung, Lao Đức Nặc, Lâm Bình Chi, Tiểu Siêu, Tiêu Viễn Sơn, Mộ Dung Bác... Người ta cũng gặp các nhà tình báo - phản gián chiến lược cỡ Khang Hy, Hải Đại Phú, Nhạc Bất Quần. Âm mưu và thủ đoạn. Đối sách và chiến thuật. Liệu pháp và hành động. Tất cả đều nhằm tạo nên chất hấp dẫn cho câu chuyện, những câu chuyện rất đồ sộ nhưng cũng rất mạch lạc, hợp lý. Ở khía cạnh này, Kim Dung là bậc thầy trong loại truyện vụ án mặc dù những bộ sách của ông vẫn được gọi là võ hiệp tiểu thuyết.

0 nhận xét: