ĐỨC THẾ (Vietkiemhiep) - Nếu ai đó nói, cửa Phật cấm thất tình nhục dục, xin hãy xem lại. Tôi còn nhớ khi xem phim Bao Thanh Thiên, Bao Than...

Gia đình ni cô Nghi Lâm – Giá trị của sự nhân bản


ĐỨC THẾ

(Vietkiemhiep) - Nếu ai đó nói, cửa Phật cấm thất tình nhục dục, xin hãy xem lại. Tôi còn nhớ khi xem phim Bao Thanh Thiên, Bao Thanh Thiên có nói rằng “Nếu cửa phật không còn chỗ cho tình cảm, cho những giọt nước mắt thì sao có thể phổ độ chúng sinh được“. Xét cho kỹ, thấy lời của Bao Công nói cũng thật chí lý. Bởi vì xét ra, giá trị cao nhất của con người là tình cảm, mà cửa Phật hướng con người ta vào chữ “Thiện” mà diệt đi tình cảm thì sao có thể trở thành tôn giáo lớn nhất ở Phương Đông?


Tôi cũng là một người mê đọc tiểu thuyết Kim Dung đến cuồng nhiệt, đọc đến mức “hơi nhiễm”. Và cái mà tôi vẫn tâm đắc nhất khi đọc Kim Dung là cái nhân bản trong cái xã hội giang hồ trong tiểu thuyết kiếm hiệp. Và gia đình của nàng tiểu ni cô Nghi Lâm và mối tình câm lặng của nàng là đỉnh cao của cái nhân bản ấy.

Gia đình ấy gồm: Hòa thượng bất giới, Á bà bà trong Hằng Sơn, ni cô Nghi Lâm. Liệu ta có thể gọi họ là một gia đình không? Tại sao lại có một gia đình mà toàn là ni cô với hòa thượng vậy? Cái gia đình ấy xuất phát từ một con người kỳ quặc, Bất Giới hòa thượng, thưở xưa lão chẳng phải là hòa thượng gì, bất ngờ gặp một ni cô, ngay lập tức lão “điên đảo thần hồn và ngỏ lời muốn lấy nàng làm vợ“, lão yêu nàng với một tình yêu thật sự và tự nguyện trở thành một hòa thượng để được gần nàng với lý luận “Ta quyết ý lấy má má ngươi làm vợ chứ không phải là má má ngươi muốn lấy ta. Nếu để Đức Bồ Tát trách phạt má má ngươi, làm phiền lụy nàng sau khi chết thì thật tệ bạc với nàng vì thế ta xuất gia làm hòa thượng để sau này đức Bồ Tát có trách phạt thì hai vợ chồng ta cùng chịu dưới địa ngục” (xem Tiếu Ngạo Giang Hồ, Hồi 203).

Vậy là mối tình giữa một hòa thượng và một ni cô bén duyên từ đó. Lão lấy pháp hiệu là Bất Giới, có nghĩa là hòa thượng không theo giới luật nào cả. Khi đọc đến đoạn này, tôi thực sự bị Tiếu Ngạo giang hồ làm cho mê hoặc bởi có lẽ ngoài Kim Dung ra, chưa từng có nhà văn nào dám “to gan” cho hòa thượng và ni cô yêu nhau, và còn cho họ có con cả. Xét cho cùng, Phật giáo sinh ra chẳng phải để mang con người ta về với Phật tổ, về cõi niết bàn (ta nhớ rằng đỉnh cao của giác ngộ trong Phật giáo là hình ảnh lưng thắt bầu rượu dạo chơi giữa chợ), cũng chẳng phải để đem con người ta ngày ngày gõ mõ tụng kinh, mà cái cuối cùng là để con người ta hướng đến cái thiện, làm cho con người sống ở đời yêu thương nhau. Vậy cớ gì Phật tổ hay Bồ Tát lại nỡ lòng quở trách đôi tình nhân kỳ lạ này?

Có lẽ nếu ta đem đặt mối tình này lên bàn thế sự trong cái xã hội giang hồ trong tiểu thuyết Kim Dung, sẽ có rất ít người ủng hộ họ, số người ấy liệu có ai ngoài Hoàng Dược Sư, Phong Thanh Dương, Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông, là Tiêu Tương Dạ Vũ Mạc Đại tiên sinh, là cặp vợ chồng Lệnh Hồ Xung-Doanh Doanh, là Võ Đang Tổ sư Trương Chân Nhân… và ở đời thực, tôi cũng nằm trong số người ủng hộ và cầu chúc cho tình yêu của họ. Có lẽ đức Bồ Tát bắt phạt hai người họ bằng cách khiến cho ni cô kia ghen đến mức vô lý với Ninh Trung Tắc rồi đùng đùng bỏ đi, khiến cho Bất Giới hòa thượng cả đời lang thang giang hồ để tìm kiếm (Tôi thật kính phục lão về chung tình), và rồi lão suýt tự vẫn khi bị chính bà vợ của mình treo vào trong mình dòng chữ “Con người này tham dâm, hiếu sắc vô tình bạc hãnh nhất thiên hạ“.

Ai cũng nghĩ đó là dòng chữ dành cho Điền Bá Quang, nhưng chỉ có Bất Giới hiểu, đó là vợ lão vẫn còn ghen với lão đó. Và khi càng ghen, càng hận, có nghĩa là còn yêu. Và số phận mỉm cười với họ khi Á Bà Bà mà Nghi Lâm cứ tưởng là bà lão câm điếc lại chính là người vợ mà Bất Giới cả đời lặn lội đi tìm, và Phật Tổ đã không quở trách họ, ngược lại còn đem hai con người ấy trở về với nhau. Vâng, hai con người, chứ không phải một hòa thượng và một ni cô.

Sản phẩm của tình yêu ấy, là một cô con gái xinh đẹp, thánh thiện có tấm lòng bồ tát, bồ tát như thể cô là con của phật vậy. Nghi Lâm thừa hưởng sắc đẹp của mẹ, cái thánh thiện của nhà phật, rủi thay, cô cũng là một ni cô, một ni cô “đẹp tựa hòn ngọc minh châu trong sáng không ngấn vết“. Dường như số mệnh báo trước cho việc Nghi Lâm cũng vướng vào cái mộng ái tình như cha mẹ mình. Cái đẹp thánh thiện của nàng không giúp nàng thoát khỏi nỗi sầu của một tình yêu câm lặng với anh chàng Lệnh Hồ lãng tử, kẻ mà bị gọi là “ngươi hay ăn nói thiếu đứng đắn, chẳng trách tiểu sư muội không thích ngươi“.




Có lẽ đức Bồ Tát còn trách phạt vợ chồng Bất Giới bằng cách bắt con gái họ, một ni cô phải vướng vào mộng ái tình, nhưng lại để nàng yêu đơn phương với Lệnh Hồ Xung. Nếu trách ai, có lẽ nàng chỉ nên trách tên Vạn lý Độc hành Điền Bá Quang mà thôi. Nếu như không phải Điền Bá Quang bắt nàng với ý đồ xấu (nhưng Bất Giới hòa thượng thì lại khen Điền Bá Quang quả là biết nhìn mặt hàng, biết mê cái đẹp của con gái lão, không như Lệnh Hồ chẳng có con mắt nhìn cái đẹp gì cả, quả là thật sảng khoái với Bất Giới), thì Lệnh Hồ Xung không phải xả thân mình cứu nàng, để nàng không phải “suốt đời suốt kiếp cầu cho Lệnh Hồ huynh bình an“. Sự xuất hiện trong tòa sảnh của Lưu Chính Phong, sự hồn nhiên ngây thơ của Nghi Lâm đã ngay lập tức cứu cho thanh danh của gã tửu đồ lãng tử Lệnh Hồ Xung. Và bất kỳ ai có chút nhạy cảm cũng linh cảm được rằng nàng đã bắt đầu vướng vào nỗi khổ lụy của tình yêu, với gã “Lệnh Hồ đại ca” đó. Con chim sơn ca hồn nhiên của phái Hằng Sơn đã bất ngờ bị trúng mũi tên của vị thần tình yêu Cupide. Mũi tên đã xuyên qua tim vị tiểu ni, nhưng lại quá đỗi lặng lẽ vô thanh, nên cô chẳng hề hay biết (cứ như là “Tình yêu đến em không mong đợi gì” vậy).

Nghi Lâm yêu Lệnh Hồ từ khi nào? Có lẽ từ khi nàng chứng kiến cảnh anh chàng này xả thân cứu mình thoát khỏi sự làm nhục của Thái hoa dâm tặc Điền Bá Quang, nhưng cái tình yêu ấy, chỉ được xác nhận khi nàng đưa anh chàng thoát khỏi kỹ viện, cùng ngắm cảnh nơi chân núi Hành Sơn, và lần đầu tiên trong đời mình, tiểu ni cô Nghi Lâm đã biết ghen, mà biết ghen có nghĩa là đã yêu rồi “Nghi Lâm lòng như se lại, thầm nghĩ: Té ra huynh ấy chỉ muốn cho Linh San sư muội của huynh ấy đến bầu bạn. Y mong mình đi kêu cô ấy tới càng sớm càng hay. Rồi không cầm được nước mắt, dòng lệ rơi lã chã… Đột nhiên nàng lại òa lên khóc ròng, vừa khóc vừa dậm chân: Tôi không phải là… tiểu sư muội của Lệnh Hồ đại ca… đại ca… trong lòng đại ca lại nhớ tới cô tiểu sư muội kia!” (Tiếu ngạo giang hồ, Hồi 34).

Có lẽ đây là lúc mà Nghi Lâm “dũng cảm” nhất để cho lòng mình vượt khỏi vị Bồ Tát đang quản thúc nàng, để cho ta thấy, nàng đích thực là một cô gái thật sự, cũng biết yêu thương, biết ghen và biết bày tỏ cảm xúc. Có lẽ những tính cách này khiến cho Nghi Lâm dù không phải là một nhân vật chính, nhưng lại hay hơn hết thảy những nhân vật chính khác như Tiểu Long Nữ, Vương Ngọc Yến… Và tiểu ni cô ấy cũng như bao thiếu nữ khác, cũng biết xốn xang trong lòng khi được gã Lệnh Hồ khen đẹp (quả thật, cô đẹp thật, và Lệnh Hồ Xung không hề khen giả dối) “Nếu tiểu sư muội mà xấu thì trong thiên hạ làm gì có người đẹp? Tự cổ chí kim có hàng ngàn vạn công chúa mà có cô nào bằng sư muội đâu. Nghi Lâm nghe gã tán dương mình trong lòng xốn xang vui mừng” (Tiếu ngạo giang hồ, Hồi 35).

Vâng, có lẽ không cô gái nào không thích người khác tán dương sắc đẹp của mình, và cái này càng khiến tôi thích thú với nhân vật này hơn. Và khi mới đọc đến đoạn này, tôi đã từng mong sao gã Lệnh Hồ Xung kia yêu thương nàng để mối tình của nàng đừng trở thành một mối tình câm lặng. Nhưng “mấy ai được sống như mình đã mơ“, người ta vẫn bảo thế. Đức Bồ Tát trừng phạt vợ chồng Bất Giới khiến cho mối tình của Nghi Lâm cứ theo những dòng kinh ấy mà câm lặng, dù nó vẫn âm ỉ cháy một cách mãnh liệt trong nàng, nhưng nó vẫn mãi chỉ là một mối tình “hồn bướm mơ tiên” mà thôi. Khi cùng đồng môn Hằng Sơn theo “Lệnh Hồ đại ca” phiêu bạt giữa giang hồ hiểm ác vì tai nạn của bản phái, thì những ánh mắt quan hoài thầm kín của tiểu ni cô dành cho gã lãng tử đó vô cùng đằm thắm và chan chứa biết bao sự thương yêu của một mối tình câm lặng (giá như nó đánh đổi cho Nhạc Linh San, có lẽ đã không gây cho Lệnh Hồ Xung nhiều nỗi đau trong lòng đến vậy). Như một nhà tu hành toạ thiền, quên đi ngoai cảnh mà chỉ chú tâm quán tưởng một đích duy nhất là thiền định, thì tiểu sư thái Nghi Lâm dường như suốt đời chỉ “quán tưởng” mỗi một hình ảnh của Lệnh Hồ Xung!

Chớ trêu hơn, sao Bồ tát nỡ để cho Nghi Lâm hiểu cái nỗi hàm oan mà anh chàng Lệnh Hồ gặp phải, lại để cái anh chàng Lệnh Hồ (dù đã giả trang làm tướng quân ngờ nghệch) cứu cả đoàn ni cô Hằng Sơn, rồi lại run rủi đẩy cái anh chàng ấy thành “Chưởng môn sư huynh” của phái Hằng Sơn, khiến cho cái tình yêu trong tim nàng càng trở nên quay quắt đến tội nghiệp. Và Kim Dung dường như cảm thông với nỗi lòng của nàng, khi đưa đến bên nàng “Á bà bà” để nàng tâm sự nỗi lòng và bao tâm sự được nàng kể lể với Á bà bà ấy, như một chút an ủi khi cô sắp phải chia tay vĩnh viễn với gã “Lệnh Hồ đại ca” giảo quyệt mồm năm miệng mười mà cô ngày đêm tưởng nhớ.



Chúng ta đã đã bao lần chứng kiến Nghi Lâm nhỏ lệ, mà có lẽ chủ yếu chỉ vì Lệnh Hồ Xung. Sau này, khi cô tiếp chưởng phái Hằng Sơn, tôi tin rằng vị tân chưởng môn đó sẽ vẫn rất nhiều phen phải tiếp tục khóc thầm. Vì chắc chắn nàng chưa thể quên hẳn vị “Chưởng môn sư huynh” đang sống hạnh phúc và tiêu dao giang hồ cùng Nhậm Doanh Doanh, dù đó là điều mà cô nhiều phen thành tâm cầu nguyện cùng Bồ Tát. Có lẽ hai câu thơ dưới đây cũng tương tự như cõi lòng của Nghi Lâm, như những giọt lệ giữa trang kinh mà nàng vẫn tụng:

Khuya về nhẹ mở trang kinh
Trang nào cũng thấy bóng hình của em…

Tôi không phải là người văn hay chữ tốt, cũng lại càng không giỏi nghị luận văn học. Tôi không biết phải nói thế nào cho hay về Nghi Lâm, về Bất Giới hòa thượng, những nhân vật mà tình yêu của họ khiến tôi thực sực xúc động và càng khâm phục Tra Lương Dung lão tiên sinh thật tài tình và cũng thật nhân bản khi đem tình yêu đến với họ. Có lẽ trong đời thường chẳng có được một cặp như vợ chồng Bất Giới hòa thượng. Tôi ủng hộ Bất Giới, bởi thấy ông biểu hiện thực sự là một CON NGƯỜI (chứ không như những gã tu hành khác, mồm thì niệm nam mô, cấm người khác tà dâm, còn bản thân thì mê dâm dục, mê quyền lực). Suốt đời, Bất Giới chỉ chạy theo có hai chữ “tình yêu”, cũng như suốt quãng đời trong câu chuyện Tiếu Ngạo giang hồ, Nghi Lâm phải đau khổ vì mối tình câm lặng của mình. Nhưng họ không hối hận vì tình yêu của mình, bởi họ biết yêu, đó là tình cảm cao nhất của con người. Không có một lề luật nào đáng gọi là nhân bản nếu nó ngăn cản tình yêu đích thực, và trong sáng của con người cả!

0 nhận xét: