Ngoài Kim Dung, trên văn đàn tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa hiện đại còn có nhiều tác giả nổi tiếng khác trong đó nổi bật là Cổ Long với P...

Tản mạn Tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long - Cao Tự Thanh


Ngoài Kim Dung, trên văn đàn tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa hiện đại còn có nhiều tác giả nổi tiếng khác trong đó nổi bật là Cổ Long với Phong vân đệ nhất đao được dịch thành Long hổ phong vân ở miền Nam trước 1975 và Huyết biển bức được dựng thành phim vidéo với tên gọi Biển bức cung chủ được dịch là “Cung Dơi chúa” ở Việt Nam vài năm gần đây. Có thể nói nếu Kim Dung là tác giả tiêu biểu cho trường phái “truyền thống” thì Cổ Long là tác giả tiêu biểu cho trường phái “canh tân” trong tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa hiện đại, trường phái với các tác phẩm loại võ hiệp hình sự, trinh thám được chuyển thể thành phim ảnh rất rộng rãi khoảng mươi năm nay.



Khác với Kim Dung, tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long có kết cấu khá giống các tác phẩm tiểu thuyết hình sự trinh thám hay tâm lý xã hội phương Tây hiện đại, hoàn toàn hư cấu về không gian và thời gian nhưng khá chân thực về số phận và tâm lý nhân vật. Các nhân vật Lục Tiểu Phụng, Lý Tầm Hoan, Tiểu Phi tức Đạo soái Lưu Hương và Thẩm Thăng Y trong các tác phẩm từ U linh sơn trang, Ngân câu đổ trường, Phong vân đệ nhất đao tới Huyết biển bức, Thất dạ câu hồn... thật ra đều là những viên thanh tra cảnh sát tự nguyện chuyên điều tra khám phá các vụ án trong xã hội võ lâm, còn các nhân vật phản diện cũng có thân phận khá hiện đại, có khi là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ giỏi thuật dịch dung như Cẩm Cung Thành trong Ma đao dùng tài năng toan cướp ngôi vua, có khi là một nữ tặc giết mướn như Vân Phiêu Phiêu trong Thất dạ câu hồn bị đồng bọn trong tổ chức cũ truy sát vì tự ý ly khai rồi lập ra Thất Sát trang để kinh doanh riêng. Các nhân vật chính diện của Cổ Long ít được miêu tả về lai lịch và công phu võ học như của Kim Dung, cũng ít khi động quyền vung kiếm. Họ vật lộn với cuộc sống, đối đầu với kẻ thù bằng trí tuệ và tâm hồn nhiều hơn là bằng kiếm chiêu chưởng pháp, và đặc biệt là các nhân vật chính của Cổ Long dù gian tà hay hiệp nghĩa cũng hầu như đều có số phận rủi ro lận đận và tâm sự trầm uất đau buồn. Cái thế đối lập lưỡng phân này khiến cuộc sống với các quan hệ và mâu thuẫn trong tác phẩm của Cổ Long nhiều khi giống như một gánh nặng tiền định hay một cuộc chơi tàn nhẫn, nhưng cũng chính vì vậy mà nội dung tâm lý lại trở thành yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn trong tiểu thuyết võ hiệp của ông. Dĩ nhiên để đạt tới những điều nói trên Cổ Long cũng phải trải qua một quá trình, và có thể ít nhiều thấy được sự tự ý thức về quá trình ấy của chính Cổ Long qua lời tựa của ông in trong bộ Thất dạ câu hồn được Thái Bạch Văn nghệ xã tái bản ở Trung Quốc năm 1994 :

“Sau khi viết bộ Tiểu Lý phi đao và Hiệp đạo Sở Lưu Hương, độc giả của tôi ngày càng đông, cái tên Cổ Long cũng ngày càng nổi tiếng. Trong hiệu sách bày sách của tôi, trên vô tuyến truyền hình chiếu các nhân vật và cốt truyện mà tôi sáng tác, trên đường phố ngân nga bài hát “Tiểu Lý phi đao”, thậm chí còn có người chủ động tìm tới nhà xin tôi cho phép đặt tên quán rượu của ông ta là “Sở Lưu Hương tửu quán”.


Tôi cám ơn lòng yêu mến của người đọc. Đối với hai nhân vật ấy tôi đã có cách nhìn của mình. Lý Tầm Hoan trong Tiểu Lý phi đao hiệp nghĩa thiện lương, nhưng cũng có nhược điểm trong tính cách. Y tình cảm yếu đuối, thiếu sự dứt khoát, yêu Lâm Thi Âm nhưng không muốn thổ lộ chân tình với nàng, hết sức đè nén tình cảm của mình, dùng chén rượu tiêu sầu qua tháng ngày, tiêu cực, bi quan, đau khổ, suốt đời sống trong mâu thuẫn và bi kịch, sống quá vất vả rất không thoải mái.


Còn Sở Lưu Hương ? Y tiêu sái, phong lưu, sâu sắc, khôi hài, ngao du trong đời, hành hiệp trượng nghĩa. Y có thể thu xếp rất ổn thỏa những việc rất khó giải quyết, điều đó quả rất tuyệt vời, rất khiến người ta phải lưu ý. Rất nhiều người cho rằng một lá thư ngắn của Sở Lưu Hương trong tác phẩm của tôi có thể làm rõ vấn đề này :
“Nghe nói ông có tượng mỹ nhân bằng bạch ngọc, do thợ khéo tạc thành, vô cùng xinh đẹp, không kìm được lòng hâm mộ. Giờ Tý đêm nay ta sẽ đạp ánh trăng tới lấy, ông vốn là người cao nhã khoát đạt, ắt không đến nỗi để ta phải đi uổng công”.

Lá thư ngắn này nói về việc ăn trộm bảo vật của người ta mà viết rất nhẹ nhàng, trang nhã, lại có ý thơ, đó chính là phẩm cách của Sở Lưu Hương.


Tôi có rất nhiều bạn bè trí tuệ rất cao, có tài văn chương, họ cứ gặp tôi là đều hỏi “Tiểu Lý phi đao và Sở Lưu Hương viết rất hay, sao anh không viết tiếp, viết thêm vài bộ nữa ?”.


Tôi cười cười.


Tôi cũng chỉ có thể cười cười.


Tiểu Lý phi đao đã tả tới mức rốt ráo, về Sở Lưu Hương cũng đã viết tới tám bộ, Hồ Thiết Hoa cũng già rồi, còn gì để viết nữa ? Nếu viết nữa cũng chỉ có thể rơi vào hình thức vốn có.
Vậy thì tôi viết nữa hay không ?


Đương nhiên là viết ! Mà còn phải thay đổi, canh tân, vượt thoát ra khỏi nội dung và hình thức cũ, đổi mới cách viết, tạo ra một hình tượng hiệp khách mới - Thẩm Thăng Y.


Thẩm Thăng Y không những có tấm lòng thông cảm với con người như Tiểu Lý phi đao mà còn có phong cách phiêu nhiên tiêu sái, sâu sắc phong lưu của Sở Lưu Hương, đồng thời cũng có cả trí tuệ và võ công của họ. Tiểu Lý phi đao dùng đao, Sở Lưu Hương không dùng võ khí, nhưng Thẩm Thăng Y dùng kiếm, mà còn dùng song kiếm.


Chuyện Thẩm Thăng Y khúc chiết ly kỳ, khẩn trương kịch liệt, vả lại rất tình tứ, nhưng hoàn toàn không phải là chuyện hoang đường vô căn cứ, mà lại chan chứa tình cảm với bạn bè, khảng khái và nghĩa hiệp, sâu sắc và thông cảm, hy vọng người đọc sau khi vui buồn cảm động có thể cảm nhận được sự gợi ý trong sách, nhìn con người và sự việc trên đời sâu hơn, xa hơn.


Đó chính là nguyện vọng lớn nhất của tôi khi viết Thẩm Thăng Y”.

Cổ Long tên thật là Hùng Diệu Hoa, nguyên quán Giang Tô, sinh ở Hương Cảng, về sau định cư ở Đài Loan. Lúc trẻ nghèo khổ, nhờ bạn bè giúp đỡ vừa đi làm vừa đi học tốt nghiệp Đại học Đạm Giang. Từng gia nhập quân đội đóng ở Đài Bắc. Về sau vì sinh hoạt bức bách, bắt đầu sáng tác tiểu thuyết võ hiệp. Tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long rất độc đáo, có ảnh hưởng rất lớn. Ông đã sáng tác gần một trăm tác phẩm, trong đó tiêu biểu có các bộ Sở Lưu Hương hệ liệt, Lục Tiểu Phụng, Đa tình kiếm khách vô tình kiếm, Tuyệt đại song kiêu, Cửu nguyệt ưng phi, Hồ điệp lưu tinh kiếm, Thiên nhai minh nguyệt đao, Thất chủng vũ khí, Tiêu Thập Nhất lang, Thẩm Thăng Y truyền kỳ hệ liệt, Đại địa phi ưng.


Cổ Long sinh năm 1937, qua đời năm 1985, được coi là người có “một đột phá lớn trong lịch sử tiểu thuyết võ hiệp” Trung Hoa.

Tháng 8. 1999

Cao Tự Thanh
http://www.gio-o.com/caotuthanh

0 nhận xét: