Chu Chỉ Nhược
Trong Ỷ thiên đồ long ký, với những gì mà nhà văn Kim Dung miêu tả về cuộc đời nàng, tôi cảm nhận đây không phải là nhân vật phản diện như nhiều bạn đọc khác mà tôi cho rằng nàng là một trong hai nhân vật nữ chính.
Hoàn cảnh lúc nhỏ của Chu Chỉ Nhược rất cơ cực, con nhà thuyền gia trên sông Hán Thủy, cuộc sống vật chất đã khó khăn, lại còn mất cả cha và mẹ khiến nàng không còn nơi nương tựa, nàng đã bị dồn đến đường cùng. Nếu như không có sự xuất hiện của Trương Tam Phong nàng không còn lối thoát. So với Trương Vô Kỵ về mặt tinh thần, nàng còn khổ hơn nhiều. Trương Vô Kỵ không những là nam nhi mà chàng còn có nhiều người thân xung quanh, Thái Sư Phụ Trương Tam Phong, có các sư thúc, sư bá, còn có núi Võ Đang là nhà, vẫn còn cha nuôi Tạ Tốn. Chu Chỉ Nhược là phận nữ nhi, không còn ai thân thích, Võ Đang không phù hợp với nữ nhi, nàng không còn bất kỳ lựa chọn nào khi Trương Tam Phong gửi nàng làm đệ tử cho Diệt Tuyệt Sư Thái.
Đối với Chu Chỉ Nhược, Diệt Tuyệt Sư Thái chính là cha mẹ thứ hai của nàng, nuôi nấng, dạy dỗ, là nơi nương tựa, là người thân duy nhất còn lại của nàng, Nga Mi là nhà nàng. Thử hỏi nàng biết trông cậy vào ai khi không có sư phụ, nàng biết đi đâu khi không về Nga Mi? Nam nhi còn “lang bạt” giang hồ được, nữ nhi như nàng “lang bạt” kiểu gì đây?
Một nét rất đặc trưng của phái Nga Mi là có rất đông đệ tử nữ, đến đây thì chắc hẳn ai cũng hiểu ở đâu có nhiều nữ giới, ở đó có nhiều phức tạp vặt vãnh, những chuyện mà nam giới có thể bỏ qua thì nữ giới lại không chịu bỏ qua. Một ví dụ điển hình là sư tỷ Đinh Mẫn Quân của nàng, Đinh Mẫn Quân luôn đố kỵ đố kỵ, ghen ghét, rắp tâm hãm hại với tất cả những ai làm mụ tức giận. Nhắc đến Đinh Mẫn Quân thì không thể bỏ qua tình tiết vì mụ mà Kỷ Hiểu Phù phải chết dưới tay Diệt Tuyệt Sư Thái, mụ còn định giết nốt cả con gái của Kỷ Hiểu Phù nhằm tâng công với sư phụ. Sau khi Diệt Tuyệt Sư Thái chết, chính Đinh Mẫn Quân đã công khai chống lại di mệnh của bà, phá đám Chu Chỉ Nhược làm trưởng môn.
Chu Chỉ Nhược là người thông minh - mưu trí. Với hoàn cảnh xuất thân và môi trường lớn lên như vậy, rõ ràng Chu Chỉ Nhược phải vận dụng tất cả “kinh nghiệm sống” và “kiến thức xã hội” để tồn tại, vì thông minh nàng rất được lòng sư phụ, được truyền dạy Cửu Dương Công và Dịch Kinh nguyên lý. Khi phải đấu với Ân Ly, nàng vờ bị thương để không phải sinh tử với Ân Ly, rõ ràng nàng không muốn làm hại đến người mà nàng không thù oán nhưng cũng không làm mếch lòng Đinh Mẫn Quân. Trên đỉnh Quang Minh mượn việc thỉnh giáo sư phụ để chỉ điểm cho Trương Vô Kỵ đánh thắng phái Hoa Sơn và Côn Lôn...
Chu Chỉ Nhược là người tàn nhẫn - thủ đoạn. Trộm Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao, hãm hại Ân Ly, giá họa cho Triệu Mẫn, âm thầm luyện Cửu Âm Chân Kinh, mưu hại Tạ Tốn...
Việc nàng đâm Trương Vô Kỵ một kiếm trên đỉnh Quang Minh: Do mệnh lệnh của Diệt Tuyệt Sư Thái. Đến đây cũng phải bàn thêm về Diệt Tuyệt Sư Thái. Anh trai của bà là Phương Bình bị Tạ Tốn giết chết, sư huynh của bà là Cô Hồng Tử bị tử thương bởi Dương Tiêu của Minh Giáo, ái đồ của bà Kỷ Hiểu Phù, người mà bà rất tin yêu, bị quyến rũ bởi chính Dương Tiêu, dám “trái ý” bà. Diệt Tuyệt Sư Thái cho rằng bà bị mất mát quá nhiều với Minh Giáo sinh ra thù hận một cách mù quáng. Khi bà muốn tiêu diệt Minh Giáo để rửa hận gặp phải Trương Vô Kỵ cản trở, thành ra bà hận luôn cả Trương Vô Kỵ. Trong thời đại đó, quan niệm “phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu” rất rộng rãi, Chu Chỉ Nhược dù có bản lĩnh đến mấy cũng không thể làm trái quan này, không thể chống lại lệnh của sư phụ. Trước mặt bao nhiêu người, nếu nàng không đâm Trương Vô Kỵ có nghĩa là trở thành phản đồ, liệu Diệt Tuyệt Sư Thái có tha cho nàng không, Kỷ Hiểu Phù cũng vì chống lại Diệt Tuyệt Sư Thái mà vong mạng đó thôi. Nếu nàng không đâm Trương Vô Kỵ, Diệt Tuyệt Sư Thái cũng không giết nàng, chỉ cần đuổi nàng đi khỏi Nga Mi thì nàng cũng chẳng còn nơi nào mà dung thân, chẳng lẽ lại chạy theo Trương Vô Kỵ, danh tiết của người con gái đoan trang như nàng vứt đi đâu? Cực chẳng đã Chu Chỉ Nhược phải đâm, kiếm Ỷ Thiên sắc đến như vậy, vậy tại sao nàng đâm mà Trương Vô Kỵ không chết?
Việc nàng trộm Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao, dùng sắc đẹp mê hoặc làm hại Trương Vô Kỵ: Do di mệnh của Diệt Tuyệt Sư Thái, bà muốn Chu Chỉ Nhược lấy binh pháp Võ Mục Di Thư đế đánh đuổi ngoại xâm, luyện võ công Cửu Âm Chân Kinh để thay bà trả thù Minh Giáo. Để Chu Chỉ Nhược thực hiện di mệnh này, Diệt Tuyệt Sư Thái vừa dùng uy lực ép buộc, vừa quỳ xuống cầu xin. Trong tình huống này, một người con gái chưa đến 20 tuối như nàng, từng chịu ơn cưu mang dưỡng dục của bà, coi bà như cha mẹ, liệu có dám từ chối? Mặc dù Chu Chỉ Nhược thực hiện di mệnh trộm kiếm và đao nhưng nàng không hãm hại Trương Vô Kỵ, không chỉ vì nàng yêu Trương Vô Kỵ mà nàng còn chịu ơn cứu giúp của chàng. Không có Trương Vô Kỵ, Chu Chỉ Nhược đã bị Triệu Mẫn rạch mặt tại chùa Vạn An. Nàng bị kẹt giữa bởi chữ “hiếu” và chữ “tình”, kẹt giữa bởi “lý trí” và “tình cảm”, kẹt giữa bởi Diệt Tuyệt Sư Thái và Trương Vô Kỵ. Vậy đây dã tâm của nàng hay do nàng bị ép buộc?
Việc nàng hãm hại Ân Ly, đổ tội cho Triệu Mẫn: Hai lần đối diện Ân Ly, Chu Chỉ Nhược thực hiện hai hành động mang lại hai kết quả khác nhau. Lần thứ nhất trên đường đi đến Quang Minh nàng vờ bị thương để không làm hại Ân Ly. Lần thứ hai trên đảo Linh Xà nàng rạch mặt Ân Ly, đổ tội cho Triệu Mẫn. Điều này không có gì khó hiểu. Lần thứ nhất Ân Ly với nàng không thù oán nên nàng không muốn sinh tử với Ân Ly. Lần thứ hai, thấy Trương Vô Kỵ săn sóc Ân Ly thì nàng sinh ra thù oán, nàng không cam tâm nhìn thấy Trương Vô Kỵ cưới Ân Ly. Mặt khác nàng thù hận Triệu Mẫn suýt rạch mặt nàng, làm hại Diệt Tuyệt Sư Thái, đẩy môn phái Nga Mi tan đàn xẻ nghé. Việc mà nàng làm mang đến nhiều mục đích vừa loại được tình địch, vừa trả thù được cho môn phái, cho cá nhân, vừa giành được Trương Vô Kỵ, vừa lấy được bí kíp võ công. Nếu Chu Chỉ Nhược độc ác như nhiều bạn đọc nghĩ thì chắc chắn nàng đã làm hại cả Tạ Tốn khi trộm đao Đồ Long để tránh việc Tạ Tốn đòi lại đao (lúc này Tạ Tốn đã bị trúng độc, không có khả năng tự vệ). Chu Chỉ Nhược không làm như vậy do nàng với Tạ Tốn không thù oán, nàng không muốn Trương Vô Kỵ đau khổ khi thấy cha nuôi bị hãm hại. Tất nhiên việc làm hại Ân Ly là không chấp nhận được nhưng căn cứ vào đó mà kết luận nàng là kẻ ngụy quân tử, ác độc là chưa thật thuyết phúc, đây chỉ là sự ghen tuông mù quáng, muốn triệt hạ tình địch mà thôi. Đây cũng là điều đáng tiếc nhất cho Chu Chỉ Nhược.
Việc nàng âm thầm luyện Cửu Âm Chân Kinh: Trong võ lâm giang hồ, kiếm Ỷ Thiên và đao Đồ Long là báu vật mà rất nhiều cao thủ thèm muốn. Chu Chỉ Nhược thừa hiểu nàng không thể tự bào vệ mình trước nhiều cao thủ võ lâm nếu như họ phát hiện được nàng lấy trộm kiếm Ỷ Thiên và đao Đồ Long. Nàng cũng hiểu được rằng không phải lúc nào Trương Vô Kỵ cũng ở bên nàng bảo vệ cho nàng, bài học khi đối đầu với Triệu Mẫn và Kim Hoa Bà Bà còn đó. Cửu Âm Chân Kinh chính là phao cứu sinh cho nàng có thể chống lại các cao thủ khác, giúp nàng thực hiện di mệnh của Diệt Tuyệt Sư Thái là đưa Nga Mi trở thành đệ nhất môn phái, dù nàng không muốn cũng phải học.
Việc nàng mơ trở thành hoàng hậu: Theo suy luận logic khi Minh Giáo thắng thế, Trương Vô Kỵ làm giáo chủ đương nhiên sẽ trở thành Hoàng Đế, nàng được Trương Vô Kỵ thương yêu, được Tạ Tốn đứng ra làm mối kết duyên vợ chồng, thì chuyện nàng mơ trở thành hoàng hậu không có gì sai trái. Câu nói của cổ nhân “nước chọn chỗ trũng mà chảy, người chọn chỗ cao mà đi” hoàn toàn đúng với hoàn cảnh của nàng. Tuổi thơ của gắn liền với cuộc sống cơ cực, trở thành hoàng hậu, con cái nàng sẽ không khổ như nàng nữa. Đây là tâm lý chung của tất cả những người làm cha mẹ chứ không riêng gì của Chu Chỉ Nhược. Lại có nhiều độc giả cho rằng, Chu Chỉ Nhược quá tham lam, vừa muốn có công danh vừa muốn có hạnh phúc. Đây không phải là điều chỉ có ở Chu Chỉ Nhược, nó tồn tại trong mỗi chúng ta. Khi chưa có nhà thì căn hộ đã là quá tốt, đến khi có căn hộ rồi thì lại muốn có biệt thự, khi đi xe đạp thì muốn có xe máy, có xe máy rồi lại đòi xe hơi...
Việc nàng âm mưu hại Tạ Tốn: Có hai lý do để Chu Chỉ Nhược làm hại Tạ Tốn. Lý do thứ nhất là nàng chưa luyện xong Cửu Âm Chân Kinh, Tạ Tốn tiết lộ ra thì giang hồ võ lẫm sẽ truy sát nàng để đoạt kiếm Ỷ Thiên và đao Đồ Long. Lý do thứ hai là chữ “HẬN” trong con người nàng quá lớn, nó che lấp hết tất cả suy nghĩ của nàng từ khi Trương Vô Kỵ bỏ nàng đi lúc hai người đang làm lễ cưới. Tại sao Triệu Mẫn lại chọn đúng lúc Trương Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược thành hôn để ngăn cản trong khi Triệu Mẫn có thể làm việc đó sớm hơn? Chỉ có một câu trả lời duy nhất, Triệu Mẫn căm hận Chu Chỉ Nhược đã ám hại nàng trên đảo Linh Xà nên hạ nhục Chu Chỉ Nhược. Trước mặt bao nhiêu người từ các môn phái, Chu Chỉ Nhược đã bị Triệu Mẫn nẫng mất người thân cuối cùng của nàng, dồn nàng đến đường cùng. Không những vậy Trương Vô Kỵ còn công khai bênh “bồ nhí” giữa thanh thiên bạch nhật trước toàn thể đại diện “võ lâm giang hồ”. Chu Chỉ Nhược thừa hiểu rằng, trong mắt của toàn thể “võ lâm giang hồ” nàng “cao giá” hơn Triệu Mẫn, vậy mà phải thua, thử hỏi có còn điều gì khác làm thanh danh bị vấy bẩn hơn? Nàng không hận Trương Vô Kỵ thấu xương mới là lạ, nàng muốn Trương Vô Kỵ phải thấu hiểu điều đó bằng cách ra tay mưu sát Tạ Tốn, để cho chàng hiểu được nỗi đau khi mất người thân là thế nào. Cuối cùng, rất may cho nàng, Tạ Tốn không chết, oan nghiệt nàng gây ra cũng chưa quá nặng.
Ngoài ra những hành động vờ bị thương để không phải làm hại đến Ân Ly, không trả thù Đinh Mẫn Quân khi nàng lên làm trưởng môn, đứng ra bảo vệ cho tất cả các đệ tử trong phái Nga Mi khi bị Kim Hoa Bà Bà bức bách... là hành động của nhân vật ngụy quân tử, phản diện chăng?
Đặt trong từng hoàn cảnh cụ thể, những việc Chu Chỉ Nhược làm đều có nguyên nhân của nó mà đa phần từ hoàn cảnh mang lại. Tất nhiên không phải tất cả hành động sai trái của nàng đều do khách quan, cũng có những việc do nàng tự gây nên nhưng cuối cùng nàng đã sám hối, nàng đã dũng cảm thừa nhận tất cả, cái thiện trong con người nàng đã chiến thắng. Nếu so sánh Chu Chỉ Nhược với các nhân vật khác như Thành Côn, Trần Hữu Lượng, Tống Thanh Thư, Đinh Mẫn Quân, Chu Trường Linh - Chu Cửu Chân, Hà Thái Xung - Ban Thục Nhàn ... thì sẽ có câu trả lời ai là chính, ai là tà, ai là quân tử, ai là tiểu nhân. Cá nhân tôi không cho rằng Chu Chỉ Nhược xấu, ác, tôi chỉ cho rằng nàng mắc phải nhiều sai lầm mang tính dây chuyền mà thôi.
Triệu Mẫn (trên) và Chu Chỉ Nhược: ai xứng đáng hơn?
Triệu Mẫn thì sao?
Trái ngược hoàn toàn với Chu Chỉ Nhược, Triệu Mẫn là cành vàng lá ngọc trong phủ Nhữ Dương Vương. Nàng sinh ra trong nhung lụa, không thiếu thốn một thứ gì, có đầy đủ tình thương từ cha mẹ, anh trai. Trong Vương phủ, vô số người hầu kẻ hạ, liệu ai dám trái ý nàng, đến ngay cả cha nàng, anh nàng cũng phải chịu thua khi nàng dọa tự tử. Nói vậy không có nghĩa là tôi đề cao Chu Chỉ Nhược và hạ thấp Triệu Mẫn, cũng như lời bàn về Chu Chỉ Nhược, tôi cũng bàn về Triệu Mẫn trên các khía cạch tương tự.
Triệu Mẫn là người thông minh - mưu trí: hạ độc các cao thủ của Minh Giáo, lừa Trương Vô Kỵ ngã xuống hầm tối, minh oan cho Trương Vô kỵ không giết Mạc Thanh Cốc, bắt bài Thiếu Lâm muốn giữ Tạ Tốn để chiếm đao Đồ Long... Ấn tượng nhất của tôi về sự thông minh của Triệu Mẫn là việc nàng phá đám cưới của Chu Chỉ Nhược. Biết trước là có nhiều cao thủ từ nhiều môn phái mà đa phần có thù oán với nàng, Triệu Mẫn vẫn đến đám cưới không cần thuộc hạ bảo vệ, tại sao lại như vậy? Vì nàng quá hiểu con người Trương Vô Kỵ, nàng biết Trương Vô Kỵ nghi nàng giết Ân Ly nhưng khi gặp lại nàng Trương Vô Kỵ vẫn không trả thù. Nếu trong đám cưới có bất kỳ ai ra tay với nàng, Trương Vô Kỵ sẽ bảo vệ nàng, đẩy là cách hạ nhục và rửa hận hay nhất của Triệu Mẫn đối với Chu Chỉ Nhược. Có một chi tiết mà Triệu Mẫn không tính toán được là người ra tay với nàng lại chính là Chu Chỉ Nhược, nàng chủ quan vì không biết được Chu Chỉ Nhược đã học Cửu Âm Chân Kinh dẫn đến suýt mất mạng. Trong cái rủi lại có cái may, tuy nàng bị thương vì Chu Chỉ Nhược nhưng Trương Vô Kỵ công khai bênh nàng trước đại diện của toàn thể “võ lâm giang hồ”. Quả là không có cách gì loại bỏ tình địch một cách hay hơn, Chu Chỉ Nhược loại bỏ tình địch Ân Ly một cách “không thể chấp nhận được” còn Triệu Mẫn loại bỏ tình địch một cách “không ai ngờ được”.
Triệu Mẫn là người tàn nhẫn - thủ đoạn: hạ độc Trương Vô Kỵ và Minh Giáo, mạo nhận là Minh Giáo tiêu diệt Thiếu Lâm, Võ Đang, học lén võ công của các môn phái, chặt ngón tay của các cao thủ võ lâm, định rạch mặt Chu Chỉ Nhược, thậm chí nàng còn muốn bắt chước tổ tiên nàng giết thật nhiều người để gây dựng sự nghiệp... Cái hay của Triệu Mẫn ở chỗ trước khi gặp mặt Trương Vô Kỵ nàng chỉ muốn giết chàng, tiêu diệt võ lâm, còn sau đó khi gặp chàng rồi nàng đã thay đổi hoàn toàn. Quan niệm “xuất giá tòng phu” là như vậy đấy!
Triệu Mẫn bỏ nhà theo Trương Vô Kỵ: Từ hoàn cảnh xuất thân của Chu Chỉ Nhược và Triệu Mẫn thì có thể hiểu được tính cách của cả hai nàng. Triệu Mẫn từ nhỏ muốn gì được nấy nên nàng công khai chuyện tình cảm, sẵn sàng giũ bỏ tất cả để theo Trương Vô Kỵ. Chu Chỉ Nhược không được may mắn như vậy, nhiều việc nàng muốn làm nhưng không thể làm, nhiều việc nàng không muốn làm nhưng lại buộc phải làm nên nàng phải khéo léo thậm chí là “đóng kịch” để được toại nguyên. Điều này vô hình chung đã dẫn đến lý luận rằng Triệu Mẫn xứng đáng hơn Chu Chỉ Nhược trong tình yêu vì nàng dám vứt bỏ tất cả gia đình, danh vọng, quyền lực để theo Trương Vô Kỵ còn Chu Chỉ Nhược không như vậy, nàng không dám hy sinh danh vọng, sự nghiệp để đổi lấy tình yêu. Bản thân tôi thấy rằng cả hai đều xứng đáng như nhau. Một điều thú vị là trong nhiều sự kiện Triệu Mẫn luôn đi trước Chu Chỉ Nhược một bước. Triệu Mẫn sử dụng “thập hương nhuyễn cân tán” thì Chu Chỉ Nhược cũng sử dụng “thập hương nhuyễn cân tán”. Triệu Mẫn rạch mặt tình địch (không thành) thì Chu Chỉ Nhược cũng rạch mặt tình địch (thành công). Triệu Mẫn gây oán thù với Nga Mi và Chu Chỉ Nhược khi bắt nhốt họ trong chùa Vạn An, Chu Chỉ Nhược cũng gây oán thù với Triệu Mẫn khi đổ lỗi cho nàng làm hại Ân Ly. Triệu Mẫn thú nhận với Trương Vô Kỵ về nhiều lỗi lầm của nàng. Chu Chỉ Nhược cũng vậy sám hối về những sai trái của nàng, thậm chí nàng còn bất chấp cả lời thề độc địa với sư phụ để đến với Trương Vô Kỵ. Tình yêu của cả hai nàng với Trương Vô Kỵ có thể đúc kết từ một câu ca dao sau “Mẹ cho bú mớm nâng niu, tội trời thì chịu, chẳng yêu bằng chồng”. Vậy có nên kết luận rằng Triệu Mẫn xứng đáng hơn Chu Chỉ Nhược trong tình yêu hay không?
----------------------------
Bài liên quan:
Tóm tắt Tiếu ngạo giang hồ
Triệu Minh và Chỉ Nhược: Bản lĩnh đàn bà
Khổ nhục kế trong Ỷ Thiên Đồ Long ký
0 nhận xét: