Đơn Giản Nếu ai đó cho rằng "Thần Điêu Đại Hiệp" là một câu chuyện dài kể về tình yêu sâu đậm của Lãng Tử Dương Quá và Thục nữ Tiể...

Quách Tương - thương quá!

Đơn Giản

Nếu ai đó cho rằng "Thần Điêu Đại Hiệp" là một câu chuyện dài kể về tình yêu sâu đậm của Lãng Tử Dương Quá và Thục nữ Tiểu Long Nữ thì với tôi, đó là một câu chuyện rất ngắn nhưng sâu sắc kể về tình yêu đơn phương chân thật mà cao cả của cô gái họ Quách với anh chàng Dương Quá này.

Xuất hiện trong hình ảnh thiếu nữ 16 tuổi ở gần kết câu chuyện, Quách Tương sớm thể hiện là một cô gái đầy cá tính, khả ái, can đảm, nghĩa hiệp, và vì thế đã kết giao được rất nhiều bằng hữu tri giao trên giang hồ kể cả đại đa số bị cho là người xấu, bần tiện, nghèo nàn (một trong số đó là kẻ thù phản diện trong cuộc chiến giữa hai quốc gia: Kim Luân Pháp Vương).

Ngưỡng mộ tài nghệ và trượng nghĩa của "Thần Điêu Đại Hiệp", ngưỡng mộ vẻ mặt tuấn tú của Dương Quá khi lần đầu tiên nhìn thấy mặt (trong tình tiết Dương Quá lột mặt nạ trong truyện), và tình yêu nhỏ bé mới lớn càng dâng lên sau những phiêu lưu ngắn của Nàng và Dương Quá khi tìm kiếm 2 con Cửu Vĩ Hồ nhà Cô Anh...

Tình cảm Quách Tương dành cho Dương Quá khiến tôi cảm động. Đó là cảm giác mối tình đầu trong sáng, cô bé xem Dương Quá là đại ca, rất yêu mến Dương Quá, thậm chí có thể nhảy xuống vực theo chàng, điều đó rất phù hợp với tâm lý một thiếu nữ 16 tuổi.

Tình yêu này được nói đến ở một số tình tiết như: Khoảng thời gian chờ đợi Dương Quá đến với buổi sinh nhật của mình, những lời cầu nguyện, chúc phúc cho Dương Quá và Tiểu Long Nữ, Sẵn sàng nhảy xuống vực sâu sau khi Dương Quá nhảy tự vẫn ở Tuyệt Tình Cốc ("Đại Ca Ca! muội tới đây!..."), và khi biết mình và Dương Quá không chết, nàng chỉ nói một câu cho điều ước thứ 3 (cây kim mà Dương Quá trao tặng gắn liền với 3 điều ước): "Bất luận sau này, huynh có thể gặp lại Dương Đại Tẩu hay không, cũng hãy bảo trọng sức khỏe, ko được làm chuyện ngu khờ nữa...". Tình yêu nhỏ không chỉ thể hiện ở điểm ấy, đoạn kết câu chuyện một lần nữa Tiểu Đông Tà của chúng ta chúc phúc cho hai người khi nhìn họ rời khỏi trần tục để phiêu bạt giang hồ.



Thật ra, tình cảm này của Quách Tương cũng không hẳn là tình yêu, mà là sự sùng bái đối với người khác phái. Trong bộ phim này mỗi người đều hữu tình, kể cả hai con chim điêu cũng hữu tình.. Trong tiểu thuyết của Kim Dung đã nhắc đến Quách Tương như vị khai sư lập tổ của Nga My phái, quá trình lập ra môn phái này của Quách Tương cũng gắn liền với nỗi nhớ nhung Dương Quá mà ra, xin trích một đoạn trong tiểu thuyết kể về tình tiết này như sau:

"Trên sơn đạo núi Thiếu Thất, tỉnh Hà Nam, có một thiếu nữ, đang cúi đầu lẩm nhẩm bài từ này. Cô gái ước chừng mười tám, mười chín tuổi, mặc áo màu vàng nhạt, cưỡi một con lừa đen, đi chầm chậm lên núi, vừa đi vừa nghĩ thầm: “Chỉ có người như Long tỉ tỉ mới xứng đáng lấy được chàng mà thôi”. 

Chữ “chàng” hiển nhiên là nói đến Thần Điêu đại hiệp Dương Quá. Cô gái lỏng dây cương, cứ để cho con lừa tự ý, thẳng đường lên núi. Một lúc lâu sau, cô lại lẩm bẩm: “hoan lạc thú, ly biệt khổ, tựu trung cánh hữu si nhi nữ. Quân ứng hữu ngữ, diểu vạn lý tằng vân, thiên sơn mộ tuyết, chích ảnh hướng thùy khứ?” Gặp nhau lòng những vui vầy, Xa nhau dạ những luống đầy khổ đau.

Cõi tình mê đắm ai đâu? 
Chim kia thiếu bạn tiếng sầu lẻ loi. 
Từng mây muôn dặm xa xôi, 
Núi cao tuyết trắng nơi nơi cũng là. 
Một mình cô tịch gần xa, 
Trăm năm bến cũ biết là về đâu? 

Cô gái lưng đeo đoản kiếm, sắc mặt có nhuốm đôi chút phong trần, hiển nhiên đã viễn du lâu ngày. Gương mặt xinh tươi, đang ở vào tuổi vô tư lự, nhưng sao dung nhan như có gì muộn phiền, đầu mày cuối mắt không thể che dấu được.

Nàng họ Quách, tên chỉ có một chữ Tương, chính là con thứ của đại hiệp Quách Tĩnh và nữ hiệp Hoàng Dung, còn có ngoại hiệu là Tiểu Đông Tà. Nàng một lừa, một kiếm, lang thang một mình, những tưởng phiền muộn trong lòng vơi đi, ai ngờ sầu lại thêm sầu, nơi danh sơn lẻ bóng lại càng hiu quạnh.

Núi Thiếu Thất thuộc tỉnh Hà Nam cũng khá cao, đường lên núi là những bậc thang bằng đá rộng rãi, qui mô lớn lao, công trình không phải nhỏ, là do vua Đường Thái Tông đến thăm chùa Thiếu Lâm mà bỏ ra tạo dựng, dài cả thảy tám dặm. Quách Tương cưỡi lừa uể oải trèo lên, thấy trước mặt từ ngọn trên núi ào ào đổ xuống năm dòng thác tung tóe như ngọc, lại nhìn những ngọn núi khác chỉ nhỏ như đàn kiến. Theo đường sơn đạo chuyển vào một khúc quanh, thì thấy một tòa tự viện tường vàng ngói xanh.

Nàng đứng ngắm dãy chùa một hồi, nghĩ thầm: “Thiếu Lâm tự vốn là nguồn gốc võ học của thiên hạ, nhưng sao hai kỳ luận kiếm Hoa Sơn, trong số ngũ tuyệt không thấy cao tăng nào của chùa Thiếu Lâm cả? Không lẽ hòa thượng trong chùa không tài cán gì, sợ mất uy danh, nên không dám phó hội? Hay là tăng lữ tu hành tinh thâm, không còn tham luyến hư danh, võ công tuy cao, nhưng không muốn tranh cường đổ thắng với người ngoài?”.

Nàng xuống lừa, lững thững đến trước cửa chùa, chỉ thấy cây cối rậm rạp, bóng râm che phủ một khu rừng bia. Bia đá quá nửa đã bị hủy phá, nét chữ mơ hồ, không biết viết những gì.

Nàng nghĩ thầm: “Chữ khắc sâu trên đá, theo năm tháng cũng mòn, thế nhưng sao những gì khắc trong tim ta, thời gian càng lâu càng sâu đậm?”."

Thú thật, tôi thực sự cảm động với tình yêu nhỏ này, nó khiến tôi suy nghĩ mãi chẳng thôi. Tội cho cô bé Quách Tương trong đoạn kết câu chuyện Thần Điêu Đại Hiệp đã phải chia xa người yêu mình trong luyến tiếc nhưng vẫn phải chúc phúc cho họ:

"Không nói nữa.

Chỉ nghe tiếng nói dõng dạc của Dương Quá:

- Cuộc gặp gỡ hôm nay thật là hào hứng. Sau này giang hồ tương hội, sẽ lại uống rượu chuyện trò. Chúng ta tạm biệt ở đây.

Nói rồi chàng phất tay áo, nắm tay Tiểu Long Nữ, cùng Thần điêu sánh vai nhau đi xuống núi.

Lúc này trăng sáng, gió nhẹ rì rào, Quách Tương không nhịn được nữa, lệ ứa ra thành hai hàng trên má.

Chính là:

Mùa thu con gió trong veo
Mùa thu trăng sáng dõi theo bóng nàng
Lá bay kìa hợp rồi tan
Lạnh lùng quạ khóc mênh mang đêm trường
Bao giờ gặp lại người thương
Đêm nay tình ấy tỏ tường cùng ai

Hic. Tội cho cô bé ấy quá!

----------------------------

Bài liên quan:


0 nhận xét: