Trước khi chết, người tì nữ già Tôn bà bà chỉ cầu xin Tiểu Long Nữ một điều - nàng hãy "chiếu liệu" cho Dương Quá suốt đời. Tiếp đó, bà bà trăn trối với Dương Quá một lời dặn không hết câu: "Long cô cô của ngươi cũng không ai thân thích, ngươi... ngươi... cũng...". Tình cảm và nỗi toan lo của Tôn bà bà dành cho Tiểu Long Nữ là tình mẫu tử, nhân ái và bao la. Chính bà bà là người đã nhìn ra mối duyên thiên định và hết lòng se sợi dây tình nghĩa giữa Dương Quá và Tiểu Long Nữ vậy.
Những fan kiếm hiệp Kim Dung hẳn phải thừa nhận rằng tình yêu của đôi nam nữ Dương Quá - Tiểu Long Nữ có thể xem là đẹp nhất - với sự hy sinh cao cả và những tình tiết kinh thiên động địa, bất tử và lắng đọng mãi trong chốn võ lâm giang hồ. Nhưng mấy ai nhớ nếu không có viên gạch đầu tiên, không có sự tác hợp, se duyên của người tì nữ già Tôn bà bà, thì có lẽ sẽ không bao giờ có được mối nhân duyên kỳ ngộ ấy.
Lời se duyên của người hầu già trong phút lâm chung
Sau khi tình cờ lưu lạc tới Hoạt tử nhân mộ, Dương Quá đã lần đầu tiên gặp Tôn bà bà và nàng Tiểu Long Nữ. Khi đó, hắn chỉ là một thằng nhóc 13, 14 tuổi, khóc lóc vì đau đớn và tủi thân. Hắn được Tôn bà bà dỗ dành.
------------------------
Lão phụ ( Tôn bà bà) lấy khăn lau nước mắt cho nó, an ủi:
- Hài tử ngoan, đừng khóc, đừng khóc; chỉ lát nữa sẽ hết đau thôi.
Lão phụ càng dỗ, Dương Quá càng khóc nức nở.
Bỗng bên ngoài tấm màn cửa có một giọng trong trẻo vang lên:
- Tôn bà bà, hài tử đó cứ khóc mãi không nín, thì làm thế nào?
Dương Quá ngẩng đầu nhìn, chỉ thấv một bàn tay trắng như ngọc vén tấm màn che, rồi một thiếu nữ bước vào. Thiếu nữ ấy mặc bộ đồ lụa trắng, tưởng như thân hình ở trong lớp sương mù, trạc mười bảy, mười tám tuổi, trừ mái tóc đen, toàn thân trắng như tuyết, khuôn mặt tú mỹ tuyệt vời, có điều là da dẻ trắng xanh, thiếu màu hồng. Dương Quá đỏ mặt, vội nín bặt, cúi đầu xấu hổ, nhưng vẫn đưa mắt nhìn trộm thiếu nữ một cái, thấy nàng đang nhìn mình, nó vội cúi mặt xuống.
Tôn bà bà cười, nói:
- Ta hết cách rồi, nàng lại dỗ nó vậy.
Thiếu nữ tới bên giường, xem vết ong đốt trên đầu Dương Quá, đưa tay sờ sờ góc trán, xem nó có bị sốt hay không. Bàn tay nàng vừa chạm vào trán, Dương Quá lập tức cảm thấy lạnh giá lạ thường, bất giác nó run cầm cập. Thiếu nữ nói:
- Không sao, ngươi đã uống mật ong, nửa ngày thì khỏi. Ngươi chạy vào rừng làm gì vậy?
Dương Quá ngẩng mặt lên, gặp ánh mắt của nàng, cảm thấy thiếu nữ thanh lệ tú nhã, càng nhìn càng ưa, song thần sắc lạnh lùng, đúng là thanh khiết như băng tuyết, cũng giá lạnh như băng tuyết, thật chẳng biết nàng mừng hay giận, buồn hay vui, tự dưng nó cảm thấy sờ sợ, nghĩ thầm: "Cô nương này là pha lê, hay là người tuyết? Rốt cuộc là người hay ma? Hay là thần đạo tiên nữ?" Nghe lời nói kiều nhu uyển chuyển, nhưng giọng nói tựa hồ không một chút ấm áp, thì nó ngẩn ngơ, không trả lời.
Tôn bà bà cười, nói:
- Vị Long tỷ tỷ là chủ nhân ở đây, Long tỷ tỷ vừa hỏi gì, sao ngươi không đáp?
Bạch y thiếu nữ tú mỹ này hóa ra là Tiểu Long Nữ, chủ nhân của "Hoạt tử nhân mộ". Nàng đã mười tám tuổi, có điều sống lâu trong nhà mộ, không có ánh nắng, nội công tu luyện lại theo con đường khắc chế tâm ý, nên trông trẻ hơn các thiếu nữ cùng trang lứa tới mấy tuổi. Tôn bà bà là a hoàn của sư phụ nàng, từ ngày sư phụ qua đời, hai người cùng ở trong nhà mộ với nhau. Hôm nay nghe tiếng ong, biết có kẻ xông vào cánh rừng bên ngoài nhà mộ, Tôn bà bà đi ra xem sao, thấy Dương Quá đã trúng độc ngất lịm, bèn cứu nó. Lẽ ra, theo qui củ ở đây bất cứ người ngoài là ai, cũng không được vào trong nhà mộ nửa bước, nam giới bước vào càng phạm đại kỵ; nhưng Dương Quá còn nhỏ, hơn nữa người đầy thương tích, Tôn bà bà không nỡ, nên phá lệ cứu nó.
---------------------------
Sau khi biết rõ hoàn cảnh côi cút đáng thương của cậu bé, Tôn bà bà hy vọng Tiểu Long Nữ sẽ thu nhận Dương Quá vào giáo phái (nói là giáo phái chứ thực ra vỏn vọn có hai người phụ nữ cô đơn là nàng và Tôn bà bà. Còn sư tỷ Lý Mạc Sầu thì đã bỏ đi từ lâu). Nhưng Tiểu Long Nữ lạnh lùng yêu cầu bà bà phải đem Dương Quá giao trả cho phái Toàn Chân, vì không muốn phạm môn quy.
Tôn bà bà giận dỗi dẫn Dương Quá bỏ đi, sau đó bị lọt vào vòng vây của những đạo sỹ phái Toàn Chân. Rồi bà bà bị đánh trọng thương, không thể qua khỏi. Tiểu Long Nữ quan tâm âm thầm theo sau nhưng cũng không cứu giúp kịp. Trong giây phút lâm chung, Tôn bà bà nói gì với Tiểu Long nữ?
-----------------------
Tiểu Long Nữ cúi xuống, hỏi Tôn bà bà:
- Bà bà cảm thấy thế nào?
Tôn bà bà thở dài, nói:
- Cô nương, cả đời ta chưa cầu xin cô nương điều gì. Bây giờ ta chỉ cầu xin cô nương một điều, cô nương không bằng lòng thì thôi.
Tiểu Long Nữ hơi cau đôi mày thanh tú, hỏi:
- Bây giờ bà bà muốn gì?
Tôn bà bà chỉ Dương Quá, nhất thời chưa nói nên lời. Tiểu Long Nữ nói:
- Bà bà muốn ta chiếu liệu cho nó chứ gì?
Tôn bà bà cố hít một hơi, nói:
- Ta cầu xin cô nương chiếu liệu cho nó suốt cả đời, không để cho nó bị thiệt thòi với người khác, cô nương có đáp ứng hay không?
Tiểu Long Nữ lưỡng lự:
- Chiếu liệu cho nó suốt đời ư?
Tôn bà bà gằn giọng:
- Cô nương, nếu lão bà tử này không chết, cũng sẽ chiếu liệu cho cô nương suốt đời. Hồi cô nương còn nhỏ, mọi việc ăn uống, tắm rửa, cứt đái... chẳng phải đều do một tay lão bà tử này lo liệu đó sao? Cô nương... cô nương đã báo ... đáp gì chưa ?
Tiểu Long Nữ cắn môi, nói:
- Được, ta đáp ứng bà bà.
Trên bộ mặt xấu xí của Tôn bà bà thoáng hiện nụ cười, lão bà nhìn Dương Quá, môi mấp máy, tựa hồ muốn nói. Dương Quá biết ý, ghé tai lại gần, nói nhỏ:
- Bà bà có gì muốn dặn đệ tử phải không?
Tôn bà bà nói:
- Ngươi... ngươi cúi thấp chút nữa.
Dương Quá y lời, ghé tai sát miệng Tôn bà bà. Tôn bà bà nói:
- Long cô cô của ngươi cũng không ai thân thích, ngươi... ngươi... cũng...
Nói tới đó, Tôn bà bà đột nhiên hộc máu ra, làm ướt cả một bên má và ngực áo của Dương Quá, rồi nhắm mắt mà chết.
-------------------
Dù Tôn bà bà thân phận chỉ là một a hoàn, nhưng do đã một tay chăm ẵm, nuôi nấng Tiểu Long Nữ từ nhỏ, nên giữa hai người có tình mẫu tử. Dù nàng là chưởng môn phái, Tôn bà bà hiển nhiên rất tôn trọng nhưng tình thương và sự lo lắng dành cho nàng không phải là của một kẻ nô tì mà là mối quan hoài của một người mẹ với con gái yêu. Nhất là khi suốt hàng chục năm qua, trong ngôi cổ mộ rớt cục cũng chỉ có hai người thui thủi bên nhau, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Trong giây phút vĩnh biệt, bà bà không nói những điều mà những người sắp chết thường nói. Chẳng hạn như dặn dò, nhắc nhở điều gì. Mà bà bà lại đi cầu xin - điều cầu xin ấy cũng thật khác thường và không hẳn là hợp lý - nếu xét theo lẽ thông thường.
Tôn bà bà dù sao cũng chỉ mới gặp cậu bé Dương Quá được mấy canh giờ, nên dù có thiện cảm, yêu quý cậu thế nào, chắc chắn cũng không thể so sánh được với tình cảm bà bà dành cho Tiểu Long Nữ. Vậy mà bà bà lại cầu xin cho Dương Quá được nàng "chiếu liệu" - tức là choàng thêm trọng trách, khó khăn cho nàng, chứ đâu có "cho" nàng.
Tôi không biết tiếng Hoa, chữ Hán, nên không hiểu từ nguyên gốc và ý nghĩa của việc vì sao dịch giả lại dịch ra từ "chiếu liệu". Nhưng quả thật động từ này hay và hợp quá. "Chiếu liệu" - theo cách nghĩ của tôi, là sự chiếu cố và lo liệu. Tôn bà bà cầu xin Tiểu Long Nữ chiếu cố và lo liệu cho Dương Quá suốt đời. Như vậy, nếu nàng đồng ý, thì hiển nhiên Dương Quá sẽ trở thành người thân duy nhất, gần gũi nhất của nàng rồi. Trong suốt cuộc đời.
Lúc này, Tiểu Long Nữ 18 tuổi, hơn Dương Quá khoảng 4, 5 tuổi và đang là chưởng môn phái Cổ mộ. Như vậy, trong mối quan hệ với Dương Quá, nàng đã là một cô gái vừa chớm tuổi trưởng thành, và từ nay sẽ phải đảm đương trách nhiệm của một "người lớn". Với việc chiếu liệu cho Dương Quá, chắc chắn sẽ cuộc sống của nàng rồi đây sẽ có những khả năng, tình huống mà Tôn bà bà không thể nào hình dung ra được.
Vậy có phải là quá đáng không, khi Tôn bà bà cầu xin một điều có thể nói sẽ ảnh hưởng lớn đến suốt cuộc đời nàng? Và lời cầu xin đó có khiên cưỡng không? Có tốt cho nàng không?...
Theo tại hạ, lời cầu xin đó hoàn toàn không phải là một ý nguyện theo kiểu cảm tính, bất chợt. Mà là cả một sự tính toán toan lo trong tấm lòng của một người mẹ. Khi nói ra lời cầu xin ấy, Tôn bà bà đã hiểu rõ về hoàn cảnh và tính cách của Dương Quá. Và Tiểu Long Nữ cũng vậy. Tôn bà bà không cầu xin Tiểu Long Nữ chiếu liệu cho một kẻ "lạ hoắc" mà nàng không quen biết, thiếu thiện cảm. Thiết tha là vậy, nhưng Tôn bà bà không ép buộc nàng, bà bà nói: "nếu cô nương không chịu thì thôi"!
Từ "chịu" mà Tôn bà bà nói cũng thật tinh tế, ý nhị. "Chịu" không có nghĩa là sự "đồng ý" thuần túy và hoàn toàn, mà có yếu tố tình cảm và sự cân nhắc lồng trong đó. Đối với người miền Nam, nói "chịu" thậm chí trong một số trường hợp còn có nghĩa là "thương", là "yêu". Em chịu lấy anh không? Anh có chịu em không?
Cần phải hiểu lời cầu xin "chiếu liệu" cho Dương Quá thực ra chỉ mới là một vế trong vấn đề mà Tôn bà bà đưa ra. Nếu chỉ có sự "chiếu liệu" của Tiểu Long Nữ dành cho Dương Quá là chưa đủ, không đúng với ước mong của Tôn bà bà. Đây mới chỉ là yếu tố "cần" mà thôi. (Nhưng Tiểu Long Nữ thì lúc này cũng chỉ hiểu một cách đơn giản là Tôn bà bà cầu xin mình quan tâm, nuôi dưỡng cho chú bé mồ cô Dương Quá. Thế thôi).
Tuy miệng nói "nếu cô nương không chịu thì thôi !" - nhưng Tôn bà bà cũng hết sức quyết liệt để ý nguyện của mình được thành hiện thực. Chính vì vậy, Tôn bà bà đã tung ra một "vũ khí" có thể nói là mạnh và nặng nhất mà mình có - đó là kể ra công nuôi dưỡng nàng. Rồi hỏi ép nàng: " Cô nương đã báo đáp gì chưa?". Tôn bà bà đặt ra tình huống so sánh việc Tiểu Long Nữ phải chiếu liệu cho Dương Quá như là sự báo đáp công nuôi dưỡng của người mẹ. Có người mẹ nào lại nỡ đặt ra câu hỏi ấy với con gái mình, trong giây phút lâm chung? Vậy mà Tôn bà bà đã hỏi nàng như vậy. Thật là một sức ép kinh người, chỉ sử dụng duy nhất một lần, cũng chỉ mong cho phải đạt được.
(Thực ra theo tại hạ nghĩ, có lẽ không cần bà bà phải nói nặng đến vậy. Tại hạ tin chắc rằng Tiểu Long Nữ cuối cùng rồi sẽ ưng thuận. Vì bản chất của nàng là một người tốt bụng, nhân nghĩa. Nhưng có lẽ vì sợ nàng quá cứng nhắc môn quy, nên Tôn bà bà tạo ra sức ép với nàng).
Chúng ta cần nhớ rằng đây là thời khắc mà Tôn bà bà biết là mình sắp vĩnh viễn ra đi, để lại trên cõi đời một người "con gái". Nàng tuy thân là môn chưởng môn, nhưng thực ra chỉ là một cô gái mới 18 tuổi, vô cùng non dại, ngây thơ, tinh khiết và mong manh biết chừng nào. ( Chính cậu bé Dương Quá cũng thấy ngay điều đó, và buột miệng nói sẽ che chở, bảo vệ cho nàng). Cô gái ấy chỉ lát nữa thôi sẽ chỉ còn thui thủi một mình trong một hang đá tăm tối, giữa những khối quan tài lạnh lẽo, không ánh mặt trời.
Có hiểu điều đó, mới thấy rằng việc Tôn bà bà cầu xin Tiểu Long Nữ "chiếu liệu" cho Dương Quá thực chất chính là sự "chiếu liệu" của Tôn bà bà cho nàng và vì nàng vậy. Chỉ có tình mẫu tử thiêng liêng mới có thể khiến Tôn bà bà lo lắng cho nàng đến vậy.
Chính vì biết mình đã già yếu, rồi đây sẽ chết để lại nàng cô đơn một mình, nên từ khi tình cờ gặp Dương Quá, biết hoàn cảnh và tính cách cương cường của cậu bé này, trong tiềm thức của Tôn bà bà như có một tia nắng chói chang, hy vọng, chiếu rọi vào tương lai ấm áp. Tôn bà bà đã nhìn xa và mong muốn Tiểu Long Nữ từ nay có người thân thiết, không phải mãi phận cô đơn, côi cút. Có thể Tôn bà bà không hẳn tin rằng rồi đây cả hai sẽ thành vợ chồng, nhưng trong tiềm thức bà bà hẳn có ý nguyện ấy.
Như đã nói, việc Tôn bà bà cầu xin Tiểu Long Nữ chiếu liệu cho Dương Quá mới chỉ là vế thứ nhất, là điều kiện "cần" của vấn đề. Cần có điều kiện "đủ" cho nàng. Đó là việc Tôn bà bà trăn trối với Dương Quá (nhưng không cho Tiểu Long Nữ nghe): " Long cô cô của ngươi cũng không ai thân thích, ngươi... ngươi... cũng..." - nói tới đây chưa hết câu thì hộc mà máu chết !" Thật xúc động!
Dương Quá chỉ là một cậu bé, mà lại nghe một lời trăn trối mơ hồ, chưa hết. Có thể nói là khó hiểu và nằm ngoài khả năng hiểu biết của một đứa bé.
Nhưng thần diệu thay, hai câu nói của Tôn bà bà trong giây phút lâm chung đó chính là sự tác hợp se duyên cho hai người vậy.
Mặc dù qua ngôn ngữ nói chuyện giữa Tôn bà bà và Tiểu Long Nữ thoạt nghe có vẻ cụt ngủn, thô lỗ và thậm chí là lạnh lùng, vô cảm - theo đúng kiểu con nhà võ, giới giang hồ - nhưng thực chất đã ẩn chứa biết bao là tình cảm, mối quan hoài, sự hy sinh cao cả.
Nói lời cầu xin, nhưng nào phải cầu xin gì cho mình. Tình cảm và sự chiếu liệu mà Tôn bà bà dành cho Tiểu Long Nữ thật đáng ngưỡng trọng.
Môn quy là cái chi chi?
Phái Cổ mộ có một điều luật rất nghiêm khắc, là không thu nạp nam giới. Quy định này xuất phát từ cuộc tình đổ vỡ của người sáng lập ra môn phái. Tức là có lý do và nguồn gốc rõ ràng. Môn quy như vậy dù có phần cực đoan nhưng không phải là hoàn toàn vô lý và đã được tuyệt đối tôn trọng. Kẻ nào vi phạm thì bị đuổi đi. Trường hợp Lý Mạc Sầu sư tỷ của Tiểu Long Nữ là một ví dụ.
Thế mà trước khi chết, Tôn bà bà là một a hoàn lại đưa ra một lời cầu xin đầy sức nặng, phá vỡ môn quy.
Còn chưởng môn Tiểu Long Nữ thì ngay từ khi chưa nghe Tôn bà bà nói, lại đã đoán được ý nguyện của bà bà. Chính nàng là người hỏi trước: "Tôn bà bà muốn ta chiếu liệu cho nó chứ gì"? Sau đó, Tiểu Long Nữ cắn môi, nói: Được, ta đáp ứng bà bà.
Tiểu Long Nữ hoàn toàn không dễ dàng khi nói "đáp ứng" lời cầu xin của Tôn bà bà. Nàng không thể dễ dàng đáp ứng trước hết bởi nàng là một cô gái ngoan (tại hạ không nói là nàng hiền hay nhu nhược). Thật vậy, nàng rất ngoan và lại là chưởng môn, luôn tuân thủ một cách tuyệt đối lời giáo huấn của sư phụ, giữ vững quy môn. Hơn nữa, lúc này nàng cũng chưa tiếp xúc với ai, chưa từng có tình cảm sâu đậm gì với Dương Quá. Mà nàng cũng chẳng quá lo nghĩ gì. Nàng lạnh lùng và dửng dưng. Vì nàng từ nhỏ đã được huấn luyện và nuôi dưỡng như vậy. Nên nàng không có nhu cầu gì phải chiếu liệu cho ai. Lúc này, nàng chỉ đơn giản là một khối ngọc tuyệt đẹp, không vướng chút bụi trần và vô cùng mong manh.
Nhưng nàng hoàn toàn không phải là một con người vô cảm. Thực ra trong nàng luôn có bản năng và tiềm ẩn tình người, lòng nhân hậu, sự quan tâm. Dù chính nàng cũng không nhận biết ra. Hoàn toàn không phải là nàng không quan hoài, hay không có tình cảm, tình nghĩa gì với Tôn bà bà. Chính vì vậy, nàng đã âm thầm đi theo khi Tôn bà bà dắt cậu bé Dương Quá bỏ đi, và ra tay cứu, báo thù cho bà bà (nhưng không kịp).
Với việc cuối cùng Tiểu Long Nữ nhận "đáp ứng" lời cầu xin của Tôn bà bà, là "chiếu liệu" cho Dương Quá suốt đời, chúng ta chợt thấy rằng cái gọi là môn quy của phái Cổ mộ nghiêm thì rất nghiêm, nhưng lại hoàn toàn không phải là tuyệt đối, Không đến mức buộc mọi thành viên trong phái phải "kinh sợ". Mà môn quy ấy vẫn có thể bị phá vỡ, vứt vào sọt rác - bởi sự tác động của yếu tố tình cảm, tình người.
Điều đó thật là bất ngờ và thú vị. Cho thấy chân giá trị của sự tự do, phóng khoáng trong tình yêu, tình cảm. Tiểu Long Nữ ngoan là vậy, là chưởng môn phái là vậy, mà vẫn phá vỡ môn quy không quá khó khăn, bởi sự tác động của tình cảm. Thậm chí về sau nàng còn "phạm tội" nặng hơn nhiều, là nảy sinh tình cảm với Dương Quá, thậm chí hiến thân do Dương Quá. Tự miệng nói muốn làm thê tử của chàng. Từ vai trò của một sư phụ trở thành một người vợ. Sự phá vỡ môn quy ấy còn "khủng khiếp" đến cỡ nào. Tình yêu của họ "ngông cuồng" và bất chấp những khuôn phép, lễ giáo thông thường. Đến mức như lão Đông tà Hoàng Dược Sư, vốn chẳng coi lễ giáo là gì, mà còn phải nể phục!
Và chúng ta còn thấy một điều thú vị khác, là rớt cục thì toàn bộ các thành viên của phái Mộ cổ, dù có quy định hết sức nghiêm ngặt, đều được giáo huấn là phải căm ghét, khinh miệt đàn ông, nhưng lại là những người nữ tính nhất, sống và hành động theo tiếng gọi của bản năng, tình cảm. Tất cả đều đã phá bỏ môn quy - từ vị sư tổ, cho đến Lý Mạc Sầu, Tôn bà bà và người cuối cùng là Tiểu Long Nữ!
Thế mới thấy môn quy là cái chi chi. Những quy định đặt ra suy cho cùng cũng chỉ là một mớ giáo điều, khiên cưỡng. Khát vọng về tự do và tình yêu sẽ phá bỏ mọi rào cản môn quy!
Chợt thấy lòng chùng xuống, chút xúc động bâng khuâng. Chợt nhớ đến câu ca dao cổ:
Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Trong Thần điêu hiệp lữ, Tôn bà bà chỉ là một bà già có ngoại hình xấu xí, một thân phận "giẻ rách" và đã chết ngay từ đầu truyện, sau vài trang sách ngắn ngủi. Thế nhưng, những điều mà nhân vật này tạo dựng và để lại thì lại thật thần diệu, cao cả.
Tôn bà bà - người MẸ đã hết lòng vì con gái Tiểu Long Nữ.
----------------------
Bài liên quan:
- Sức nặng của lời hẹn sau 16 năm vợ chồng sẽ tái hợp của Tiểu Long Nữ khiến Trời cũng phải động lòng
- Bâng khuâng nhớ người se duyên cho Tiểu Long Nữ và Dương Quá
- Vụ "hái quả" Tiểu Long Nữ, đừng quá trách Doãn Chí Bình
- Âu Dương Phong có trách nhiệm gì trong việc Tiểu Long Nữ bị Doãn Chí Bình “hái quả” không?
- Nghĩ gì trong giây phút Tiểu Long Nữ bị Doãn Chí Bình cướp đoạt đời con gái?
- Tiểu Long Nữ hẹn gặp Dương Quá sau 16 năm là để chờ Quách Tương lớn lên?
- Thú vị nghe Quách Tương luận về đại anh hùng võ lâm
- Chu Chỉ Nhược xinh đẹp nhận chỉ thị quyến rũ Trương Vô Kỵ và bí mật về Ỷ thiên kiếm Đồ long đao
0 nhận xét: