Ở Việt Nam, sau ngày giải phóng, Tạp chí Văn học nước ngoài - Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản bộ Tuyết Sơn Phi Hồ (1998). Năm 2001, Nhà Xuấ...

Mượn Độc cô cửu kiếm “phá chiêu” Kim Dung


Ở Việt Nam, sau ngày giải phóng, Tạp chí Văn học nước ngoài - Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản bộ Tuyết Sơn Phi Hồ (1998). Năm 2001, Nhà Xuất bản Văn học cho ra mắt bạn đọc Việt Nam bộ Anh hùng xạ điêu và Tiếu ngạo giang hồ với sự đồng ý chuyển nhượng bản quyền của Kim Dung theo bản in tác giả chọn sau khi đã biên tập và chỉnh lý.

NHẬN ĐỊNH: Vào khoảng giữa thập niên 60 của thế kỷ 20, nhiều bạn đọc ở miền Nam say mê truyện võ hiệp Kim Dung. Ngày đó truyện dịch Đông - Tây khá nhiều trên các quầy sách, nhưng theo chủ quan của tôi, dường như chưa có nhà văn nước ngoài nào gây ấn tượng mạnh và chiếm nhiều tình cảm của độc giả như nhà văn Kim Dung. Thú thật, đẳng tuổi đôi mươi của chúng tôi ngày ấy mà cầm trên tay bộ sách kiếm hiệp đi ra đường thì... chẳng giống ai. Song sức hấp dẫn của truyện Kim Dung đã kéo bước chân chúng tôi đến những quầy cho thuê sách và... gói về nhà đọc một cách say sưa. Theo tôi, ngoài cách dựng truyện, kể chuyện tài tình, Kim Dung còn cung cấp cho người đọc những kiến thức về xã hội học, võ học, y học, dược học... khá phong phú, chứ không chỉ thuần việc “mua vui cũng được một vài trống canh”.
Theo Vũ Đức Sao Biển, một trong ba dịch giả của bộ Tiếu ngạo giang hồ (2001), và là người viết lời giới thiệu, thì “Tiếu ngạo giang hồ là một siêu phẩm”. Từng đọc và cũng đã từng say mê truyện võ hiệp của Kim Dung, tôi cũng thừa nhận, đây là một trong số những tác phẩm hay và hấp dẫn của Kim Dung. Nhưng luận theo Độc cô cửu kiếm, thì một khi đã có chiêu thức ắt phải có sơ hở. Do vậy, trong bài viết này tôi xin mượn Độc cô cửu kiếm của Kim Dung để “phá chiêu” của Kim Dung. Cái thú của Độc cô cửu kiếm là không câu nệ tiểu tiết, bởi “người thì sống, kiếm pháp thì chết, người sống không thể bị kiếm pháp chết ràng buộc”, nên hãy hành động theo ý mình, không khiên cưỡng, gượng ép, cứ phải như là “nước chảy mây trôi”. Phong Thanh Dương khi truyền Độc cô cửu kiếm cho Lệnh Hồ Xung luôn nhắc nhở: “Người sử dụng kiếm, chứ không phải kiếm sử dụng người”. Và đây chính là chỗ thâm thúy của Độc cô cửu kiếm vậy.

1 Qua 8 tập, hơn 3.500 trang in, người đọc thấy Nhạc Bất Quần ham chơi hơn ham phát triển môn phái. Khi Nhạc Bất Quần tiếp nhận chưởng môn thì phái Hoa Sơn không còn ai ngoài hai vợ chồng ông ta, vậy mà hơn chục năm sau ông mới nhận Lệnh Hồ Xung làm đệ tử đầu tiên.  Kim Dung xây dựng nhân vật Lệnh Hồ Xung thấm nhuần tư tưởng Lão - Trang, rõ nét nhất ở chương Lệnh Hồ Xung được Phong Thanh Dương chỉ điểm kiếm pháp và học Độc cô cửu kiếm. Ta đã biết, Trang Tử  từng viết: “Chí nhơn vô kỳ, thần nhơn vô công, thánh nhơn vô danh” (bậc chí nhơn không thấy có mình, bậc thần nhơn không nhớ đến công mình, bậc thánh nhơn không nghĩ đến tên mình); Lão Tử cũng có nói: “Công toại thân thoái”, “Vi như bất thị”, “Công thành phất cư”… (nên việc lui thân, làm mà không cậy công, thành công rồi không ở lại...). Nhưng Lệnh Hồ Xung là người sống rất có tình có nghĩa, sẵn sàng chết vì người mình yêu, vì người mình kính trọng, vì người có ơn với mình... Và cái “tánh tự nhiên” của Trang Tử cũng không cho phép Lệnh Hồ Xung “xóa sổ” phái Hoa Sơn dễ dàng như vậy.

2 Vào truyện, “Sử tiêu đầu cũng xáp vào giao thủ với gã họ Giả” (T.1, trang 28), và Lâm Bình Chi lệnh cho Trịnh tiêu đầu: “Hãy qua giúp Sử tiêu đầu” (T.1, trang 28). Hai vị tiêu đầu đánh ì xèo với gã họ Giả, thở không ra hơi thì “Lâm Bình Chi phẫn nộ, liếc mắt nhìn hai tiêu đầu Sử, Trịnh; thấy cả hai đang liên thủ đánh gã họ Dư” (T.1, trang 30). Những “chiêu số” kém cỏi này còn lặp lại nhiều chỗ. Cụ thể, tam sư đệ của Lệnh Hồ Xung là Lương Phát bị tên bịt mặt “vừa nói vừa vung đao lên chém một đao vào đầu Lương Phát, máu tươi phun ra, tám chín đệ tử phái Hoa Sơn cùng kinh hãi la hoảng lên” (T.3, trang 239), và “bọn đệ tử người nhóm lửa nấu cơm, người đào huyệt chôn cất thi thể Lương Phát” (T.3, trang 279), vậy mà đến tập 4, Lương Phát bỗng dưng sống lại để “Lệnh Hồ Xung gọi tiếp: - Nhị sư đệ, tam sư đệ, tiểu sư muội !” (trang 68). Chưa hết. Vào truyện, phái Thanh Thành tiêu diệt Phước Oai tiêu cục, bằng loại võ công rất lợi hại, giết người không để lại dấu vết là “tồi tâm chưởng”. Thế nhưng sau lần đó, không biết tại sao phái Thanh Thành từ chưởng môn cho đến các đại đệ tử bị họ đánh tơi tả, chấp nhận lấy cái chết chứ không ai chịu sử dụng loại võ công lợi hại ấy nữa?

3 Hằng năm vào ngày tết Đoan ngọ, những người bị giáo chủ ma giáo khống chế bằng Tam thi não thần đan phải quay về Hắc Mộc Nhai - tổng đàn của ma giáo để được uống thuốc giải. Như vậy, những giáo chúng trung thành của Đông Phương Bất Bại như: Bao Đại Sở, Tang Tam Nương, Ngốc Bút Ông, Thượng Quan Vân… sợ gì Tam thi não thần đan của Nhậm Ngã Hành (T.5, hồi thứ chín mươi) mà phải phản lại Đông Phương Bất Bại xin trung thành suốt đời với Nhậm Ngã Hành? Nếu Tam thi não thần đan của hai người có khác nhau, thì khi Đông Phương Bất Bại chết, những người uống Tam thi não thần đan trước đó phải bị chết hết sao ?

4 Hướng Vân Thiên - nhân vật được Kim Dung ưu ái cũng để lộ nhiều sơ hở. Hơn 12 năm trước, lúc Nhậm Ngã Hành chưa bị Đông Phương Bất Bại cầm tù dưới đáy Tây Hồ, thì Hướng Vân Thiên đã “tức giận bỏ đi biệt tích” (T.5, trang 103), vì khuyên Nhậm Ngã Hành đừng quá tin tưởng Đông Phương Bất Bại mà không được. Nhưng cũng ở tập 6 này Kim Dung lại ra chiêu: “Mười hai năm trước, giáo chủ mất tích một cách lạ lùng. Đông Phương Bất Bại lên soán vị. Tiểu huynh biết trong chuyện này có điều kỳ quặc đành phải nhẫn nhịn, gắng gượng theo Đông Phương Bất Bại. Cho đến lúc gần đây, tiểu huynh mới thăm dò biết được nơi giáo chủ bị giam cầm, liền đến giúp giáo chủ thoát ngục. Nào ngờ tiểu huynh vừa xuống Hắc Mộc Nhai thì thằng cha Đông Phương Bất Bại phái đại đội nhân mã truy sát, lại gặp phải đồ khốn nạn trong chính phái kéo đến nhập lại làm náo nhiệt” (trang 94). Ở tập 7, thì “Ta nhận ra ngươi là phản đồ phản giáo Hướng Vân Thiên. Nhật Nguyệt thần giáo đã sớm cách chức, trục xuất ngươi ra khỏi bổn giáo, ngươi dựa vào cái gì mà dám trở lại Hắc Mộc Nhai” (trang 16).

5 Khi Lệnh Hồ Xung lãnh đạo quần hào “hơn năm sáu ngàn người” (T.6, trang 59) lên Thiếu Lâm cứu Thánh cô. Khi vào chùa không thấy có ai, Lệnh Hồ Xung “triệu gọi hai trăm vị huynh đệ vào chùa lục soát” (T.6, trang 67). Không hiểu số hào sĩ ở bên ngoài lúc ấy đi đâu để “địch nhân bao vây các con đường xuống núi” (T.6, trang 76-77) suýt chết cả nút?

6 Về cái chết của Định Nhàn, Định Dật sư thái trên chùa Thiếu Lâm, Doanh Doanh không hề biết. Doanh Doanh hét lên một tiếng, run run nói: “Sao ? Hai vị Định Nhàn, Định Dật sư thái chết rồi ư ?” (T.6, trang 125), nhưng đến trang 226 thì “tiểu muội đã cởi áo hai vị sư thái ra quan sát, thấy ở chỗ trái tim của hai người đều có một lỗ kim châm màu hồng. Hai vị bị người dùng kim châm đâm chết”.

7 Khi giết xong Đông Phương Bất Bại, Nhậm Ngã Hành thò vào túi áo của y lấy ra cuốn sách cũ mỏng. “Lão cầm cuốn sách giơ lên rồi nói: - Cuốn sách này chính là Quỳ hoa Bảo điển, trang đầu ghi rõ “Muốn luyện thần công phải dùng đao tự thiến”. Lão phu biết vậy nên không đi làm cái chuyện ngu dại này. Ha ha, ha ha...” (T.7, trang 53). Ngay lúc đó, Lệnh Hồ Xung cũng có mặt và hiểu khá rõ vấn đề, nên khi thấy Nhậm Ngã Hành hủy nó đi thì “Doanh Doanh thở phào nói: - Đồ hại người đó hủy đi là tốt nhất. Lệnh Hồ Xung cười nói: - Doanh muội sợ ta luyện nó sao? Doanh Doanh mặt đỏ ửng, phì một tiếng. Cô nói: - Ăn nói không đứng đắn chút nào” (T.7, trang 54). Vậy mà sau đó cả hai đều không biết. Doanh Doanh nói: - Chuyện này tiểu muội cũng hỏi gia gia rồi. Gia gia nói: một là võ công trên bộ bảo điển này không học được, học xong rất có hại” (T.7, trang 309). Lệnh Hồ Xung cũng không biết, hỏi: “Học không được ư ? Tại sao vậy? Doanh Doanh đỏ mặt, nói: - Tại sao không học được, tiểu muội đâu có biết ?” (T.7, trang 309-310).

Tóm lại, pho Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung khá hoàn chỉnh và cũng khá lợi hại, nhưng với Độc cô cửu kiếm thì nhìn ra quá nhiều sơ hở.


NHÃ THUẦN

0 nhận xét: