Thời gian gần đây, hàng loạt truyện kiếm hiệp, đặc biệt là truyện của những tác giả mới, được dịch và in thành sách ở Việt Nam. Điều thú ...

Dịch truyện kiếm hiệp: Từ phong trào mạng đến xuất bản sách


Thời gian gần đây, hàng loạt truyện kiếm hiệp, đặc biệt là truyện của những tác giả mới, được dịch và in thành sách ở Việt Nam. Điều thú vị là việc dịch và xuất bản các tác phẩm này lại bắt đầu từ một phong trào dịch thuật ở các diễn đàn trên mạng Internet.


Web trước, sách sau

Từ những năm 1970, độc giả Việt Nam bắt đầu biết truyện kiếm hiệp của các tác giả nổi tiếng như Kim Dung, Cổ Long… Tuy nhiên, qua một thời gian dài trầm lắng, đến năm 1999, khi Công ty CP Sách Phương Nam ký hợp đồng in và xuất bản các tác phẩm của Kim Dung ở Việt Nam thì hàng loạt truyện kiếm hiệp khác mới được dịch lại và xuất bản nhưng chủ yếu vẫn là của các tác giả quen thuộc.


Một số trang web truyện kiếm hiệp có nhiều thành viên.

Năm 2007, lần đầu tiên độc giả Việt Nam được Công ty Fahasa giới thiệu một bộ truyện thuộc thể loại tạm gọi là “tân hiệp”: Bộ Tru Tiên của tác giả Tiêu Đỉnh, dịch giả Đào Bạch Liên. Với sự thành công của Tru Tiên, Đào Bạch Liên tiếp tục giới thiệu truyện Tu La Đạo của tác giả Bộ Phi Yên năm 2008. Mới đây nhất là truyện Thất Dạ Tuyết của tác giả Thương Nguyệt, dịch giả Lục Hương, NXB Hội Nhà Văn xuất bản cuối tháng 1-2009.

Tuy nhiên, trên một số trang web, diễn đàn Internet, việc dịch lại các truyện kiếm hiệp đã bắt đầu khá sớm. Khoảng năm 2000, những trang web nhanmonquan, maihoatrang, vietkiem… đã bắt đầu dịch truyện kiếm hiệp để giới thiệu cho các thành viên.

Thậm chí trước khi Fahasa xuất bản bộ Tru Tiên, trên trang web nhanmonquan đã giới thiệu trọn bộ tác phẩm này bằng tiếng Việt. Hiện nay, phong trào dịch truyện kiếm hiệp còn trở thành sự ganh đua giữa một số trang web truyện kiếm hiệp như nhanmonquan, tangthuvien, 4vn…

Có trang web còn thuê các sinh viên giỏi tiếng Hoa dịch truyện kiếm hiệp cho mình để thu hút thành viên. Đội ngũ dịch thuật trên các trang web này rất đa dạng. Họ là các dịch giả chuyên nghiệp, du học sinh, người giỏi tiếng Hoa... Nhưng cũng có những người nghiệp dư, không biết tiếng Hoa nhưng nhờ các chương trình, công cụ dịch thuật để tham gia dịch truyện. Một số trang web còn mở lớp dạy dịch thuật tiếng Hoa để tự đào tạo đội ngũ dịch giả.

Sách vẫn có ưu thế

Hiện tại, các trang web truyện kiếm hiệp đã đi trước rất xa về số đầu truyện kiếm hiệp được dịch so với xuất bản sách. Tuy nhiên, do trình độ dịch giả không đồng đều, đa phần chỉ dịch vì sự ham thích và khi rảnh rỗi nên rất nhiều đầu truyện bị bỏ ngang, tốc độ ra truyện cũng không đều, các lỗi văn phong, chính tả, dịch thuật nhiều không kể xiết nên truyện dịch được xuất bản vẫn có những ưu thế rõ rệt. Hơn nữa, các dịch giả chuyên nghiệp thường đóng vai trò nòng cốt trên một số trang web nên khi dịch bộ truyện nào họ cũng đều có sự tham khảo để tránh trùng lặp và tiếp thị trước cho tác phẩm của mình.

Cũng phải nói thêm, nhu cầu về truyện kiếm hiệp ở Trung Quốc rất lớn, giúp nước này có đội ngũ tác giả truyện kiếm hiệp kế thừa rất tốt. Sau khi Kim Dung và Cổ Long qua đời, Trung Quốc lại có Ôn Thụy An, Huỳnh Dịch kế thừa và hiện nay nổi tiếng nhất trên văn đàn truyện kiếm hiệp Trung Quốc là 5 tác giả được tôn là “Thần Châu Tân Ngũ Hiệp”, gồm Tiểu Đoạn, Phượng Ca, Thương Nguyệt, Bộ Phi Yên và Tiêu Đỉnh.

Ở Trung Quốc hiện có một tạp chí kiếm hiệp rất có uy tín là Kim Cổ Truyền Kỳ. Nước này cũng có các cuộc thi sáng tác truyện kiếm hiệp quy mô lớn và nhiều bảng xếp hạng truyện kiếm hiệp, giới thiệu truyện mới trên mạng, giúp độc giả dễ lựa chọn và cũng giúp các nhà xuất bản ở Trung Quốc có một “bộ lọc” để tìm kiếm những tác phẩm ăn khách trên mạng in thành sách. Có tác giả mới viết vài chương truyện giới thiệu trên mạng nhưng thu hút nhiều người đọc thì lập tức có nhà xuất bản chủ động tìm đến ký hợp đồng xuất bản sách.

Khó dự đoán sự phát triển của việc xuất bản truyện dịch kiếm hiệp vì đây còn là một hiện tượng khá mới ở Việt Nam. Nhưng sự xuất hiện của những cuốn truyện dịch kiếm hiệp đã làm phong phú thêm thị trường sách trong nước và cung cấp cho độc giả Việt Nam những sự chọn lựa mới.

“Để dịch truyện kiếm hiệp thành công đòi hỏi người dịch phải có vốn văn hóa phương Đông và sự đam mê lớn vì truyện kiếm hiệp thường khá dài, nếu không có sự đam mê thì không thể dịch tốt từ đầu đến cuối được” – Dịch giả Lục Hương (Nguyễn Xuân Minh), người chuyển ngữ truyện Thất Dạ Tuyết.

Thái Dương

0 nhận xét: